Lần nọ khi tôi đưa con trai đến lớp Luyện chữ đẹp, thì thấy một người mẹ đang cố kéo đứa con gái vào xe ô tô. Đứa trẻ khóc to và giãy giụa: “Con không muốn đi học múa, con không đi đâu, con mệt rồi…”.

Người mẹ gần như gào lên: “Hôm nay con phải đi, con không đi mẹ cũng bắt con phải đi”.

Cuối cùng đứa trẻ không thể lay chuyển được mẹ, đành phải lên xe để đi học.

Chứng kiến sự việc này khiến tôi không khỏi đặt ra một câu hỏi: Suy cho cùng chúng ta có nên ép buộc một đứa trẻ hay không?

Khi đứa trẻ nhăn nhó nói: “Mẹ ơi, con không muốn học!”. Chúng ta nên trả lời như thế nào?

Đừng để cuộc sống của bạn ‘lần đầu tiên đã từ bỏ’

Trong một chương trình phỏng vấn, Lý Á Bằng đã kể về cô con gái bé bỏng của mình là Lý Yên.

Lý Yên thích chơi piano và đã học được sáu năm. Nhưng năm ngoái, khi tham gia một cuộc kiểm tra nhạc lý, cô bé đã thất bại. Vào hôm đó, cô bé buồn thiu, gần như mất bình tĩnh và nói: “Ba ơi, con không học piano nữa đâu!”

Lúc đó, Lý Á Bằng không nói gì nhiều. Đến bữa tối, Lý Á Bằng đã nói với con như thế này: “Con không muốn học piano nữa, cũng không vấn đề gì. Cuộc sống luôn phải đối mặt với những lần phải từ bỏ và thất bại. Như ba đây, ba đã thi trượt hai lần như vậy. Thế nhưng con chỉ mới 12 tuổi. Con có muốn cuộc đời của mình “lần đầu tiên đã từ bỏ” như vậy không? Nó đến sớm vậy sao?”

Những lời nói này của ba đã tiếp thêm dũng khí cho cô con gái Lý Yên, cô bé lại hào hứng nói sẽ tiếp tục đăng ký học piano. Cuối cùng đến tháng Tư, Lý Yên đã vượt qua kỳ thi.

Lý Á Bằng và cô con gái nhỏ. (Ảnh: afamily.vn)

***

Con yêu, đừng để đến tương lai sau này lại cảm thấy hối tiếc. Tại sao con lại từ bỏ dễ dàng như vậy? Đừng để mình rơi lại vào nửa đêm, rồi thất vọng và hối hận trong lòng. 

Một lần, Angelababy hỏi Lưu Kiến Hoa:

“Anh đã bị cha mẹ ép phải học violin khi còn nhỏ phải không?”

“Có, bị ép buộc”.

“Khi đó anh có muốn học không?”

“Tôi không muốn, cho đến khi 11 tuổi. Tôi không bao giờ muốn chơi, sau đó tôi tham gia cuộc thi đầu tiên. Từ lúc đó, tôi bắt đầu thích nó”.

“Anh có nghĩ rằng bây giờ anh phải cảm ơn cha mẹ mình không?”

“Có, phải cảm ơn rất nhiều”.

Diễn viên Nghê Ni cũng nói với một tiếng thở dài: “Đúng vậy, thật sự phải cảm ơn họ rất nhiều, nếu họ không ép buộc anh, sẽ không có anh của ngày hôm nay”.

Lúc này Angelababy gần như rất thất vọng, nói một câu: “Tại sao trước đây không có ai ép buộc tôi vậy?”

***

Về việc ‘ép buộc’ này trước nay vẫn luôn có những ý kiến trái chiều nhau. Ở đây xin không bàn đúng sai, chỉ mạn phép đưa ra những gợi ý nho nhỏ.

Mỗi người đều có sở thích riêng trong cuộc sống của mình. Vậy nên cha mẹ hãy giúp con học để phát huy sở trường của chúng. Và có một món quà, có thể mang theo cả đời để hứng thú yêu thích. Đó là món quà tốt nhất cho đứa trẻ mà các bậc cha mẹ cần phải nhớ.

Mỗi người đều có sở thích riêng trong cuộc sống của mình. Vậy nên cha mẹ hãy giúp con học để phát huy. (Ảnh: parenting.com)

Món quà thứ nhất: Giúp đứa trẻ có thêm sức mạnh sinh tồn

Khi Lưu Nhược Anh 7 tuổi, cô đã hỏi bà của mình: “Tại sao cháu phải học piano?”

Bà nói: “Nếu một ngày chồng con không cần con nữa, thì con vẫn còn có một kỹ năng, có thể tự nuôi mình và nuôi đứa trẻ”.

Lúc đó, cô không hiểu ý của bà ngoại.

Khi cô lớn lên, cô nhận ra rằng bà của cô đã khăng khăng rằng cô phải học piano, là để cô lớn lên và có một tài nghệ, không cần khó nhọc mưu sinh.

Món quà thứ hai: Giúp trẻ khám phá sở trường của chúng

Giống như Mozart, ông có một tài năng âm nhạc từ khi còn nhỏ. Nhưng sở trường piano của ông cũng được bồi dưỡng bởi cha mẹ.

Sở trường của một đứa trẻ, cần được khám phá và bồi dưỡng. Và điều chúng ta cần làm là giúp đỡ đứa trẻ, trong cuộc khám phá không ngừng, tìm thấy sở trường riêng của chúng. Từ đó mà không ngừng giúp con phát huy.

Món quà thứ ba: Giúp trẻ học cách kiên nhẫn

Cha mẹ không kiên nhẫn, làm sao bạn có thể đổ lỗi cho con bạn đã không kiên trì đây?

Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy: Quyết định về tương lai của đứa trẻ, không phải là IQ, mà là sự kiên trì.

Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy: Quyết định về tương lai của đứa trẻ, không phải là IQ, mà là sự kiên trì. (Ảnh minh họa: woman.excite.co.jp)

Trẻ em thích thú cưng vì chúng cho phản hồi ngay lập tức. Ví như khi trẻ trêu chọc một con chó, nó ngay lập tức vẫy đuôi. Đó cũng là lý do tại sao trẻ em thích chơi game.

Nhưng nếu đứa trẻ sẽ phải hoàn thành một việc gì đó, cần phải có khả năng kiên nhẫn chờ đợi, không nhìn thấy kết quả ngay lập tức, lúc này chúng có thể sẽ tỏ ra chán nản và muốn bỏ cuộc. Khi này vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Cha mẹ hãy học cách kiên nhẫn và chờ đợi cùng con, đồng thời ở bên cạnh động viên cổ vũ tinh thần con. Hãy cho con thấy được giá trị của sự kiên trì.

Đến một ngày, đứa trẻ thấy rằng tất cả những nỗ lực của mình không phải là vô ích. Khoảnh khắc ‘hoa nở’ ấy, đứa trẻ sẽ hiểu, sự kiên trì và nỗ lực của mình đã có kết quả rồi. Đây thực sự là niềm vui và khích lệ vô cùng to lớn.

***

Con trẻ muốn lùi bước và từ bỏ, điều đó cũng thật dễ hiểu. Trong thời gian dài, năm này qua năm khác, gió mặc gió, mưa mặc mưa, cha mẹ vẫn đưa con đến trường mỗi ngày. Nhiều phụ huynh cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Huống chi là đứa trẻ phải đến lớp để… học.

Tuy nhiên, nếu lần này, chúng ta dễ dàng để trẻ rút lui, thì có thể sẽ khiến đứa trẻ phải hối tiếc trong tương lai.

Vậy nên, cha mẹ hãy là một vị huấn luyện viên tài ba, biết định hướng, biết khéo léo dẫn dắt con. Lời nói ra không phải là ra lệnh, mà là truyền cảm hứng, tiếp thêm cho con sức mạnh để con vững vàng bước tiếp. Câu chuyện về Lý Á Bằng ở trên là một gợi ý.

Con trẻ đang trong quá trình hình thành nhân cách, đang lớn lên, nhận biết về thế giới này vẫn còn nhiều mông lung và rối rắm. Thế nên sự định hướng của cha mẹ dành cho con là cần thiết. Tuy nhiên, cha mẹ cần làm được ‘ép buộc’ mà không phải là ‘ép buộc’. Cha mẹ hãy kiên nhẫn lắng nghe con, tìm thấy điểm mạnh yếu ở con mình, giúp con khám phá ra sở trường của mình. Từ đó hãy biến sự ‘ép buộc’ đó trở thành niềm yêu thích, niềm đam mê trong con. Làm được như vậy, sau này khi đứa trẻ lớn lên sẽ biết ơn cha mẹ lắm lắm!

Theo Comey
Vân Hà