Thẻ học tiếng Anh (hay English Flashcard) là phương pháp học hiệu quả, giúp ghi nhớ nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, đơn giản, năng động, tiện lợi. Flashcard đã là một công cụ học tập khá phổ biến và đang trở thành một xu thế ở nhiều nơi trên thế giới.
Phương pháp học mới Flashcard, hay còn gọi là thẻ ghi nhớ thông tin – mặt trước của mỗi tờ ghi dữ kiện cần nhớ, mặt sau giải thích rõ hơn dữ kiện đó. Cấu trúc này được gọi là 1Q – 1A (one question – one answer), một mặt với ý hỏi để người học suy nghĩ và suy ra câu trả lời, sau đó lật ra mặt sau để xem đáp án. Với hình thức học và suy luận này sẽ giúp não bộ nhớ rất lâu cũng như dễ dàng trong quá trình ôn tập.
Bên cạnh đó, khi áp dụng phương pháp flashcard để ghi nhớ người dùng sẽ kích thích não bộ hoạt động cùng lúc 3 vùng ghi nhớ của não (sensory stores, short-term stores, long-term stores). Và kết quả là giúp bạn ghi nhớ rất nhanh và duy trì trí nhớ lâu dài.
Sơ đồ mô tả hoạt động 3 vùng ghi nhớ của não bộ:
Theo khoa học nghiên cứu, với một lượng kiến thức cần nhớ, thì sau 1 ngày tiếp thu, người học chỉ còn nhớ 35.7% lượng kiến thức và sau 1 tháng, lượng kiến thức chỉ còn khoảng 21% trong não bộ. Vì thế, việc ôn tập lại kiến thức đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình ghi nhớ. Cấu trúc 1Q – 1A của flashcard giúp người dùng cô đọng kiến thức của mình một cách tối đa nhất thông qua từ khóa. Điều này khiến cho quá trình ôn tập của bạn trở nên thuận tiện và hiệu quả.
Sơ đồ mô tả quá trình suy giảm khả năng ghi nhớ của não bộ qua thời gian:
Với thiết kế nhỏ gọn, người học có thể đem flashcard theo bên mình và sử dụng mọi lúc mọi nơi. Tại một số quốc gia có nền giáo dục phát triển như Canada, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ… họ áp dụng rất nhiều phương pháp học tập tiên tiến. Trong đó, flashcard là phương pháp khá phổ biến, chúng ta dễ dàng nhìn thấy các sinh viên sử dụng flashcard tại khu vực công cộng. Họ sử dụng khi chờ xe bus, nghỉ giải lao, ăn trưa hay xem trước khi ngủ… để tiếp thu thêm cũng như ôn lại kiến thức lúc rãnh rỗi.
Ứng dụng của Flash Card
Lợi thế của flashcard so với các cách học thông thường là tính tiện dụng, cơ động và sáng tạo. Với thiết kế nhỏ gọn, đơn giản nhưng đẹp mắt, các tấm flashcard giúp bạn cảm thấy hứng thú hơn trong suốt quá trình sử dụng. Những kiến thức đưa lên flashcard đều được tinh giản lại một cách ngắn gọn, súc tích cũng giúp bạn dễ dàng tập trung hơn vào các ý chính.
Flashcard là phương pháp học tập rất phổ biến trong giới sinh viên, học sinh nước ngoài. Người học có thể sử dụng flashcard trong nhiều ngành khác nhau như: toán, lý, hóa, lịch sử, địa lý hay phổ biến nhất chính là học ngoại ngữ. Tuy có thể áp dụng cho nhiều ngành khác nhau, tuy nhiên phần lớn flashcard trên thế giới được dùng để học từ vựng tiếng nước ngoài.
Các bậc cha mẹ và giáo viên dạy tiếng Anh cho các bé có thể ứng dụng Flashcard với các trò chơi dưới đây:
1. Trò chơi Bingo
Với trò chơi bingo này, phụ huynh cần chuẩn bị 2 bộ flashcard giống hệt nhau, một bộ cho vào một chiếc hộp, bộ còn lại đưa cho bé để bé trải đều trên một mặt phẳng (sàn nhà, mặt bàn). Cha mẹ lấy lần lượt từng tấm thẻ ra khỏi chiếc hộp và đọc từ trên tấm thẻ đó, sau đó đặt giới hạn cho bé tìm tấm thẻ trong một khoảng thời gian 30 giây, bé sẽ phải nghe từ và tìm ra tấm thẻ có chứa từ đó trong bộ flashcard của bé trong khoảng thời gian đó. Khi tìm được tấm thẻ đúng mà chưa hết thời gian, bé sẽ nói “Bingo!”. Cha mẹ có thể tăng dần độ khó bằng cách dần rút ngắn khoảng thời gian từ 30 giây xuống còn 15 giây, 10 giây, 5 giây.
Sau một lượt chơi trẻ cũng rất thích được đổi vai cho cha mẹ làm người quản trò, lấy các tấm thẻ ra khỏi hộp, đọc từ trên thẻ và đưa ra giới hạn thời gian cho cha mẹ.
2. Trò chơi What’s missing?
Cha mẹ hãy trải đều 1 bộ flashcard trên sàn nhà hoặc mặt bàn, yêu cầu trẻ nhắm mắt lại. Lấy ra một tấm thẻ sau đó yêu cầu trẻ mở mắt và chỉ ra tấm thẻ nào đã bị lấy mất. Sau khi trẻ đã quen với trò chơi, cha mẹ có thể tăng độ khó bằng cách tăng số lượng tấm thẻ bị lấy đi mỗi lần.
3. Trò chơi Snap
Để chơi trò chơi này, cần chuẩn bị 2 bộ flashcard xáo đều và úp xuống. Cha/ mẹ và bé lần lượt lật mỗi tấm thẻ theo phiên và đọc to từ viết trên tấm thẻ, sau đó đặt ngửa tấm thẻ ra giữa bàn. Ai lật được tấm thẻ giống với tấm thẻ ngay trước lần đó sẽ hô to “Snap!” và thắng được tất cả các tấm thẻ đã lật trước đó. Trò chơi kết thúc khi tất cả tấm thẻ được lật và ai có nhiều thẻ từ trong tay nhất người đó sẽ là người thắng cuộc.
4. I spy
Trong trò chơi này bé sẽ được trở thành một điệp viên, đi tìm các tấm flashcard được đặt rải rác khắp phòng. Mỗi khi cha/ mẹ nói: “I spy with my little eyes something that begins with “d”…” (Bằng đôi mắt nhỏ tôi sẽ đi tìm những từ bắt đầu bằng chữ cái “d”). Trẻ sẽ phải đi quanh phòng và tìm những tấm flashcard theo yêu cầu, mỗi lần tìm được sẽ đọc to từ viết trên tấm thẻ đó. Cha/ mẹ cũng có thể thay thế bằng các yêu cầu như “…something red” (vật có màu đỏ) hay “…the animals that live in jungle” (những động vật sống trong rừng nhiệt đới). Bé sẽ rất thích thú với những thử thách và sẽ nhanh chóng chạy đi tìm các tấm flashcard theo yêu cầu.
Hy vọng phương pháp này sẽ giúp các bạn học ngoại ngữ và ôn tập kiến thức một cách hiệu quả trong thời gian ngắn.
Thiện Nhân (Tổng hợp)