Món quà ý nghĩa nhất mà bố mẹ tặng tôi không phải là một chiếc xe đạp, một con chó, một khẩu súng BB hay một chiếc ô tô, mà đơn giản là một thói quen: họ yêu cầu tôi luyện đàn piano vào mỗi buổi sáng, điều đó có nghĩa là, vào mỗi ngày trong tuần, tôi đều phải luyện tập một khoảng thời gian. Mỗi buổi sáng, tôi xuống tầng hầm, nơi cây đàn piano màu nâu yêu quý của chúng tôi đang đợi tôi tập luyện. Tôi cũng có những buổi học piano hàng tuần với một giáo viên rất giỏi, người đặt kỳ vọng rất cao vào tôi, nhưng vì sai lầm của chính mình, tôi đã không đạt được kỳ vọng của ông.
Rất nhiều khi tôi buông lơi luyện tập, không muốn học bài. Tuy nhiên, việc luyện piano là điều không thể thương lượng với bố mẹ tôi, tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi kiên trì như vậy trong sáu năm. Dù tôi hoàn toàn không phải là một học sinh thông minh, nhưng khi kết thúc sáu năm này, tôi kinh ngạc trước sự tiến bộ rất lớn của mình, thành quả của thói quen luyện tập nho nhỏ mỗi ngày của tôi, giống như những giọt nước xuyên thủng tảng đá, người xưa quả thật không nhầm.
Nói tóm lại, điều cha mẹ dạy tôi là sức mạnh của kỷ luật, sự thực chứng minh, kỷ luật đã giúp ích rất nhiều cho tôi trong rất nhiều phương diện của nhân sinh, tôi không cách nào liệt kê hết ở đây. Tôi hy vọng có thể truyền đạt trí huệ này cho các con tôi, ngay cả khi chúng đôi khi không thích bị quản giáo.
Thói quen nhỏ tạo nên kỹ năng lớn
Những thói quen nhỏ hàng ngày này là chủ đề của cuốn sách có tên “The Slight Edge” – Ưu thế của những thói quen nhỏ – của Jeff Olson. Trong cuốn sách, ông dạy chúng ta đừng bỏ qua những thói quen trông thì rất bình thường, bởi vì ẩn tàng trong những hành động tưởng chừng như bình thường hàng ngày của chúng ta lại là những hạt giống của thành công hay thất bại trong tương lai. Sự tinh tế trong ý tưởng của Olson chính là coi nó đơn giản như vậy. Nhiều luận điểm trong cuốn sách kỳ thực là lẽ thường tình, nhưng một khi bạn ý thức được tính trọng yếu của nó, bạn sẽ có năng lực thay đổi phương thức tư duy về cuộc sống, kết quả là bạn sẽ có một cuộc sống khác.
Olson tin rằng bất kể chúng ta đạt được thành tựu trong lĩnh vực nào trong cuộc đời, nó đều bắt nguồn từ những mỹ đức hoặc thói quen nhỏ của biểu hiện hành vi hàng ngày của chúng ta, điều mà ông gọi là “những thói quen đơn giản thường ngày”. Nếu chúng ta kết hợp tri thức với lý giải về thói quen, chúng ta sẽ biết cách đạt được thành công. “Những hành động đơn giản có giá trị, tích lũy mỗi ngày mỗi tháng không ngừng lặp lại” là định nghĩa về “những ưu thế nhỏ”, và là nguồn gốc tựa đề của cuốn sách này. Olson đã đề xuất một công thức: “Lặp lại liên tục các hành động hàng ngày + thời gian = kết quả không thể thay thế”.
Olson chỉ ra, yếu tố của thành công trên thực tế là đơn giản như vậy, nhỏ bé và khiêm tốn đến mức chúng ta thường bỏ qua nó. Theo cách nói của Olson thì nó “easy to do” (rất dễ làm được), nhưng cũng “easy not to do” (rất dễ không làm). Những ví dụ của Olson bao gồm: “Lấy một vài đô la từ tiền lương của bạn mỗi tháng để tiết kiệm và không sử dụng nó. Hoặc tập thể dục vài phút mỗi ngày thay vì khi tập khi không. Hoặc mỗi ngày đọc 10 trang sách truyền cảm hứng, có ý nghĩa giáo dục, cải biến nhân sinh. Hoặc hãy dành một chút thời gian để nói với ai đó rằng bạn cảm kích họ như thế nào. Hãy tiếp tục làm như vậy hàng ngày, kiên trì trong nhiều tháng và nhiều năm.”
Việc gì rất dễ làm, thì cũng rất dễ không làm. Ngoài việc dễ dàng bỏ qua thói quen đơn giản hàng ngày này, chúng ta còn phải đối diện với khó khăn, không thể nhìn thấy hiệu quả như thế nào ngay lập tức. Không phải thói quen nhỏ tiết kiệm 50 đô la mỗi tháng, hay tập thể dục 10 phút mỗi ngày không mang lại kết quả đáng kể, mà kết quả không thể hiện rõ ngay lập tức. Trong nền văn hóa hiện đại coi trọng tốc độ, hiệu suất và thành quả lập tức, khi tiến bộ mà chúng ta hy vọng không lập tức hiển hiện, chúng ta thường bỏ cuộc. Sức khỏe và giảm cân không phải là ăn những thực phẩm lành mạnh trong một ngày, một tuần, một tháng hay thậm chí vài tháng. Nếu bạn tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh trong một năm hoặc hơn, sức khỏe của bạn mới được cải thiện đáng kể.
Vấn đề, như Olson chỉ ra, là hầu hết chúng ta đều bỏ cuộc trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu một thói quen tốt cho đến khi nhìn thấy kết quả. Đây là lý do tại sao chúng ta phải hiểu nguyên tắc về ưu thế của những thói quen nhỏ hàng ngày. Mỗi ngày, mọi việc chúng ta làm đều quan trọng. Mỗi ngày, chúng ta đều có năng lực để sáng tạo ra một hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn.
Hiệu ứng quả cầu tuyết
Olson kêu gọi chúng ta chú ý đến những thói quen nhỏ này, mà rất nhiều trong số đó chúng ta hầu như không nhận thấy. Hãy xem những thói quen nhỏ này khiến chúng ta thành công hay hủy hoại chúng ta. “Hầu hết chúng ta sống với một chân buộc vào quá khứ, còn chân kia rụt rè giấu tại tương lai, chúng ta không bao giờ sống trong hiện tại… Những ưu thế nho nhỏ hàng ngày chính là đang sống trong hiện tại.” Chúng ta dường như rất ít trân quý hiện tại, không chỉ vậy, chúng ta thường đánh giá thấp lực lượng của nó. Chúng ta thường thường nghĩ thế này: “Bất kể ra sao, việc mua bán lần này sẽ không làm tôi phá sản”, hoặc “Hiện tại cái bánh rán này sẽ không làm tôi thừa cân.” Bằng cách trì hoãn những hành vi chính xác, chúng ta đang làm trầm trọng thêm những vấn đề trong tương lai. “Tôi hôm nay sẽ bắt đầu …” nhưng sự thực là, những quyết định trên bề mặt tưởng chừng nhỏ nhặt của một cá nhân, qua một đoạn thời gian sẽ biến trở nên phức tạp, khiến nhân sinh luôn dao động giữa thành công và thất bại.
Những lời của Olson áp dụng cho tất cả mọi người, nhưng đối với thanh thiếu niên và trẻ nhỏ, học tập tính kỷ luật là điều đặc biệt trọng yếu, vì kỷ luật có thể từng bước dẫn người trẻ tới thành công trong nhiều lĩnh vực của cuộc đời, cũng giống như kinh nghiệm học piano trong vô số phương diện đã trợ giúp tôi: học thuật, sáng tác, thậm chí cả việc thực hành những đức tính tốt đẹp (ít nhất là tôi hy vọng như vậy).
Do thiếu kinh nghiệm sống, nhiều thanh thiếu niên có thể không đánh giá cao những thói quen tốt có thể mang lại những phần thưởng đáng kinh ngạc vì nó cần có thời gian để bồi dưỡng. Tuy vậy, nhiều người trưởng thành có kinh nghiệm sống cũng có thể không hiểu được lợi ích của việc kết hợp thời gian và những thói quen nhỏ.
Ngược lại, thanh thiếu niên cũng có thể là nhóm được thụ ích nhiều nhất từ nguyên tắc ưu thế thói quen nhỏ. Như con gái của Olson viết trong một chương như thế này: “Tôi thích nói chuyện với thế hệ thanh niên tiếp theo về triết học ưu thế thói quen nhỏ… bởi vì họ luôn sẵn có nguồn lực dồi dào nhất, đó chính là thời gian… bởi vì họ còn cả một cuộc đời dài phía trước của họ, họ có cơ hội đặc biệt để phát huy những ưu thế của thói quen nhỏ trong cuộc sống hiện tại.”
Mặc dù tôi có chút hụt hẫng vì chương về hạnh phúc của Olson hơi hời hợt, nhưng nhìn chung cuốn sách là một hướng dẫn rất dễ hiểu, dễ làm theo và áp dụng các nguyên tắc đơn giản cũng như các hành động lặp đi lặp lại hàng ngày để cải thiện mọi phương diện trong cuộc sống của bạn. Đó là một lời nhắc nhở tuyệt vời cho những người thành niên, nhưng đối với nhưng độc giả trẻ, nó lại càng đặc biệt quan trọng, đó là một cơ hội mở rộng tầm mắt.
“Lợi ích nhỏ: Biến những kỷ luật đơn giản thành thành công và hạnh phúc lớn” của Jeff Olson, Greenleaf Press, ngày 4 tháng 11 năm 2013. Bìa cứng: 280 trang
Nguyên văn: Teaching Teens the Power of Discipline
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch