Người cha đầu vấn khăn, ngủ ở góc tường đã cứu con khỏi trò chơi điện tử. Đọc câu chuyện này, có lẽ bạn sẽ bật khóc.

Có rất nhiều loại hình trò chơi điện tử trực tuyến đang hấp dẫn những người trẻ, đặc biệt là những bạn trẻ vừa bước chân vào trường đại học.

Thời còn học trung học, ở nhà có cha mẹ trông chừng, nhưng đến lúc đi học xa thì coi như không có ai quản nữa.

Vì vậy các bạn trẻ mà khả năng tự kiềm chế không vững thậm chí còn sa vào nghiện chơi game online. Cứ thế suốt ngày suốt đêm đắm chìm trong Internet mà không ngủ, cũng chẳng ra ngoài. Chuyện học hành lại càng không quan tâm, càng ngày càng trở nên bê trễ, càng ngày càng không theo kịp.

Có quá nhiều phụ huynh bó tay hết cách, thất vọng không thể dạy con được nữa. Nhưng có một người cha quê mùa cục mịch lại có thể “chiến thắng” thế giới võng du ma thú mê hoặc người trẻ kia.

Giúp anh bạn đồng nghiệp chuyển nhà, khi thu dọn đống sách cũ, anh bỗng dưng ngồi sụp xuống khóc lớn.

Anh mở cuốn sổ, bên trên ghi chép chi tiêu hàng ngày từng khoản một, cẩn thận rõ ràng đến tận chi tiết… hai nghìn bữa sáng, 5 nghìn tiền ăn trưa…

Sau đó, anh bạn kể cho tôi nghe câu chuyện cũ về cha anh.

Nhà anh ở một thôn nhỏ vùng nông thôn Từ Châu. Trong ký ức của anh, cha là người làm công gần một trạm ga xe lửa ở Từ Châu, hiếm khi về nhà một lần.

 Khi anh trúng tuyển vào một trường đại học ở Tây An, cha đã rút ra một ít tiền từ ngân hàng, ông chấm nước miếng đếm từng tờ từng tờ một, đếm xong một lần rồi lại đếm thêm lần nữa và đưa cho cậu con trai chuẩn bị lên tỉnh đi học, trong lòng thật nhiều hy vọng và tin tưởng.

Vậy mà vào thời điểm năm thứ nhất đại học, cậu con lại sa vào mê đắm trong game online, đêm nào cũng lê la trong quán Internet bên ngoài trường học “cày game” suốt cả đêm.

Cậu có chút cảm giác rằng cuộc sống thật vô ích, nhưng những đứa bạn học xung quanh đều cũng chẳng khác gì, nếu không chơi đá banh, thì là xem phim, hoặc lên mạng chơi game, đứa nào cũng vậy…

Cậu con vì thế lại càng cảm thấy như vậy cũng là bình thường mà thôi, khỏi cần phải lo lắng.

Vào thời điểm năm thứ nhất đại học, cậu con sa vào mê đắm trong game online. (Ảnh minh họa: bbxinwen.com)

Về nhà trong kỳ nghỉ hè, cậu con ở nhà vài ngày đã cảm thấy vô cùng buồn chán nên thấp thỏm nói với cha muốn đi đâu đó chơi ít hôm. Ít nhất là ở đó có Internet mới đỡ buồn.

Cha cậu tất nhiên cũng đồng ý.

Xa xa, cậu con lại nhìn thấy cha đứng chờ ở cửa ra trạm xe lửa.

Trải qua một năm, quen với cuộc sống nơi trường đại học, cậu lần đầu tiên cảm thấy cha trong đám người như vậy thấy rất không quen mắt.

Bộ quần áo của cha đã cũ rách, lại còn quá rộng, chẳng vừa vặn tẹo nào. Cậu nhắc cha mình: “Quần áo cha mặc cũ quá rồi cha ơi”.

Cha cậu chất phác nói: “Làm việc quần quật, cũng không phải làm việc trong văn phòng, mặc quần áo mới làm gì?”

Cậu nói thêm: “Nhưng nó còn quá rộng nữa cha à”. Cha lại cười nói: “Quần áo rộng một chút mới có thể duỗi chân duỗi tay làm việc được, nếu không đưa tay ra một cái áo rách mất làm sao”.

Điều mà cậu không hề nghĩ tới, là vào năm 2003, thu nhập của cha một tháng thì có hơn 4.000 nhân dân tệ, vậy mà lại sống trong gác mái của một ngôi nhà, chỉ có sáu, bảy mét vuông. Ngoài một cái giường sắt, chỉ có cái bồn rửa mặt nhỏ, trên cái bồn tráng men có nhiều mảng sứ bị rơi ra, chiếc khăn mặt cũ kĩ vỗ một cái liền nhìn không ra màu sắc được nữa.

Cậu con vẫn luôn nghĩ rằng, cha ở trong thành phố hẳn là rất thoải mái rồi, chứ chẳng nghĩ rằng là quá kham khổ, vất vả thế này.

Cha đưa cậu con quay về chỗ ở, lại nói: “Con ngồi đi, cha giờ phải đi làm việc gấp rồi”, rồi liền đứng dậy đi xuống lầu.

Cậu con không ngồi yên được bèn im lặng đóng cửa lại rồi xuống lầu, đi theo sau lưng cha, muốn xem xem cha đang làm gì.

Quanh quanh co co theo cha đến kho lạnh. Chỗ ấy có đến hơn chục người cũng giống như cha vậy, có người thúc xe đẩy, có người cầm đòn gánh.

Cậu con nhìn thấy cha từ chỗ người gác cổng, lấy tay của mình đẩy chiếc xe ra. Đúng lúc này, một chiếc xe tải lớn đi vào khu chung cư, cha cùng nhóm người theo sau xe đi vào.

Mấy phút sau, cậu con nhìn thấy cha đang khom lưng gánh một thùng giấy rất lớn. Đi vài bước, ông lại dừng một chút, dùng chiếc khăn thắt ở cổ tay xoa xoa lau mồ hôi trán, lại đi về trước mấy bước rồi đem thùng giấy cõng trên lưng đặt lên xe đẩy. Ngay sau đó, cha tiếp tục lại chạy về phía xe tải lớn, sau mấy giây, lại khom lưng khiêng một thùng giấy lớn.

Cứ như vậy lặp lại bảy lần, sau đó, cha đẩy chiếc xe đó đi về phía hầm lạnh, lưng khom khom, hai chân đạp xuống đất bước từng bước chằn chặt. Cậu con thậm chí còn nhìn được cả gân xanh trên chân cha từ cách xa mấy chục mét.

Tiền cha kiếm được đều là tiền từ mồ hôi nước mắt. Cậu cảm thấy thật buồn bã, thương cha.

Hóa ra, tiền mà từ trước nay cậu tiêu xài đều được đánh đổi từ mồ hôi nước mắt của cha. (Ảnh minh họa: jianshu.com)

Cậu hỏi thăm người bảo vệ xem di chuyển hàng hóa một lần như vậy có thể được bao nhiêu tiền? Người bảo vệ nói với anh rằng năm mươi đồng một thùng.

Nhẩm tính thấy cha vận chuyển bảy thùng, vậy kiếm được ba trăm năm mươi đồng.

Xế chiều hôm đó, cậu con quay về nhà, không còn nghĩ tưởng gì đến việc chơi game nữa, hình ảnh những sợi gân xanh nổi trên chân cha cứ lơ lửng trước mắt, thật buồn làm sao!

Cậu còn tính toán thấy chính mình đắm chìm vào Internet đã tiêu tốn bao nhiêu mồ hôi nước mắt của cha. Cảm thấy thật xấu hổ!

Hết kỳ nghỉ hè, khi chuẩn bị quay trở lại trường học, cha còn lấy ra một xấp tiền dày, đếm đi đếm lại rồi đưa cho cậu con. Cậu con đếm lại số tiền rồi nói: “Học kỳ này ngắn, chỉ cần hai ngàn là đủ rồi ạ”, rồi chia nửa số tiền gửi lại cha.

Vào chính cái ngày này, cậu con hạ quyết tâm sẽ làm một đứa con ngoan, một sinh viên tốt.

Nhưng tiếc thay, suy nghĩ này chỉ là nhất thời, rất nhanh chóng tan như mây khói.

Tụi bạn ngày xưa lại hò hét rủ nhau vào quán net, khi vô tình hay cố ý nhìn thấy biểu tượng của game Warcraft, trong tâm cậu sao mà lúc nào cũng xốn xang khó chịu.  

Rốt cuộc cậu lại lần nữa bước vào quán.

Dịp tết Trung thu, tụi bạn cùng phòng tổ chức đi hát karaoke, đến quầy bar, rồi xông hơi vui vẻ mệt nghỉ.

Hai ngàn đồng từ nhà mang đi dự tính đến cuối tháng 10 sẽ cạn.

Cậu con gọi điện thoại cho mẹ, đợt vừa rồi bị mắc bệnh nên tiền mang đi đã chi tiêu hết.

Chiều ngày thứ ba, Tây An đột nhiên trở nên lạnh lẽo hơn, đang ở ký túc xá chơi bài cùng đứa bạn thì cậu con nhận được điện thoại báo rằng có ai đó ở cổng trường đang tìm cậu.

Cậu con chạy ra cổng trường, nhìn thấy cha đang đứng đợi ở đó.

Cha mới hơn năm mươi tuổi, mà trông giống như một ông lão bảy mươi, tuổi già sức yếu, gương mặt uể oải, trên lưng còn cõng một cái chăn bông.

Cậu con đưa cha vào trong sân trường rồi mới hỏi nhỏ cha: “Cha sao lại đến đây, con đưa số tài khoản cho mẹ rồi, cha đem tiền gửi vào đó là được mà. Cha đi xa như vậy, còn mang theo cái này, vừa cực khổ cho cha, lại vừa lãng phí tiền quá”.

Cậu con đưa cha vào trong sân trường rồi mới hỏi nhỏ cha... (Ảnh minh họa theo hoithanh)

Cha mỉm cười nói với cậu con: “Nghe mẹ con nói, con vừa rồi bị ốm, giờ thế nào rồi? Đã khỏi chưa? Ăn uống tốt hơn chút, tự chăm sóc cho chính mình. Con không phải lo lắng về chi phí sinh hoạt, chỉ cần con khỏe mạnh và học tốt, thì chi phí sinh hoạt nhiều hơn cha của con cũng sẽ chi trả được. Trời lạnh rồi, đây là cái chăn mà mẹ dùng cây bông tự tay làm cho con, con cầm lấy”.

Cậu con nhận chăn, ngập ngừng nói: “Vâng ạ… Tốt rồi ạ”.

Trên đường về ký túc xá, cha nói: “Cha thấy con khỏe mạnh, cha cũng thấy yên tâm rồi. Cha cũng không muốn ảnh hưởng việc học của con, đưa tiền sinh hoạt cho con xong, rồi cha lại quay về”.

 Cậu con nhận số tiền cha đưa cho, đang muốn đưa cha đến nhà khách của trường, cha lại nói:

 “Còn hai tháng nữa là nghỉ đông rồi phải không? Cha lần này đưa cho con ba ngàn đồng. Con vừa mới ốm dậy, cần ăn uống tốt hơn chút, giữ thân thể khỏe mạnh hơn chút, mới có đủ sức để học”.

Cha ngừng bước: “Đến đây là được rồi, con hãy quay về đi!”.

Cậu con biết tính khí của cha nên cũng không nói thêm gì nữa.

Khi cậu đi rồi, quay đầu lại phát hiện ra cha vẫn còn đứng tại chỗ đó, vẫy vẫy tay chào.

Cậu còn nhớ lúc còn học trung học, mỗi lần cha đưa cậu lên huyện đi học, đều là cảnh tượng này, lệ liền dâng đầy mặt.

Cái ví khô cạn tiền giờ đã căng phồng lên, game ma thú đã tuần nay không chơi, giờ lại hò hét gọi mời trong đầu cậu.

Sau bữa tối, cậu con lại đến quán net bên ngoài trường. Sau năm tiếng ‘tàn sát’ dữ dội, cậu con phải về lại ký túc xá.

Như thường lệ, cậu lại đến gốc cây đa lớn, từ đó trèo vào trường.

Khoảnh khắc lúc đang phi qua tường, một hình ảnh bất ngờ xuất hiện trước mắt, trái tim đứa con hư bỗng nhiên đau buốt.

Đèn đường hắt ánh sáng mờ vàng chiếu lên người cha, ông dựa vào góc tường, bên dưới lót một tấm giấy rách không biết đã nhặt được ở đâu.

Lúc này, ông đang khoác lên người chiếc áo bông, cẩn thận quấn quanh mình, và chiếc khăn cậu đã dùng thời trung học giờ lại đang quấn quanh đầu cha. Thì ra vì để tiết kiệm phí nhà nghỉ, cả đêm hôm ấy cha đã chọn một góc đường cuộn mình qua đêm. 

Nói đến đây, anh bạn không nén nổi xúc động liền bật khóc.

Sau khi khóc một hồi lâu, anh bạn lại tiếp tục kể:

“Sau đó, mẹ kể cho tôi biết cha nghe nói rằng tôi bị ốm, không kịp chuẩn bị gì liền tìm đến thăm tôi, mua không được vé ngồi, cũng lại mua không nổi vé giường nằm, cha đã phải đứng hơn hai mươi tiếng đồng hồ để đến được Tây An. Để tiết kiệm tiền chỗ nghỉ ngơi nên cả đêm đó cha đã dựa vào góc tường ở trường tôi mà ngủ.

Tôi đã khóc bên đầu này đường dây điện thoại, trước khi mẹ kể cho tôi nghe, tôi vẫn giả bộ như không biết. Bởi vì tôi biết tính tình cha tôi cố chấp, lúc đó nếu tôi lay ông dậy, ông cũng sẽ khăng khăng ở đó thôi.

Tôi lặng lẽ quay về ký túc xá, nhưng trong tim tôi luôn đau nhói mỗi khi nghĩ đến hình ảnh cha co ro quấn kín quần áo quanh người mình.

Cả đêm đó, tôi đem xóa hết các tài khoản trò chơi điện tử trực tuyến của mình”.

Cả đêm đó, tôi đem xóa hết các tài khoản trò chơi điện tử trực tuyến của mình. (Ảnh minh họa: flickr.com)

Từ đó về sau, cậu không bao giờ lai vãng đến quán net, cũng không dám lại lãng phí tiền bạc nữa.

Cũng chính kể từ ngày đó, cậu chuẩn bị cho mình một cuốn sổ ghi chép, bắt đầu bù đắp lại những thiếu sót trước đây của mình.

“Tôi trước đây vẫn luôn cho rằng cha tôi số khổ, không có phúc hưởng cuộc sống sung sướng. Qua chuyện này, tôi mới biết rằng không phải ông không có phúc, mà là ông đã quen với việc đem tất cả niềm vui dành cho con trai mình.

Ông từ lúc mười bảy tuổi đã bắt đầu làm việc trong hầm chứa đá, cứ làm việc vậy hoài cho đến mùa xuân năm ngoái mới nghỉ”.

Lúc này, vì quá xúc động, anh bạn đã bắt đầu nghẹn lời.

Sau này, cha của anh qua đời để lại cho anh một khoản tiền tiết kiệm 37 vạn nhân dân tệ.

Cha của anh là hình ảnh ví dụ của rất nhiều người cha đã âm thầm dành cho con tình yêu vô tư nhất trên thế gian này.

May mắn thay, con của ông đã nhìn thấy cha nơi góc tường, nhưng có thể còn có rất nhiều đứa con khác không hiểu được, cũng không nhìn thấy những yêu thương như nơi góc tường này.

Khi sợ hãi, tình thương của cha chính là bàn thạch vững chắc nâng đỡ bàn chân con bước tiếp.

Trong bóng tối, tình thương của cha chính là ngọn đèn chiếu sáng lối con đi.

Khi kiệt sức, tình thương của cha chính là dòng nước tưới mát cứu sinh nơi sa mạc khô cạn.

Khi nỗ lực, tình thương của cha chính là trụ cột tinh thần cho con thêm vững vàng trong cuộc sống.

Và khi thành công, tình thương của cha chính là niềm cổ vũ và sự nhắc nhở cho con không lệch bước trên con đường thăng tiến.

Cha chính là luôn tuyệt vời như vậy đó.

Theo Soundofhope
Mây Trắng biên dịch