Khi nhắc tới Bò Bía, có lẽ ai cũng cảm thấy một cảm giác trong trẻo, nhẹ nhàng của tuổi học trò như dòng nước mát chảy về trong tâm hồn…
Bò Bía rất quen thuộc với mỗi thế hệ học sinh, nhưng ít ai biết thứ quà vặt quen thuộc của tuổi học trò ấy đến từ đâu, mà lại làm những người Hà Nội sành ăn phải lưu luyến. Và cũng không ít người phải ồ lên ngạc nhiên đầy thích thú khi biết rằng, món ăn này còn có một phiên bản khác, mặn mà và cũng làm say đắm biết bao tâm hồn yêu ẩm thực Sài Thành.
Chiều nào cũng vậy, trước cổng trường học, giữa đám đông những phụ huynh chờ con, và những học sinh nhỏ chờ ba mẹ, ta lại dễ dàng bắt gặp những chiếc xe đạp cũ chở một chiếc thùng trắng nhỏ, với dòng chữ đỏ khá bắt mắt “Bò bía ngọt”.
Xung quanh chiếc xe, những ánh mắt nhỏ lấp lánh, háo hức đưa theo đôi tay khéo léo của người bán hàng. Lũ trẻ biết khi những hạt vừng đen tròn mẩy tí tách rơi xuống chiếc bánh với những nguyên liệu mang màu trắng ngà bên dưới chính là lúc chúng sắp được thưởng thức thứ quà ngọt lịm, bùi ngậy lại giòn dai mà chúng hằng ao ước.
Tuổi thơ của nhiều người đã đi qua trong những chiều tan trường cùng chiếc Bò Bía cuốn trắng muốt xinh xắn trên tay, vừa ăn vừa ôn lại một ngày nhiều niềm vui và những câu chuyện còn chưa kịp kể lúc giờ chơi…
Nhưng không biết, đã có ai từng thắc mắc: những chiếc cuốn nhỏ xinh, mang hương vị của kẹo nha, cơm dừa và bánh tráng làm từ bột mì dai dai ấy có từ đâu?
Bò Bía ngọt đã theo ra tới Hà Nội được hơn một thập kỉ. Những người bán hàng cho biết, ở Hà Nội này, người ở mỗi tỉnh khác nhau lên đây làm ăn thường có cái duyên với những nghề khác nhau: Người Nam Định thì bán bún, phở, cơm bụi,… người Hà Nam thì giao bánh mì… còn Bò bía là cái duyên của người Vĩnh Phúc.
Theo câu chuyện được kể lại, bác Vinh, một người dân quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc hơn chục năm trước vào Nam làm thuê, đã học được nghề làm bò bía ngọt. Sau đó bác khởi hành ra Bắc, khởi nghiệp với nghề bán thứ “đồ ăn chơi” mà rất đắt khách này.
Bác Vinh chia sẻ, làm bò bía ngọt không khó: Muốn làm bánh tráng chỉ cần bột mì, chút đường, tráng mỏng như tráng bánh đa nem. Kẹo thanh giòn rụm kẹp vào giữa bò bía được làm từ mạch nha (cô đặc từ mầm lúa gạo), thêm chút dừa thật già, cho cùi thật giòn, bùi, béo nạo thành sợi mảnh và một vài hạt vừng đen là đủ để làm được một chiếc trắng tinh ngon lành.
Ở Sài Gòn, những chiếc xe bán bánh bía ngọt cũng giản dị hệt như ở Hà Nội. Nhưng có môt điều khiến nhiều người phải ngạc nhiên, “bò bía” trong Nam có phiên bản mặn và cũng là một trong những món ăn đắt khách nhất của mảnh đất này.
Bò bía mặn được làm bằng các nguyên liệu gồm lạp xưởng, trứng gà tráng, cà rốt, rau xà lách, củ sắn thái sợi luộc chín, hay su hào, tôm khô, rau thơm… tất cả thái nhỏ và cuộn trong bánh tráng làm từ bột mì. Gia vị dùng kèm là tương đen, và món ăn kèm là đậu phộng rang giòn, hành phi thơm nức, trộn cùng chút ớt xay nhuyễn.
Không biết vì món ăn đã thông dụng đến trở thành một phần của ẩm thực Sài Gòn, hay vì cái tên rất lạ của nó nhưng đã có người nơi đây tìm được một thông tin khác về nguồn gốc xa xôi của Bò bía:
“Bò bía (tiếng Phúc Kiến: pȯh-piáⁿ, 薄皮卷, tiếng Hán Việt là Bạc bính, nghĩa là bánh mỏng) là món cuốn theo phong cách ẩm thực Triều Châu (Quảng Đông) và Phúc Kiến, Trung Quốc, hiện phổ biến ở Đài Loan, Singapore và Malaysia. Tại Phúc Kiến, món này thường dùng ở Hạ Môn, còn ở Quảng Đông, món ăn phổ biến tại vùng Triều Sán ở phía đông của tỉnh trong lễ thanh minh. Tại Việt Nam, món này có thể do các di dân Triều Châu hoặc người Peranakan (hay còn gọi là Baba Nyonya, tục gọi người Bà Ba) du nhập vào.” (Trích bài viết của tác giả kí tên PKH)
Vậy ra cái tên kì lạ của món bò bía có xuất phát điểm từ tiếng Hoa, và món ăn cũng đến từ nền ầm thực giàu có Trung Hoa.
Theo thời gian phiên bản bò bía mặn đã được thay đổi nhiều, lớp bánh cuốn ngoài không còn làm bằng bột mì nữa. Nó được thay bằng loại bánh tráng bột gạo, mà các bà nội trợ ngày nay thường dùng để cuốn nem, cuốn gỏi. Sự thay đổi này có lẽ bắt nguồn từ việc nguồn dự trữ gạo địa phương phong phú, người Hoa ở miền Nam đã sử dụng bột gạo để thay thế cho nguyên liệu bột mì trong bánh tráng bía, cũng từ đó thay đổi cách gói bò bía.
Kết thúc hành trình tìm về cội nguồn của một ‘món quà nơi khác’ đã làm xiêu lòng biết bao người Hà Nội, ta lại tìm thấy những cây cầu xưa cũ, đã nối cuộc sống của con người lại gần nhau hơn. Từ cách tráng bánh khéo léo của người Hoa, đến cái chịu thương chịu khó của người Vĩnh Phúc, qua cái tâm hồn cởi mở và hồn hậu của người Hà Nội, Bò bía ngọt đã có một hành trình thật dài, để góp cái duyên dáng của mình vào danh sách những thức quà thanh tao mà người dân Hà Nội ưa thích.
Hải Lam – Ngân Hà tổng hợp
Xem thêm: