Kỹ năng học và tự học là kỹ năng xếp đầu bảng trong các kỹ năng cần thiết trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Không phải trước đây nó không quan trọng mà vì bây giờ mọi thứ thay đổi nhanh quá đòi hỏi con người ta phải học hỏi với tốc độ cao hơn.
Hàng ngày có rất nhiều sự kiện xảy ra trên thế giới. Sự kiện có thể đa dạng nhưng chắc chắn 99,9999% trong số đó không phải xuất hiện lần đầu tiên. Nó có nghĩa rằng sự kiện đó đã xuất hiện đâu đó trong lịch sử thế giới, có thể không đúng chính xác về con số nhưng về phương thức sẽ có tính tương đồng. Nó cũng có nghĩa là người ta có thể nghiên cứu các sự kiện trong quá khứ nhằm tạo ra một sự kiện trong tương lai hoặc ngăn chặn nó xuất hiện trong tương lai.
Tương tự đối với cá nhân tôi và bạn, cho dù một ngày có xuất hiện bao nhiêu tình huống đi chăng nữa thì hoặc nó đã từng xảy ra trong quá khứ với chính bạn hoặc đã xảy ra ở đâu đó với người khác. Nó có nghĩa rằng bạn có thể giúp một sự kiện nào đó xảy ra ở tương lai hoặc ngăn chặn một sự kiện nào đó xảy ra ở tương lai chỉ bằng cách học hỏi từ kinh nghiệm người khác.
Những sự kiện xảy ra trong quá khứ được bạn ghi lại trong nhật ký hoặc được một ai đó đã chia sẻ dưới một hình thức nào đó. Ẩn trong mỗi con người chúng ta là ham muốn được để lại một di sản nào đó. Nếu anh ta phát hiện ra một cái gì đó hay ho thì anh ta sẽ viết nó ra để đời đời hậu thế phải biết tới. Nếu anh ta gặp một rắc rối lớn nào đó anh ta cũng sẽ viết nó ra để nhận được sự cảm thông của mọi người.
Bằng sự phát triển mãnh liệt của Internet, con người có thể chia sẻ mọi nơi mọi lúc. Kho tàng những kiến thức đó là vô biên.
Một người không có khả năng học hỏi sẽ học bằng thất bại là chính. Cứ mỗi thất bại lại dạy cho anh ta một bài học. Anh ta phải trả giá cụ thể thì mới học được một bài học nào đó. Bạn có thuộc loại đó không? Phải nhận hậu quả cụ thể rồi mới học được, giống như phải chạm vào lửa thì mới biết đừng nên chạm vào lửa trong tương lai vậy.
Bạn muốn bị bỏng thì mới hiểu không nên chạm vào lửa hay chỉ đơn giản là “quan sát” một người nào đó trong quá khứ và hiện tại đã làm như vậy? Học hỏi sẽ giúp bạn hạn chế tối đa những sai lầm không đáng; tất nhiên rằng làm gì cũng có rủi ro nhưng nếu biết học hỏi thì rủi ro sẽ được giới hạn trong vùng chấp nhận được.
Bất cứ một sự kiện nào xảy ra ngày hôm nay cũng đã từng xảy ra trong quá khứ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 xảy ra ngày hôm nay nhưng nó cũng đã xảy ra 3 lần trong quá khứ rồi. Khủng hoảng kinh tế khu vực cứ 10 năm một lần, khủng hoảng kinh tế thế giới cứ 100 năm một lần. Chứng khoán, nhà đất, vàng bạc cứ lên lại xuống theo chu kỳ.
Có hàng vạn tình huống kinh doanh thành công và cũng có từng đó tình huống kinh doanh thất bại. Bạn muốn khởi nghiệp chỉ với niềm đam mê, một ý tưởng nào đó hay là muốn bắt đầu với một lượng tri thức về những khó khăn và thuận lợi mà một người khởi nghiệp gặp phải. Tri thức sẵn có xung quanh chúng ta chỉ đợi chúng ta muốn và dành công sức để học.
Ngày nay bạn không thể học theo kiểu học thuộc lòng được. Học mà không hiểu sâu sẽ không giúp ích gì trong tương lai. Khi đọc một sự kiện nào đó và không nghĩ thêm gì về nó thì một ngày sau tin đó sẽ được quên đi. Muốn biết nó thành của mình đòi hỏi một quá trình tư duy và thực hành. Kết quả của quá trình đó là tri thức, giúp ích cho cuộc sống, công việc của bạn.
1. Hướng tới nguyên tắc thay vì hướng tới tin tức
Học giữa xưa và nay khác nhau, có những mục đích khác nhau. Công nghệ làm chúng ta kém trí nhớ hơn (ví như giờ bảo nhớ số điện thoại của ai đó cũng khó) nhưng lại cung cấp cho chúng ta các lợi ích khác. Do lợi ích nhắm tới khác nhau nên mục đích học cũng khác nhau.
Ngày xưa phải nhớ số điện thoại, ngày nay biết cách sử dụng danh bạ điện tử.
Ngày xưa phải nhớ thông tin, ngày nay biết sử dụng công cụ tìm kiếm.
Ngày xưa phải viết đẹp, ngày nay phải biết gõ 10 ngón, thậm chí 20 ngón thì càng tốt.
Ngày xưa phải học kỹ năng giao tiếp một đối một, ngày nay phải biết giao tiếp qua điện thoại, qua Facebook,..
Ngày xưa chăm chỉ sẽ thành công, ngày nay phải sáng tạo mới thành công.
Ngày xưa vâng lời là ngoan, ngày nay phải có chính kiến của riêng mình.
Ngày xưa có cái gì để đọc cũng là tốt rồi, ngày nay phải biết chọn lọc.
Rất nhiều thương hiệu điều hòa không khí nhưng nguyên tắc làm lạnh chỉ có một. Có rất nhiều các vụ tai nạn lao động nhưng cũng chỉ có vài nguyên nhân nhất định. Có hàng tỷ các vấn đề phải giải quyết nhưng nguyên tắc giải quyết vấn đề cũng chỉ có một. Có rất nhiều người có vẻ rất đa dạng nhưng cũng chỉ có một vài hạng người, giữ một vài tính cách nhất định.
Khi học chúng ta cố gắng học nguyên tắc. Ví dụ bạn có thể search trên mạng “Kỹ năng tự học” rồi xem tất cả các bài viết có những điểm chung gì? Có một nguyên tắc nhất định nào đó không? Khi tìm ra nguyên tắc, hãy ghi nhớ nguyên tắc.
Bạn search “Làm sao để thành công?”, sau đó đọc khoảng chục bài viết tương ứng, tìm ra điểm chung của chúng. Xem lại bản thân mình có phù hợp với một điểm chung nào đó không? Có điểm nào đang đi ngược lại với con người mình? Mình cần sửa gì không.
Nguyên tắc tìm nguyên tắc rất đơn giản, hãy thu thập một số lượng tin đủ lớn sau đó tìm điểm chung trong chúng. Điểm chung đó có mặt ở càng nhiều tin thì càng có độ tin cậy cao. Đó là nguyên tắc.
Ví dụ tìm kiếm trên Google: “Các vụ hỏa hoạn cháy chung cư”. Lên một danh sách các nguyên nhân gây ra đám cháy đó, sắp xếp các nguyên nhân theo thứ tự từ cao tới thấp. Xem xét chung cư mình đang ở có nguy cơ nào tương ứng với nguyên nhân đó không. Nếu trùng thì cần làm gì để nguyên nhân đó không thể xảy ra. Giả sử ta không đủ sức thay đổi thì cách hạn chế ra sao. Và giả sử điều đó xảy ra thì ta sẽ làm thế nào?
Ví dụ tìm: “Làm sao để làm việc hiệu quả ?” và lên một danh sách các điểm chung. Sắp xếp theo thứ tự từ quan trọng tới kém quan trọng hơn. So sánh với bản thân xem mình còn thiếu cái gì, cái gì đang có phải tận dụng.
Khi nắm được nguyên tắc bạn sẽ phát biểu được tin tức rất đa dạng, có thể áp dụng cho những tình huống cụ thể. Có nguyên tắc rồi thì cố gắng thực hành từ đó biến nó thành của mình. Dù sao cứ phải làm thì mới nhớ và hiểu.
Kiến thức bạn có được tùy thuộc vào bạn muốn gì mà thôi. Nếu bạn quan tâm tới chiến lược kinh doanh thì đừng gõ “chiến lược kinh doanh là gì?” mà hãy gõ “chiến lược cạnh tranh của Apple”, “chiến lược cạnh tranh của Samsung”… Tóm lại, hãy tìm kiếm một đối tượng cụ thể. Tìm điểm chung trong số chúng từ đó tìm nguyên tắc chung.
2. Lựa chọn nguồn học
Ngày nay nhà nhà làm báo, chỉ cần muốn có thể đưa tin lên Facebook, viết bài trên Blog… Điều này khiến cho tin tức kém chính xác trở nên rất nhiều, đòi hỏi phải biết chọn lọc tin để đọc. Rất tệ hại nếu một tin nào đó được viết bởi một người chưa đủ năng lực, nó có thể dẫn hướng bạn đi sai chân lý.
Chính vì lý do này mà tôi vẫn thấy sách là thứ tốt nhất để học. Internet chỉ là công cụ để làm rõ hơn cho các khái niệm trong sách mà thôi. Nó không thể thay sách được. Một cuốn sách viết ra qua nhiều vòng kiểm tra, được tác giả cân nhắc từng chữ, vì khi in ra rồi muốn sửa là rất khó. Còn viết bài trên Internet sửa dễ dàng, xuất bản chỉ bằng một cái nhấp chuột nên tác giả cũng kém cân nhắc hơn.
Một cuốn sách viết ra là tâm huyết của tác giả. Nó được trình bày thường rất chi tiết. Một bài viết trên Internet cùng lắm chỉ xếp gọn trong một trang giấy. Bạn cứ thử ngẫm mà xem, chỉ cần đọc một bài trên Internet mà dài quá một trang giấy là đã thấy ngại ngại rồi, chỉ muốn nó kết thúc cho nhanh. Cho dù đó là chủ đề rất lớn thì cũng chỉ được viết trong một trang giấy.
Một cuốn sách dày cộp chứa rất nhiều tin tức. Chúng ta không nên cố nhớ hết tin tức, sự kiện đó vì có muốn cũng chẳng được. Tin tức nhằm chứng minh cho một số nguyên tắc nào đó thôi, thường sách sẽ ghi rõ các nguyên tắc đó hoặc bạn sẽ tự nghiệm ra. Điều này có nghĩa là một cuốn sách dày 300 trang thực tế có thể tóm tắt trong 2 trang giấy các nguyên tắc. Họ viết dày vì muốn chứng minh nguyên tắc và cũng để bán giá đắt hơn.
Một vấn đề thường đòi hỏi nhiều kiến thức khác nhau mới có thể giải quyết được. Càng hiểu rộng thì càng dễ giải quyết vấn đề hơn. Trên con đường phát triển bản thân của mình bạn sẽ thấy càng về sau sẽ càng khó khăn dần nhưng những thứ đạt được thực sự rất đáng để bỏ công sức ra.
3. Lựa chọn học gì
Cứ cái gì ảnh hưởng tới đời ta thì đều phải học cả. Cái nào ảnh hưởng nhiều thì dành tâm sức học nhiều học sâu, những cái gì ảnh hưởng ít thì học vừa đủ. Tất cả chúng ta cho dù xuất thân như thế nào, trình độ ra sao, theo đuổi ngành nghề gì thì cũng sẽ có một số cái đều phải học như nhau. Học kỹ năng sống, học giao tiếp, học cách thức giải quyết vấn đề, học động lực.
Đầu tiên hãy xác định cho mình một mục tiêu nào đó. Xác định mục tiêu không quá khó, hãy trả lời câu hỏi là 1 năm nữa mình muốn mình như thế nào? Nếu mình vẫn muốn mình như bây giờ thì hướng tới các mục tiêu duy trì, nếu muốn đạt một cái gì đó cao to hơn thì theo hướng phát triển.
Ví dụ bạn xác định là con người của mình một năm tới phải giao tiếp thoải mái ngoại ngữ, có thể nâng được 100kg tạ, tiết kiệm được 100 triệu, có một cô người yêu, có một cái xe máy mới…
Sau đó bạn đặt câu hỏi: “Cần làm gì để đạt mục tiêu…?”. Tìm kiếm trên Google, tìm ra các điểm chung của các bài báo, xem ứng vào với mình được cái gì từ đó lên danh sách những thứ phải học, phải làm.
Sau đó ra ngoài hiệu sách tìm cuốn sách nào đó liên quan đến cái danh sách cần học, cần làm đó. Chọn cái mỏng tầm 300 trang là vừa đủ, dày quá không đọc được.
Nếu bạn không có một mục tiêu nào rõ ràng trong học tập thì rất dễ bị những cái tin không liên quan chiếm lấy các khoảng thời gian quý giá của bản thân.
4. Bản đồ tư duy
Với hơn 10 năm kinh nghiệm sử dụng bản đồ tư duy, tôi khẳng định rằng đây là công cụ tốt nhất giúp cho việc học tập. Điểm mạnh của nó là có nguyên tắc rất đơn giản, không quá nửa trang giấy. Nó giúp cho việc học tập được hiệu quả hơn rất nhiều. Kết quả của nó không phải là việc bạn có một cái bản đồ bắt mắt trên trang giấy mà là một bản đồ được hình thành trong trí óc.
Bạn là học viên trong một khóa học, là sinh viên đang trên giảng đường, là một thành viên trong một buổi họp, cần trình bày ý tưởng cho đối tác,… thì hãy dùng bản đồ tư duy. Quay trang giấy A4 ra và viết thông tin nhận được dưới dạng bản đồ tư duy. Cách đây 10 năm người ta sẽ cười bạn nhưng giờ nó quá phổ biến rồi.
Lúc đầu sẽ hơi khó vì đang theo thói quen đọc gì ghi đấy. Sau sẽ thấy đơn giản hơn, trí óc sẽ phải vận động để biến các tin tức nghe được thành các từ khóa. Cho dù bạn có tư duy phi logic thì ứng dụng nhiều cũng thành có tư duy logic, đã có tư duy logic rồi thì sẽ phát triển lên.
Hiệu quả đến từ những thứ rất đơn giản. Đừng coi thường những thứ đơn giản.
5. Tạo động lực cho việc tự học
Biết cổ vũ bản thân sẽ giúp ta vượt qua các khó khăn. Không biết bổ sung động lực giống như chiếc xe không được đổ xăng vậy. Chạy hết xăng thì dừng, hết hứng thú thì thôi không học.
Tôi tóm tắt lại vài ý, có thể ý nào đó phù hợp với bạn:
- Ghi lại nhật ký quá trình học tập để sau một khoảng thời gian thấy được sự tiến bộ của bản thân.
- Tạo một trang Blog và viết tất cả những gì bạn học trên đó.
- Biết tự thưởng cho những thành quả bản thân nhưng đừng thưởng nhiều quá.
- Công bố rộng rãi các mục tiêu của mình cho mọi người để tạo tính cam kết. Khi nào chán muốn bỏ cuộc thì nhớ tới con bé ABC nào đó đã trầm trồ thế nào khi mình đặt mục tiêu như vậy.
- Hãy tưởng tượng tới lúc bạn có thể giải quyết được những việc vô cùng khó, lúc bạn có thể làm chủ cuộc đời bạn bất chấp những khó khăn bên ngoài.
6. Học từ tất cả mọi người
“Học” được hiểu là người khác giảng giải và mình học. “Tự học” là việc tự mình đặt ra mục tiêu, tự quản lý tiến trình, tự tìm kiếm tài nguyên, tự đánh giá, kiểm tra.
Mỗi người chúng ta càng về già thì càng có một vốn sống lớn. Con người vốn lại rất thích chia sẻ những hiểu biết của họ. Lý tưởng nhất khi học là kiếm được ông nào đó để nhờ ông đó giảng giải cho. Họ thường sẽ giảng giải nguyên tắc và là thông tin tinh hoa. Tiết kiệm cơ số thời gian tìm kiếm rồi chắt lọc thông tin của bạn.
Mỗi chúng ta đều có mặt mạnh mặt yếu. Bạn có thể giỏi hơn người khác ở lĩnh vực A nhưng lại kém hơn họ ở lĩnh vực B. Giữa hơn và kém đan xen nhau nên có thể học được từ tất cả mọi người. Mà cho dù họ có thất bại thì kiến thức từ thất bại cũng quý không kém kiến thức để thành công.
Dạy người khác cũng là một cách để học tốt hơn vì vậy đa phần người ta không ngại trả lời bạn các câu hỏi mà người ta có thể trả lời.
Cách đây 2 năm tôi cho rằng tham gia một khóa học là cách nhanh nhất để tiếp thu một kiến thức nào đó vì mỗi giảng viên đều trình bày những nguyên tắc của họ. Họ muốn nó là độc nhất vô nhị nên thường sẽ rất tâm huyết khi giảng bài. Cùng với việc bản quyền được ít coi trọng hơn tôi nghĩ rằng phương pháp thay thế rẻ tiền và tiết kiệm hơn đó là nên có phương pháp học hỗn hợp để tận dụng nguồn tài nguyên Internet. Không chỉ có đọc mà còn là xem và thảo luận. Xem Youtube, thảo luận về một chủ đề trong các diễn đàn. Tôi cũng nhận thấy rằng trả lời các câu hỏi của người khác trên diễn đàn cũng là một cách tiến bộ khá tốt, có động lực để tìm câu trả lời sau đó có thể tiếp tục thảo luận với người hỏi.
Đa dạng cách thức học sẽ giữ chúng ta không bị nhàm chán, bỏ cuộc.
7. Khát khao học hỏi
Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, đó là yếu tố thái độ. Nhận thức được tầm quan trọng của học hỏi là một rào cản quá lớn. Chính phủ ra rả khẩu hiệu “học tập suốt đời” giống y hệt như thầy cô ở trường ra rả với bọn học sinh là phải học. Ở trường đầy đứa không học thì ở ngoài đời cũng đầy đứa không học, đặc biệt là đã ra đời rồi thì còn nhiều thứ phải lo lắng.
Khi có khát khao cho dù phương pháp học có tệ hại thì cũng sẽ vẫn khá lên. Chưa kể những đứa đã khát khao thì thường cũng tìm kiếm phương pháp học tập hiệu quả nhất. Người ta bảo thiên tài là 1% tố chất và 99% mồ hôi. Quân lính học chiến đấu cả đời chỉ đến đánh một trận. Ta học tập cả đời cũng chỉ nhằm giúp đột phá ở một số thời điểm cần thiết. Học không mang lại hiệu quả tức thời mà nó giúp chúng ta về dài hạn.
Quanh ta luôn tồn tại rất nhiều vấn đề đợi người giải quyết. Nhìn vĩ mô như vấn đề Triều Tiên tới vi mô như tắc đường ở Việt Nam, tất cả chỉ đợi người có đủ năng lực giải quyết thôi. Mọi vấn đề đều có giải pháp, người nào đủ năng lực sẽ tìm ra giải pháp, mà muốn đủ năng lực thì phải học tập.
Có một cách tiếp cận khác đối với sự học đó là nhận trách nhiệm, nhận vấn đề vượt quá nhiều so với khả năng của mình sau đó vì áp lực tìm giải pháp mà tiến bộ. Kẽ hở của cách này là nếu học không sẽ biến cơ hội thành rủi ro. Ví dụ như khả năng chạy được 10km nhưng đăng ký cuộc thi chạy 42 km. Kết quả có thể là chấn thương giữa đường mà cũng có thể là đạt được 42km. Thực sự là có những người phù hợp với cách này.
Tự học đòi hỏi tính tự kỷ luật rất cao. Mà rốt cục cái gì thành công mà không đòi hỏi tính tự kỷ luật?
Nguyễn Việt Dũng
Bài viết đã được ĐKN biên tập lại. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.
Video xem thêm: Sinh viên thời công nghệ, các bạn lựa chọn tương lai như thế nào?