Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.

Chuyên mục ‘Café cuối tuần’ ra mắt với hy vọng sẽ là nơi giãi bày về những vấn đề trong cuộc sống, nơi độc giả có thể tâm bình khí hòa NHÌN và NGẪM về cuộc đời, để sống đơn giản, nói chân thành và yêu rộng lượng… Mong bạn sẽ luôn an nhiên, tự tại để thưởng thức trọn vẹn tách café dành cho riêng mình!

***

Có một câu chuyện rất sâu sắc được tài khoản Niklas Göke chia sẻ trên trang Web hỏi và đáp – Quora. Chuyện kể về bốn nhà sư thực hành thiền định trong mật thất và kết quả tệ hại của buổi tu tập đó lại đến từ một hành động rất nhỏ…

Kế hoạch của họ là ngồi lặng lẽ thiền định trong hai tuần ở tu viện và sẽ thắp một ngọn nến để đánh dấu thời gian bắt đầu đả tọa. Đêm đầu tiên của buổi thực hành diễn ra khá suôn sẻ. Gương mặt các vị sư đều thanh thoát trước ánh nến lập lòe, ai nấy đều xếp chân kiết già và lặng lẽ trong không khí trang nghiêm, u tịch… cho đến khi ngọn nến kía nhấp nháy rồi tắt hẳn.

Vị sư đầu tiên thấy nến tắt liền thốt lên: “Ôi, không! Ngọn nến đã tắt rồi”

Vị sư thứ hai quay sang nhắc nhở: “Chúng ta không được phép nói chuyện”

Vị sư thứ ba tức giận nói: “Tại sao hai người phá vỡ sự im lặng”

Vị sư thứ tư mỉm cười nhẹ nhàng: “Vậy tôi là người duy nhất không nói ở đây”

Câu chuyện cười nhẹ nhàng nhưng qua đó lại đem đến cho ta những bài học lớn mà mọi người chắc hẳn đã nghe nhiều nhưng thực hiện được thì rất khó.

Bài học thứ nhất – Nói ít đi, làm nhiều hơn

(Ảnh: thoidihoc.net)

Vị sư đầu tiên bị phân tâm bởi một sự kiện bên ngoài và cảm thấy bắt buộc phải lên tiếng. Thế nhưng, ông ta chợt quên mất rằng có một cách đơn giản hơn để giải quyết vấn đề đó là lặng lẽ thắp lại ngọn nến. 

Vị sư thứ hai nhắc nhở mọi người về một quy tắc đã bị phá vỡ. Nhưng ông ta bỏ qua một lựa chọn tốt hơn đó là cứ im lặng và ngồi thiền.

Vị sư thứ ba thay vì bình tĩnh suy sét vấn đề lại trút cơn giận và những lời trách móc lên hai người bạn. Điều này khiến căn phòng ồn ã hơn và làm cho nội tâm của ông ta chẳng thể bình hòa để tiếp tục tu tập.

Vị sư thứ tư dường như là tỉnh táo nhất nhưng vì vui sướng quá độ mà quên đi bản ngã và trách nhiệm của mình trong việc giữ im lặng.

Tất cả đều có một điểm chung: họ đã chia sẻ suy nghĩ của mình mà không để ý đến hậu quả của hành động đó. Và quan trọng hơn là không một ai trong số họ có một hành động tích cực để cải thiện tình hình, họ chỉ đơn giản là… nói. Và hiệu ứng dây chuyền cứ thế diễn ra từ người đầu tiên cho đến người cuối cùng.

Thế cho nên kẻ nói ít làm nhiều thì thường có được thành công vượt trội, còn người hay kể lể tâm sự thì thường chìm nổi long đong.

Thường thì chúng ta hay lên án những người chỉ biết gõ phím mà không có hành động cụ thể để thay đổi những hiện trạng đang tồn tại trong cuộc sống. Thế nhưng chính chúng ta cũng có lúc là những người chỉ biết gõ phím mà không thực sự bắt tay vào làm. Nếu đã không thay đổi được gì, vậy thì hãy góp ý tích cực để cùng nhau nâng cao nhận thức chứ đừng nên đưa ra những lời lẽ vô dụng thậm chí là tiêu cực để khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.

Bài học thứ 2 – Nhìn vào khuyết điểm của người khác là không khôn ngoan

(Ảnh: guu.vn)

Bốn vị sư không lo tu luyện cho tốt bản thân mà lại cố gắng nhìn vào khuyết điểm của người khác mà hành xử và đánh giá, đây có lẽ là thiếu sót lớn nhất trong quá trình tu tập. 

Trong cuộc sống thường nhật, hầu hết những câu chuyện vô nghĩa mà mọi người bàn tán hàng ngày đều xoay quanh hai chủ đề: Một là về những sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, hai là về những người đang nói về sự việc đó.

Nói cách khác, chúng ta luôn hướng sự tập trung của mình vào những vấn đề của người khác, hoặc những chuyện mà ta chẳng thể nào làm gì để thay đổi. Điều này chẳng những làm hao tổn tâm trí và thời gian mà đôi khi còn gây hại cho một mối quan hệ tốt đẹp.

Một vài câu trọc ghẹo quá đáng hay lời trách móc thiếu suy sét về người khác có thể làm cho mọi người ghét bạn, gây chia rẽ tập thể và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Tốt nhất là nên làm tốt công việc của mình và bớt quan tâm đến chuyện của mọi người, bởi vì suy cho cùng chẳng có ai có lợi ích gì từ chuyện đó.

Bài học thứ 3 – Người khôn ngoan biết giá trị của sự im lặng

(Ảnh: taman.tv)

Nếu có một vị sư thứ năm, khôn ngoan hơn, có lẽ đây sẽ là những gì ông ta làm: Giữ im lặng và tiếp tục thiền định.

Khi làm như vậy, ông sẽ cho bốn vị sư khác biết những thiếu sót của họ mà chẳng cần nói một từ nào. Bạn càng nói nhiều, bạn càng hành động ngốc nghếch. Bạn càng ít nói, bạn càng nghe được nhiều và càng thông tuệ hơn. Và thế là, thế giới xung quanh bạn sẽ thay đổi theo hướng tích cực khi bạn bình tâm suy nghĩ.

Hơn nữa, khi bạn không nói, bạn có thời gian để quan sát tình hình cho đến khi phát hiện ra thời điểm chính xác để hành động. Chỉ nói khi những gì bạn nói có khả năng có một tác động tích cực, đáng kể.

Bài học thứ 4 – Mọi chuyện đều là để chúng ta tiến bộ

(Ảnh: Tinhhoa.net)

Câu chuyện thiền định không chỉ đơn giản là ngồi yên không làm gì, đó còn là quá trình đấu tranh nội tâm của người tu luyện khi những sự việc mà họ mắt thấy tai nghe ở bên ngoài tác động đến nội tâm. 

Những vị sư ngồi trong mật thất nọ không đơn giản chỉ là cãi nhau vì một cây nến, mà chính là họ không thể vượt qua được những dao động của nội tâm khi người khác gây ảnh hưởng đến mình. Đối với quá trình thiền định mà nói, cây nến chính chỉ là công cụ giúp bộc lộ những nhân tâm còn tồn đọng trong mỗi người, cũng là cơ hội để họ tiến bộ trong quá trình tu tập.

Cũng giống như vậy, mỗi việc bạn gặp phải, mỗi chuyện phiền phức mà bạn cần vượt qua trong cuộc đời chính là những bước đi cần thiết để chúng ta trưởng thành. Mọi chuyện dù tồi tệ đến đâu cũng đều có mặt tốt của nó. Nhẫn chịu và suy sét kỹ lưỡng thì mọi chuyện đều sẽ sáng tỏ.

Trọng Đạt