Có một học giả từng nói: Nếu học sinh không chăm chỉ học tập thì dù thầy cô giáo có đưa nhiều kiến thức đến đâu, trẻ cũng sẽ vẫn tỏ ra hờ hững với tri thức, mong muốn học hành càng giảm.

Dạy mà như không dạy mới là cảnh giới cao nhất của giáo dục

Trong giáo dục gia đình, nếu phụ huynh đứng trên lập trường của người dạy, đưa ra vô số những nguyên tắc cứng nhắc, với thái độ của kẻ trên dành cho kẻ dưới, thì trẻ chỉ có thể là người tiếp nhận, luôn trong trạng thái bị động chứ không chủ động. Phương pháp ép buộc trẻ tiếp nhận giáo dục này rất dễ khiến trẻ phản cảm, buông xuôi và phản kháng. Từ đó làm mất đi tiềm năng của trẻ, phạm sai lầm trong việc khai phá tiềm năng trí tuệ và bỏ qua cơ hội tốt để trẻ phát triển.

Masaru Ibuka – người đồng sáng lập ra tập đoàn Sony của Nhật Bản cho rằng: Dạy mà như không dạy mới là giáo dục tốt nhất, mới là cảnh giới cao nhất của giáo dục. Chẳng hạn, mọi đứa trẻ khỏe mạnh bình thường đều biết nói tiếng của nước mình, cha mẹ luôn coi điều đó là hiển nhiên. Trên thực tế, đây chính là việc “dạy mà như không dạy”.

Trẻ là hình bóng của cha mẹ, mọi phẩm chất của trẻ hầu hết học được từ cha mẹ

Có một bà mẹ trẻ vì gánh nặng gia đình và công việc dồn cả lên vai khiến cô mệt mỏi chán chường. Điều khiến cô nghĩ ngợi nhiều hơn cả chính là cô con gái của mình, cô bé không giao lưu với bạn bè và ngày càng trở nên lầm lì ít nói. Sau một thời gian tìm hiểu, vấn đề mới được sáng tỏ qua bài văn của con gái cô.

Trong bài văn, con gái đã viết về một cô bé tự ti, không có điểm gì khiến mọi người quý mến, đầu óc cũng không linh hoạt, do vậy cuộc sống rất không hạnh phúc. Người mẹ nghĩ, bài văn này có lẽ đã phản ánh suy nghĩ nội tâm của con gái. Người mẹ dường như cũng đã nhìn thấy chính mình trong bài văn, nghĩ lại thấy mình toàn oán trách và trừng phạt con, chính thái độ này đã tạo nên suy nghĩ tiêu cực cho con gái. Cô quyết tâm thay đổi bản thân, vì cô cho rằng chỉ như vậy mới giúp con gái thay đổi.

Vậy là, cô bắt đầu tích cực viết những câu danh ngôn vào tờ giấy và dán lên tường. Mỗi tối trước khi đi ngủ đều lên kế hoạch cho ngày mai, cũng không cáu giận con vô cớ như trước. Con gái thấy mẹ tích cực thay đổi như vậy, rất cảm động cũng học theo để cổ vũ cho mẹ. Vậy là hai mẹ con thường xuyên thảo luận về kế hoạch của nhau, cả hai đều cảm thấy rất vui vẻ và tự tin.

Một thời gian sau, con gái cô đã vui vẻ, hoạt bát hơn hẳn, bản thân cô cũng cảm thấy tinh thần nhẹ nhõm, lạc quan hơn, dường như hai mẹ con đang bắt đầu một cuộc sống mới.

Trẻ là hình bóng của cha mẹ, mọi phẩm chất của trẻ hầu hết học được từ cha mẹ. Nhưng rất nhiều cha mẹ không chú ý tới điều này, họ luôn vô tình mang lại cho trẻ những ảnh hưởng rất xấu. Vì thế là cha mẹ, làm bất kì việc gì cũng nên cân nhắc tránh ảnh hưởng xấu đến con.

Trẻ là hình bóng của cha mẹ
Trẻ là hình bóng của cha mẹ, mọi phẩm chất của trẻ hầu hết học được từ cha mẹ. (Ảnh: skvty.com)

Cần xây dựng một không khí học tập tốt trong gia đình

Rất nhiều cha mẹ trách móc trẻ lười biếng, không chí thú học hành, dùng những lời lẽ không hay để mắng mỏ, hi vọng trẻ sẽ tích cực học tập hơn, nhưng hiệu quả hoàn toàn ngược lại. Thực chất, thay vì tốn nhiều thời gian khuyên nhủ trẻ, chi bằng hãy dành thời gian để xây dựng không khí học tập ngay trong gia đình. Con người chịu ảnh hưởng rất lớn của môi trường, trong một gia đình có môi trường học tập tốt, trẻ sẽ dễ dàng nuôi dưỡng được một thói quen học tập tốt.

Để xây dựng một không khí học tập tốt trong gia đình, cha mẹ có hai nhiệm vụ cơ bản:

Thứ nhất là, phải nhiệt tình học tập, thông qua hành động của mình để tạo ra cảm hứng học tập cho trẻ.

Thứ hai là, phải xây dựng một môi trường học tập hợp lí. Môi trường học tập hợp lý phải là sự công bằng dân chủ, không có tính nguy hại. Có vậy thì các thành viên trong gia đình mới có cảm hứng với những thứ mà mình thích, có thể tiến hành giao lưu song phương hoặc đa phương, khiến việc học tập tràn đầy niềm vui.

Hiệu quả của việc xây dựng cho gia đình một không khí học tập bao gồm các hiệu quả tiềm ẩn và trước mắt. Hiệu quả trước mắt rất dễ nhìn thấy như trẻ đạt được thành tích học tập tốt, được thầy cô khen ngợi. Hiệu quả tiềm ẩn thể hiện ở việc nâng cao tố chất của bản thân, sự hài hòa trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình, tăng khả năng ổn định và thích ứng với xã hội của gia đình.

Sống trong một gia đình có không khí học tập, thì không chỉ trẻ mà cha mẹ cũng phải học. Cha mẹ không học, không có tiến bộ thì sẽ không thể xây dựng được uy tín trước mặt con cái. Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp cảnh này: buổi tối cha mẹ chỉ cùng con làm bài tập, ngày nghỉ cùng con vẽ tranh, đàn hát, học ngoại ngữ, máy tính… mà không dành thời gian học tập cho mình, cách làm này về lâu dài có thể có hại đến trẻ và bản thân cha mẹ.

Giám sát việc học hành của trẻ là điều bắt buộc

Giám sát việc học hành của trẻ là điều bắt buộc, nếu cha mẹ dành thời gian để học và đọc sách sẽ gián tiếp giúp trẻ yêu thích việc học hơn. Điều này có thể khắc phục được tâm lý ỷ lại và nhận thức bị động “Cha mẹ học cùng con thì con học, cha mẹ không học cùng con thì con không học”. Thời gian dài, trẻ sẽ mất đi khả năng độc lập và tinh thần chủ động theo đuổi việc học, còn cha mẹ thì hi sinh sự nghiệp và việc học tập của bản thân, tạo ra sự lãng phí và tổn hại cho cả bản thân cha mẹ và xã hội.

Trẻ rốt cuộc cũng phải tự dựa vào bản thân mình, dựa vào tự lập tự cường để tồn tại trong xã hội. Do vậy, cha mẹ thông minh thông qua việc học hỏi không ngừng, kiên trì theo đuổi mục tiêu cả đời mình để tạo uy tín trước trẻ. Makarenko – nhà giáo dục nổi tiếng nói: “Dành tất cả cho con, thậm chí là hy sinh bản thân mình cho con, đây là món quà đáng sợ nhất mà cha mẹ dành cho trẻ”.

Chủ thể thành tài là trẻ, chủ thể giáo dục cũng nên là trẻ. Giáo dục không có sự tương tác của trẻ hoặc trẻ không tham gia thì hiệu quả giáo dục sẽ không cao. Bởi vậy, phương pháp giáo dục tốt nhất không phải là tuyên truyền hoặc cho đi, mà là thị phạm, gây dựng và phát triển. Trong gia đình, tâm trạng và hành vi của cha mẹ sẽ ảnh hưởng tới trẻ, cuối cùng hình thành nên năng lực và tính cách của trẻ. Thực tế thì hành động và lời nói của cha mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ nhiều nhất, đó cũng chính là môi trường tốt nhất để trẻ khai phá tiềm năng của mình.

Dành tất cả cho con
Makarenko – nhà giáo dục nổi tiếng nói: “Dành tất cả cho con, thậm chí là hy sinh bản thân mình cho con, đây là món quà đáng sợ nhất mà cha mẹ dành cho trẻ”. (Ảnh: toplist.vn)

Cha mẹ làm thế nào để trở thành tấm gương cho trẻ?

1. “Ngôn truyền” không bằng “thân giáo”

Cha mẹ trước mặt trẻ không chỉ là người quyền uy mà còn là người cho trẻ những tiêu chuẩn về lời nói và hành vi, là hình tượng ảnh hưởng tới trẻ nhiều nhất. “Dạy người cũng là dạy mình”, cha mẹ yêu cầu trẻ có phẩm chất và thói quen như thế nào, thì bản thân trước tiên cũng phải có những phẩm chất và thói quen như thế ấy.

2. Làm tốt từ những chi tiết nhỏ

Trong cuộc sống thường ngày, cha mẹ phải chú ý cử chỉ, ngôn ngữ của mình. Phàm là những hành vi lời nói không tốt thì tuyệt đối không được dùng; những thứ yêu cầu trẻ làm thì trước tiên cha mẹ phải làm được. Chỉ làm được như vậy thì giáo dục mới thu được kết quả tốt nhất.

3. Cha mẹ phải “nói lời giữ lời”, lời nói đi đôi với việc làm

Trong bất kì trường hợp và hoàn cảnh nào, cha mẹ cũng phải đồng nhất giữa lời nói và việc làm. Tuyệt đối không được nói một đằng làm một nẻo, ở ngoài một kiểu về nhà một kiểu, trước mặt một kiểu sau lưng một kiểu. Chỉ khi cha mẹ nói lời giữ lời thì mới xây dựng được uy tín với trẻ, mới có thể khiến trẻ tâm phục khẩu phục.

Giáo dục tốt nhất là dạy mà như không dạy. Bởi vậy khi giáo dục trẻ, cha mẹ cũng phải thường xuyên sửa đổi bản thân mình, cố gắng tạo ra ảnh hưởng tích cực tới trẻ. Trong mắt trẻ, cha mẹ lý tưởng nhất là những người gần gũi, thấu hiểu trẻ. Đồng thời cũng là người biết quản giáo đúng cách, luôn có thời gian, dành thái độ tích cực và lạc quan cho trẻ, luôn biết giải thích những thắc mắc của trẻ.

Hồng Ân