Chính phủ chỉ đạo sẽ xoá độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa (SGK) khi có 5 nhà xuất bản thực hiện in ấn, phát hành.
Ngày 1/10, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ việc độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam (thuộc Bộ GD&ĐT) được nêu ra, phân tích khi xây dựng đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, theo Zing.
Theo Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, SGK là mặt hàng thuộc quản lý của Nhà nước và được trợ giá. Do đó, tỷ lệ chiết khấu của NXB Giáo dục Việt Nam khi phát hành là 20%-25%, thấp hơn mức trung bình so với tỷ lệ chiết khấu các loại sách khác (35%-40%).
Cũng trong phiên hopj, thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, sắp tới sẽ bỏ việc độc quyền in sách giáo khoa (SGK) theo chủ trương của Nghị quyết 88, theo báo Người Đưa Tin.
Theo đó, Bộ Thông tin & Truyền thông đã cấp phép cho 5 nhà xuất bản tham gia vào việc in SGK. Việc thực hiện 1 Chương trình nhiều bộ SGK sắp tới cũng được triển khai theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Trước đó, câu chuyện SGK độc quyền và lãng phí làm “nóng” dư luận và diễn đàn Quốc hội. Việc SGK được cho là thiết kế để học sinh viết thẳng vào gây lãng phí cả nghìn tỷ đồng/năm.
Trong khi đó, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết đơn vị này lỗ gần 40 tỷ đồng/năm về SGK. Dù lỗ lớn, số tiền chiết khấu cho SGK được đánh giá là khá cao.
Thanh Thanh (Tổng hợp)