Doanh thu dịch vụ của các ngân hàng trong năm 2017 tăng 48%, mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, trong đó BIDV là ngân hàng có nguồn thu từ hoạt động dịch vụ lớn nhất.
Tín dụng vốn là hoạt động kinh doanh cốt lõi, đem về nguồn thu chính cho ngân hàng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng quá nhanh sẽ luôn gắn liền với nhiều rủi ro cho chính ngân hàng và cả hệ thống tổ chức tín dụng.
Nhiều năm trở lại đây, các ngân hàng tập trung đầu tư cho mảng dịch vụ để hạn chế rủi ro. Mảng kinh doanh này nhanh chóng giúp ngân hàng “hái ra tiền” với biên lợi nhuận cao ngất ngưỡng 60-90% và đóng góp hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận cho nhà băng.
Theo Trí Thức trẻ, trong 5 năm từ 2013 đến nay, thu nhập từ hoạt động của 15 ngân hàng gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Sacombank, Techcombank, VPBank, MBBank, ACB, EximBank, HDBank, SHB, TPBank, VIB, NCB, LienVietPostBank trung bình tăng tưởng 38% mỗi năm.
Riêng năm 2017, tổng thu nhập hoạt động dịch vụ của 15 ngân hàng này đạt hơn 34.724 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2016, mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Có tới 9 ngân hàng đạt lãi từ dịch vụ trên 1.000 tỷ đồng, trong khi năm 2016 chỉ có 5 ngân hàng.
BIDV là ngân hàng có nguồn thu từ hoạt động dịch vụ lớn nhất với 5.633 tỷ đồng năm 2017, tăng 19% so với năm 2016. Vị trí thứ 2 là Vietcombank với 5.381 tỷ đồng, trong đó đóng góp chính là thu từ dịch vụ thanh toán với 3.452 tỷ đồng.
Vị trí thứ 3 có sự thay đổi khi Techcombank qua mặt VietinBank, đạt thu nhập từ hoạt động dịch vụ 4.520 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2016. Trong đó, dịch vụ ủy thác và đại lý của ngân hàng này tăng đột biến, đem về khoản thu “khủng” tới 1.581 tỷ đồng. Đây cũng là nguồn thu chính của hoạt động dịch vụ Techcombank năm 2017.
Tuy nhiên, so về lãi từ dịch vụ thì Techcombank mới là ngân hàng có lãi cao nhất với 3.812 tỷ đồng, bỏ khá xa so với BIDV (2.987 tỷ đồng).
Nguyên nhân là chi phí cho dịch vụ của Techcombank thấp hơn rất nhiều so với BIDV, Vietcombank, VietinBank hay Sacombank. Năm 2017, Techcombank chỉ mất 708 tỷ đồng cho toàn bộ chi phí hoạt động dịch vụ bao gồm dịch vụ thanh toán và tiền mặt, dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân quỹ, tư vấn…
Trang tin Hải Quan dẫn lời lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tại Tp.HCM cho biết các ngân hàng hiện đang cạnh tranh khá gay gắt trong lĩnh vực dịch vụ.
Đánh giá về việc điều chỉnh tăng phí dịch vụ của các ngân hàng trong thời gian qua, lãnh đạo này cho rằng việc tăng phí là điều tất yếu cần làm. Theo đó, phí dịch vụ là công cụ để các ngân hàng thu hút khách hàng ở từng giai đoạn khác nhau. Một số ngân hàng chọn giải pháp bù lỗ để miễn phí cho khách hàng nhưng sẽ thu về được số dư tiền gửi của khách hàng trên tài khoản với lãi suất thấp. Trong khi đó,một số ngân hàng khác lại tăng phí nhằm đáp ứng nguồn vốn cho việc đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ cũng như hệ thống an toàn bảo mật.
Nguyễn Trang