Những bức ảnh đang được chia sẻ trên mạng xã hội về quá trình giao hàng của một shipper trong những ngày đầu năm mới khiến rất nhiều người dùng mạng cảm động. 

Shipper là tên gọi phổ biến hiện nay của những người chuyên làm công việc giao hàng. Tuy nhiên quãng đường mà anh nhân viên phải đi qua không giống với những khung đường nhựa thuận lợi thường thấy. Đường gập ghềnh, nhấp nhô nhiều sỏi đá, lại phải băng qua một con suối rộng. Địa hình này không thuận tiện cho bất kì loại phương tiện giao thông nào tiến vào.

Con đường gập ghềnh, nhiều sỏi đá mà anh shipper phải vượt qua

Bên cạnh đó, món hàng anh nhân viên phải giao là một chiếc tủ lạnh cỡ lớn, vừa nặng vừa cồng kềnh. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ của mình, để khách hàng nhận được món đồ đã đặt mua, anh nhân viên quyết định cõng cả chiếc tủ lạnh trên lưng, đi bộ quãng đường còn lại để chuyển món hàng tới đúng địa chỉ cần giao.

Sự tận tâm của anh là để mang lại cho khách hàng sự hài lòng và tiện lợi nhất

Sự tận tâm, không ngại khó, ngại khổ của anh nhân viên giao hàng khiến rất nhiều người dùng mạng cảm thấy ấm lòng. Hành động này đủ để mọi người hiểu, anh nhân viên đó đã đặt lợi ích và sự hài lòng của khách hàng lên trước nhất. Thái độ làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao như thế này đang ngày càng trở thành một điều khó thấy trong xã hội hiện đại của chúng ta.

Nhìn những hình ảnh này, hẳn nhiều người sẽ tự đặt lại cho mình câu hỏi, điều gì là động lực để anh nhân viên tận tình, trách nhiệm đến như vậy? Để rồi khi nhìn lại xã hội mình đang sống, chúng ta lại tiếp tục đặt câu hỏi, trong khi có người có thể chịu nhận phần thiệt thòi về mình để giúp khách hàng có được dịch vụ tốt nhất, lại có những người đối xử với khách hàng bằng tiếng mắng chửi, thái độ coi khinh và tệ hơn là sự lừa dối. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt rõ nét ấy?

“Đạo đức nghề nghiệp” liệu có phải là một manh mối?

Có thể nhiều người sẽ cho rằng cụm từ này nghe có vẻ to tát đối với câu chuyện của anh shipper được ghi lại bằng ba bức ảnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nữa những câu chuyện nhỏ như thế này có thể cho ta một hình dung cụ thể hơn về vấn đề “Đạo đức nghề nghiệp” – một yếu tố “vô hình” nhưng quý giá đã từng hiện hữu rõ nét trong thái độ làm việc của con người nói chung và trong các ngành nghề dịch vụ nói riêng.

Câu chuyện nhỏ đầu tiên có liên quan tới một nghề nghiệp đơn giản trong mắt nhiều người – giúp việc gia đình. Chuyện góp nhặt kể rằng, một người chủ gia đình có thuê một người giúp việc đã 10 năm. Trong một lần người giúp việc xin phép về quê 1 tuần, bà chủ nhà đã rất xúc động khi vô tình phát hiện, chiếc sọt rác trong nhà đã được lót 7 chiếc túi đựng rác một cách ngay ngắn, cẩn thận.

Người giúp việc cần mẫn (Ảnh minh họa: cdiscount)

Một câu chuyện khác về một huấn luyện viên tennis. Người thầy này lấy tiền cho một giờ dạy của mình đắt hơn đôi chút so với những người khác. Tuy nhiên, trong hai tiếng dạy học, thầy không lãng phí một phút nào của học viên, bằng cách không nhận điện thoại, không hút thuốc, không đi vệ sinh, càng không chào mời học viên mua thẻ hội viên hay dụng cụ chơi bóng. Trong hai tiếng đó, thầy dành tất cả thời gian để chỉ cho học viên những kỹ năng cần nâng cao, kiên nhẫn cùng học viên sửa những kỹ thuật sai và trả lời mọi câu hỏi, thắc mắc của người học.

Huấn luyện viên tiết kiệm từng phút của học trò (Ảnh minh họa: clubtowers)

Câu chuyện để tạm kết kể về một người chủ quán cơm bình dân đã hoạt động được 20 năm. Bà rất tự hào vì quán cơm của mình dù không nằm ở vị trí thuận lợi, cũng không được trang hoàng rực rỡ, không có máy lạnh, nhưng trong 20 năm ấy, vẫn có nhiều người khách của bà quay lại và nói rằng: “Tôi rất nhớ quán cơm của chị”, “không nơi nào có món cá kho ngon tuyệt như ở đây”, “cháu về qua khu này chắc chắn phải về ăn cơm của cô”, “cháu sẽ nói vợ mang sách vở tới quán cô để học nấu ăn”. Sau khi kể về những lời khen ngợi ấy, bà không tỏ ra kiêu ngạo mà chỉ kết luận giản dị: “Khi thấy khách hàng ăn no, ăn ngon, tôi thấy hạnh phúc lắm”.

Phải chăng anh chàng shipper trong ảnh khi nhìn thấy khuôn mặt vừa biết ơn vừa ái ngại của khách hàng khi nhận chiếc tủ lạnh cũng sẽ tràn ngập một niềm hạnh phúc trong veo như thế?

Ngày nay, chúng ta dường như chỉ quen nhìn quan hệ giữa người mua và người bán, người cung cấp dịch vụ và người sử dụng bằng một con mắt thuần vật chất: Người mua trả tiền và người bán giao đồ, giao dịch vụ. Để rồi hai bên được nối kết với nhau chỉ bằng vật trung gian là đồng tiền. Người bán vì mải mê với mục tiêu đối đa hóa lợi nhuận thu được mà quên mất một điều rất quan trọng:

Những sản phẩm và dịch vụ mình mang đến ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của khách hàng. Chúng đang góp phần không nhỏ làm cho cuộc sống của người khác thuận tiện và hạnh phúc hơn.

Vì cái quên này, rất nhiều người bán trong xã hội hiện tại không còn đối đãi với người mua bằng tấm lòng muốn phục vụ, muốn cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất nữa. Hiện tại, người ta sẵn sàng vừa bán hàng vừa chửi khách, vừa bán hàng vừa lừa dối khách mà không hề cảm thấy căn rứt lương tâm. Khi nhìn rộng ra, phải chăng chính cái quên tai hại này đang là những con sâu đục khoét trái tim nhiệt tâm cống hiến và lòng tận tụy, yêu nghề của con người của hiện tại.

Khi tìm thấy giá trị của công việc mình làm trong lợi ích và sự hài lòng của khách hàng, mỗi người có thể vui vẻ cống hiến cho tới cuối cuộc đời (Ảnh minh họa: fubiz.net)

Nói cách khác, trong thế giới mà con người ghi nhớ yếu tố “vị tha” – “vì người khác” trong hoạt động lao động và làm việc của mình, mỗi người đều sẽ biết mình phải làm gì và cố gắng ra sao để trở thành con người tốt nhất trong công việc và nghề nghiệp của mình.

Nguồn ảnh: Trithuctre

Hải Lam