Tại ngôi làng giữa miền cao nguyên Gia Lai, cô giáo khuyết tật Rmah H’Blao (30 tuổi) với thân hình gầy gò, chân bị liệt, âm thầm gieo chữ cho những học trò nghèo trong làng hơn 7 năm qua. 

Bố mẹ mượn tiền cho con gái mở lớp học tình thương

H’Blao người dân tộc J’rai (ở làng Chao Pông, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) chia sẻ với Dân Việt, năm lên 3 tuổi sau cơn sốt cô bị teo cơ, khiến một chân co quắp, di chuyển khó khăn. Lúc đó cô không có ước mơ sau này sẽ trở thành cô giáo để dạy chữ cho trẻ em trong làng. Nhưng gia đình, thầy cô cùng bạn bè động viên đã giúp H’Blao có động lực vươn lên trong cuộc sống và học tập.

Tuy nhiên, khi học xong lớp 12, cô lại học ngành công nghệ thông tin Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai theo nguyện vọng của gia đình, vì nghề giáo viên phải đi lại nhiều mà chân cô thì yếu, sợ không theo được.

Hơn 7 năm trước, chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp, H’Blao “đứt gánh” giữa chừng vì sức khỏe không cho phép. 3 tháng sau khi nghỉ học, niềm đam mê dạy học của cô gái người dân tộc J’rai vẫn “cháy rực”, nên cô xin gia đình xây một phòng học để mở lớp dạy miễn phí cho con em trong các làng ở xã La Phang.

Rmah H’ Blao giảng bài cho các em nhỏ trong lớp học miễn phí “nhiều không” của mình. (Ảnh: Bảo vệ Rừng và Môi trường)

Gia đình ông Ksor Dek (bố của H’Blao) kinh tế chẳng dư giả là bao, cũng trần lưng trên nương rẫy suốt ngày, nhưng vẫn khá hơn các gia đình khác trong làng Chao Pông. Người dân nơi đây họ mải lăn lộn để kiếm ăn mưu sinh qua ngày nên không để ý chuyện cho con cái đến trường học. Nghĩ đến điều này càng thôi thúc H’Blao quyết tâm mở lớp tình thương dạy học miễn phí cho học sinh nghèo nơi đây.

Ông Ksor Dek chỉ hỏi con gái một câu: “Con nghĩ kỹ chưa để bố mẹ còn đi mượn tiền?”, H’Blao gật đầu đồng ý. Vậy là phòng học được dựng lên trong vườn của nhà ông Dek, đủ chỗ cho chừng 30 học sinh. Chi phí xây dựng lớp học hết khoảng 40 triệu đồng, trong đó có tiền của bố mẹ cho, một khoản cô tích góp, còn đâu là đi mượn.

Những ngày đầu, ông Dek chở con gái đến từng nhà vận động học sinh đến với lớp học tình thương. Thấy vậy, những người trong làng cũng rất ủng hộ, cho con em đi học, lớp học ngày một đông dần.

Hiện tại, lớp học của cô giáo H’Blao đã có 50 em, cứ đến hè lại tăng lên từ 60-70 em, với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 5.

Cô H’Blao ân cần giảng bài cho học trò, nắn nót luyện chữ cho các em học sinh nhỏ. (Ảnh: Thanh Niên)

Đối với cô giáo khuyết tật như H’Blao, việc duy trì lớp học và hằng ngày lên lớp giảng bài đòi hỏi cả sự nỗ lực, cố gắng. Không chỉ việc đi lại trên lớp khó khăn, mà cô gần như phải dùng hết sức để cầm tay nắn nót từng con chữ cho trẻ, giảng từng câu văn, phép tính. “Em dạy các học sinh mỗi ngày hai buổi, hai ngày cuối tuần thì nghỉ. Những ngày đầu đi lại nhiều, nói nhiều, phải xem lại cả sách vở để dạy cho các em nên thấm mệt. Tối đến chân đau lắm. Nhưng chỉ cần các em thích đến lớp, học khá hơn là em vui rồi”, cô H’Blao chia sẻ với Thanh Niên.

Nhiều học sinh vào được đại học

Học sinh trong lớp tình thương của cô giáo người dân tộc J’rai đa phần có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để đi học. Song, giờ đây mỗi ngày lên lớp đối với các em là một ngày vui. Cứ đến giờ, học sinh lại í ới gọi nhau đến với lớp học của cô H’Blao. Trong đó có em Ksor Thạch, mới học lớp 2 nhưng có đến 3 đứa em, lúc đầu đến lớp còn đọc chậm, giờ em có thể đọc trơn tru cả bài tập đọc.

Một em học sinh hồn nhiên nói: “Em thích học với cô H’Blao! Nhiều bạn khác cũng thế”. Có lẽ, câu nói ấy đủ để mọi người hiểu và cảm thấy ấm lòng về sự tận tình của cô giáo khuyết tật dành cho các em nhỏ nơi đây.

Để các em tiếp thu bài một cách tốt nhất, H’Blao đã chia lớp học thành 2 nhóm, theo từng độ tuổi và từng khả năng. Những học sinh học ở trường buổi sáng cô sẽ kèm ở nhà vào buổi chiều và ngược lại. Hiện cô giáo đặc biệt chú trọng việc dạy cho các em đọc thông viết thạo tiếng Việt và biết làm toán. Hằng ngày, cô lên lớp bắt đầu từ 7h-10h sáng và 13h-15h chiều, trừ thứ Bảy và Chủ nhật.

Học kỳ vừa qua, lớp học của cô giáo H’Blao đã có 19 em đạt danh hiệu học sinh giỏi và tiên tiến. Nhiều học sinh đã học lên cấp THPT, cao đẳng và đại học, cứ đi học xa về lại ghé thăm cô.

Việc đi lại trên lớp của cô H’Blao rất khó khăn, nhưng cô chưa một lần nản lòng với ước mơ của mình. (Ảnh: Dân Việt)

“Nhìn thành tích học tập của các em mình cũng vui lắm. Các em học sinh ở đây rất ngoan nhưng bố mẹ đi làm rẫy nên không có thời gian quan tâm đến con cái, từ miếng cơm, manh áo cũng như việc học còn nhiều thiếu thốn. Vậy nên, mình muốn mở lớp học tình thương để dạy học miễn phí cho các em. Mình muốn dành tất cả tình yêu thương này cho các em và cũng hy vọng tương lai các em sẽ tốt hơn”, cô giáo trải lòng.

H’Blao cũng tâm sự rằng, đây là công việc yêu thích của cô. Có nhiều em bẵng đi vài hôm không đến lớp, cô giáo đến tận nhà hỏi mới hay em lên rẫy ở với bố mẹ vì không có ai trông em cho bố mẹ đi làm nên nghỉ học. Vậy là cô phải động viên cả bố mẹ lẫn học sinh rồi mua kẹo dỗ dành mới đưa các em trở lại lớp.

“Em suốt ngày dạy cho mấy đứa nhỏ. Thương các em thì giúp thôi! Em mong các em ham học, học lên cao nữa để kiếm nghề. Có chữ đã mới mong biết làm ăn, đổi đời được”, cô giáo chia sẻ.

Ngoài việc gieo con chữ cho học trò nghèo, H’Blao còn làm công tác xã hội ở xã. Tối đến, cô giáo lại ngồi thêu tranh để kiếm thêm thu nhập.

Người làng gọi cô là “hoa của núi” hay loài xương rồng vươn mình giữa vùng đất đầy nắng gió cao nguyên để đem lại những điều tốt đẹp cho đời. Câu chuyện về cô H’Blao tật nguyền thầm lặng dạy học miễn phí cho học sinh nghèo cho mọi người có thêm niềm tin rằng, yêu thương, sự tử tế vẫn luôn đong đầy trong cuộc sống quanh ta.

Mỹ Duyên