Suốt 62 năm nay, cụ bà Mona Randolph (82 tuổi, Missouri, Mỹ) phải duy trì sự sống trong một ống sắt, đóng vai trò như một lá phổi nhân tạo, bao kín toàn bộ cơ thể bà.
Theo Daily Mail, bà Randolph phát hiện bị bại liệt khi mới chỉ 20 tuổi với dấu hiệu đầu tiên là cơn đau đầu dữ dội khi đang chờ xe buýt về nhà. Dần dần, cơn đau đầu càng ngày càng nặng, khả năng nghe và nhìn của bà cũng yếu đi.
Đến ngày thứ 3, bà không thể thở và đã được đưa đến bệnh viện St.Luke. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị bại liệt. Tại bệnh viện St.Luke, bà Randolph được nằm trong một chiếc máy thở nhân tạo, hay còn được gọi là “phổi sắt”.
Thiết bị này được tạo ra bởi 2 nhà khoa học của Đại học Harvard vào năm 1927, nhằm giúp những người bị bại liệt có thể thở bằng cách tăng hoặc giảm áp suất không khí bên trong một thùng sắt lớn.
Thiết bị “phổi sắt” có chiều dài hơn 2 m, nặng khoảng 360 kg, hoạt động như một thiết bị thông gió, làm giãn nở và mở rộng các lá phổi, giúp Randolph hít thở bình thường khi các cơ của bà quá yếu.
Bà Randolph đã ở trong chiếc máy trong 3 tháng và phải mất 8 tháng sau, bà mới có thể ngủ mà không cần máy thở.
Tuy nhiên, từ những năm 1980, bà bắt đầu mắc hội chứng hậu bại liệt với các triệu chứng như suy nhược cơ bắp, mệt mỏi, đau khớp, khó thở hoặc nuốt. Randolph buộc phải tiếp tục sử dụng máy thở vào ban đêm.
Phải mất khoảng 1 giờ đồng hồ để Mark, chồng bà Randolph, chuyển bà từ giường sang chiếc máy “khổng lồ” này mỗi tối. Hiện, bà là 1 trong 3 người nổi tiếng ở Mỹ vẫn sử dụng phổi sắt.
Lan Phương