Theo Thông tư sửa đổi, bổ sung giá một số dịch vụ y tế áp dụng trong tháng 5 tới, giá giường bệnh ở một số bệnh viện tuyến cuối sẽ tăng khoảng 70.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, 39 dịch vụ xét nghiệm, chụp chiếu và giá khám bệnh cũng giảm giá mạnh.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế chia sẻ với Người Lao Động, dự thảo này sẽ điều chỉnh, bổ sung, bãi bỏ danh mục và giá một số dịch vụ. Đồng thời, hướng dẫn thanh toán đối với một số trường hợp vượt định mức tính giá.

Cụ thể, ở bệnh viện hạng đặc biệt, giá giường bệnh dịch vụ điều trị hồi sức tích cực (ICU) hay ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc được điều chỉnh từ 677.100 đồng/ngày lên 751.000 đồng/ngày.

Giường bệnh tại khoa Hồi sức cấp cứu, chống độc từ 362.800 đồng lên 425.100 đồng/ngày và giường bệnh ngoại khoa, phỏng từ 306.100 đồng lên 33.800 đồng/ngày…

Tương tự, ở bệnh viện hạng I, giá giường bệnh cũng điều chỉnh tăng từ 50.000-200.000 đồng/giường/ngày. Với các bệnh viện hạng II, III và IV, phần lớn giá giường bệnh được điều chỉnh giảm nhưng mức giảm không nhiều. Riêng giá giường của trạm y tế xã dự kiến được điều chỉnh từ 54.000 đồng lên 86.000 đồng.

Từ tháng 5, giá giường bệnh tuyến cuối tăng khoảng 70.000 đồng/ngày
Ảnh minh họa.

Ông Liên cũng cho biết thêm, giá ngày giường điều trị được tính cho 1 người/giường. Nếu nằm ghép 2 người, người bệnh chỉ phải thanh toán 50%, ghép từ 3 người trở lên thanh toán 30%.

Ngoài ra, dự thảo cũng điều chỉnh giá khám bệnh để phù hợp với ngân sách bảo hiểm xã hội. Cụ thể, giá khám bệnh ở mức 35.000 đồng/lượt (bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I), 29.000 đồng/lượt (BV hạng II), 23.000 đồng/lượt (BV hạng III) và 20.000 đồng/lượt (BV hạng IV)…

Cùng với việc điều chỉnh, giá một số dịch vụ y tế cũng bắt đầu giảm từ tháng 5. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng điều chỉnh số bệnh nhân được bác sĩ khám trong 1 ngày làm việc 8 giờ. Đối với bệnh viện hạng II tăng từ 45 lên 55 lượt. Bệnh viện hạng III và IV từ 35-37 lên 55 lượt, trạm y tế xã tạm tính là 30 lượt/ngày. Bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt, giữ nguyên là 45 lượt khám/bàn khám.

Việc điều chỉnh đã được Bộ Y tế đưa ra dựa trên khảo sát, đánh giá số lượt khám bình quân trên toàn quốc.

Từ tháng 5, giá giường bệnh tuyến cuối tăng khoảng 70.000 đồng/ngày
Ảnh minh họa.

Hiện nay, Việt Nam có tới 18.000 dịch vụ y tế, mỗi dịch vụ được ban hành một giá riêng. Việc này gây khó khăn cho việc thanh toán và giám định bảo hiểm y tế của các bệnh viện và bảo hiểm xã hội.

Theo lộ trình, đến năm 2020, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện lại danh mục giá dịch vụ y tế, giảm xuống còn 2.000-3.000 dịch vụ. Các dịch vụ y tế sẽ được gom theo từng nhóm với quy định về giá trần, chẳng hạn các dịch vụ X-quang tay, chân, khuỷu tay, khuỷu chân… như hiện nay chỉ ban hành giá một dịch vụ X-quang.

39 dịch vụ y tế giảm giá so với quy định hiện hành

Dịch vụ siêu âm can thiệp – đặt ống thông dẫn lưu ổ áp-xe giảm từ 2.058.000 đồng xuống 599.100 đồng, phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ 3.679.000 đồng còn 1.603.000 đồng, phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày từ 4.037.000 đồng còn 2.862.700 đồng/dịch vụ…

Ngoài ra, các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm như siêu âm, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, chụp CT, tổng phân tích nước tiểu, đường máu mao mạch… đều giảm giá từ vài chục ngàn đồng đến hàng trăm ngàn đồng/dịch vụ.

H.H