Là một người có kinh nghiệm lâu năm trong trị liệu cho đối tượng thanh thiếu niên và các bậc phụ huynh, tiến sĩ tâm lý Barbara Greenberg (Mỹ) đã nhận ra được nhiều nguy hại khôn lường khi cha mẹ nói dối con cái.

Tiến sĩ Barbara Greenberg từng nhận được bức thư của một cô bé 17 tuổi như sau:

“Thưa bác sĩ, cháu đã rất tức giận với cha mẹ. Trước kia, mẹ cháu là người lao động chính trong gia đình, nhưng bà đã mất việc khoảng 1 năm trước. Cha mẹ cháu đã không kể gì cho cháu và anh trai. Mẹ cháu thậm chí vẫn thức dậy và giả vờ đi làm đều đặn trong suốt 1 năm qua. Cháu đã nghi ngờ và bắt đầu nghe lỏm cha mẹ tranh luận về chuyện tiền bạc, khi biết chúng cháu phát hiện ra, mẹ đã thừa nhận phải nói dối vì không muốn bọn cháu lo lắng. Nhưng cháu thấy đây là việc làm rất ngu ngốc, đáng nhẽ cha mẹ nên thành thật.

Cháu rất tức giận vì cha mẹ có quá nhiều bí mật, cháu sẽ không bao giờ đòi hỏi cha mẹ mua cho thứ gì nếu biết được họ đang gặp khó khăn về tài chính…”

Cha mẹ luôn dạy con phải thật thà, nhưng chính họ đôi lúc lại lựa chọn nói dối con cái và “bao biện” bằng những lý do tốt đẹp. Con người không ai thích sự mơ hồ và thiếu rõ ràng, nhất là người trong cùng gia đình, chúng ta sẽ luôn có nhu cầu muốn chia sẻ và hỗ trợ những người thân yêu.

1. Trẻ em rất nhạy cảm

Cha mẹ thường nghĩ con cái rất “khờ” và dễ bị dụ, nhưng sự thật, trẻ em luôn là những đối tượng nhạy cảm, đặc biệt với những lời nói dối.

Chúng có thể cảm thấy những căng thẳng đang diễn ra, và nếu không được chia sẻ rõ ràng, trẻ có thể tự tưởng tượng ra nhiều viễn cảnh tồi tệ hơn cả thực tế.

2. Vô tình dạy con nói dối

Khi cha mẹ nói dối con cái, họ sẽ trở thành “tấm gương” nói dối cho trẻ học tập. Trẻ không quan tâm mục đích nói dối là tốt hay xấu, chúng chỉ hiểu đơn giản, nếu những người lớn thường dạy chúng về đạo đức mà có thể nói dối, thì chúng cũng có thể.

3. Cha mẹ sẽ đánh mất lòng tin nơi con cái

Cha mẹ nghĩ họ giữ kín sự thật để bảo vệ con cái, trên thực tế, họ đang tự đánh mất sự tin tưởng của con. Nếu đã hiểu “Một lần bất tín, vạn sự bất tin” thì phải xử sự như thế nào? Có những sự việc không muốn nói thì có thể không nói, nhưng nhất định đừng chọn lời nói dối. Bởi lúc lời nói dối bị phát hiện cũng là khi lòng tin bị tổn thương nghiêm trọng.

4. Trẻ trở nên bàng quan trước lời dối trá

Sống trong một gia đình có nhiều lời nói dối, trẻ sẽ mặc nhiên xem nói dối là một điều bình thường. Trẻ cho phép mình nói dối và không biết chống lại những lời dối trá của mọi người xung quanh. Chắc chắn không có bậc phụ huynh nào mong muốn con mình trở thành người vô cảm với sự dối trá.

5. Sự thành thật thúc đẩy giao tiếp

Không có gì gắn kết con người tốt bằng sự thành thật. Cha mẹ chia sẻ thẳng thắn với con cái sẽ thúc đẩy sự tương tác dễ dàng.

Thành thật với con bởi vì tôn trọng con (ảnh: Shutterstock).

Giao tiếp tốt thì mối quan hệ tốt, tình cảm thêm gắn bó. Trẻ xóa bỏ được mặc cảm “kẻ dưới”, “bề trên” để thoải mái chia sẻ với cha mẹ như bạn bè.

6. Nói dối con, là bảo vệ con hay chính mình?

Barbara Greenberg đã đặt ra nghi vấn về lý do thực sự khiến cha mẹ nói dối. Có chắc là họ muốn bảo vệ con cái khỏi lo lắng, hay vì để bảo vệ “cái tôi” và danh dự của họ trước con cái? Không cha mẹ nào muốn con nhìn mình như những kẻ thất bại, và việc thừa nhận mình sai lầm, thiếu sót trước mặt con sẽ rất khó khăn.

Tuy nhiên, tiến sĩ Barbara khuyên các bậc phụ huynh nên nghĩ về gia đình như là một hệ thống kết nối các thành viên, thay vì luôn coi mình là người làm chủ và chi phối gia đình. Dù rất khó để thành thật, nhưng đó vẫn là lựa chọn đúng đắn cho cha mẹ.

7. Tổn thương lớn sau những lời nói dối

Nếu các vấn đề gia đình không được chia sẻ, khi bị tiết lộ, chúng có thể gây sốc gấp nhiều lần. Đây là lý do tại sao tiến sĩ Barbara luôn khuyến khích các bậc phụ huynh chia sẻ các vấn đề trong gia đình với con cái để không tự biến chúng thành những rắc rối lớn hơn so với thực tế.

8. Trẻ muốn có một “vai” trong gia đình

Trẻ em cũng muốn được tôn trọng như một thành viên bình đẳng trong gia đình. Nếu một người thân bị bệnh, chúng cũng muốn được chăm sóc, giúp đỡ. Khi cha mẹ giữ bí mật, nghĩa là đã tước đi quyền được thể hiện vai trò của trẻ. Không chỉ người lớn, cả trẻ em cũng sẽ tự hào và hạnh phúc khi cảm thấy ai đấy cần mình và mình có năng lực hỗ trợ người khác.

9. Lời nói dối ngắt kết nối với con cái

Bằng cách giữ bí mật, cha mẹ vô tình làm cho con cái của họ cảm thấy bị ngắt kết nối. Sự liên kết của các thành viên sẽ trở nên rời rạc hơn.

10. Dạy con đối phó với biến cố

Cha mẹ nào cũng muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất và bao bọc con vượt qua khó khăn. Nhưng trong thực tế, con người luôn phải đối diện với nhiều biến cố trong suốt cuộc đời. Sự khó khăn giúp tôi luyện con người mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Thay vì nói dối để vẽ ra viễn cảnh màu hồng trong mắt con, cách cha mẹ chia sẻ thẳng thắn sẽ dạy trẻ biết đối diện với khó khăn để vượt qua giông bão thực tế.

Video: Donald Trump – Tổng thống trung thực nhất trong lịch sử nước Mỹ

videoinfo__video3.dkn.tv||7a49ceeb9__