Chỉ là một nước nhỏ với dân số 10 triệu người, nhưng Bỉ lại là quốc gia chiếm vị trí rất quan trọng trong hệ thống các quốc gia khối châu Âu. Với những cảnh quan tuyệt đẹp và không khí trong lành, xứ sở Chocolate đã tạo ra sức hấp dẫn lạ thường cho những du khách đến tham quan.

Ở Bỉ cái gì cũng sạch

Nếu đã quá quen thuộc cảnh tắc đường ở Việt Nam một ngày nắng hè rực rỡ, phải nhích từng chút một ngay sau ống xả của một chiếc xe buýt, muốn tiến cũng không được, muốn lùi cũng không xong, bạn chắc chắn bị “choáng ngợp” bởi không gian cực trong lành và sạch sẽ ở Brussels – thủ đô của Bỉ, trái tim của Châu Âu. Có lẽ bạn sẽ chỉ muốn giang rộng hai tay rồi hít lấy hít để cái không khí trong trẻo, mát lành của  nơi được mệnh danh là “rừng trong thành phố”.

Bạn cũng sẽ yêu biết bao thành phố xinh đẹp này với những vỉa hè rộng thênh thang và luôn sạch sẽ, bởi mỗi nhà đều phải chịu trách nhiệm trước cửa nhà mình. Nếu để vỉa hè bẩn, không sạch khiến khách bộ hành bị ngã thì chủ nhà sẽ phải… đền. Mùa xuân thì còn đỡ chứ mùa đông mà không thường xuyên quét tuyết, ai đi qua trơn ngã thì tha hồ cho chủ nhà bồi thường!

Theo tôi thì đây chính là một trong những lý do chủ yếu khiến người dân Bỉ rất thích ngồi quán vỉa hè uống bia, vừa thưởng thức chất men tuyệt hảo vừa được sưởi nắng và hít thở không khí trong lành, chứ không lo phải hít bụi như khi ta ngồi trà đá vỉa hè ở Việt Nam. Ngoài ra, người Bỉ còn rất “văn minh” khi uống bia nữa. Họ chỉ uống một đến hai cốc để “kiếm cớ” trò chuyện cùng bạn bè một chút chứ không phải kiểu chén chú chén anh, 123 Dzô như cảnh thường thấy ở các quán nhậu Việt Nam.

Đặc biệt, người Bỉ rất coi trọng những nhu cầu thiết yếu của đời sống con người. Ví dụ điển hình mà ai cũng biết đó là nước máy ở đây rất sạch (không nhiễm độc asen) đủ tiêu chuẩn uống thẳng. Nước khoáng đóng chai được khuyến khích dùng với giá rất rẻ. Sữa cũng được coi là thực phẩm cơ bản nên được Chính phủ trợ giá, vì thế giá sữa khá ổn định và rẻ hơn ở Việt Nam, chỉ bằng từ 25 đến 50%.

Trẻ em được chăm sóc tốt

Luật ở Bỉ quy định, người mẹ sau khi sinh được nghỉ có lương 100% trong 3 tháng. Người cha cũng được nghỉ khoảng 10 ngày. Sau đó, họ có thể quyết định gửi trẻ để đi làm hoặc ở nhà chăm con thêm 4 tháng. Trong 4 tháng đó người mẹ được nhà nước trả 600 euro mỗi tháng và cơ quan không được phép sa thải.

Nói đến gửi con mới 4 tháng tuổi cho nhà trẻ, hẳn nhiều phụ huynh Việt Nam sẽ không khỏi lo lắng, nhất là với tình trạng bạo hành trẻ em đang xảy ra quá nhiều hiện nay, nhưng người Bỉ không như thế. Họ chưa bao giờ từng nghĩ rằng con cái mình sẽ bị đối xử không tốt, bởi họ cho rằng “những nhà trẻ được đào tạo để làm việc đó thì chắc chắn phải tốt rồi”.

Có được niềm tin mạnh mẽ đó, không thể phủ nhận rằng người Bỉ đã rất thành công khi tạo nên một hệ thống giáo dục và chăm sóc trẻ nhỏ quá tốt và đáng tin cậy. Tôi cho rằng đó không chỉ là vấn đề chính sách hay đào tạo mà còn liên quan đến khía cạnh đạo đức. Đối với người Bỉ, việc cố tình gây tổn thương người khác là một việc làm không thể chấp nhận được, đăc biệt nếu đó là trẻ nhỏ thì hành vi đó được xem là tội ác không thể tha thứ. 

Động vật cũng được chăm sóc tốt

Không chỉ với con người, Bỉ cũng rất coi trọng những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của loài vật. Có thể với nhiều người Việt, cụm từ Nhân quyền (human right) nghe khá quen tai nhưng cụm từ Quyền lợi động vật (animal welfare) thì có vẻ lạ lẫm. Tuy nhiên, ở Bỉ, đây là cụm từ khá phổ biến. Đó là trách nhiệm đạo đức nhằm đảm bảo sức khỏe cho động vật, đáp ứng các nhu cầu về thể chất và tinh thần của chúng.

Theo đó, bảo vệ quyền lợi động vật là trách nhiệm của con người bao gồm sự quan tâm tới tất cả các mặt liên quan như chuồng nuôi, quản lí, dinh dưỡng, phòng và trị bệnh hợp lý, chăm sóc có trách nhiệm, cách đối xử nhân đạo…

Dù không nằm trong top những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới nhưng theo tôi, với những gì đã làm được và với cách mà họ đang sống, vương quốc Bỉ hoàn toàn xứng đáng là một trong những nơi đáng sống nhất thế giới, hoặc ít nhất cũng là nơi mà bạn nên đến một lần trong đời.

Thiện Nam