Không chỉ là một giáo viên dạy giỏi, tính tình thân thiện, cởi mở, thầy Nguyễn Mạnh Tuân (công tác tại Trường THPT Tuần Giáo, Điện Biên) còn được nhiều người yêu mến vì các hoạt động thiện nguyện tốt đẹp thầy dành cho bà con nơi đây. 

Chia sẻ với PV Dân Việt, thầy Tuân nói học sinh của thầy chủ yếu là người dân tộc Thái, Mông ở tận bản xa, được đi học thôi cũng là niềm hạnh phúc. Thấy bà con trong bản nghèo khó, vất vả, nhìn những đứa trẻ chân trần đi học, mặc tấm áo cũ sờn, anh cứ đau đáu, trăn trở muốn làm điều gì đó giúp đỡ cho bà con phần nào bớt khổ.   

Vậy là anh nghĩ tới việc xây dựng một tủ quần áo từ thiện, phát miễn phí cho bà con. Tận dụng các mối quan hệ, thầy Tuân kêu gọi mọi người ủng hộ, góp sức cùng. Có người góp tiền, có người gửi quần áo, hay chỉ những lời động viên của mọi người cũng tiếp sức cho anh trên con đường làm từ thiện. 

Thầy Tuân (ngoài cùng bên phải) đứng cạnh tủ quần áo dành cho bà con vùng bản (ảnh: Dân Việt).

Anh tự bỏ tiền thuê thợ làm một cái tủ bằng sắt cao và rộng, lắp ổ khóa và dán số điện thoại của mình lên để mọi người tiện liên lạc. Tủ quần áo được anh chọn chỗ đặt ở vị trí trung tâm của thị trấn, nơi có nhiều người qua lại.

Dần dần, bà con đã quen với chiếc tủ quần áo “thiếu đến nhận – thừa đóng góp” của thầy Tuân. Họ tập trung đến và chọn những bộ quần áo phù hợp với mình. 

Bà con và nhiều em nhỏ rất vui khi nhận được những bộ quần áo sạch đẹp, lành lặn (ảnh: Dân Việt).

Thầy Tuân chia sẻ: “Khi đã xác định làm từ thiện thì mình không ngại khó, ngại khổ. Nhiều người miền xuôi thường gửi quần áo bằng xe khách lên để ủng hộ bà con và tôi cũng không ngại thức dậy lúc nửa đêm để đón hàng và vận chuyển về nhà”.  

“Làm từ thiện chính là trao niềm vui, hạnh phúc và khi đó tình yêu thương được chia sẻ. Khi cuộc sống quanh mình tươi đẹp thì bản thân mình cũng sẽ hạnh phúc hơn”, thầy nói.

Hiện nay mô hình Tủ quần áo từ thiện xuất hiện khắp nơi trên cả nước, truyền cảm hứng cho mọi người cùng làm việc thiện, giúp đỡ, sẻ chia với người còn khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chú ý làm từ thiện sao cho đúng cách và tôn trọng tình nguyện viên. 

Sau khi nhận đồ quyên tặng, các tình nguyện viên sẽ phải phân loại quần áo, giày dép, bỏ đi những món đồ không phù hợp. Ví dụ như chương trình áo ấm cho các em học sinh vùng cao sẽ không nhận các món đồ như váy của người lớn hoặc túi xách v.v. Nhiều khi người quyên góp không chú ý soạn đồ trước khiến tình nguyện viên “dở khóc dở cười” khi nhận phải những bịch đồ vừa to nặng mà không mấy giá trị. 

Hãy làm từ thiện đúng cách (Ảnh minh hoạ: Clicktravel).

Như cư dân mạng có nick name H.Q, một người từng nhận đồ từ thiện, chia sẻ câu chuyện mình gặp phải. Trước đây, nhóm bạn hay nhận đồ cũ nhưng sau này thì đã dừng lại. Có những lúc bạn H.Q nhận mấy bao tải lớn nhưng soạn lựa lại chỉ còn 1 bao, phần còn lại đành bỏ sọt rác. Quyên góp đồ cho trẻ em nhưng có lúc nhận được món đồ chơi là chiếc xe tải đã rớt 2 bánh. Chương trình tặng cho bà con dân tộc mà nhận được quần ống loe, đầm dạ hội đuôi cá v.v. 

Vậy nên “Của cho không bằng cách cho”, làm từ thiện cũng cần cân nhắc đến người khác. Mỗi hành động của chúng ta đều thể hiện sự tu dưỡng đạo đức của mình, khi tôn trọng người khác, bạn tự nhiên cũng sẽ nhận lại được sự tôn trọng của mọi người. 

Video xem thêm: Dù gây tội nghiệp lớn, chỉ cần tỉnh ngộ con người sẽ được Thần Phật bảo hộ

videoinfo__video3.dkn.tv||8044ea269__