Có một sự thật rằng, chúng ta có quá nhiều công thức để thành công, và thực chất từ trong sâu thẳm sinh mệnh mỗi người đều biết làm gì là tốt nhất là bản thân mình. Nhưng phần lớn chúng ta vẫn mãi không đạt được điều mình thực sự mong muốn. Đâu là nguyên nhân dẫn đến những thất bại ấy?
1. Chủ nghĩa hoàn hảo bắt nguồn từ sợ hãi?
Chúng ta vẫn thường nghe mọi người nói về sự hoàn hảo như là một chuẩn mực tối cao mà ai cũng muốn hướng đến. Thậm chí, một số người còn cảm thấy tự hào khi tự cho mình là “người cầu toàn” để khẳng định sự hoàn hảo của bản thân.
Nhưng, bạn có biết, chủ nghĩa hoàn hảo thực chất là bắt nguồn từ những nỗi sợ hãi. Vì lo sợ mọi người nhận ra khuyết điểm của mình, sợ người khác đánh giá mình kém cỏi, sợ gặp thất bại, sợ tương lai… nên bạn cố gắng phải làm tất cả mọi thứ thật hoàn hảo, đến mức, bạn kiệt sức trong hàng tá các suy nghĩ mâu thuẫn và quyết định… không làm gì cả.
Những người đang theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo thường sống rất mệt mỏi. Bên ngoài, họ có thể trông giống như những chiến binh bất khả chiến bại và mạnh mẽ hơn bất kỳ ai, nhưng nỗi sợ hãi của họ còn lớn hơn người khác gấp nhiều lần vì họ luôn phải phấn đấu và nỗ lực theo từng ngày.
2. Biến mình thành nô lệ của những thói quen tốt
Nếu thực sự là một người nghiêm túc và đầy nhiệt huyết, bạn có lẽ bị ám ảnh bởi việc tuân thủ những thói quen hàng ngày khắt khe như dậy đúng giờ hay viết một bài blog mỗi tuần. Thậm chí, bạn còn có thể tin rằng chúng là cốt lõi cho thành công của bạn, rằng bạn sẽ không hoàn thành nhiều thứ nếu không tuân theo những quy tắc đó.
Nhưng bạn chỉ đúng một phần: Những thói quen tốt rất quan trọng, chúng có thể được xem là chìa khóa thành công trong cuộc đời bạn. Nhưng mà, nếu bạn bê trễ hoặc “trót lỡ” không thực hiện đúng thói quen trong một ngày hoặc thậm chí là một tuần thì Trái Đất cũng chưa đến ngày tận thế. Vậy nên, đừng làm quá vấn đề lên, đừng khắt khe với chính mình quá, hãy suy nghĩ đơn giản thôi.
Tôi biết, sẽ thật khó chấp nhận cảm giác khi bạn đã vô cùng khó khăn để hình thành một thói quen tốt và đang trên đà tiến lên cùng với nó rồi tự nhiên… bị “mất đà”. Và điều tồi tệ hơn nữa là bạn sẽ rất khó để quay trở lại nếu quá gay gắt về gián đoạn này. Thực ra, mất đà đâu có nghĩa là bạn đang thất bại, đó chỉ là bạn cần thư giãn và sau đó, từ từ quay trở lại với kế hoạch của mình thôi mà.
Suy cho cùng, chúng ta đều là con người, có quyền mắc sai lầm, và đặc biệt, chúng ta có quyền được sống hạnh phúc, thoải mái. Vậy nên, đừng bao giờ biến mình thành nô lệ của những thói quen, dù chúng tốt thế nào đi chăng nữa.
3. So sánh với người khác rồi đánh mất chính mình
Sự khác biệt về hoàn cảnh sống, điều kiện kinh tế, môi trường, gia đình… sẽ luôn khiến chúng ta là những thực thể không ai giống ai. Mà đã không ai giống ai thì so sánh lẫn nhau sẽ là vô nghĩa, hoàn toàn vô nghĩa. Kiểu gì cũng luôn có người đã sở hữu những điều chúng ta mơ ước.
Vậy so sánh làm gì? Tại sao phải so sánh mình với người khác, khi mình và họ, như đã nói ở trên, hoàn toàn không giống nhau? Bản thân bạn cũng sở hữu những phẩm chất, những kỹ năng, những tài năng, những điểm mạnh… mà rất có thể, người khác không có và sẽ không bao giờ có.
Vì họ không phải là bạn và bạn không phải là họ. Việc cố gắng so sánh bản thân với người khác và cảm thấy tồi tệ với bản thân chỉ vì mình không sở hữu những điều chỉ người khác có, về lâu về dài sẽ tổn hại đến lòng tự tin lẫn tự trọng của chính bạn. Nói một cách hơi cực đoan, khi so sánh bản thân với người khác, bạn chính là đang xúc phạm chính mình.
Hãy luôn ghi nhớ: “Không ai là bạn cả. Và đó là sức mạnh của bạn”.
Công thức thành công luôn có ở khắp mọi nơi, nhưng đó có lẽ chỉ là những sự gợi ý dành cho bạn. Điều thật sự quan trọng là bạn hiểu chính mình, hiểu những gì tốt nhất và cần thiết nhất cho bản thân mình, từ đó dũng cảm và tự tin bước trên con đường chinh phục những điều mình mong đợi. Và dẫu có gian nan, mệt mỏi, khó khăn thì bạn vẫn giữ mãi nhiệt huyết thuở ban đầu, bởi bạn biết đó là điều mình đã lựa chọn.
Hiểu Minh