Thụy Sĩ không chỉ nổi tiếng với thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp. Có vô số điều về Thụy Sĩ đã cuốn hút du khách khắp thế giới như đồng hồ, lễ hội âm nhạc, phô mai và sô cô la… Nhưng ít ai biết rằng Thụy Sĩ là quốc gia duy nhất có 4 ngôn ngữ chính thống, đây là nét văn hóa độc đáo mà không quốc gia nào trên thế giới có được.
Để có thể hiểu một quốc gia nào đó, có lẽ điều đầu tiên chúng ta nên làm là tìm hiểu về ngôn ngữ. Bởi ngôn ngữ vốn là điều đặc trưng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, điều làm nên văn hóa và con người bản địa.
Lịch sử đa ngôn ngữ
Khác với những quốc gia trên thế giới, đất nước Thụy Sĩ nhỏ bé lại có đến bốn ngôn ngữ chính thống. Chính điều này đã tạo nên cho văn hóa nơi đây sự đa dạng và độc đáo.
Tính đa ngôn ngữ của Thụy Sĩ xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, rất lâu trước khi quốc gia thống nhất ngày nay tồn tại. Có bốn ngôn ngữ Thụy Sĩ chính thức: tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và Romansh. Và không khó để bạn nhận thấy “biên giới ngôn ngữ” trên đất nước này khi: tiếng Đức được sử dụng chủ yếu ở phía Bắc, Trung Tâm và phía Đông Thuỵ Sĩ, tiếng Pháp ở phía Tây, tiếng Ý ở phía Nam và tiếng Romansh – ngôn ngữ bắt nguồn từ tiếng Latin, chỉ có một nhóm nhỏ người sử dụng ở phía Đông Nam Thuỵ Sĩ.
Ngôn ngữ thứ năm, tiếng Anh, ngày càng được sử dụng để làm cầu nối cho sự tách biệt ngôn ngữ. Trong một cuộc điều tra gần đây của Pro Linguis, 3/4 số người được hỏi cho biết họ sử dụng tiếng Anh ít nhất ba lần một tuần.
Từ 7.000 năm trước, Thụy Sĩ “ở giữa mọi thứ, và cũng ở bên lề của mọi thứ,” theo Laurent Flutsch, nhà quản lý tại Bảo Tàng Khảo Cổ Vindonissa ở Brugg. Khi Thụy Sĩ hiện đại được thành lập vào năm 1848 thì các biên giới ngôn ngữ đã được hình thành.
Ở đất nước Thụy Sĩ nhiều ngôn ngữ này thì ngay cả sự phân chia ngôn ngữ cũng bị phân chia. Những người trong các bang nói tiếng Đức thì nói tiếng Đức kiểu Thụy Sĩ ở nhà nhưng học tiếng Đức chuẩn tắc ở trường. Tiếng Ý nói ở bang Ticino xen lẫn nhiều từ mượn của tiếng Đức và Pháp.
Nếu ai đã từng sống ở Thụy Sĩ lâu năm có thể biết về Röstigraben, một thuật ngữ vui để nói đường ngăn cách vô hình của vùng đất nói tiếng Đức với tiếng Pháp của Thụy Sĩ. Cũng chính vì điều này, rất nhiều du khách khi đến đây đã có cảm giác như mình đang đi du lịch giữa 2 quốc gia Châu Âu khác.
Ngôn ngữ là văn hóa
Số người nhập cư vào Thụy Sĩ chiếm tới 8,9% dân số và họ cũng góp phần đáng kể vào sự đa dạng ngôn ngữ của quốc gia nhỏ bé này. Ngôn ngữ có thể không phải là số mệnh, nhưng nó xác định nhiều hơn là những từ chúng ta nói. Ngôn ngữ điều khiển văn hoá, và văn hoá điều khiển cuộc sống.
Khi nghĩ về biên giới, thường người ta nghĩ ngay đến đường phân chia chính trị, một đường biên cứng, thậm chí có thể là một bức tường, ngăn cách 2 quốc gia. Đó là một loại biên giới. Nhưng còn có những biên giới khác nữa: biên giới văn hoá; biên giới ngôn ngữ; biên giới trong tâm trí. Không ai rõ điều này hơn người Thụy Sĩ. Biên giới của họ là sự hỗn độn về ngôn ngữ và văn hoá, kỳ diệu thay, chúng ràng buộc nhau, và như mọi thứ khác ở Thụy Sĩ, chúng ta sẽ thấy một sự giao thoa hài hòa gần như hoàn hảo.
Cách dùng đa ngôn ngữ ở Thụy Sĩ có thể đôi khi hơi phiền toái, bởi vì hầu hết các sản phẩm thực phẩm phải liệt kê thành phần bằng 3 thứ tiếng nhưng tính đa ngôn ngữ đối với người Thụy Sĩ lại là niềm tự hào dân tộc. Cũng giống như phép lịch sự đối với người Anh hay phong cách đối với người Ý.
Ngày nay, các ngôn ngữ của Thụy Sĩ không phân bố đều. Trong số 26 bang của nước này, có 17 bang nói tiếng Đức, trong khi 4 bang nói tiếng Pháp và 1 bang nói tiếng Ý. (Ba bang là song ngữ và một bang, Grisons, là ba ngôn ngữ.) Đa số người Thụy Sĩ, khoảng 63%, dùng tiếng Đức là ngôn ngữ số 1. Vì vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy nhiều người dân Thụy Sĩ có thể nói từ 4 đến 5 thứ tiếng một cách trôi chảy.
Có thể, có nhiều người tò mò làm sao đất nước nhỏ bé này có thể cân bằng tính đa ngôn ngữ và tạo nên sự giao thoa văn hóa nhịp nhàng đến vậy. Điều này được giải thích trong cái mà người Thụy Sĩ gọi là ‘Willensnation’. Nó có nghĩa đen là một ‘quốc gia đồng lòng’, nhưng ở Thụy Sĩ, từ này mang một ý nghĩa đặc biệt, ‘một quốc gia sinh ra với mong muốn được sống cùng nhau’.
Có thể nói, tính đa ngôn ngữ đã tạo nên sự hài hòa trong văn hóa và đời sống của người dân Thụy Sĩ. Và phải chăng, chính điều đặc biệt này đã góp phần làm nên một trong những đất nước tuyệt vời nhất thế giới, nơi không chỉ thiên nhiên mà con người chung sống bên nhau hòa ái và yên bình.
Huệ Nhi