Phán xét là hành động không hề đẹp đẽ chút nào. Chúng đòi hỏi. Chúng phê phán. Chúng phân chia. Chúng phá hủy. Chúng làm ta mờ mắt trước những lỗi lầm của mình. Sự phán xét, áp đặt những ý kiến của ta lên người khác. Nó hầu như không để cho người khác trở nên khác biệt so với ta, vì sự phán xét nhìn thấy những khác biệt đó là sai trái.

Emily rẽ vào bãi đậu xe tại công viên. Ngay khi xe vừa đỗ, lũ trẻ nhà cô ấy nhảy ra khỏi xe và tiến thẳng đến khu vui chơi yêu thích của chúng. Emily theo sát ngay phía sau. Cô ấy rất thích đưa mấy đứa nhóc đến công viên vui chơi.

Khi Emily cùng lũ trẻ đang vui đùa thỏa thích, thì cô ấy bỗng thấy có hai đứa trẻ khác cũng đang chơi ở công viên mà không có cha mẹ đi cùng. Sau đó, cô phát hiện ra bà mẹ đó: một bà mẹ đang ngồi trong xe ô tô. Hiển nhiên những đứa trẻ đang vui đùa một mình kia thuộc về người mẹ “vô trách nhiệm” ấy. “Cô không thể ra khỏi xe hay sao?”, Emily nghĩ. “Liệu có là quá nhiều nếu đòi hỏi cô phải chơi với những đứa con của mình?”.

Mặc dù thật khó để thừa nhận điều này, nhưng hầu hết chúng ta đều có cùng suy nghĩ về bà mẹ kia. Có thể, đó là một ai đó chúng ta quen biết, hay đó là một người hoàn toàn xa lạ đi ngang qua công viên. Những phán xét ấy hiện lên ngay cả khi ta không hề nhận ra chúng.

Sáu tháng sau đó, Emily mang thai đứa con thứ ba và lần mang bầu này khá khó khăn. Những triệu chứng thai nghén trở nên ngoài tầm kiểm soát khiến cô ấy hiếm khi thoải mái.

Vào một buổi chiều nọ, hai đứa con cô nài nỉ mẹ đưa đến công viên. Sau khi cố gắng từ chối, Emily đã xuôi lòng và lái xe đưa chúng đến đó. Cô nói: “Các con, mẹ sẽ đưa các con đến công viên, nhưng hôm nay mẹ không thể chơi đùa cùng các con được. Mẹ cảm thấy rất mệt mỏi”.

Đến công viên, cảm giác khó chịu của Emily càng tăng lên.

Tiến vào bãi để xe, Emily để ý một chỗ đậu xe mà từ đó cô có thể dễ dàng quan sát bọn trẻ. Ngồi trong xe, cô cố gắng kiềm chế cơn buồn nôn, nhưng điều làm cô ấy trở nên mệt mỏi hơn lại là một thứ khác. “Lạy Chúa. Mình đang trở thành bà mẹ ấy, người không thể ra khỏi xe và chơi đùa với lũ trẻ. Nếu có một bà mẹ nào đó ở đây, họ cũng sẽ nghĩ về mình một cách tồi tệ như mình đã nghĩ về bà mẹ kia nhiều tháng trước!”.

Trong lúc này, Emily cảm thấy mình chính là người mẹ kia. (Ảnh: dkn.tv)

Những gì Emily đang trải qua là một sự kết tội.

Rất có thể đây là một sự an bài tỉ mỉ để Emily nhận ra tâm mình vì những phán xét cô dành cho bà mẹ kia nhiều tháng trước đó. Đây là một điều tốt, để cô luôn có trách nhiệm và khuyến khích cô thay đổi. Emily đã nhận ra sự bất công trong những phán xét cô dành người mẹ ấy. Và bây giờ cô biết được rằng, mình cũng có thể bị phán xét như thế.

Tuy nhiên, không chỉ riêng Emily hay phán xét những người xung quanh. Nếu chúng ta thành thật, thì hầu hết chúng ta đều nghĩ về người khác bằng con mắt xét nét hơn là sự bao dung.

Emily đã có thể bước vào bãi gửi xe và chia sẻ với bà mẹ kia. Hoặc cô ấy đã có thể nghĩ: Tại sao cô ấy lại không chơi đùa cùng lũ trẻ? Có thể cô ấy đang phải trải qua một sự mất mát nào đó hoặc đang đau buồn về sự ra đi của một ai đó, và… có thể đó là một đứa trẻ. Có thể, cuộc hôn nhân của cô ấy rối bời và cô ấy không thể đứng vững trước sóng gió. Có thể cô ấy đang bệnh, đang phải vật lộn với một căn bệnh tồi tệ nào đó. Cũng có thể cô ấy đang khổ sở vì thai nghén.

Tại sao chúng ta lại có xu hướng nghĩ xấu về những người khác? Điều gì đã ngăn cản chúng ta không cho người khác một cơ hội? Tại sao chúng ta lại phán xét người khác ngay lập tức thay vì nhìn nhận với một tấm lòng bao dung hơn?

Đây là điểm mấu chốt làm nên đại dịch, nó mang tên “sự cầu toàn”. Nó không chỉ mang lại cho chúng ta sự tự mãn, nỗi sợ hãi và làm ta thiếu tự tin. Giờ thì chúng ta còn mong muốn áp đặt sự “hoàn hảo” lên cả người khác nữa. Áp đặt lên những đứa trẻ, người bạn đời của ta, bạn bè và ngay cả những người lạ. Đây là căn bệnh đã bắt đầu cho các cuộc chiến giữa con người với con người. Sự phán xét đã xây nên những bức tường ngăn cách chúng ta, và đã đến lúc ta phải gỡ bỏ chúng.

Phán xét là hành động không hề đẹp đẽ chút nào. Chúng đòi hỏi. Chúng phê phán. Chúng phân chia. Chúng phá hủy. Chúng làm ta mờ mắt trước những lỗi lầm của mình. Sự phán xét, áp đặt những ý kiến của ta lên người khác. Nó hầu như không để cho người khác trở nên khác biệt so với ta, vì sự phán xét nhìn thấy những khác biệt đó là sai trái.

Phán xét là hành động không hề đẹp đẽ chút nào. (Ảnh minh họa: healthfully.com)

Nếu cởi bỏ lớp vỏ bọc của sự phán xét, bạn sẽ thấy sự tự mãn ở ngay bên trong. Sự tự mãn nói rằng: “Tôi biết những điều tốt nhất”, “Bạn sẽ không thể nào biết được cách làm tốt như tôi”… Rất nhiều người trong chúng ta luôn để tinh thần phê phán hiện hữu trong cuộc sống. 

Đôi lúc, sự phán xét len lỏi cả vào trách nhiệm làm cha mẹ và dạy dỗ con trẻ của chúng ta. Khi những đứa trẻ lớn hơn, chúng có những ý kiến riêng của mình. Chúng bắt đầu tự ra quyết định cho bản thân. Cá tính bắt đầu thể hiện rõ và nếu những tính cách đó khác với chúng ta, chúng ta có thể trở nên rất khó chịu, bực bội.  

Khi chúng ta đang ở cùng với một người bạn nào đó và đứa con của cô ấy lại cư xử không tốt, sự phán xét có thể nảy sinh trong ý nghĩ: “Cô ấy thật không nghiêm khắc. Nếu cô ấy nghiêm khắc hơn một chút, đứa trẻ sẽ cư xử tốt hơn”. Chúng ta đã xây nên bức tường rào trong vô thức. Sự phán xét là viên gạch, lòng tự mãn là hồ vữa khiến cho thái độ trong những phán xét trở nên vững chắc hơn.

Những căng thẳng tạo ra dưới áp lực của sự cầu toàn nguy hiểm đến nỗi chúng cần một liều thuốc giải độc mạnh. Rất có thể, chỉ có sức mạnh vạn năng cùng trí huệ và sự từ bi vô hạn của Đức Phật mới có thể giúp con người kiểm soát và loại trừ căn bệnh đáng sợ này.

Liệu pháp cho sự phán xét này chính là lòng bao dung, sự từ bi. Vậy, lòng bao dung là gì? Lòng bao dung là khi ta xứng đáng nhận hình phạt nhưng thay vào đó ta lại nhận được tình yêu thương. Lòng bao dung là nhân tố cốt lõi trong mối quan hệ với các Đấng tối cao. Lòng nhân từ của Người không cần phải cầu xin. Thay vào đó, điều này được cho đi một cách miễn phí. Chúng ta chỉ cần chấp nhận nó. Đây thật sự là một món quà vô giá!

Lòng bao dung cho phép người khác được là con người, được mắc lỗi lầm và không bị phê phán vì những việc làm thiếu sót hoặc không giống như cách ta thực hiện.

Đôi lúc, bạn và tôi dùng quá nhiều thời gian và sức lực để ý đến những điều nhỏ nhặt mà những người xung quanh chúng ta đang làm. Và chúng ta sẽ ngay lập tức phán xét cách làm của họ. Cuộc sống này sẽ ra sao nếu thay sự phán xét bằng lòng bao dung? Xã hội này sẽ như thế nào nếu ai ai cũng trở thành một người có lòng bao dung thay vì người luôn phán xét người khác?

Hãy bắt đầu với bản thân mình. Đôi lúc, chúng ta khắt khe với người khác do ta quá khó khăn với bản thân. Do những yêu cầu quá cao, chúng ta thường vô cùng thất vọng với bản thân và người khác. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thử nói điều này mỗi khi mắc lỗi: Mình không hề hoàn hảo và đó chỉ là một thất bại nhỏ. Ai cũng có thể mắc lỗi, thế nên mình sẽ tự đối xử với mình một cách bao dung hơn, học hỏi từ lỗi lầm, xin lỗi nếu cần thiết và lại tiếp tục đứng lên.

Chỉ thế thôi. Không quá khắt khe với bản thân, không giữ mãi những thất bại trong tâm trí, không nghe theo những lời ma mị réo lên trong tâm trí. Bạn sẽ có được sự tự tại trong tâm nếu bạn bỏ qua những kỳ vọng về việc ép mình không mắc phải lỗi lầm.

Bạn sẽ có được sự tự tại trong tâm nếu bạn bỏ qua những kỳ vọng về việc ép mình không mắc phải lỗi lầm. (Ảnh minh họa: hopesdoorinc.org)

Thay thế những phán xét bằng lòng bao dung là hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, thân ái hơn

Hãy nghĩ về việc một người phụ nữ đầy lòng bao dung sẽ có ảnh hưởng thế nào đến cuộc hôn nhân với người bạn đời. Nhất là những ai đang làm mẹ, sẽ như thế nào nếu bạn đối xử với con cái mình bằng lòng bao dung nhiều hơn? Liệu như vậy đồng nghĩa với việc chúng ta “quá mềm mỏng”? Có phải là ta hạ thấp kỳ vọng của mình và lấy đi tính trách nhiệm của trẻ?

Thật ra, lòng bao dung có thể làm những điều ngược lại.

Đầu tiên, chúng ta hãy khen ngợi chúng nhiều hơn là la mắng. Điều này không làm chúng cứng đầu hay bướng bỉnh. Mà thay vào đó, trái tim chúng sẽ chất chứa nhiều tình cảm hơn.

Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường đầy phán xét và la mắng sẽ trở thành một con người khó tính và luôn phàn nàn. Nếu nhận được sự ủng hộ, được yêu thương và cảm thấy mình có giá trị, đứa trẻ đó có thể trở thành một người tốt bụng, nhạy cảm, tinh tế và giàu lòng yêu thương.

Một đứa trẻ lớn lên trong gia đình đầy lòng bao dung sẽ hiểu được rằng, vấp ngã là điều không thể tránh khỏi. Chúng sẽ học hỏi từ những sai lầm. Chúng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng sẽ sống một cách tốt hơn. Chúng sẽ nhận ra rằng mắc lỗi là một điều không thể thiếu trong cuộc sống con người. Vậy nên, cha mẹ đủ bao dung sẽ tạo môi trường sống tốt cho con cái của mình.

Ngoài ra, việc thay thế những phán xét bằng lòng bao dung sẽ giúp thay đổi thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn, thân ái hơn. Nó sẽ giúp mỗi gia đình trở thành nơi nuôi dưỡng những mối quan hệ tốt đẹp, giúp những nơi công cộng trở nên thú vị. Nhờ đó, bạn có thể đưa con đến công viên chơi và ngồi nghỉ trong xe một cách thoải mái mà không sợ bị ai phán xét. Họ sẽ nhìn bạn bằng ánh mắt khoan dung hơn. Thật tuyệt vời phải không?

Thế giới của chúng ta cần nhiều hơn nữa lòng trắc ẩn, tình thương yêu và tất nhiên là cả lòng bao dung. Chúng ta hãy cùng nhau gỡ bỏ thói quen phán xét ấy ngay từ ngày hôm nay. Bạn và tôi đều có thể mang lại sự khác biệt cho thế giới này, thế giới của sự bao dung.

Hồng Ân