Trẻ có tính cách hướng nội sở hữu những phẩm chất đáng quý như khả năng lắng nghe, trí tưởng tượng phong phú. Thực tế, nhiều người hướng nội đã thành công, trở thành người có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Đó là tỷ phú Bill Gates, cựu tổng thống Abraham Lincoln, nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein. 

Hướng nội được định nghĩa là những người không thích các hoạt động tập thể đông người và cần nhiều thời gian thư giãn một mình. Vậy, trẻ hướng nội sẽ như thế nào? Không có trẻ hướng nội nào có tính cách giống nhau hoàn toàn, nhưng thường có 7 dấu hiệu sau, mức độ khác nhau tùy từng trẻ.

1. Trẻ hướng nội có thế giới nội tâm phong phú

Những đứa trẻ hướng nội sống trong thế giới riêng được hình thành từ suy nghĩ, trí tưởng tượng sinh động mà người ngoài khó có thể thâm nhập. Trong thế giới của riêng mình, các em tập trung suy nghĩ, giải đáp những câu hỏi hoặc băn khoăn của bản thân.

Tuy nhiên, thế giới nội tâm phong phú có thể là con dao hai lưỡi bởi nó khiến trẻ tự cô lập bản thân, xa lánh mọi người xung quanh. Vai trò của cha mẹ là rất quan trọng trong việc định hướng cho con trẻ phát triển những tính cách tích cực, cũng không nên ép buộc con rời xa thế giới nội tâm vì đây là nguồn kích thích trí tưởng tượng. Thỉnh thoảng, bạn có thể đưa các con ra ngoài chơi, tương tác với bạn bè đồng trang lứa hoặc mọi người xung quanh.

Nghiên cứu cho thấy trẻ hướng nội thích chơi trò tưởng tượng và chơi một mình hoặc với 1-2 bạn thân bởi muốn chất lượng mối quan hệ thay vì số lượng, quyết định dựa trên quan điểm riêng, không theo đám đông. Các em thích dành thời gian riêng tư để đọc sách, vẽ tranh, suy ngẫm, tưởng tượng. 

2. Nhìn nhận cuộc sống với những khía cạnh sâu sắc theo cách riêng

Những đứa trẻ hướng nội không e dè đặt câu hỏi lớn hoặc hỏi khó về thế giới xung quanh. Các em muốn nắm rõ sự vận hành, quy luật của thế giới theo cách chi tiết nhất chứ không muốn thu về thông tin bề nổi hoặc hời hợt. Chúng muốn biết tại sao một sự vật lại xảy ra theo cách đó mà không phải cách khác, hoặc ý nghĩa sâu xa của một sự việc là gì.

Điều đáng kinh ngạc là dù tuổi đời còn trẻ nhưng chúng có cái nhìn khách quan về bản thân và cư xử một cách cẩn thận. Một số em gây ấn tượng bởi có thể tự suy ngẫm về tính đúng, sai trong hành vi và nhận thức của bản thân. Điều này được lý giải bởi trẻ hướng nội muốn tìm hiểu sâu về bản thân và thế giới xung quanh, muốn xây dựng giá trị quan vững chắc.

3. Quan sát trước, hành động sau

Khi chơi trò chơi, trẻ hướng nội thích xem mọi người thực hiện trước khi tự mình tham gia. Khi được bố mẹ khuyến khích vui chơi, các em tỏ ra thận trọng, lưỡng lự hoặc hành động chậm chạp. Khi đã làm quen với các trò chơi và các bạn chơi, trẻ sẽ vui vẻ, năng nổ hơn. Ngoài ra, khi ở môi trường quen thuộc như trong nhà, các em cũng nói nhiều và hoạt bát hơn khi ra ngoài.

4. Đưa ra quyết định theo quan điểm riêng

Suy nghĩ và nhận thức cá nhân tồn tại rất mạnh mẽ trong tâm trí của trẻ hướng nội nên các em thường đưa ra quyết định dựa trên quan điểm, tiêu chuẩn đạo đức riêng không đi theo đám đông. Đây có thể được coi là khía cạnh tích cực ở trẻ hướng nội vì giúp các em loại bỏ áp lực so sánh bản thân với mọi người xung quanh. Các em biết bản thân muốn gì hoặc phù hợp với điều gì để đưa ra quyết định tốt nhất cho mình.

5. Cần một khoảng thời gian đủ dài để trẻ thể hiện tính cách thật

Cũng giống như người trưởng thành hướng nội, trẻ hướng nội không dễ thân thiết với người mới. Chúng sẽ có vẻ ít nói, rụt rè và bảo thủ trong lần đầu gặp mặt nhưng các em sẽ thoải mái, cởi mở hơn khi đã thân quen. Thường thì mục tiêu của cuộc trò chuyện với bạn sẽ là để giúp chúng hiểu bản thân và hiểu thế giới nội tâm của bạn hơn, chúng coi trọng sự kết nối và thấu hiểu ở mức độ sâu hơn mức xã giao.

Trẻ hướng nội là người biết lắng nghe, tập trung và ghi nhớ những điều người khác chia sẻ. Cách trò chuyện của trẻ nhẹ nhàng, ít khi ngập ngừng và sẽ ngừng lại nếu bị ngắt lời. Đôi khi chúng đưa mắt nhìn xa xăm khi nói để tổng hợp suy nghĩ trong đầu nhưng vẫn giữ giao tiếp bằng mắt khi lắng nghe. Khi không thể diễn đạt suy nghĩ trong đầu, các em sẽ tỏ ra thất vọng hoặc khó chịu.

6. Cách thức tương tác xã hội

Trẻ có thể thích chơi một mình, phụ thuộc vào người khiến chúng cảm thấy an toàn hoặc khó chịu, bối rối khi xuất hiện trước đám đông hoặc môi trường mới. So với người hướng ngoại, người hướng nội không thích sự thay đổi hoặc tác động bất thường của ngoại cảnh.

Các em có thể dành nhiều thời gian tương tác xã hội như những đứa trẻ hướng ngoại nhưng sau đấy cần nghỉ ngơi để nạp năng lượng. Khi con bạn dành nhiều thời gian chơi với bạn bè, hãy để ý đến hành động, cảm xúc của chúng vào cuối ngày. Có thể các em sẽ tỏ ra khó chịu, cáu kỉnh, thậm chí khóc nếu có một ngày bận rộn.

7. Gặp khó khăn khi làm việc nhóm

Trong những năm qua, tinh thần hướng ngoại đã trở thành lý tưởng cho các hoạt động xã hội. Mọi người ca ngợi sự quyết đoán, khuyến khích làm việc nhóm và thể hiện bản thân thay vì trầm tư suy nghĩ, làm việc một mình hay ra quyết định chậm rãi.

Các tiêu chuẩn về tinh thần hướng ngoại đối lập với đặc điểm của trẻ hướng nội. Bắt đầu từ khi đi học, các em đã phải làm quen, thích nghi với những hoạt động đòi hỏi sự năng nổ, hoạt bát. Đây có thể là thách thức với trẻ hướng nội nên bố mẹ cần quan tâm đến các hoạt động tập thể của con để khuyến khích hoặc đưa ra lời khuyên kịp thời giúp các em vượt qua.

Dựa vào những dấu hiệu trên, cha mẹ hãy quan sát xem con mình mang tính cách nào để giúp trẻ phát huy hết khả năng, thế mạnh của mình. Nếu cha mẹ hay trẻ là người hướng nội thì cũng chẳng sao. Đó không phải là một căn bệnh hay một chứng rối loạn. Thật vậy, có đến 30-50% dân số thuộc tuýp hướng nội, điều đó có nghĩa là ngoài kia có rất nhiều người “trầm lặng” giống như chúng ta.

Là một người hướng nội, đó là điều không bao giờ có thể thay đổi ở mỗi người. Bởi tính cách (cả hướng nội lẫn hướng ngoại) là do trời sinh. Các chuyên gia cũng cho rằng tính cách là khi sinh ra đã có, và phần lớn không thay đổi trong suốt cuộc đời của mỗi người. Đúng thế, chúng ta có thể trưởng thành và lớn mạnh như mọi người, chúng ta có thể bước ra khỏi vùng thoải mái của mình, phát triển những kỹ năng mới, có nhiều góc nhìn mới về cuộc sống.       

Hãy nhớ, tỷ phú Bill Gates, cựu tổng thống Abraham Lincoln, nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein đều là những người hướng nội.

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Video xem thêm: Không cần thanh minh với người khác, hãy là chính mình một cách tốt nhất

videoinfo__video3.dkn.tv||eaccd3000__