Tộc người Kassena ở Châu Phi có tập quán sinh sống độc đáo hơn hẳn những bộ tộc thiểu số khác trên vùng đồng cỏ Châu Phi. Thay vì, những ngôi nhà đơn điệu với bùn và lá cọ, người ta xây dựng tổ ấm của mình bằng đất nung và vẽ các họa tiết lên các bức tường phía bên ngoài ngôi nhà.
Ngôi làng Tibele nằm trong địa phận của Burkina Faso, một nước nghèo ở Châu Phi, và cũng là một trong những nơi nghèo nhất thế giới. Thế nhưng ngôi làng này lại được xem là nơi tập hợp của giới quý tộc.
Khu phức hợp rộng 1,2 ha được xây dựng từ thế kỷ 15. Cho đến gần đây, nó vẫn là điều bí ẩn đối với thế giới bên ngoài. Chính vì điều này mà ngôi làng vẫn còn bảo tồn được truyền thống và kiến trúc và vẻ đẹp yên bình của ngôi làn trước làn sóng của những du khách trong thời đại toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, thủ lĩnh tộc người Kassena đã đồng ý để nhà chức trách mở rộng hoạt động du lịch tại ngôi làng, bởi vì họ cần kinh phí để trùng tu cho những ngôi nhà cổ cũng như cung cấp phúc lợi cho những người nghèo.
Những đợt hạn hán và thời tiết khắc nghiệt khiến tổ chức World Monuments Fund phải đưa nơi đây vào danh sách bảo tồn ngang hàng với các di sản quý giá còn tồn tại trên trái đất.
Kiến trúc độc đáo từ phân bò
Nhiều người ắt hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những ngôi nhà của họ được làm từ đất sét, rơm gỗ và … phân bò. Mục đích xây dựng ngôi nhà bên cạnh là nơi trú ẩn dưới cái nóng oi ả của Phi Châu, trong quá khứ nó còn là một pháo đài thu nhỏ để bảo vệ cư dân trong làng trước các cuộc chiến giữa các bộ lạc.
Những ngôi nhà được bao quanh bởi các bức tường và chỉ có một lối vào duy nhất, các cửa ra vào đều rất nhỏ để kẻ thù không thể nhìn thấy bên trong. Ngày nay những cư dân nơi đây sử dụng mái nhà để phơi các loại hạt. Nếu nhiệt độ lên quá cao, những bức tường dày và không có cửa sổ sẽ bảo vệ họ khỏi ánh nắng thiêu đốt của mặt trời.
Bên trong ngôi nhà nội thất được bố trí hết sức đơn giản, chỉ có một vài đồ vật làm từ đất sét nung và kim loại. Món ăn phổ biến của các gia đình nơi đây là foofoo, nó được làm từ các loại ngũ cốc nghiền nhỏ và được chiên lên hoặc nấu thành cháo. Ngoài ra, chúng còn được ăn kèm với các loại nước sốt làm từ rau và ớt, nhà càng giàu thì càng có nhiều nước sốt.
Một nhiếp ảnh gia tên là Rita Willaert đã kể lại rằng cô phải mất hơn một năm để được đến thăm nơi đây. Người dân địa phương có một tín ngưỡng riêng và điều thú vị là họ không quan tâm đến việc người khác có tin vào điều đó hay không. Tuy nhiên, họ không muốn người lạ mặc đồ màu đỏ và không được cầm ô, bởi vì chỉ có những gia đình quyền quý ở nơi đây mới được phép làm như vậy.
Mỗi căn nhà là một tác phẩm nghệ thuật
Sau khi xây xong phần thô của ngôi nhà, những người phụ nữ sẽ được giao nhiệm vụ trang trí lên những bức tường bằng bùn hoặc phấn trắng. Hình trang trí trên tường thường sẽ mô tả về hoạt động sinh hoạt hoặc tôn giáo của cư dân. Họ tin rằng mọi thứ đều có linh hồn, thậm chí là động vật và cây cối, người ta còn tin rằng thế giới bên kia thực sự tồn tại. Và những người phụ nữ sẽ thể hiện điều này thông qua “tác phẩm nghệ thuật” của mình.
Khi được xây dựng xong, người ta sẽ phủ lên các bức tường một lớp sơn được chế biến từ đầu Nere và cây keo gai Châu Phi, việc này phải được thực hiện trước mùa mua để tránh sự sói mòn của nước mưa.
Các bức tranh ở Tiebele rất phong phú về nội dung, một vài bức vẽ mô tả về cuộc sống thường nhật, số khác lại là về trí tuệ, tình bạn, sự lãnh đạo và đoàn kết. Ngay cả những mẫu hình đơn giản cũng hàm chưa một ý nghĩa hoặc một câu chuyện thú vị nào đó. Ví dụ, một con rùa trong văn hóa dân gian của Kasssena biểu thị cho sự kết hôn. Khi một người đàn ông nhìn thấy một con rùa, anh ta phải giữ nó trong một cái nồi đất và mang về nhà. Trong vòng một năm sau đó, rất có thể người vợ tương lai của anh ta sẽ xuất hiện.
Qua hàng trăm năm tồn tại trên mảnh đất cằn cỗi, cho đến nay, Tiebele vẫn rất dè dặt với thế giới bên ngoài. Trước áp lực về kinh tế và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, người dân nơi đây cũng đã chấp nhận chào đón các hoạt động du lịch. Hy vọng rằng, với sự tôn trọng những giá trị truyền thống vốn có, cư dân bản địa sẽ tiếp tục lữu giữ những truyền thống tốt đẹp vốn có cho thế hệ mai sau.
Trọng Đạt