Sau kỳ nghỉ tết làm sao cho trẻ trở lại nề nếp sinh hoạt, đến trường lớp như thường ngày có lẽ không phải là câu chuyện cá biệt mà diễn ra ở khá nhiều gia đình. Vậy làm sao để trẻ nhanh chóng hào hứng đi học trở lại như thường ngày, chuyên gia và thầy cô sẽ cho các phụ huynh những lời khuyên bổ ích.
Sau Tết trẻ thường có tâm lý thích chơi, ngại đi lớp. Thực tế cho thấy, sau kỳ nghỉ dài với những ngày vui chơi tự do bên gia đình, hầu hết các bạn học sinh đều có tâm lý uể oải, không tập trung không muốn đến trường. Tùy lứa tuổi, khối lớp, học sinh thể hiện trạng thái tâm lý uể oải khác nhau.
Chị Đỗ Thị Tuyết Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhớ lại kỉ niệm sáng đầu tiên đưa con đi học sau kỳ nghỉ Tết năm ngoái, chị phải dỗ mãi con trai 6 tuổi (đang học Trường tiểu học Thăng Long) mới chịu đến lớp.
Cùng cảnh ngộ với chị Mai, gia đình anh Phan Văn Nghĩa (Cầu Giấy, Hà Nội) có con gái học tại trường Tiểu học Dịch Vọng A, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhớ mãi, năm ngoái cũng vất vả hối thúc con trở lại học tập sau những người được xả hơi để đi chơi.
Vì nắm được tâm lý của con nên trước ngày đi học trở lại, anh Nghĩa đã nói chuyện và dành thời gian ngồi ôn bài cùng con, kiểm tra xem con đã làm hết bài tập về nhà chưa. Có điều, con chỉ ngồi vào bàn học được mươi phút là cháu lấy lý do đi uống nước, đi vệ sinh, thậm chí kêu đói để ăn bánh kẹo, mứt Tết. Lúc này bố mẹ không nghiêm khắc được với con là chúng bỏ bê và lên giường ngay.
Về phía giáo viên, cô giáo Phạm Thị Hường, Trường mầm non Lại Yên, Hoài Đức chia sẻ trên trang Lao động thủ đô, trong tuần đầu tiên đi học trở lại sau Tết, công việc của các cô bận rộn và khó khăn hơn hẳn. Bởi lẽ, trẻ thường buồn bã, khóc lóc, đòi về, không chịu vào lớp, không chịu chơi, khiến các cô phải dành nhiều thời gian dỗ dành. Các sinh hoạt đã được giáo viên rèn luyện trong năm học bị xáo trộn. Nhiều bé đang ăn thì ngủ gục nhưng đến giờ ngủ trưa thì đòi chơi, hay khóc, nhõng nhẽo…
Còn cô giáo Phạm Thị Tươi, giáo viên Trường tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông nhận xét, khoảng 3 ngày đầu tiên, các em thường không tập trung, nói chuyện nhiều, làm việc riêng và hay mang đồ chơi, đồ ăn đến lớp…
Cô giáo Thu Thủy, giáo viên một trường Trung học cơ sở ở quận Hai Bà Trưng cho biết: “Ngoài những thay đổi về nếp sinh hoạt của một số học sinh, điều làm thầy cô mệt mỏi không kém là một số kiến thức cơ bản học trò quên hết. Vào lớp dạy, chỉ một phép tính đơn giản, một câu hỏi thông thường hay một vài phép tính nhân chia trong bảng cửu chương (cái mà các em đã thuộc làu trước Tết) cũng nhiều em không biết.
Chuyên gia hướng dẫn cha mẹ giúp con hứng khởi trở lại trường học
Theo các chuyên gia, với những kỳ nghỉ dài như nghỉ Tết, nếu các gia đình không có kế hoạch tổ chức lịch sinh hoạt phù hợp mà cho con nghỉ hoàn toàn, thoát ly hẳn với bài vở thì sẽ rất khó để trẻ có thể vui vẻ trở lại trường. Bởi lẽ, khi được nghỉ tết, các trẻ thường được ngủ nướng, dậy muộn, cả ngày chỉ đi chơi và đi ăn, lịch sinh hoạt gần như bị “đảo lộn”.
Thạc sỹ tâm lý Lã Linh Nga – Giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục cho biết trên trang Khám Phá, lý do khiến các con ngại phải đi học trở lại là do kỳ nghỉ khá dài, các con bị thay đổi nhịp sinh học. Khi đi học, quay lại nếp ăn, ngủ không được tự do theo ý thích nữa, các bạn ý sẽ cảm thấy khó chịu và khó thích nghi, dẫn tới việc không muốn đi học.
Ngoài ra, cũng có không ít những ông bố bà mẹ trong những ngày nghỉ lễ thường hay dọa con: “Con không ngoan cho đi học bây giờ”, “con hư là bố mẹ mách cô giáo”, những câu nói tưởng đơn giản nhưng dễ dẫn tới việc trẻ bị ám ảnh, sợ trường học, nhát cô giáo và không muốn đến lớp.
Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga cũng cho biết, để tạo hứng thú cho bé đi học sau Tết cha mẹ cần khơi gợi niềm yêu thích lớp học cho bé thường xuyên trong thời gian nghỉ bằng cách: Trong tất cả các ngày nghỉ nên nói chuyện với con về những câu chuyện vui khi đi học, những bài học thú vị, những giờ chơi mà con thích, các hoạt động ngoại khóa ở trường, từ đó các con sẽ có cơ hội kể lại những niềm vui đó cho gia đình nghe.
Thạc sỹ tâm lý Lã Linh Nga chia sẻ: “Có một thực tế rất dễ thấy đó là việc nhiều phụ huynh khi thấy con chểnh mảng việc học sau tết thường sẽ nổi cáu, nóng vội với các con, mà càng cáu, càng bực mình thì con lại càng bất hợp tác. Lúc này các mẹ cần phải bình tĩnh, tạm chấp nhận sự thật và thông cảm với các con về việc lơ đãng chuyện học sau kỳ nghỉ dài. Thay vì suốt ruột, nóng vội thì cha mẹ nên giúp con lập kế hoạch chi tiết, chia nhỏ nhiệm vụ giờ này vào học, giờ kia nghỉ, không yêu cầu quá nhiều, thay vì tạo áp lực cho con bằng việc bắt con học này học kia thì mẹ nên nói vài lời khích lệ, khen ngợi để con có tinh thần tích cực.”
Trong trường hợp các con bướng bỉnh, nói không nghe lời, cha mẹ cần phải quán triệt rõ ràng việc học và chơi giống như khi con đang học trên lớp. Thông thường nếu phụ huynh biết tương tác thì chỉ mất 1 hoặc 2 tuần là các con sẵn sàng tâm lý trở lại.
Phụ huynh và cả giáo viên đừng quá chạy theo chương trình, giáo án, khuôn khổ mà gây áp lực với trẻ. Chuyên gia nhấn mạnh: “Cha mẹ chấp nhận ngồi học cùng con thời gian đầu, thì các con sẽ hứng thú, kiểm soát các trò mà con tìm mọi cách kiếm cớ lảng tránh việc học”.
Từ kinh nghiệm của mình, cô giáo mầm non Phạm Thị Hường cho rằng, để các con không bị tâm lý sợ sệt khi đi học lại, khi trẻ hư, phụ huynh không nên đưa giáo viên ra hù dọa, mà nên thường xuyên khen ngợi, động viên khi các con làm việc tốt. Cô Hường khuyên: “Hai ngày trước khi đi học lại, phụ huynh cho trẻ tập theo giờ giấc ăn ngủ đã được rèn và khơi gợi cho con tâm lý nhớ bạn, nhớ trường để hào hứng chờ đợi ngày đến trường”.
Video xem thêm: Thức tỉnh – Sinh mệnh tìm về cội nguồn