Công lý có ở nơi đâu? Ở trong lý trí và luật pháp hay nằm trong trái tim lương thiện của những con người tốt bụng? Câu chuyện dưới đây sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn sâu sắc hơn về sự công bằng trên thế giới này.

Thẩm phán Frank Caprio, 80 tuổi, là thẩm phán truyền hình của chương trình nổi tiếng “Caught in Providence” (“Bị bắt ở Providence”), phát sóng trên WLNE-TV, chuyên xét xử các vụ vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ hay đỗ xe bất hợp pháp ở Providence, thủ đô của bang Rhode Island, một bang nhỏ nhất của Hoa Kỳ. Ông cũng là Thẩm phán Tòa án thành phố Providence, được bổ nhiệm vào năm 1985, và được tái bổ nhiệm sáu lần bởi Thị trưởng Providence và Hội đồng Thành phố Providence. Vì sao vị Thẩm phán này được tín nhiệm đến như vậy. Chúng ta hãy cùng theo dõi một trong những phiên tòa điển hình do ông chủ trì sẽ rõ.

Vào một ngày đẹp trời của tháng 3 năm 2017, cô Andrea bước vào phòng xử án với nụ cười tươi tắn. Cô nhận được trát hầu tòa cách đó vài tuần, thông báo về việc cô đã không chịu nộp phạt do nhiều lần đỗ xe trái nơi quy định, trong suốt 10 năm qua.

Ở Mỹ, khi vi phạm luật giao thông như đi quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đỗ xe không đúng nơi quy định…, nếu bị cảnh sát chặn lại, người điều khiển phương tiện giao thông phải ngồi nguyên trước tay lái, xuất trình mọi giấy tờ liên quan, như bằng lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xe… Cảnh sát sẽ tự lập hồ sơ, ghi phiếu phạt, ghi rõ họ tên cảnh sát và địa chỉ nơi xảy ra vi phạm. Không ai có mặt ở trong xe được phép bước ra khỏi xe. Do vậy, sẽ không có cảnh đôi co, giải thích, trình bày giữa cảnh sát và người vi phạm. Còn nếu bạn đỗ xe không đúng nơi quy định, phiếu phạt sẽ được gắn ở gạt nước xe. Sau đó một vài ngày, sẽ có thư điện tử hoặc thư gửi qua bưu điện, thông báo số tiền và số tài khoản để bạn nộp phạt, kèm đầy đủ các bằng chứng về việc vi phạm của bạn. Thông tin vi phạm của bạn sẽ được tra cứu thấy trong mục “vi phạm giao thông” của Cục cảnh sát bang ngay sau vài giờ bạn vi phạm.

Khi bị phạt vi phạm giao thông, người điều khiển phải có trách nhiệm trả tiền phạt theo quy định, thường là trong vòng 30 ngày, chậm hơn 30 ngày sẽ tăng gấp đôi, chậm hơn nữa sẽ phạt gấp ba, gấp bốn và cuối cùng là được mời ra tòa và phải chịu mọi án phí. Người vi phạm có quyền khiếu kiện, nếu nhận thấy không vi phạm.

Thẩm phán Caprio bắt đầu phiên tòa bằng việc thông báo cho Andrea rằng cô đã có phiếu phạt từ năm 2004, 2005, 2006. Xem ra, Andrea không hề biết đến những phiếu phạt này. Tuy nhiên, ngay lập tức, vị thẩm phán công bố miễn trừ cho cô khoản phạt trên, bởi, rất may cho cô, tòa không lưu các biên lai phiếu phạt.

Vị thẩm phán tiếp tục lướt nhanh qua 2 phiếu phạt trong năm 2014, 2015 với tiền phạt là 50 đô-la Mỹ. Ông đã dự định sẽ phạt cô khoản này, cộng với các lần vi phạm của cô trong năm 2016, tổng tiền phạt sẽ là 400 đô-la Mỹ. Khi nghe ông tuyên bố số tiền phải nộp,  Andrea bỗng bật khóc nức nở, sụt sùi kể cho cả phiên tòa nghe về bi kịch gia đình cô trong suốt một năm qua.

Đầu tháng 3 năm 2016, con trai của Andrea, vì một lý do mà cô không tiện nêu ra, đã bị chính anh trai của cô giết chết.

Hai tháng sau đó, cô nhận được thông báo từ Phòng An sinh xã hội về khoản nợ 75 đô-la mà cháu nợ tiểu bang. Ngày cô đến Phòng An sinh xã hội trả nợ cho con, cũng là ngày cô nhận được phiếu phạt vì đỗ xe không đúng nơi quy định.

Không lâu sau, chủ nhà nơi cô thuê phá vỡ hợp đồng và buộc cô phải rời khỏi nhà. Cô quyết định kiện họ ra tòa, tuy nhiên phần thua lại thuộc về cô. Khi rời phòng xử án, Andrea lại bị phạt do đỗ xe quá giờ, mặc dù khi đó cột tính tiền đỗ xe ở đó bị hỏng.

Cô tìm đến một văn phòng luật, yêu cầu được hỗ trợ pháp lý khiếu nại quyết định của tòa, khi ra bãi đỗ xe, một lần nữa cô lại nhận một phiếu phạt.

Trong khi vẫn phải cố gắng thanh toán chi phí cho đám tang của con trai, cô còn phải lo tiền để thuê căn hộ mới, cô đang phải dùng thuốc chống trầm cảm… Tình cảnh bi đát của Andrea khiến ngài Thẩm phản bị xúc động mạnh, đặc biệt khi cô bày tỏ: “Tôi đã trải qua một năm vô cùng khó khăn, tôi đang trong tình trạng nhận SSDI (Bảo hiểm Tàn tật An sinh Xã hội) và, thực tình tôi không có đủ 400 đô-la để trả cho ông.”

Vị thẩm phán nói: “Tôi nghĩ rằng, tất cả chúng ta ở đây đều cảm thông sâu sắc với nỗi đau mà cô đang trải qua”.

Theo đó, ông quyết định giảm nhẹ mức phạt tiền cho Andrea từ 400 đô-la xuống còn 50 đô-la. Điều này đã khiến Andrea vô cùng cảm kích.

Ngay trước khi kết thúc phiên tòa, thẩm phán Caprio đặt cho cô một câu hỏi, và rồi câu trả lời của cô làm ông thay đổi mọi quyết định. Ông hỏi cô, liệu sau khi trả 50 đô-la tiền phạt, cô có còn đồng nào hay không. Rơm rớm nước mắt, cô trả lời mình vẫn còn 5 đô-la trong ví. Cả khán phòng lặng đi… chờ đợi … một phép màu.

Và những người có mặt tại phiên tòa đều không kìm được những giọt nước mắt xúc động, biết ơn khi vị Thẩm phán, cuối cùng, đã công bố hủy bỏ mọi cáo trạng đối với cô, kết thúc phiên tòa bằng một thông điệp cảm động:

“Với kết luận này, tôi hy vọng từ đây, mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp. Chúc cô mọi sự may mắn.”

Thẩm phán Caprio được biết đến là một vị Thẩm phán có tấm lòng nhân hậu và rất hài hước, tất nhiên, sẽ không cho phép người phụ nữ đang gồng mình quá sức vì các áp lực dồn dập, phải rời khỏi khán phòng với số tiền ít ỏi như vậy.

Phiên tòa kết thúc trong bầu không khí yêu thương và hiểu biết. Những giọt nước mắt lăn dài trên má Andrea, trên má những người đến dự, của vị Thẩm phán già đáng kính.

Tôi chắc, họ sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh tương tự, nhưng sẽ giữ mãi những khoảnh khắc đáng quý này để rồi, đến một lúc nào đó, ở đâu đó, họ sẽ rất sẵn sàng dang tay giúp đỡ một ai đó. Hạt giống thiện lương, khi đã được gieo xuống, luôn có sức sống và lan tỏa mãnh liệt…

Tuệ Minh – An Nhiên

Xem thêm: