Đối với bạn, việc học có ý nghĩa như thế nào? Học có đơn giản là quá trình nghe thầy giảng, chép bài, học thuộc lòng và trả bài khi thi? Hãy cùng tìm hiểu về “sự học” ở một góc độ khác, theo con mắt của những người phương Tây. 

Trong trường học, mọi người đơn giản chỉ quan sát ghi nhớ những gì được dạy, và rất nhanh ta nhận thấy những thứ được học không có cùng giá trị. Sự khác biệt trở nên rõ ràng hơn khi so sánh việc học theo cách “nghe – ghi chép – ghi nhớ thụ động” với việc “học để hiểu sâu”. David Ausubel nghiên cứu sự khác biệt giữa hai loại hình học tập này, từ đó phát triển lý thuyết của ông về “học để hiểu sâu”.

Mô hình của Ausubel là một trong những mô hình thành công nhất trong việc giải thích cách học để hiểu sâu. Và điều này định nghĩa việc học để hiểu sâu được xây dựng dựa trên những kiến ​​thức đã có, nơi chủ đề đóng một vai trò tích cực trong việc tái sắp xếp và tổ chức thông tin.

Học liệu có phải là một quá trình nhàm chán, đầy ép buộc? Hay nó khai sáng cho nhận thức của con người? (Ảnh: pixabay)

Chúng ta có thể thấy trước những ảnh hưởng tích cực có tính xây dựng trong lý thuyết này. Theo David Ausubel, kiến ​​thức thực sự được tạo dựng theo chủ đề thông qua diễn giải của riêng mình. Cho nên mọi kiến ​​thức dựa trên học vẹt (thuộc mặt chữ nhưng không hiểu ý nghĩa) chỉ đơn thuần là một sự nhắc lại vô nghĩa. Nó không thể tác động đến sự hiểu biết hay cách nhìn nhận, hay đánh giá vấn đề của bạn.

Học để hiểu sâu là gì?

Để biết bản chất của việc học để hiểu sâu, thì phải hiểu lý thuyết của Ausubel là một lý thuyết học đi đôi với hành. Ông không đơn thuần tìm cách mô tả sự khác biệt của các loại hình học tập. Về bản chất ông muốn đem đến một sự thay đổi trong giảng dạy.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Học để hiểu sâu là cách học kết nối, gắn học với hành. Nó đòi hỏi ở người học một sự thay đổi thực chất, bạn cần phải nắm được một điều gì đó mới so với những quan niệm đã tồn tại trước đó trong bạn. Học sâu không đơn giản chỉ là ghi nhớ, mà nó đòi hỏi người học phải tạo ra một hệ thống nhận thức, giúp chúng ta có thể tự nhìn nhận, đánh giá thực tế xung quanh. Nói cách khác, khi bạn học đủ sâu, bạn có thể tạo ra cho mình cách diễn giải mới về chủ đề nào đó.

Học để hiểu sâu có thể ghi nhớ một cách đơn giản hơn là học phải đi đôi với hành (Ảnh: Pixabay)

Một đặc điểm cơ bản của học để hiểu sâu là quan hệ quay vòng giữa kiến thức với nhận thức về thực tế vật chất. Trên thực tế, để khởi động vòng quay này, bạn cần chú ý tới 3 vấn đề chính: những kiến thức bạn đã có về một chủ đề (1), việc quan sát chủ đề trong thực tế (2) và kiến thức mới lĩnh hội về chủ đề này (3). 

Việc học để hiểu sâu, nói một cách khác là “thực học”, không chỉ giới hạn ở nạp kiến thức mới (3). Việc học đi đôi với hành yêu cầu bạn suy nghĩ về những điều mới lĩnh hội (3) trong tương quan với những kiến thức bạn đã có (1) về chủ đề đó, đồng thời quan sát thực tế đang diễn ra (2). 

Bạn cần phân tích và so sánh những kiến thức mới mang lại cho bạn điều gì mà những kiến thức cũ chưa đáp ứng được. Đồng thời, tìm ra những cách thức thay đổi những điều trong thực tế cuộc sống để kiểm nghiệm lại những kiến thức mới, xem những gì mới học có giúp bạn nhìn nhận thực tế rõ ràng hơn. 

Kết quả của chu trình khép kín “diễn giải-nhận thức mới-diễn giải” này chính là bạn hiểu hơn về chủ đề mình học. Đồng thời có thể tự mình diễn giải được nó theo cách hiểu cũng như cách tổ chức thông tin của mình. Nói cách khác, khi bạn học thật những kiến thức mới, chúng sẽ giúp bạn thay đổi nhận thức của bản thân về chủ đề đó. Từ sự thay đổi nhận thức ấy, bạn có được cho mình sự thay đổi về hành động trong thực tế cuộc sống. 

Lấy một ví dụ

Học bất cứ thứ gì mà không phân tích chúng để thay đổi nhận thức về thực tế của bạn, thì cũng giống như học chơi một nhạc cụ trên giấy, bạn sẽ không bao giờ nhận được kết quả thực sự của điều mình đã nạp vào (Ảnh: Pixabay)

Chúng ta đọc rất nhiều sách về “kỹ năng mềm”, nhưng đa số đều đánh giá “những cuốn sách này chẳng giúp ích gì nhiều cho cuộc sống”, hay “chúng chỉ là lý thuyết, còn thực tế thì khác xa”. Nhưng đó có thật sự là vì những cuốn sách, hay vì chính chúng ta học mà không hành?

Vậy học đi đôi với hành sẽ như thế nào? Bạn đọc được hướng dẫn về tạo lập thói quen chủ động (3), thực tế cần quan sát chính là thói quen bị động/chủ động của chính bạn (2) và những điều bạn đã biết về chủ đề bị động/chủ động này bao gồm: nhận thức về tính chủ động/bị động của bản thân, nguyên nhân tạo nên thói quen bị động, những gợi ý khác mà bạn đã biết về chủ đề này (1).

Nếu học đi đôi với hành, bạn sẽ không chỉ đọc thông tin về “tạo lập thói quen chủ động”(3) rồi để đó, và cho rằng mình đã có thêm kiến thức trong lĩnh vực này. Ngược lại, nếu là người “thực học”, bạn sẽ suy nghĩ về những điều mới học (3) và so sánh chúng với bản thân mình (1). Từ đó nhận ra, những thói quen nào của mình đại diện cho sự bị động ấy. Tiếp đó, bạn ghi nhớ những thói quen xấu này, cùng những thói quen tốt mà cuốn sách gợi ý, và quan trọng nhất, bạn sẽ mang theo nó vào thực tế cuộc sống của mình (2). 

Trong những tình huống cần đến sự chủ động, bạn sẽ học cách nhận diện những thói quen xấu của mình. Dần dần, khi nhận diện được những điều xấu, bạn kiểm soát chúng, lựa chọn cách mới để thay thế. Quá trình này cứ thế lặp lại, bạn sẽ nhận ra, mình đã lĩnh hội được sự khác biệt giữa thói quen cũ và những thói quen mới có được do đọc sách. 

Nếu là “thực học” chắc chắn bạn sẽ nhìn thấy sự khác biệt trong thực tế cuộc sống của mình. Nói cách khác, bạn sẽ nhìn thấy sự thay đổi. Đó là có thể là trong suy nghĩ, trong thói quen, trong cách hành động. 

Học để hiểu sâu này có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Từ những lĩnh vực mang tính hàn lâm, đến những lĩnh vực mang tính kỹ thuật. 

Lợi ích của học để hiểu sâu là gì?

Việc học liệu có bao giờ dừng lại khi chúng ta đã cầm trên tay những tấm bằng (Ảnh: Pixabay)

Khi học để hiểu sâu bạn dễ vấp phải nhiều khó khăn hơn so với học vẹt. Nếu không đủ kiên trì để tìm ra những mối liên hệ, để kết nối những gì mới học với những điều đã biết, bạn sẽ dễ dàng bỏ cuộc. 

Tuy nhiên, khi bạn có thể học để hiểu sâu, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy động lực để học hỏi không bao giờ tắt. Bởi khi học để hiểu sâu, sự nhận thức đến hành động của bạn đều thay đổi. Sự thay đổi khiến bạn có thêm tín tâm vào việc học hỏi.

Đồng thời, học để hiểu sâu sẽ giúp bạn mở rộng việc học ra ngoài biên giới nhà trường. Nó giúp khái niệm “học” trở thành vượt thời gian và không gian đối với bạn. Khi biết cách học để hiểu sâu, một cuốn sách hay, một chương trình dạy học từ xa vẫn có thể cho bạn những thay đổi tích cực khi bạn đã ở tuổi về hưu. 

Việc học để hiểu sâu này có khiến bạn đặt câu hỏi về cách nhà trường và chính các bậc cha mẹ Việt đang dạy học cho những đứa trẻ của mình? Và các bạn trẻ đã ra trường đi làm, chúng ta cũng có nên đặt câu hỏi: Sự học có phải thật sự đã kết thúc khi chúng ta cầm trên tay những tấm bằng? 

Xuân Hà – Hy Văn