Có hàng tá cách để làm trẻ hứng thú vào bếp và sẵn lòng giúp đỡ bố mẹ khi cần. Chỉ cần nhận diện và tháo gỡ những nút thắt trong tâm chúng thôi!
Bếp núc là công việc bất tận và đôi khi khá rắc rối, đặc biệt là với những ông bố, bà mẹ phải tự mình nấu nướng hàng ngày. Sẽ rất tuyệt vời nếu những đứa trẻ nhà bạn tự giác đề nghị giúp đỡ một tay, nhưng chuyện đó thường không hay xảy ra. Một số bé còn nghĩ rằng làm việc nhà thật là một… cực hình. Đừng lo, có hàng tá cách để làm trẻ thay đổi suy nghĩ ấy và sẵn lòng giúp đỡ bố mẹ công việc bếp núc khi cần. Sau đây là 7 nút thắt bố mẹ thường gặp phải khi “đào tạo một phụ bếp nhí”, và tất nhiên có cả bí kíp để gỡ rối nữa. Cùng khám phá nhé!
Nút thắt #1: Lũ trẻ nghĩ nấu nướng thật nhàm chán!
Con bạn chẳng quan tâm gì tới việc trộn các nguyên liệu nào với nhau, cắt rau củ này như thế nào hay chiên món ăn kia ra làm sao. Tất nhiên việc bếp núc không thú vị bằng trò chơi điện tử và những gameshow trên truyền hình, nhưng nó cũng không hề tẻ nhạt đến mức làm cho bọn trẻ khiếp sợ đâu.
Gỡ nút #1: Biến công việc bếp núc thành một trò chơi
Hãy làm cho việc chuẩn bị bữa tối hào hứng hơn bằng cách biến nó thành một trò chơi. Tưởng tượng như cả nhà đang trong một cuộc thi nấu ăn thực tế và các món ăn sẽ được những giám khảo khó tính đánh giá và chấm điểm. Bạn cũng có thể tổ chức một cuộc thi đua xem ai sẽ là người hoàn thành công việc nhanh hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bố mẹ có thể cho các con thi trộn các nguyên liệu hay là xem ai tìm thấy nguyên liệu nấu ăn phù hợp, tốt nhất là không có liên quan đến dao kéo và lửa.
Nút thắt #2: Các con cảm thấy mệt
Không chỉ bố mẹ mệt lả sau giờ làm, các con của bạn cũng như vậy đấy. Sau một ngày tiêu tốn năng lượng vào các hoạt động ở trường và ngoài giờ học, chúng cũng sẽ cảm thấy uể oải và làm biếng khi phải phụ giúp bố mẹ chuẩn bị bữa tối.
Gỡ nút #2: Hãy bật nhạc và năng động lên nào cả nhà ơi!
Củng cố tinh thần cả nhà bằng một vài bản nhạc mà cả nhà cùng yêu thích sẽ giúp mọi người có thêm năng lượng để hăng hái chuẩn bị bữa tối hơn. Bí quyết là hãy chọn bản nhạc với giai điệu vui tươi, sẽ khiến công việc trong bếp thêm phần sinh động. Hay thậm chí bạn có thể tạo một list nhạc yêu thích của cả nhà để tạo hứng khởi hơn trước giờ cơm tối.
Nút thắt #3: Các con không có động lực để làm việc bếp núc
Thiếu năng lượng làm việc là một chuyện, còn một nguyên nhân nữa là không có động lực để làm công việc ấy. Đôi khi rất khó để khơi gợi sự hứng thú vào bếp của lũ trẻ. Đối với chúng, việc chuẩn bị một bữa ăn là việc tẻ nhạt, kể cả với mục đích là để tạo ra những bữa ăn ngon miệng và đầy đủ dinh dưỡng thì với chúng điều đó cũng không thực sự đủ để khơi lên sở thích nấu nướng ở chúng.
Gỡ nút #3: Hãy làm một bảng điểm và treo thưởng khi đạt được số điểm nhất định!
Hầu như chúng ta đều cảm thấy có động lực để làm một chuyện khi biết rằng có phần thưởng treo sẵn ở đó. Hãy dạy con của bạn rằng khi chúng làm việc chăm chỉ thì sẽ được trả công xứng đáng, đó không phải là mua chuộc chúng để làm việc cho bạn.
Mỗi tối khi các con giúp bạn làm bếp, hãy cộng một điểm vào bảng điểm của bọn trẻ. Đặt ra một mức điểm cụ thể, khi bọn trẻ đạt được số điểm yêu cầu thì sẽ được một phần thưởng xứng đáng hoặc một buổi đi ăn ở ngoài.
Nút thắt #4: Các con không có hứng thú
Nếu bạn là kiểu người hay lên thực đơn cho mỗi tuần, vậy thì bạn chắc chắn sẽ biết làm thế nào để khơi lên sự hứng thú cho đám nhóc nhà bạn. Nếu con bạn không cảm thấy thú vị với chuyện gì đó, chúng sẽ không động tay vào làm. Cũng như khi làm bất kỳ dự án nào, nếu không được cùng đóng góp ý kiến thì chúng ta cũng không có sự hào hứng để tham gia.
Gỡ nút #4: Cùng lên thực đơn nào!
Thay vì bắt ép các con, hãy lập một kế hoạch hay một danh sách các món để các con có thể cùng đóng góp ý kiến. Việc đó sẽ làm chúng hăng hái hơn và cùng bắt tay vào bếp với bạn.
Hãy cùng con bạn chọn một vài món ăn cho bữa ăn kế tiếp. Bạn có thể chỉ chúng cách dùng Pinterest để tìm ý tưởng cho những món ăn hấp dẫn, hoặc đơn giản là dẫn chúng dạo một vòng quanh chợ để chọn một vài thứ mà chúng thích. Rất có thể con sẽ cùng bạn vào bếp sau đó, bởi vì con là người đã lên thực đơn và chắc chắn chúng cũng muốn có một bữa ăn tuyệt vời mà có công sức của mình trong đó.
Nút thắt #5: Lũ nhóc không quan tâm
Khác với không hứng thú, các thành viên trong gia đình có thể là không quan tâm đến việc giúp đỡ bạn làm bếp. Tất nhiên bạn có thể sai khiến họ giúp bạn, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu như tất cả đều sẵn lòng và hào hứng để cùng nấu ăn.
Gỡ nút #5: Hãy làm một vài món lạ!
Khơi gợi sự tò mò của lũ trẻ ở nhà bằng cách mang một vài nguyên liệu lạ lẫm ở chợ về. Sau đó nói cho chúng biết bạn sẽ làm một món ăn hấp dẫn với nguyên liệu đó, chúng sẽ vô cùng thích thú và muốn khám phá. Rất có thể chúng sẽ tình nguyện giúp bạn làm một số việc lặt vặt như gọt vỏ, cắt rau hoặc nếm thử vị của các nguyên liệu nấu ăn.
Nút thắt #6: Thời gian biểu của bố mẹ và các con trái ngược nhau
Hầu như chúng ta ai ai cũng đều bận rộn với cuộc sống hiện đại và rất cần sự giúp đỡ để hoàn thiện một bữa ăn ngon cho cả nhà. Nhưng đôi khi thời gian biểu của cả nhà lại quá dày đặc và trái ngược nhau nên càng khó khăn hơn để tìm ra cơ hội để mọi người cùng nhau vào bếp.
Gỡ nút #6: Mọi người có thể đảm nhận một phần việc phù hợp với thời gian biểu của mình
Chuẩn bị bữa ăn cùng nhau không có nghĩa là các thành viên phải ở hết trong bếp cùng một lúc. Bạn có thể chia nhỏ công việc ra, nếu con bạn về nhà sớm hơn trước khi bạn tan ca, hãy để con chuẩn bị rau củ, rửa và thái rau… Nếu con đã lớn, bạn có thể bảo chúng chuẩn bị trước cho bạn những món cần thời gian lâu để nấu và bạn sẽ làm phần còn lại khi về đến nhà.
Nút thắt #7: An toàn trong gian bếp
Nếu con còn nhỏ, bạn nên chú ý hơn đến an toàn của con trong khi làm bếp. Nhiều khả năng chúng sẽ rất lúng túng và lo lắng khi lần đầu sử dụng những con dao sắc nhọn hoặc cái bếp nóng rẫy.
Gỡ nút #7: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo độ tuổi của con mà bạn có thể giao cho chúng những công việc phù hợp. Với các con nhỏ, việc trộn nguyên liệu là thích hợp nhất. Người lớn và thiếu niên có thể làm những việc liên quan đến dao, nấu trên bếp lửa hay mang vác đồ nặng. Vào bếp cùng nhau là cơ hội tốt để bạn dạy các con làm thế nào để xử lý tốt và an toàn với các tình huống có thể xảy ra trong bếp, giúp các con có thêm kinh nghiệm khi không có bạn ở bên cạnh.
Bên cạnh những giải pháp trên, hãy hỏi ý kiến cả nhà xem có thể cùng nhau làm gì để việc nấu nướng trở nên dễ dàng và vui vẻ hơn, bạn nhé! Đừng quên giải thích cho các con tại sao việc vào bếp là rất cần thiết. Quả thực, đây là một hoạt động thú vị để gia đình cùng tận hưởng chứ không phải việc vất vả của riêng bố hoặc mẹ. Chúc các bạn có những giây phút ấm áp và hạnh phúc, những bữa cơm gia đình ngon ngọt trong gian bếp nhỏ!
Đinh Nguyệt
Theo Little Things
Video xem thêm: Thương cho roi cho vọt” có phải là cách dạy con khôn ngoan? 90% cha mẹ đang lầm tưởng tai hại