Kết thúc cuộc tìm kiếm, ông từ dưới dòng kênh bưng hai chiếc thau đầy ắp phế liệu lên bờ. Ngồi bệt dưới đất cạnh chiếc ba gác, ông nhanh tay phân loại nhựa vào một bao, sắt vào một bao…

Đó là công việc hàng ngày của ông Hoàng (sinh năm 1964) sống trong con hẻm tại quận Bình Tân, TP.HCM. Trong 40 năm qua, hàng ngày vào 7 giờ sáng, ông lại đạp chiếc xe ba gác cọc cạch đi mò tìm phế liệu dưới những dòng kênh nước bẩn. Đến 2 giờ chiều, ông trở về với những phế phẩm quý giá trong niềm vui, hạnh phúc.

Ảnh: Tiền phong.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo có truyền thống ba năm đi lượm ve chai. Đến bây giờ, công việc đó đã truyền tới em út, con cháu trong nhà. Từ nhỏ, ông Hoàng không được đi học, đến nay vẫn không biết đọc, biết viết và thậm chí không biết sử dụng cả điện thoại. Hồi bé, ông đi trông xe, đánh giày đến 15 tuổi cùng với đám em nheo nhóc đi nhặt những vỏ lon, mảnh phế liệu để kiếm sống. Khi thấy số tiền kiếm được chẳng đủ để trang trải cơm áo, gạo tiền. Ông một mình dò dẫm xuống các con kênh gần nhà để mò tìm các phế phẩm, hy vọng có thêm thu nhập. Ông gắn bó với nghề ve chai bắt đầu từ đây cùng với cái tên gần gũi là “ông Hoàng ve chai”.   

Hàng ngày, người đàn ông vẫn cặm cụi, mò mẫm trong dòng nước đen kịt. Thỉnh thoảng ông đưa tay ra bốc ra một mảnh nhựa, hay nhặt lấy một thanh sắt. Nhúng vào dòng nước đen, ông rửa sơ vật tìm được rồi cho vào trong chiếc thau nhôm. Cứ như thế, ông đi dọc bờ bên phải rồi quay ngược lại ở bên bờ trái. Đôi chân ông chìm trong nước cao lên đến gần đầu gối, đôi mắt chăm chú nhìn vào lớp sình trên mặt kênh. Bất chợt, ông lại vui vẻ một mình nói: “Trúng mánh rồi nhé”.

Ảnh: Tiền phong.

Mọi người bán hàng nước gần con kênh rạch này, ai ai cũng đều biết ông Hoàng. Hàng chục năm nay, chưa bao giờ thấy ông vắng mặt nhiều ngày. Dường như quy luật bất biến, trời sinh trời dưỡng, ít khi thấy ông đau ốm. Cứ thế, ông mò mẫn hết con kênh Tân Hóa – Lò Gốm, đến những con kênh gần khu vực Đầm Sen, sau lại xuôi về kênh Tân Hiệp, quận Tân Phú…

Những năm trước đây khi các công trình chưa triển khai, hai bên kênh còn nhiều nhà sàn. Rác rưởi, vật dụng thừa thãi đều được tuồn xuống kênh. Nhờ vậy, ông tìm được khá nhiều phế liệu. Gần đây, có những con kênh bị chia cắt nhiều đoạn nhằm phục vụ thi công, nhà ven kênh không còn nên ông kiếm được ít hơn.

Ảnh: Tiền phong.

Nhiều lúc ông suy ngẫm: “Những dòng kênh đen trong thành phố sẽ dần dần được thay bằng cống hộp. Rác sẽ không còn tuồn xuống dòng kênh. Những căn nhà dọc theo bờ kênh sẽ vĩnh viễn xóa sổ. Thành phố ngày một đẹp hơn… Nhưng… Lấy gì để sống? Lấy gì để nuôi mẹ già, nuôi vợ con và đứa cháu ngoại lên ba?”. Mọi câu hỏi vẫn để đó, ngày này qua tháng khác…

Gắn cuộc đời với cái nghề cực nhọc này, ngoài việc phải chịu dơ bẩn thì cũng gặp không ít rủi ro. Dưới chân ông, trong lớp bùn dày đặc kia, có biết bao là vi khuẩn độc hại và vật sắc nhọn, nguy hiểm rình rập bất kỳ lúc nào, minh chứng là bàn tay ông chi chít vết sẹo do những vật sắc nhọn để lại. Nhớ nhất là những năm 1983-1984, ông đi nhặt phế liệu dưới kênh thì có cây sắt cắt trúng chân làm máu tuôn ra phải đi bệnh viện khâu 18 mũi và nghỉ ở nhà cả tháng trời để điều trị. Vậy là tháng đó cả nhà chịu đói.

Ông vẫn nhớ, không ít lần ông nhặt được những vật có giá trị như vài phân vàng, đồ vật của kẻ trộm ném xuống kênh để phi tang, có lúc còn nhặt được hung khí như súng, dao, mã tấu… Tất cả, ông đem giao lại cho công an quận Tân Bình. Họ đã tặng giấy khen, thưởng tiền cho ông. Có lần ông mò lên được một chiếc két sắt, phá bỏ ra bên trong có rất nhiều giấy tờ, ông đã đem giao nộp cho công an phường. Sau khi có người đến nhận, họ đem biếu chút quà cảm ơn.

Nỗ lực hết mình ông đã tích góp được một khoản, xoay xở vay mượn người quen, cuối cùng ông Hoàng cũng đã mua được căn nhà ở hẻm 295, đường Tân Hòa Đông, phường Bình Trị Đông. Ông tự hào lắm!

Ảnh: Báo mới.

Sau một ngày làm việc vất vả, ông lại trở về căn nhà nhỏ 9m2 của mình. Hôm nay, gia đình ông Hoàng được thưởng thức món thịt gà. Nhìn gương mặt vui vẻ của đứa con chạy tung tăng ra khoe với ông, sự mệt nhọc vơi đi phần nào. Tuy chỉ là những miếng thịt gà ế, màu sắc tươi ngon đã chuyển sang tai tái, nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của chị vợ nó đã biến thành món gà thơm phức. Cả gia đình vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ, nhìn lên khuôn mặt ai cũng thể hiện rõ niềm hạnh phúc nhỏ nhoi này.

Cuộc sống trong căn nhà bé nhỏ, chỉ đơn giản là hạnh phúc của một gia đình nghèo. Có mẹ già, có vợ con, có cháu. Thả một làn khói thuốc, ông nở nụ cười mãn nguyện. Cả cuộc đời ông ngụp lăn dưới dòng kênh hôi thối, không bon chen, không mưu cầu danh lợi, chỉ mong sao có cái ăn cho gia đình. Không có thú vui bù khú nhậu nhẹt hay cờ bạc đỏ đen, ông đã có được một mái ấm. Cái hạnh phúc đơn sơ đó tưởng chừng như quá dễ đối với nhiều người, thế nhưng mấy ai có được?

Hà Châu (TH)

Video xem thêm: Lúc thanh tỉnh thì nên làm việc, lúc oán giận thì cần nghỉ ngơi, khi một mình thì cần suy nghĩ

videoinfo__video3.dkn.tv||a7e4b944f__