Santorini là một hòn đảo tuyệt đẹp nằm ở miền nam biển Aegean của đất nước Hy Lạp. Nơi đây, từ lâu đã nổi tiếng với những vách đá dựng đứng ôm lấy bờ biển cát đen đặc trưng của bụi núi lửa, cùng với nét kiến trúc độc đáo của hai gam màu trắng và xanh da trời. Nhưng bên dưới vẻ đẹp ấy còn ẩn chứa một bí mật của lịch sử.
Nằm ở phía nam Biển Aegean, Santorini là một nhóm nhỏ gồm 5 hòn đảo nằm trong cụm đảo Cyclades: đảo chính Thera, hai đảo Therasia và Aspronisi ở ngoại vi, và hai đảo nham thạch. Toàn bộ năm đảo đều nằm quanh miệng một núi lửa khổng lồ mà nay đã hầu như chìm dưới đáy biển. Miệng núi lửa có hình miệng bát này được hình thành từ vụ một núi lửa sụp đổ.
Ngày nay, mọi người đều biết đến Santorini với những thắng cảnh đẹp nhưng trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá về một nền văn minh phát triển rực rỡ, góp phần tạo nên lịch sử thế giới mà không phải ai cũng biết từng tồn tại trên vùng đất cổ kính này.
Sự hình thành nền văn minh của người Minoan
Trong Kỷ Đồ Đồng, khoảng 5.000 năm trước, Santorini là một vùng đất núi lửa duy nhất được gọi là Stronghyle (có nghĩa là “tròn” trong tiếng Hy Lạp), đây cũng là nơi đóng vai trò quan trọng trong quá trình định hình lịch sử.
Khi ấy, một nền văn minh bắt đầu phát triển trên đảo Crete gần đó. Cư dân trên đảo là người Minoans, được đặt theo tên Vua Minos huyền thoại (Minos là một trong ba người con yêu quý của thần Zeus). Đó là một cộng đồng bí ẩn và có trình độ. Họ là những chiến binh, nhưng cũng là những thương gia, nghệ sĩ và thủy thủ tài ba.
Tổ tiên của người Minoans vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi. Một số người tin rằng họ là dân tị nạn đến từ đồng bằng châu thổ sông Nile của Ai Cập, một số người khác lại nói rằng đó là những người đến từ Palestine, Syria hoặc Bắc Mesopotamia cổ đại. Nhưng nghiên cứu gần đây nhất cho biết nền văn minh Minoan được phát triển tại chỗ, có nguồn gốc từ những nông dân đầu tiên sinh sống tại Hy Lạp và miền tây nam Anatolia.
Dù có nguồn gốc thế nào đi chăng nữa thì không mấy ai nghi ngờ rằng thời kỳ từ năm 2600 trước Công nguyên cho tới 1100 trước Công nguyên, đã có một nền văn minh rất phát triển và phồn thịnh tại nơi đây.
Các cuộc khai quật ở Crete, đặc biệt là ở Knossos (thủ phủ của đảo Minoan Crete) đã cho thấy nhiều dấu tích còn sót lại của một cung điện nguy nga, tráng lệ cùng những đồ trang sức bằng vàng và những bức bích họa rất trang nhã.
Trong nhiều thế kỷ, đế chế Minoan đã mở rộng tới đảo Rhodes (nằm cách Stronghyle 309km về phía đông) cùng các phần thuộc duyên hải Thổ Nhĩ Kỳ và vươn xa tới tận Ai Cập và Syria.
Stronghyle (nay là Santorini) là một nơi vô cùng quan trọng đối với người Minoan do vị trí đặc biệt của nó trên tuyến giao thương buôn bán đồng giữa đảo Cyprus và đảo Minoan Crete.
Các cuộc khai quật ở Akrotiri (một ngôi làng thuộc tây nam Santorini) đã tìm thấy những ngôi nhà ba tầng, những cung điện rộng lớn với kiến trúc phức tạp, những đoạn đường được lát trải đầu tiên ở châu Âu cùng một hệ thống thoát nước công phu.
Điều thú vị nhất là hệ thống chữ viết đầu tiên của châu Âu được tìm thấy trong các tòa nhà ở Akrotiri và trên bề mặt của các phiến đá có từ Thời Đồ Đồng trong các cung điện của người Crete ở Knossos và Malia: ở đây người Minoan ghi chữ đầu tiên của họ, ban đầu dưới dạng tượng hình của người Crete và sau đó là ở dạng văn tự Tuyến tính A.
Chữ tượng hình của người Crete là kiểu chữ cổ, gồm khoảng 137 ký tự hình ảnh giống như thực vật, động vật, các bộ phận cơ thể, vũ khí, tàu và các vật thể khác, và được cho là đã được sử dụng cho đến tận năm 1700 trước Công nguyên. Dần dần, người Minoan phát triển chữ tượng hình thành kiểu chữ Tuyến tính A kiểu cách hơn.
Chữ Tuyến tính A có nhiều chữ khác nhau, gồm 200 ký hiệu và hơn 70 ký hiệu âm tiết, làm cho nó giống như ngôn ngữ như chúng ta biết ngày nay (mặc dù cả hai loại chữ viết này cho đến nay vẫn chưa được giải mã). Vì vậy, những người đã tạo ra chữ viết sớm nhất ở châu Âu hoàn toàn xứng đáng được ca ngợi là nền văn minh tiên tiến đầu tiên của châu lục này.
Sự sụp đổ của nền văn minh huy hoàng
Những thành tựu trí tuệ của người Minoan chỉ bị lu mờ bởi lối sống phóng túng quá mức; họ ăn mừng, say sưa chè chén ngay cả trong đám tang,.. Và cuối cùng, chính thiên nhiên đã quyết định hủy diệt họ.
Trong khoảng thời gian từ 1627 trước Công nguyên đến 1600 trước Công nguyên, vụ phun trào Đồng lần cuối (thường được gọi là vụ Phun trào Minoan hoặc Santorini) có lẽ là vụ phun trào lớn nhất trong 10.000 năm, đã xảy ra trên Stronghyle.
Trước lần phun trào đó, miệng núi lửa được biết đến hiện nay vẫn chưa xuất hiện. Thay vào đó, một miệng núi lửa nhỏ hơn, từ một vụ phun trào xảy ra từ trước đó rất lâu, tạo thành một đầm phá ở phía bắc của hòn đảo. Trong vụ phun trào, dòng chảy mạnh của chất nham thạch dày tới 60m đổ xuống biển đã gây ra sóng thần sóng cao 9m đập vào bờ biển Crete. Những con sóng có thể đã vươn tới tận miền tây Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí cả Israel.
Khi trận đại hồng thủy kết thúc, miệng núi lửa (hiện nay mà chúng ta biết) bắt đầu hình thành (mặc dù thời gian để nó dần định hình thành sự tồn tại của Santorini hiện tại có lẽ phải mất vài nghìn năm).
Đối với người Minoan, đó là khởi đầu của sự kết thúc.
Sự hủy diệt mà núi lửa gây ra đã hủy hoại những thương thuyền của họ, và lượng lớn khí carbon dioxide được xả vào khí quyển, làm xáo trộn cân bằng khí hậu, phá hủy nền nông nghiệp của người Minoan. Tất cả điều này dần dần khiến cho Mycenae (nền văn minh Thời Đồ Đồng sinh sống tại phần Hy Lạp lục địa trong thời gian từ 1600 trước Công nguyên đến 1100 trước Công nguyên) chớp cơ hội để chấm dứt sự tồn tại độc lập của người Minoan.
Nhưng điều khiến các nhà nghiên cứu bất ngờ là, không giống như thành phố La Mã cổ Pompeii, nơi bị chôn vùi trong hơn 6m tro và đá bọt núi lửa khi núi lửa Vesuvius thức giấc hồi năm 79, người ta đã không tìm được bất kỳ một thi thể nào của cư dân ở Santorini. Bởi tất cả các lần núi lửa hoạt động thì người dân Santorini đều được cảnh báo trước và họ đi lánh nạn. Cho đến tận ngày nay, không ai biết là họ đã đi đâu và đây vẫn là ẩn đố của nhân loại.
Santorini đã hủy diệt nền văn minh vĩ đại đầu tiên của châu Âu, nhưng không phá hủy ngôn ngữ của nền văn minh ấy.
Khi người Mycenae hiếu chiến cai trị nơi từng là đế chế Minoan, họ thay thế văn tự Tuyến tính A bằng phiên bản tiến hóa riêng của họ, Tuyến tính B, hệ thống chữ viết đầu tiên của người Hy Lạp, mà về sau phát triển thành ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại .
Hơn 3.500 năm sau tình trạng lộn xộn, giờ đây Santorini đã khoác lên mình một tấm áo mới với cảnh quan thiên nhiên kỳ ảo cùng kiến trúc độc đáo. Những bờ cát đen trải dài cùng ánh hoàng hôn lãng mạn, Santorini của hiện tại được xem là thiên đường cho các tín đồ yêu du lịch.
Theo bbc.com
Phúc Long