Sau thành công ghi danh trong Top 5 người đẹp xuất sắc nhất cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2018, H’Hen Niê luôn thể hiện sự biết ơn chân thành và trân quý những người đã giúp đỡ, phối hợp với cô trong suốt quá trình cô tham dự cuộc thi. Thành công đến từ việc phối hợp tận tình chu đáo và ăn ý như vậy đó, thiếu đi một người nào một khâu nào cũng sẽ trở thành thiếu sót…
Hiện nay, không ít cha mẹ chỉ quan tâm đến sự phát triển trí tuệ mà không chú ý đến việc bồi dưỡng các phương diện khác của trẻ. Đặc biệt, trong xã hội cạnh tranh khốc liệt hiện nay, điều các mẹ quan tâm chính là giúp trẻ có học thức cao, có nhiều kỹ năng tốt để giúp con có khả năng cạnh tranh với người khác.
Nhưng thuận theo xu thế phát triển tiến bộ của xã hội tương lai, tình thế hẳn sẽ khác, xã hội ấy sẽ cần những con người có tinh thần đoàn kết, phối hợp trên một chỉnh thể thống nhất. Do đó, sự thành công của mỗi cá nhân không thể tách khỏi sự hợp tác với người khác.
Ví như, sự thành công của H’Hen Niê trong cuộc thi Hoa hậu toàn thế giới 2018 là một ví dụ điển hình. Để có mặt trong Top 5 người đẹp xuất sắc nhất, ngoài sự nỗ lực của bản thân cô, thì không thể không kể đến công sức của đội ngũ cộng sự đã giúp hoa hậu hoàn tất từ khâu chuẩn bị trang phục, đầu tóc, đến việc trang bị các kỹ năng cần thiết khi tham dự một cuộc thi nhan sắc uy tín mang tầm cỡ quốc tế. H’Hen Niê luôn thể hiện sự biết ơn chân thành và trân quý những người đã giúp đỡ, phối hợp với cô trong suốt quá trình hoa hậu này tham dự cuộc thi. Thành công đến từ việc phối hợp tận tình chu đáo và ăn ý như vậy đó, thiếu đi một người nào một khâu nào cũng sẽ trở thành thiếu sót.
Vậy mới thấy, tinh thần hợp tác, phối hợp như một chỉnh thể thống nhất có ý nghĩa quan trọng trong sự thành công của mỗi con người trong xã hội. Với những đứa trẻ – những thế hệ tương lai, việc bồi dưỡng tinh thần này lại càng không thể thiếu. Ngay từ bây giờ, cha mẹ có thể dạy các con học cách giao lưu, hòa đồng và phối hợp với người khác. Từ đó, tăng thêm tinh thần trách nhiệm và sự gắn kết của mỗi đứa trẻ đối với tập thể. Trong quá trình hợp tác, trẻ em cũng sẽ dần có được sự tự tin, nhận thức được giá trị của mình, cảm nhận được niềm vui và sự tốt đẹp của tinh thần đoàn kết.
Có khả năng hợp tác, đoàn kết hay không đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng mang lại sự thành đạt trong cuộc sống. Ngày nay, do các gia đình đều sinh ít con nên tính cách trẻ em thường hay bướng bỉnh, nóng nảy; khả năng hợp tác càng ngày càng kém cũng là nhược điểm tâm lý của mỗi đứa trẻ. Đôi khi, chúng ta cũng thường hay cưng chiều con thái quá dẫn đến đứa trẻ chỉ biết nghĩ đến bản thân, không biết nghĩ đến người khác, không biết cách phối hợp với người khác để thực hiện một việc nào đó. Những đứa trẻ này, nếu sau này bước ra xã hội sẽ rất khó thích nghi.
Vì vậy, cha mẹ nên tạo cho con cơ hội cùng những người khác hoàn thành một công việc nào đó như tham gia các hoạt động tập thể, chơi kéo co để trải nghiệm niềm vui hợp tác. Trong các hoạt động và trò chơi này, trẻ sẽ thấy sức mạnh của một người là không đủ, cần phải hợp tác với mọi người để làm được việc lớn hơn mang đến thành công vang dội hơn.
Tạo môi trường gia đình hòa thuận, êm ấm
Gia đình vốn là đơn vị nhỏ nhất của xã hội, là một chỉnh thể thống nhất trong đó các thành viên có quan hệ mật thiết với nhau. Mỗi hành vi, tâm trạng của các thành viên trong gia đình đều ảnh hưởng đến các thành viên khác. Khi tâm trạng của một người tốt, những thành viên khác cũng cảm thấy vui theo; khi người nào đó gặp khó khăn, những người còn lại sẽ đoàn kết lại yêu thương đùm bọc cùng nhau giải quyết khó khăn. Đó chính là sức mạnh của gia đình.
Có thể nói, hành động của các thành viên trong gia đình có ảnh hưởng rất to lớn đến những đứa trẻ. Nếu cha mẹ muốn bồi dưỡng tinh thần hợp tác cho con thì hãy lấy mình làm gương. Nếu cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình biết yêu thương, giúp đỡ nhau, cùng nhau san sẻ việc nhà thì trẻ cũng sẽ biết yêu thương, quan tâm giúp đỡ mọi người ngay từ tấm bé.
Dưới đây là những chia sẻ hữu ích giúp trẻ tăng cường khả năng phối hợp và tinh thần cộng đồng:
Hướng dẫn trẻ học cách chia sẻ
Ngày nay, hầu như các gia đình đều sinh ít con, vì thế dễ dẫn đến cưng chiều con hơi quá làm cho những đứa trẻ nảy sinh tâm lý độc chiếm không biết chia sẻ với người khác. Nếu cha mẹ coi nhẹ tâm lý độc chiếm này, trẻ sẽ nảy sinh tâm lý ích kỷ, điều này ảnh hưởng không tốt đến các mối quan hệ giao tiếp của con.
Tham lam là bản tính của các em bé chưa hiểu chuyện, vì thế người lớn chúng ta có thể thông qua các trò chơi để dạy con khái niệm chia sẻ và cảm nhận được niềm vui của việc biết cảm thông chia sẻ với người khác. Ví như: khi bạn khác muốn đồ chơi của con, cha mẹ có thể khuyến khích con cho bạn chơi cùng; khi con muốn chơi đồ chơi của bạn khác, cha mẹ hãy gợi ý con có thể lấy đồ chơi của mình trao đổi với bạn ấy.
Dạy con biết tha thứ và cổ vũ
Cũng có lúc, trẻ không muốn hợp tác với bất cứ ai vì có thể con đang lo sợ các bạn làm sai sẽ ảnh hưởng đến thành tích của bản thân. Vậy lúc này chúng ta cần làm gì? Mỗi bậc cha mẹ sẽ có nhiều cách khác nhau, nhưng tựu chung lại hãy giúp con hiểu rằng, con người ai cũng có lúc phạm lỗi, nên nếu khi điều đó xảy ra con hãy tha thứ cho bạn, đồng thời giúp đỡ bạn sửa chữa. Vì nếu bản thân mình phạm lỗi mà được bạn bè tha thứ và cổ vũ thì bản thân cũng thấy vui vẻ.
Khả năng hợp tác, phối hợp thành chỉnh thể thống nhất là yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển tốt, có chỗ đứng vững vàng trong xã hội tương lai. Vì vậy, là người thầy gần gũi nhất của con, cha mẹ nên bồi dưỡng quan niệm và ý thức hợp tác với người khác cho con. Đồng thời thông qua các hoạt động, trò chơi hãy giúp con cảm nhận được niềm vui khi con phối hợp tốt với mọi người. Bởi lẽ, hạnh phúc của con người không phải là điều gì vượt quá tầm với, nó đến từ những điều rất đơn giản và nhỏ bé như vậy đó.
Hồng Ân