Đông về, gió cứ từng cơn, từng cơn lạnh buốt cứa vào da thịt người. Hai tay xoa vào nhau, miệng thở ra khói, bác Vinh nhìn ra con phố vẫn đông đúc người qua lại. Chợt, ánh mắt bác dừng lại bên một chiếc cột điện cách quán không xa, có một đám trẻ quần áo phong phanh, nhàu nát, đứa bán vé số, đứa đánh giày. Bác Vinh nhìn chúng mà lòng bỗng xót xa…
Đã giữa trưa, khách bắt đầu vào quán của bác Vinh dùng bữa như thường lệ. Bác Vinh bận rộn lấy đồ ăn, tính tiền cho khách, rồi trò chuyện với những người ngồi gần. Cái quán nhỏ của bác lúc nào cũng tấp nập như vậy, có lẽ cũng vì cái vui vẻ, nhiệt tình hồn hậu của bác, thêm nữa, thức ăn lúc nào cũng nóng hổi, ngon, và hợp túi tiền.
Khi khách đã vãn, bác Vinh mới nhận ra một thằng bé trong đám trẻ lúc nãy, nhỏ còm nhom, nhưng có đôi mắt sáng, đang đứng nép một bên cửa hàng, nhìn những khay đồ ăn với ánh mắt đượm buồn của người lớn. Nhưng điều khiến bác chú ý hơn là cái vẻ lâu ngày không được ăn một bữa cơm no của cậu bé. Thương cảm, bác vẫy tay, gọi thằng nhỏ bằng một giọng trầm nhất vì bác e sẽ làm nó sợ mà chạy mất:
“Này nhỏ, vào đây bác bảo“
Thằng nhỏ dường như bị giật mình, tỏ vẻ nửa tin nửa ngờ là có người đang gọi nó. Nó chưa kịp định thần để quyết định là chạy đi hay bước tới chỗ người chủ quán mà nó thấy quý ngay từ khi còn đang đứng ngắm bàn đồ ăn, thì bác Vinh đã ở trước mặt nó rồi.
“Cậu nhóc, cháu đứng đây làm gì? Cháu đến mua cơm đúng không?“
Nam (tên cậu bé) không dám nói gì, chỉ khẽ lắc đầu. Từ sáng đến giờ, tập vé số còn ở nguyên trong túi… Nó biết nó chẳng có tiền để mua cơm…
Bác Vinh cũng hiểu cái lắc đầu của thằng bé, nhưng bác vẫn ân cần:
“Thế cháu có đói không?“
Nam cũng không dám nói thêm gì, chỉ lẳng lặng gật đầu.
“Vào đây nào, bác sẽ gói cho cháu một hộp cơm đem về nhé”
Bác Vinh nói rồi cầm đôi bàn tay nhỏ xíu của Nam, dắt nó vào quán. Quán ăn lúc này cũng đã vắng dần, nhưng Nam vẫn cảm thấy không gian nơi đây thật ấm áp, thật giống ngôi nhà mà nó mơ ước: ngôi nhà không có gió thổi mạnh và có ai đó nấu một thứ gì đó ấm nóng, thơm lừng dành riêng cho nó.
Thằng bé cầm hộp cơm bác Vinh đưa, cúi đầu để cảm ơn bác, rồi chạy thật nhanh khỏi cửa hàng, hình như thằng bé sợ bác sẽ đòi tiền của nó. Bác Vinh lặng nhìn theo cái dáng nhỏ liêu xiêu khuất nơi góc phố. Bác không giận thằng nhỏ…
“Rồi ông xem, ngày mai, nó sẽ kéo cả đàn đến đây để xin ăn cho mà xem”. Giọng nói có phần mỉa mai của một người đàn ông vang lên trong cửa hàng. Nhưng để đáp lại lời người đàn ông ấy, bác Vinh chỉ mỉm cười.
Ngày hôm sau, cũng vào cuối giờ trưa, bác Vinh nhìn ra cửa, thì thấy lời người khách hôm qua đã thành sự thực. Thằng bé dẫn theo một đám trẻ con lít nhít, đứa nào đứa nấy quần áo mỏng tang, nhìn bác như muốn cầu cứu… Quán đã hết khách nên bác Vinh “lùa” cả đám trẻ vào cửa hàng, bác hỏi chúng có muốn ăn cơm ở trong này luôn cho đỡ lạnh hay không. Mấy đứa nhỏ len lén nhìn nhau như thể thích thú lắm, gật gật những cái đầu nhỏ xinh. Nhưng thằng Nam, anh cả thì lừ mắt một cái, cả mấy đứa liền ngồi nghiêm, không dám cất lời.
Bác Vinh nhìn hành động của lũ trẻ mà bật cười, bác định bụng mang cơm ra cho tụi nhỏ. Nhưng Nam ngay lập tức đứng dậy, khoanh tay thưa:
“Dạ ông chủ cho con xin hộp cơm như hôm qua thôi ạ. Tụi con chỉ có nhiêu tiền thôi. Có đủ một suất cơm không ạ? Nếu đủ, xin ông chủ gói giúp tụi con vô cái hộp, tụi con sẽ mang về nhà”.
Thằng bé đưa cho bác Vinh một xấp tiền lẻ. Bác Vinh nhận lấy số tiền từ tay cậu bé, và cẩn thận đếm từng tờ tiền một. Ánh mắt lũ trẻ dõi theo ông đầy lo lắng, hồi hộp. Sau khi đếm xong, bác Vinh cười thật tươi và nói.
“Tụi con giỏi ghê, vừa đủ một suất cơm rồi”.
Bác Vinh vẫn làm một hộp cơm như ngày hôm qua, nhưng hôm nay, bác cho thêm nhiều đồ ăn cho tụi trẻ. Chúng nó đã dùng tất cả số tiền kiếm được để mua cơm của bác, bác cũng sẽ dùng cả tấm lòng mình để đãi tụi nhỏ. Bọn trẻ ngồi ăn, thích thú cười đùa, như thể cả cuộc đời chúng chưa được ăn bữa cơm nào đầy mùi vị như thế…
Những bữa sau, thằng bé Nam, anh cả lại đến mua cơm. Có hôm, nó chỉ đưa bác 5 ngàn, nói rằng ông chủ bán cho con ít thôi, tụi con chỉ còn từng này tiền… Nhưng hộp cơm trên tay thằng bé vẫn luôn đầy đặn như mọi ngày. Khách khứa quán bác Vinh thấy vậy, có người thông cảm, nhưng cũng có lắm người gièm pha: “Ông Vinh làm từ thiện đấy à, xem ông ấy làm vậy được đến bao giờ”. Đến cả con gái bác cũng tỏ ra khó chịu khi thấy cha mình ưu tiên lũ trẻ:
“Cha làm thế nhà mình sẽ lỗ mất. Cha bán cho bọn nhóc đó hộp cơm 40 ngàn với giá có 10 ngàn, quá đáng hơn, hôm nay còn có 5 ngàn là sao cha?“
Bác Vinh nhìn con gái, nhẹ nhàng đáp:
“Có lẽ hộp cơm này là bữa no duy nhất trong một ngày của anh em tụi nhỏ. Cha nghĩ bất cứ ai gặp khó khăn cũng đều mong có được sự giúp sức mà. Ông con thường dạy cha, biết nghĩ tới người khác và giữ thiện niệm trong tâm, con sẽ luôn có được trái tim thanh bình. Giờ đây, cha cũng mong con sẽ ghi nhớ điều này, con gái nhé”.
Sau bữa đó, bác Vinh cứ ngóng thằng nhỏ mỗi trưa. Nhưng Nam không quay lại sau bữa cơm 5 ngàn nữa. Lòng bác Vinh như chùng xuống, bác tự hỏi không biết điều gì đã xảy ra với thằng bé.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, bác Vinh không gặp lại Nam nữa, nhưng giờ đây thằng bé chắc cũng đã lớn rồi, vì con gái bác đã vào đại học được hai năm. Hôm đó, thấy con gái ngồi trong góc tối, đôi mắt sưng húp, gương mặt lộ một vẻ căng thẳng xen lẫn nỗi chán chường, bác Vinh nhẹ nhàng tới bên con, trong lòng dường như đã cảm thấy điều gì đó không tốt. Bác gặng hỏi, cô bé chỉ ôm mặt tiếp tục khóc, rồi lại lắc đầu. Hai cha con ngồi im lặng bên nhau rất lâu, bác Vinh không nói gì, chỉ ngồi thật sát cô bé, như thể nói với cô rằng: con gái, bố ở đây với con.
“Con xin lỗi bố…”, cô bé cất tiếng nói khi thấy lòng đã dịu lại, nhưng giọng nói vẫn nghẹn ngào. “Con đã có thai rồi… Nhưng bạn trai con… anh ấy nói rằng nếu không bỏ em bé thì sẽ chia tay”.
Bác Vinh lặng người, con gái bác đã phạm sai lầm lớn quá rồi. Tuổi trẻ có những hành động bồng bột mà để lại những hậu quả thật lớn… Nhưng nếu bác để con đi phá thai, thì cả cuộc đời sau này, cô bé sẽ không thể thanh thản mà tiếp tục cuộc sống. Thương con, bác Vinh không nói gì, cũng không mắng mỏ cô bé, bác chỉ nắm lấy tay con gái và nói: “Con sẽ sinh con, con gái nhé”.
Bác biết đó là một quyết định đúng đắn nhưng lòng bác vẫn bộn bề những nỗi lo… Cô bé chỉ có một thân một mình, lại còn quá trẻ. Con gái bác sẽ nuôi đứa con thế nào… Những điều tiếng ác độc nơi thế gian cũng sẽ không tha cho hai mẹ con cô bé. Là cha, bác chỉ có thể giúp được con phần nào, bác không thể sống hộ con cả đời… Bác Vinh cứ ngồi thẫn thờ trong những suy nghĩ miên man.
Bỗng, một tiếng nói vang lên, trầm ấm và lịch sự:
“Thưa bác, bác cho con hỏi…”
Bác Vinh khẽ lắc đầu, đáp lại mà không nhìn người khách: “Xin lỗi cậu, nay gia đình tôi đang có việc, nên tôi không phục vụ cơm được, phiền cậu đi quán khác”.
Cậu thanh niên lễ độ vẫn kiên nhẫn:
“Bác Vinh, con là Nam đây mà, bác còn nhớ con không? Hôm nay con không đến ăn cơm, con về thăm bác”.
Bác Vinh ngẩng đầu nhìn. Trước mắt bác là một người đàn ông trẻ tuổi, ăn vận chỉn chu, có phần sang trọng. Bác nhìn cậu một hồi và chợt nhận ra ánh mắt tinh anh của cậu bé Nam năm nào.
“Nam hả con… Bác nhớ chứ! Đã 10 năm trôi qua rồi ư… Giờ con trưởng thành và làm ăn tốt thế này rồi à? Bác mừng cho con quá”.
Hai bác cháu ôm nhau, vừa mừng, vừa tủi. Bác Vinh không bao giờ tưởng tượng được có ngày thằng bé ăn cơm năm xưa lại quay về thăm bác. Nhưng, với Nam, trở về để nói lời cảm ơn người đã thay cha mà dạy em nên người, dù chỉ là qua những suất cơm bình dị, là điều nhất định phải làm.
Thế rồi hai bác cháu ngồi tâm sự như những người bạn thân lâu ngày giờ mới có cơ hội gặp lại. Nam kể về cuộc sống và những trải nghiệm sau khi rời quán cơm của bác. Anh đã cố gắng và nỗ lực thế nào để xây dựng một tương lai tươi sáng. Mỗi lần chùn bước, anh lại nhớ tới tấm lòng và niềm tin từ những hộp cơm ngày thơ bé… Bác Vinh nghe những lời ấy chỉ biết rơm rớm nước mắt, những suất cơm nhỏ ngày nào lại có ý nghĩa to lớn như thế với một cuộc đời. Rồi bác cũng chẳng ngại ngần mà bộc bạch nỗi lòng mình, về chuyện con gái bác và nỗi lo đang chiếm trọn lấy tâm trí bác lúc này.
Ngẫm nghĩ một hồi, Nam nhìn bác mỉm cười trấn an, anh nói rằng, số phận luôn có những sắp đặt thật tuyệt vời và hoàn hảo. Rồi anh chào tạm biệt bác và hẹn sẽ quay trở lại vào ngày hôm sau.
Trưa hôm đó, như đã hẹn, Nam bước vào quán trịnh trọng nói chuyện với bác Vinh.
“Bác Vinh, con xin phép bác được tìm hiểu và cưới em Ngọc”.
Bác Vinh không tin được vào tai mình, hốt hoảng hỏi lại: “Trời, con nói gì vậy Nam. Con đâu có quen con gái bác, và hôn nhân là chuyện cả đời người con ạ. Con không thể vội vàng như vậy…”
Nam nhìn bác Vinh, chân thành thưa:
“Bác ơi, năm xưa nhờ hộp cơm 5 ngàn của bác mà con nên người. Bác đã không chê số tiền tụi con kiếm được mà bán cơm đủ cho cả năm đứa tụi con. Con vẫn cứ ngỡ là chỗ tiền đó đủ để mua suất cơm cho đến lúc nghe thấy người ta nói chuyện với nhau, trong một lần chờ cơm. Khi đó, con hiểu rằng bác đã giúp đỡ tụi con cả quãng thời gian đó. Và con cũng hiểu rằng, bác trân trọng sức lao động của tụi con như thế nào”.
Lặng một lúc, Nam tiếp tục:
“Điều bác làm cho anh em con chính là điều mà một người cha dạy cho con trai mình: Con hiểu mình cần kiếm cơm bằng sức lực của tự mình. Nhưng còn hơn thế, bác giúp con hiểu mình có trách nhiệm làm những điều có thể khiến người khác bớt khổ, khiến người khác có thể hạnh phúc hơn. Nên khi nghe chuyện của em Ngọc, thấy được sự dũng cảm và nhân hậu của bác ở trong em, con cảm thấy rằng, đây chính là cơ hội để con có thể sống như bác đã dạy. Đem tới một mái ấm cho hai mẹ con em… Và con nghĩ, một cuộc sống gia đình bền vững sẽ được gây dựng nên từ lòng bao dung, cảm thông và chấp nhận, tuy con chưa có nhiều thời gian tìm hiểu em Ngọc, nhưng con biết, chỉ cần có tấm lòng thì mọi chuyện tốt lành đều có thể xảy đến…”
Bác Vinh chỉ biết nhìn Nam mà không thể nói gì… Trên khuôn mặt người đàn ông hiền hậu lúc này ngập tràn những giọt nước mắt – những giọt nước mắt của sự hạnh phúc, của lòng biết ơn và của niềm tin vào những điều tốt đẹp. Những ngày tiếp sau đó, Nam đến làm quen với Ngọc, chăm sóc cô thật chu đáo. Và như một sự an bài của số mệnh, hai người tâm đầu ý hợp, đối xử với nhau bằng cả tấm lòng. Hôn nhân của họ cũng vì thế mà thuận lợi và đầy hương thơm trái ngọt.
Tấm lòng nhân hậu, trái tim thiện lương của bác Vinh đã gieo những hạt mầm hạnh phúc cho cuộc sống của hai bạn trẻ, con gái bác và cậu bé xa lạ ngày nào. Lòng nhân hậu không phải là thứ gì đó trừu tượng, vô hình. Nó chỉ đơn giản là những hành động xuất phát từ sự cảm thông, sự quan tâm chân thành và mong ước được sẻ chia khó khăn với người khác.
Tuy đơn giản, nhưng sự quan tâm và đối xử xuất phát từ thực tâm ấy lại chứa đựng cả một sức mạnh to lớn – sức mạnh hóa giải khổ đau: Mười hai năm trước, lòng nhân hậu của bác Vinh đã giúp cuộc sống khốn khó của cậu bé bán vé số trở nên đầy đủ hơn với một bữa no trong ngày, ấm áp hơn nhờ sự quan tâm, trân trọng. Mười hai năm sau, mầm thiện lương bác Vinh gieo ngày nào đã giúp con gái bác thoát khỏi tình thế hiểm nghèo và cô còn có được môt gia đình hạnh phúc và một người thực sự yêu thương.
Trời đất luôn có quy luật: Gieo trồng cái Thiện, hoa trái sau này sẽ nhất định sẽ là tốt đẹp, an lành. Vậy nên, hãy cứ sống hết mình và tin vào sự sắp đặt của số phận…
Ly Ly
Xem thêm: