Nghèo hay giàu đôi khi chỉ là một định nghĩa do chính con người đặt ra rồi tự ràng buộc mình vào đó. Hãy để cuộc sống dễ dàng hơn khi chúng ta nới lỏng những định kiến.
Câu chuyện ngắn dưới đây sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ về điều đó:
Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến một vùng quê hẻo lánh để thằng bé thấy cảnh những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến một nông trại của một gia đình nghèo nhất trong vùng.
“Đây là cách để dạy con ta biết quý trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình” – Người cha thầm nghĩ.
Sau một khoảng thời gian ở lại và tìm hiểu đời sống nơi đây, hai cha con cùng trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười, hỏi:
– Chuyến đi như thế nào hả con trai? Con thấy thích nó chứ?
– Thật tuyệt vời bố ạ!
– Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy!
– Dạ, vâng ạ.
– Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này vậy con yêu?
Đứa bé hào hứng nói:
– Con thấy nhà mình có mỗi một con chó, còn họ có bốn con. Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân, họ lại có một con sông dài bất tận. Chúng ta phải đưa mấy chiếc đèn lồng vào vườn, họ lại có những ngôi sao lấp lánh vào đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân, còn họ có cả chân trời. Gia đình mình có một miếng đất để sinh sống và họ có cả những cánh đồng trải dài. Bố con mình phải có người phục vụ, còn họ lại vui vẻ phục vụ người khác. Chúng ta phải mua thực phẩm, còn họ lại trồng ra những thứ ấy. Nhà ta phải dựng tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở lẫn nhau…
Người cha nhìn đứa con trai yêu quý, mỉm cười hạnh phúc.
“Bố ơi, bây giờ con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi…” – cậu bé nhẹ nhàng nói.
Rất nhiều khi chúng ta không biết trân trọng những gì mình đang có và chỉ luôn đòi hỏi những thứ không thuộc về mình. Có những thứ không có giá trị với người này nhưng lại là sự mong mỏi và niềm mơ ước của những người khác. Điều đó còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận và đánh giá của mỗi người.
Người ta thường nói: “Hãy trân trọng những gì bạn đang có, đừng để mất đi rồi mới cảm thấy hối tiếc”.
Bạch Liên sưu tầm