Người xưa có câu: “Đạo đức gia truyền, sẽ hưng vượng mười đời trở lên, đọc sách gia truyền xếp phía sau, thi thư gia truyền xếp sau nữa, còn phú quý gia truyền chỉ được không quá ba đời”.
Một gia tộc muốn hưng thịnh bền lâu cần dựa vào đạo đức lương thiện và chăm chỉ đọc sách. Gia tộc Phạm Trọng Yêm là minh chứng cho điều đó.
1. Đạo đức gia truyền, hưng thịnh mười đời trở lên
Phạm Trọng Yêm là Tể tướng của triều đại nhà Tống, từ nhỏ ông đã có tấm lòng yêu thương hết thảy mọi người trong thiên hạ.
Lúc nhỏ, Phạm Trọng Yêm từng đi xem bói. Vừa gặp mặt, ông liền hỏi thầy tướng số: “Ông xem giúp cháu, cháu liệu có thể làm tể tướng không ạ?”.
Thầy tướng số nghe xong liền kinh ngạc hỏi Phạm Trọng Yêm: “Cháu tuổi còn nhỏ, sao lại có khẩu khí lớn thế này?”.
Phạm Trọng Yêm thoáng chút ngại ngùng rồi hỏi tiếp: “Nếu không được như vậy, ông xem lại giúp cháu, xem cháu có thể làm thầy thuốc được không ạ?”.
Vị thầy tướng số nghĩ ngợi một hồi, chí nguyện sao lại thay đổi nhanh thế này, liền hỏi ông: “Tại sao cháu lại có hai chí nguyện khác nhau như vậy?”.
Phạm Trọng Yêm trả lời: “Bởi vì chỉ có vị tể tướng và thầy thuốc tốt thì mới cứu được người ạ”.
Vị thầy tướng số sau khi nghe xong rất cảm động. Mỗi mong nguyện của đứa trẻ đều nghĩ đến cứu người, ông lập tức nói với Phạm Trọng Yêm: “Cháu có tấm lòng tốt thế này, tương lai nhất định làm tể tướng”.
Và quả thực, Phạm Trọng Yêm đã trở thành tể tướng, hơn nữa lại còn là vị tể tướng ưu tú trong lịch sử được nghìn đời ngợi ca.
Phạm Trọng Yêm không chỉ giúp đỡ học trò nghèo, giảm nô dịch, xây dựng nghĩa điền mà còn làm rất nhiều việc tốt khác nữa.
Có một câu chuyện còn lưu lại cho người đời sau kể về việc Phạm Trong Yêm dạy con làm việc nghĩa như thế này:
Thời Phạm Trọng Yêm còn làm quan ở Tuy Dương, một lần ông đã sai con trai Phạm Thuần Nhân đến Tô Châu để vận chuyển một thuyền lúa. Lúc ấy Phạm Thuần Nhân còn rất trẻ. Khi anh vận chuyển thuyền lúa về đến Đan Dương thì gặp người bạn cũ tên là Thạch Mạn Khanh. Phạm Thuần Nhân hỏi anh ta: “Tại sao anh ở lại đây lâu như vậy?”.
Thạch Mạn Khanh đáp: “Nhà tôi đang có tang nhưng không có tiền để đưa linh cữu về quê nhà”.
Phạm Thuần Nhân nghe xong, liền cho Thạch Mạn Khanh nguyên cả thuyền đầy lúa, để anh ta có tiền về quê.
Phạm Thuần Nhân trở về nhà, không biết thưa chuyện với cha thế nào nên đứng mãi bên cạnh cha thật lâu không nói gì.
Phạm Trọng Yêm thấy vậy, hỏi: “Con lần này đến Tô Châu, có gặp người bạn nào không?”.
Phạm Thuần Nhân trả lời: “Khi đi ngang qua Đan Dương, con tình cờ gặp Thạch Mạn Khanh. Cậu ấy đang có tang người thân nhưng không có tiền để đưa linh cữu về quê, nên bị mắc lại ở đó”.
Phạm Trọng Yêm liền nói với con: “Vậy sao con không lấy hết thuyền lúa mà tặng cho cậu ấy?”.
Phạm Thuần Nhân nghe thấy cha nói vậy, trong lòng cảm thấy mừng rỡ, trả lời: “Thưa cha! Con đã tặng cả thuyền lúa cho cậu ấy rồi”.
Phạm Trọng Yêm nghe con trai nói xong thì rất vui vẻ, khen con làm vậy là rất đúng.
Từ sau sự việc đó, người đời đều hiểu rằng, gia phong của Phạm Trọng Yêm đã được truyền cấp thành công cho con trai ông rồi.
Trong cuốn “Nghĩa Điền Ký” của Tiền Công Phụ có một đoạn ghi chép như sau: “Phạm Trọng Yêm chi rất nhiều tiền mua mấy ngàn mẫu ruộng. Ông không dùng ruộng đất để làm giàu mà ngược lại đem giúp đỡ người nghèo, để họ có cái ăn, có chỗ ở, chỗ chôn cất cho người đã chết… giúp những người này thoát khỏi đói khát cơ hàn”.
Con cháu đời sau kế thừa lòng thiện tâm của ông nên gia tộc họ Phạm đã hưng thịnh suốt mấy trăm năm.
Tuy nhiên, sau này vì chiến tranh, số ruộng đất công ích này đã bị phá hủy. Hai anh em Phạm Lương Khí, Phạm Chi Nhu, cháu đời thứ 5 của Phạm Trọng Yêm, lại tiếp tục cống hiến toàn bộ gia sản của mình để ruộng công ích được khôi phục trở lại.
Phạm Trọng Yêm đã gieo hạt giống lương thiện trong gia tộc. Con cháu đời sau của ông không ngừng bồi đắp, mãi cho đến khi nó trở thành một cây đại thụ giữa trời xanh. Cây đại thụ ấy chở che cho con cháu đời đời, từ thời Tống mãi cho đến thời Mạt Thanh, hưng thịnh suốt 800 năm.
Người xưa có câu rằng: Tướng do tâm sinh, do vậy nếu một người lương thiện thật sự thì nội tâm của họ sẽ biểu hiện ra ở gương mặt và không thể giả bộ được. Người phúc hậu thiện lương luôn được mọi người giúp đỡ, con đường đời ngày càng rộng mở, mỗi việc làm đều đạt được kết quả tốt đẹp.
Lương thiện chính là điểm mấu chốt, nếu một người không thể gìn giữ thiện lương trong lòng mà hành ác thì tai họa sẽ theo đó mà đổ xuống, gia tộc đó không còn có thể hưng thịnh được nữa. Bởi vậy mới nói: “Người hành thiện, phúc tuy chưa tới nhưng họa đã tránh xa”. Cầu Thần bái Phật mỗi ngày cũng không thể bằng nuôi dưỡng sự thiện lương trong tâm hồn chúng ta.
2. Đọc sách gia truyền
Tô Thức, một nhà thơ nổi tiếng từng để lại lời răn dạy của mình trong cuốn “Tam Hòe Đường Minh” như sau: “Hết lòng kế thừa truyền thống đọc sách, thơ ca lưu truyền muôn đời”.
Một gia tộc muốn hưng thịch đời đời, ngoài việc nuôi dưỡng thiện lương còn cần chăm đọc sách và học hỏi trí tuệ người xưa. Trong cuốn “Dữ Trung Xá Thư” của Phạm Trọng Yêm gửi người nhà, ông từng nói về vấn đề giáo dục con cháu như sau:
“Một là: Đôn đốc con cái học hành, chăm học khổ luyện, không để chúng sống mà không có mục đích và phương hướng rõ ràng.
Hai là: Phải để con cháu hiểu rằng, chỉ có học hành thì mới có thể bồi dưỡng tài năng, tương lai mới có thành tựu”.
Có một câu chuyện thế này, anh cả của Phạm Trọng Yên muốn xin cho con trai mình làm quan bằng cách đi cửa sau. Ông bèn đến nhờ Phạm Trọng Yêm chấm cho con được trúng tuyển nhưng Phạm Trọng Yêm nghiêm khắc từ chối. Ông hy vọng cháu của mình có thể chăm chỉ học hành, dựa vào tài năng thực sự của bản thân để đảm đương công việc, như thế mới không khiến người đời coi thường.
Phạm Trọng Yêm nói: “Học hành chăm chỉ, đó là cái gốc dựng nghiệp. Sách vở đừng bỏ dở, đó là bảo vật của thế gian”. Đồng thời ông coi câu này cũng là gia huấn cho gia tộc mình.
Nhờ sự giáo dục của ông, con cháu nhà họ Phạm đều không xem nhẹ việc học hành. Do đó mà hiền tướng danh thần là con cháu họ Phạm đời nào cũng có, trở thành giai thoại đẹp giữa nhân gian.
Xưa nay, hầu hết những người có thành tựu đều thích đọc sách.
Vương Dương Minh dù bị cách chức nhưng vẫn không quên nghiên cứu Kinh Dịch mỗi ngày.
Tăng Quốc Phiên nửa đời ngồi trên yên ngựa nhưng trên đường hành quân luôn mang theo sách bên mình để khi có thời gian thích hợp liền mở sách ra đọc.
Đọc một cuốn sách tốt chính là đang kết giao với người bạn tốt, học được thêm tri thức mới và thấu hiểu người khác. Người thích đọc sách sẽ biết lắng nghe lời dạy của bậc trí giả.
San San
Video xem thêm: “Phép tắc người con” (Đệ tử quy)