NASA đã cập nhật kế hoạch của họ trong việc làm chệch hướng các tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm cho Trái Đất.
Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng đã công bố một báo cáo mới vào ngày 20/6 vừa qua với tiêu đề “Chiến lược sẵn sàng ứng phó và Kế hoạch hành động quốc gia để đối phó với các vật thể gần Trái đất”. Tài liệu dài 18 trang phác thảo các bước mà NASA và Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) sẽ thực hiện trong 10 năm tới để ngăn chặn việc các tiểu hành tinh nguy hiểm va phải Trái đất và chuẩn bị cho hậu quả tiềm ẩn khi một sự kiện như thế phát sinh.
Các quan chức của NASA, FEMA và Nhà Trắng đã thảo luận về các chiến lược ngăn chặn tiểu hành tinh trong một cuộc hội nghị trực tuyến với giới truyền thông vào ngày 20/6. Leviticus Lewis, giám đốc Chi nhánh Điều phối Ứng phó Quốc gia của FEMA, đã nói với các phóng viên: “Ảnh hưởng của một tiểu hành tinh là một viễn cảnh có khả năng xảy ra mà chúng ta phải chuẩn bị trước”. Ông cũng nói thêm rằng một cú va chạm thảm khốc với tiểu hành tinh là “một sự kiện có xác xuất xảy ra thấp nhưng hậu quả thì vô cùng nặng nề”, do vậy “việc chuẩn bị trước là hoàn toàn cần thiết”.
“Kế hoạch này là một bản phác thảo không chỉ nhằm tăng cường khả năng tìm ra các tiểu hành tinh nguy hiểm, mà còn giúp đưa ra dự đoán tốt hơn xem liệu chúng có khả năng trở thành một mối đe dọa trong tương lai không, và nếu có thì sự ảnh hưởng đến Trái đất sẽ như thế nào” – Lindley Johnson, nhân viên phòng vệ hành tinh của NASA, cho biết trong hội nghị trực tuyến. Johnson nói thêm rằng kế hoạch này sẽ giúp NASA “đẩy mạnh nỗ lực của chúng tôi để chứng minh khả năng làm chệch hướng các tiểu hành tinh và các kỹ thuật giảm thiểu va chạm khác, và chính thức hóa các quy trình và giao thức trước chính phủ Hoa Kỳ để thông tin tốt nhất được phổ biến và những quyết định kịp thời có thể được đưa ra.”
Bảo vệ Trái đất trước các tiểu hành tinh có khả năng va chạm là một công việc vĩ đại, nhưng công chúng không nên mong đợi các phi hành gia làm điều đó, theo lời của NASA. Johnson cho biết thêm rằng tất cả các kỹ thuật làm chệch hướng tiểu hành tinh được NASA đề xuất “sẽ được thực hiện toàn bộ bằng phi thuyền robot”.
Năm cách để chuẩn bị ứng phó với các tiểu hành tinh
Năm mục tiêu chính được nêu chi tiết trong kế hoạch mới. Đầu tiên, NASA hướng tới nỗ lực mới nhằm tăng cường khả năng phát hiện, theo dõi và mô tả các tiểu hành tinh gần Trái đất nhằm “giảm mức độ không chắc chắn và nhắm tới mô hình chính xác hơn và việc ra quyết định hiệu quả hơn”, tài liệu này đề tuyên bố.
NASA đã hỗ trợ một số đài quan sát trên mặt đất để quét bầu trời nhằm tìm ra các tiểu hành tinh – như Đài quan sát Catalina Sky Survey ở Tucson, Arizona, kính viễn vọng Pan-STARRS1 ở Maui – và kính viễn vọng không gian NEOWISE. Trong khi báo cáo mới không yêu cầu các nhà khoa học NASA phải lập kế hoạch cho các nhiệm vụ bổ sung, nó yêu cầu cơ quan này phải “xác định cơ hội tồn tại và lên kế hoạch cho các chương trình kính viễn vọng hiện có để cải thiện khả năng phát hiện và theo dõi bằng cách tăng cường khối lượng và chất lượng của các luồng dữ liệu hiện tại.”
Mục tiêu thứ hai được liệt kê trong tài liệu bàn luận đến việc cải tiến “mô hình hóa, dự đoán và tích hợp thông tin” trên khắp các cơ quan của Hoa Kỳ để giúp dự đoán xác suất một tiểu hành tinh sẽ va vào Trái đất và xác định chính xác thời điểm và địa điểm của vụ va chạm. Các đội quản lý khẩn cấp như FEMA sẽ sử dụng thông tin này để xác định quy trình hành động tốt nhất khi chuẩn bị cho vụ va chạm với tiểu hành tinh cũng như xử lý hậu quả sau vụ va chạm.
Trong mục tiêu thứ ba, NASA được yêu cầu đưa ra những cách mới để làm chệch hướng một tiểu hành tinh khi nó bay đến Trái đất. Điều này liên quan đến việc phát triển các công nghệ mới cho “nhiệm vụ trinh sát vật thể gần trái đất phản ứng nhanh”, trong đó một con tàu vũ trụ sẽ được phóng lên tiểu hành tinh đang hướng về Trái Đất và đổi hướng của nó để tránh vụ va chạm. NASA đã có kế hoạch thực hiện việc này với Nhiệm vụ chuyển hướng tiểu hành tinh (ARM) vào năm 2021, nhưng đã bị chính quyền Trump loại bỏ vào năm 2017.
Tuy nhiên, ARM không phải là nhiệm vụ duy nhất làm chệch hướng tiểu hành tinh của NASA. Cuộc thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh đôi (DART) của cơ quan này, dự kiến ra mắt vào năm 2021, sẽ là “buổi trình diễn công nghệ đầu tiên của chúng tôi về kỹ thuật va đập động học nhằm làm chệch hướng một thiên thạch”, Johnson nói, và nó sẽ chạm trán với hệ thống tiểu hành tinh Didymos vào năm 2022.
Trọng tâm của mục tiêu thứ tư được nêu trong tài liệu là tăng cường hợp tác quốc tế để phần còn lại của thế giới có thể chuẩn bị tốt hơn cho khả năng xảy ra một vụ va chạm với tiểu hành tinh – dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ. Aaron Miles, một cố vấn chính sách cấp cao của Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng cho biết: “Sự hợp tác này thực sự rất quan trọng. Đây là mối nguy hiểm toàn cầu mà tất cả chúng ta phải đối mặt cùng nhau, và cách tốt nhất để tiếp cận và giải quyết mối nguy đó là hợp tác.”
Để giúp phần còn lại của thế giới chuẩn bị cho vụ va chạm với tiểu hành tinh, Văn phòng Điều phối Hành tinh Quốc phòng của NASA đang làm việc với Ủy ban Liên Hợp Quốc về Sử dụng Hòa bình Không gian Bên ngoài để “xem xét phản ứng quốc tế đối với nguy cơ NEO”. Johnson nói. Ủy ban này đã tạo ra Mạng cảnh báo tiểu hành tinh quốc tế (IAWN) – một nhóm các nhà thiên văn và các đài quan sát theo dõi tiểu hành tinh trên khắp thế giới – giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ các quan sát và các dữ liệu hữu ích khác về NEO.
Trong mục tiêu thứ năm và cuối cùng của tài liệu, chính phủ Hoa Kỳ được yêu cầu đưa ra một kế hoạch sẽ có hiệu lực nếu một tiểu hành tinh lớn được tìm thấy đang va chạm với Trái đất – hoặc nếu một hành tinh rơi xuống hành tinh của chúng ta mà không có cảnh báo nào cả. NASA và FEMA đã cộng tác trong các quy trình khẩn cấp về va chạm với tiểu hành tinh từ năm 2010, và báo cáo mới kêu gọi các cơ quan “tăng cường và thường xuyên thực hiện các quy trình khẩn cấp về va chạm với NEO và các giao thức hành động”.
Vai trò của FEMA trong trường hợp khẩn cấp va chạm tiểu hành tinh sẽ bao gồm việc thông báo cho những người có thể bị ảnh hưởng – lý tưởng nhất là trước khi vụ va chạm xảy ra – sử dụng cùng một hệ thống cảnh báo khẩn cấp đã có sẵn để thông báo cho công chúng về các trường hợp thời tiết khẩn cấp và Amber Alerts. Cũng như với bất kỳ thảm họa thiên nhiên nào khác ở Hoa Kỳ, FEMA sẽ cung cấp nhân viên ứng cứu khẩn cấp và giúp đỡ với quy trình khôi phục.
Các tiểu hành tinh ẩn chứa nguy hiểm tiềm tàng
Các nhà thiên văn học chuyên săn lùng tiểu hành tinh đã tìm thấy hơn 8.000 vật thể gần Trái Đất (NEO), trong đó có nhiều vật thể đủ lớn để quét sạch toàn bộ các tiểu bang nếu nó rơi xuống nước Mỹ. Tuy nhiên số lượng những tiểu hành tinh lớn cỡ đó chỉ chiếm một phần ba tổng số ước tính các tiểu hành tinh gần Trái Đất.
Vụ va chạm với tiểu hành tinh nhỏ có thể ít thảm khốc hơn, nhưng chúng vẫn có thể gây ra thiệt hại đáng kể. Một ví dụ là tảng thiên thạch phát nổ trên địa phận Chelyabinsk, Nga vào năm 2013 chỉ dài 19 m nhưng làm bị thương hơn 1.200 người và làm hư hỏng hàng ngàn tòa nhà trong phạm vi 93 km xung quanh khu vực va chạm. NASA đang bắt đầu tìm kiếm nhiều hơn những tiểu hành tinh nhỏ, sau khi hầu hết những tiểu hành tinh lớn hơn đã được xếp vào danh sách.
Miles nói trong hội nghị: “NASA và các đối tác đã xác định hơn 95% các tiểu hành tinh đủ lớn để gây ra thảm họa toàn cầu, và không hành tinh nào trong số chúng có khả năng trở thành mối đe dọa trong thế kỷ này”. “Các quy trình ứng phó khẩn cấp hiệu quả có thể cứu mạng nhiều người, và không giống như hầu hết các thảm họa thiên nhiên, vụ va chạm với tiểu hành tinh có thể ngăn ngừa được”, ông nói thêm.
Johnson cho biết: “Việc thực hiện Chiến lược sẵn sàng ứng phó và Kế hoạch hành động quốc gia để đối phó với các vật thể gần Trái đất sẽ làm tăng sự sẵn sàng của quốc gia chúng ta… để phản ứng hiệu quả, nếu như phát hiện một tiểu hành tinh mới có tiềm năng gây nguy hiểm”.
Ngọc Thuần