Được ai đó yêu quý là một điều có lợi, nhưng lấy được sự tin tưởng để mọi người mở lòng, trút bầu tâm sự lại là kỹ năng giao tiếp không phải ai cũng biết.

Công nghệ phát triển, mọi người có thế dễ dàng chat, gửi email, nhắn tin, gọi điện… nhưng tương tác trực tiếp vẫn là cách tốt nhất để kết nối cộng đồng. Xây dựng được mối quan hệ, bạn phải có được lòng tin, và không gì tạo sự đồng cảm dễ hơn những cuộc nói chuyện trực tiếp.

Dưới đây là 4 bước giúp bạn lấy được thiện cảm của mọi người trong giao tiếp.

Thông tin cơ bản là chìa khoá liên kết câu chuyện

Bạn ngồi với đối tác cả buổi nhưng liên tiếp gọi sai tên, liệu họ có muốn nói chuyện và chia sẻ nhiều với bạn không?

Việc biết rõ “Mình đang nói chuyện với ai” là bước đầu tiên bạn thể hiện sự tôn trọng trong giao tiếp. Ngay khi bắt đầu cuộc trò chuyện, bạn nên cố gắng nắm bắt các thông tin và đặc điểm cơ bản về đối tượng như tên, tuổi, việc làm, chức vụ, quê quán, sở thích…

4 kỹ năng giao tiếp để ai cũng muốn mở lòng với bạn

Hãy gợi ý để họ tự giới thiệu về bản thân và đừng biến cuộc nói chuyện trở thành cuộc tra hỏi đáp thông tin cá nhân cứng nhắc. Chi tiết đơn giản đó sẽ giúp bạn mở rộng đề tài nói chuyện, tương tác.

Đừng quên việc tiết lộ một chút về chính mình, bạn sẽ không thể nào tương tác tốt nếu chỉ muốn người khác nói còn bản thân lại không sẵn sàng chia sẻ. Cách bạn nói về chính mình là cơ hội để họ tìm hiểu để xây dựng lòng tin.

Không phán xét

Khi gặp người ăn mặc bình dân trong một bữa tiệc sang trọng, có thể bạn sẽ nghĩ đối tượng đang ở nhầm chỗ hoặc hạ thấp giá trị của họ. Một cô gái trẻ với thân hình quyến rũ thân thiết với một người đàn ông đứng tuổi, bạn quy chụp họ là bồ bịch trong khi có thể đó là hai cha con. Bất kể người bạn gặp là ai, họ đều có quyền nhận được sự tôn trọng. Không mối quan hệ tốt đẹp nào có thể gây dựng nếu chúng ta không tôn trọng lẫn nhau.

4 kỹ năng giao tiếp để ai cũng muốn mở lòng với bạn

Kỹ năng đặt câu hỏi

Không gì giúp bạn tìm hiểu về người khác tốt bằng câu hỏi, đó cũng là cơ hội để bày tỏ và trải lòng. Chúng ta thường cảm thấy khó hiểu đổi phương và nói chuyện không “khớp”, do quan điểm và lập trường cá nhân khác nhau. Chúng ta chỉ nói về vấn đề của mình và kỳ vọng họ có thể hiểu được thay vì chủ động đi tìm chủ đề tương đồng. Kỹ năng đặt câu hỏi chính là cách để chúng ta thấu hiểu và đưa câu chuyện về một hướng.

Hai bí quyết quan trọng trong đặt câu hỏi là luôn tạo tối đa cơ hội để người nói chuyện được thể hiện bản thân, không đặt những câu hỏi quá riêng tư, tọc mạch. Chẳng ai thích bị người khác soi mói đời tư, nhất là với một người xa lạ. Đối phương mới là người quyết định có chia sẻ và mở lòng hay không, và điều đó phụ thuộc vào cách bạn khiến họ tin tưởng.

Dừng lại đúng lúc

Khi đã chạm đúng mạch cảm xúc, con người có thể tâm sự rất nhiều điều thầm kín với một kẻ xa lạ, dù mới gặp lần đầu. Nhưng khi lấy lại ý thức, rất có thể họ sẽ giật mình tự hỏi: “Tại sao mình lại nói nhiều như thế với một người xa lạ?” và chấm dứt cuộc nói chuyện, từ chối trả lời thắc mắc của bạn ngay lập tức.

Hãy tôn trọng quyền quyết định của họ và đừng cố ép họ nói tiếp, bạn có thể chuyển hướng cuộc hội thoại sang các chủ đề khác để cả 2 bên được thoải mái.

Rất dễ tập các kỹ năng theo hình thức giao tiếp này vì ta thường xuyên gặp những người mình không quen biết. Khi thành công, bạn sẽ tìm ra cơ hội hơn để thỏa mãn sự tò mò, tạo nên những mối quan hệ thú vị, bất ngờ có thể thay đổi cả cuộc đời.

Night-fly