Hán cung thu nguyệt bản nhạc khúc với nỗi buồn và lời tự tình của những nàng cung nữ chôn vùi tuổi thanh xuân, vĩnh biệt tự do mà giam cầm mình nơi bức tường thành kiên cố, thế giới chốn thâm cung như ánh trăng thu lạnh lẽo cô độc, đơn lẻ mà khao khát được thoát khỏi bi kịch kiếp người.

Phận cung nữ chốn thâm cung héo mòn…(Ảnh minh họa: pinterest.com)

 Ở xã hội xưa, những cô gái tới tuổi trăng tròn, dung mạo xinh đẹp phải tiến cử nhập cung. Rời xa những tháng ngày êm đềm bên mẹ cha gia đình, đón nhận một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ.

Mang theo một giấc mộng mình sẽ được nhà vua sủng ái, được lập phi tần mà hưởng vinh hoa phú quý.

Nhưng hỡi ơi đó là giấc mộng mãi xa vời, bởi cung vua có trăm nghìn mĩ nữ, chốn thâm cung là nơi triệu triệu bông hoa đua nhau tranh giành, nơi đó mà thấy lòng người lạnh lẽo, như ánh trăng tròn trong đêm thu cô độc, chẳng biết trao gửi nơi đâu nỗi tâm tình, ngắm trăng in hình nơi bóng nước, mà ngỡ như cuộc đời người đang kiếm tìm ảo ảnh nơi đáy hồ.

Phận cung nữ chốn thâm cung gian truân

Ngắm trăng in hình nơi bóng nước, mà ngỡ như cuộc đời người đang kiếm tìm ảo ảnh nơi đáy hồ (Ảnh: pinterest.com)

Cung nữ tiến cung thường được chia làm 2 nhóm: một là trong dân thường, họ làm công việc tay chân, rất ít có cơ hội tiếp xúc với những phi tần, hoàng hậu, thậm chí đến khi chết cũng không có duyên gặp được hoàng đế, ông chủ của cung cấm mà họ phục vụ cả đời. Cung nữ được phân làm nhiều bậc cấp khác nhau nhưng thực chất đó chỉ là hình thức, tất cả họ đều chỉ làm một công việc là hầu hạ và phục vụ bậc quân vương.

Nhóm thứ hai là từ các ti, huyện, phủ tiến cử, hoặc các nước chư hầu nhỏ cung tiến. Những cung nữ này thường là có tài nghệ hơn người, dung mạo cũng xinh đẹp vượt trội, do đó mà dễ được nhà vua để mắt tới.

Các cung nữ với những thân phận khác nhau cả tuổi thanh xuân bị giam cầm trong cung cấm. (Ảnh: Pinterest.com)

Mặc dù chẳng phải lo cơm ăn áo mặc, nhưng thân phận của họ chốn thâm cung con người sống mà hồn đã chết, cô độc, khổ sở.

Mới bước vào cung là những tháng ngày thực sự gian khổ nhất, lúc đó giọt lệ như đêm trường rơi xuống, họ phải học phép tắc trong cung, rèn giũa từ tư thế đi đứng, trang điểm, chải đầu, đến cả việc ăn ngủ…

Nỗi niềm đó chẳng bao giờ tỏ được với ai, ngậm ngùi thân phận mà than thân khóc. Nỗi nhớ nhà nhớ mẹ cha vò võ canh thâu. Khoảnh khắc tự do có lẽ chỉ là ngẩng mặt lên trời ngắm trăng mà rơi lệ, cuộc sống vây chọn trong bức tường. Khát khao được tự do bay nhảy chốn quê nhà.

Để miêu tả cuộc sống vất vả của cung nữ chốn thâm cung, nhà thơ Vương Kiến trong tập Cung từ nhất bách thủ từng viết:

“Vũ lai hãn thấp la y triệt

Lâu thượng nhân phù hạ ngọc thê.”

Câu thơ trên miêu tả lại cảnh người cung nữ múa đến mức y phục thấm đẫm mồ hôi, trong khi đó chủ nhân ngồi xem ở lầu trên ngay cả bước xuống thang cũng cần người đỡ.

Người cung nữ múa đến mức y phục thấm đẫm mồ hôi (Ảnh: pinterest.com)

Chốn thâm cung chôn vùi tuổi thanh xuân mà dang dở danh phận cả một đời

Đã nhập cung thì chẳng bao giờ có ngày trở lại với cuộc sống bình thường, ngày tiến cung sắc xuân 16 trăng tròn, dung nhan phơi phới, nay trong cung không được bước chân ra ngoài nữa bước. Chốn cung son giam nhốt tâm hồn tới héo mòn.

Tuổi xuân của họ ngày ngày trôi qua sau bức tường thành, lúc cuối đời chỉ có thể ở am ni cô mà đèn sách tụng kinh, hoặc về lăng tẩm thờ phụng tiên vương cho tới khi chết.

Tiếng đàn nghe như giọt lệ nhỏ giọt sầu thương, xót xa cho thân phận cung nữ chốn cung son. Con chim kia nay bị nhốt vào lồng, dõi mắt nhìn theo áng mây trời trôi như thèm khát được sải cánh tung bay. Tiếng đàn tự tình đầy rẫy những khổ cực, sau lớp trang điểm là khuôn mặt buồn bã, người còn đó mà hồn như đã chết, cút côi mà nhắm mắt nhìn tháng năm trôi.

Thoáng chút thôi mái tóc đã có sợi bạc, phận nữ nhi đã sang tuổi già, ai trả lại tuổi thanh xuân thời son trẻ, ai trả lại nụ cười thơ ngây thủa ban đầu.

Chốn cung son giam nhốt tâm hồn tới hèo mòn. (Ảnh: Pinterest.com)

Tiếng cổ tranh thánh thót như khiến người nghe thấm đẫm được lời than vãn ai oán, những năm tháng còn lại cuộc đời là cô quạnh, sống cùng với ánh đèn lẻ bóng, thấy xót thương mà người nghe như rơi lệ.

Nếu may mắn được sủng ái cũng chính là bước vào cuộc chiến chốn thâm cung 

Phía sau phù hoa kia là những cạm bẫy chết người, là đầy rẫy oan trái đau khổ (Ảnh: pinterest.com)

Bước vào cung có những cô ôm mộng được nhà vua sủng ái. Đối với thân phận cung nữ mà nói, không chiếm được sủng hạnh của hoàng đế là điều đáng buồn, vậy nhưng được nhà vua để mắt lại chưa hẳn đáng mừng.

Sử sách ghi chép rất nhiều những câu chuyện thâm cung bí sử, có quá nhiều thân phận cung nữ vì được sủng hạnh mà mất đi sinh mạng của mình.

Đường ngữ lâm có viết: Đường Tuyên Tông từng vô cùng sủng ái một cung nữ, nhưng nhớ tới vua Huyền Tông trước kia chung tình với Dương Quý phi, bản thân vô cùng bứt dứt.

Hạ thần khuyên ông thả cung nữ kia, Tuyên Tông lại nói: “Thả nàng về ta sẽ nhớ nhung, chi bằng ban cho nàng một chén rượu độc.” Sau đó, vị cung nữ xấu số bị ép phải tự vẫn.

Cuộc sống chốn thâm cung đó tưởng chừng là chốn bình yên hưởng lạc, cơm ăn áo mặc chẳng bận tâm, nhưng phía sau phù hoa kia là những cạm bẫy.

Bản nhạc càng nghe càng thấu hiểu những cung bậc cảm xúc của những cô gái chốn thâm cung (Ảnh: pinterest.com)

Nên một lần nữa người đời thêm cám cảnh cho phận cung nữ.

Xót thương thôi chưa đủ, mà còn canh cánh cho họ bởi những hiểm nguy rình rập, được ân sủng chưa hẳn là hạnh phúc. Nên hôm nay trong đêm thu lạnh lẽo, tiếng đàn kia thổn thức như tiếng khóc nỉ non. Ánh trăng nơi đáy hồ như giấc mộng khát khao tự do mà chẳng bao giờ với tới được.

Bản nhạc càng nghe càng thấu hiểu những cung bậc cảm xúc của họ, những cô gái chốn thâm cung, tiếng đàn khiến người đời đồng cảm, tâm tình này chỉ mượn tiếng đàn mà bày tỏ, bởi niềm tin và tri kỉ chốn cung son là điều xa xỉ nhất trên đời. Nên họ phải học cách nén lại những cảm xúc, biết kìm chặt nỗi đau ngay cả khi muốn gào thét lên nỗi oan nghiệt.

Có người nghe tiếng đàn này đã nói rằng, đó chính là tiếng khóc đêm trường của thân phận cung nữ. Đau đớn thân xác thôi chưa đủ, mà tâm hồn kia đã chết đi rồi.

Nơi trần gian đâu mà không phải bể khổ?

Đức Phật từng nói: Trần gian là bể khổ. Con người thế gian hầu như ai ai cũng có nỗi khổ. Người giàu có nỗi khổ của người giàu, và người nghèo cũng có nỗi khổ của riêng mình. Với con người thì nỗi khổ là điều đáng sợ và ai ai cũng mong muốn thoát khổ. 

Trần gian nơi đâu mà không khổ? (Ảnh: vantho.net)

Người cung nữ kia cũng vậy, từ khi sinh ra, với nàng cũng như bao người chốn nhân gian, coi hoàng cung là nơi chỉ có niềm vui, hạnh phúc. Nhưng nàng đâu biết rằng, dù chốn cung đình lộng lẫy, sa hoa đó cũng có những mâu thuẫn, ganh đua đâu khác gì chốn nhân gian. Để rồi, khi thực sự bước vào thế giới phồn hoa ấy, nàng mới ngỡ ngàng, đau khổ số phận chim lồng cá chậu, để tuổi thanh xuân trôi qua trong lạnh lẽo cô đơn. 

Và tiếng đàn kia, như ai oán, xót xa, bẽ bàng cho số phận. Nhưng cũng chỉ có thể là vậy thôi, trần gian là bể khổ, làm người là khổ, đó là quy luật tất yếu và vĩnh hằng của sinh mệnh.

Đâu là con đường giải thoát?

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói:

“Có người từng là chim bồ câu kiếp trước sống phóng túng quá nhiều chuyển thế, vì vậy mà cho rằng dục vọng, tham lam là khổ nhất. Có người kiếp trước là con chim ưng đói chuyển thế nên cho rằng đói khát là khổ nhất. Có người là rắn độc chuyển thế nên cho rằng tức giận, oán thù là khổ nhất. Còn có người kiếp trước là con thỏ nên luôn cảm thấy sợ hãi là khổ nhất. Tất cả những điều khổ nhất trên thế gian này, đều là xuất phát từ thân thể. Làm người chính là phải chịu khổ. Vì thế, nếu thực sự muốn thoát ra khỏi bể khổ thì chỉ có cách duy nhất là tu luyện.”

Khổ là một phần của cuộc tìm kiếm ý nghĩa nhân sinh (Ảnh: vantho.net)

Tu luyện là buông bỏ hết thảy tham, sân, si, thất tình lục dục những thứ khiến con người phiền não. Nhưng với một người đang đắm chìm trong những mê luyến thế gian thì sẽ rất khó giác ngộ. Chính vì thế mới phải có khổ, để con người có mong muốn thoát khỏi bể khổ trần gian. Từ đó mà bước trên con đường tu luyện, đạt được nội tâm an hòa, cảnh giới giác ngộ và giải thoát.

Như vậy khổ chính là một phần của cuộc hành trình tìm ra chân lý, tìm ra ý nghĩa nhân sinh của kiếp người. Trên thế gian chẳng phải có nhiều cung nữ, phi tần, hoàng hậu, thậm chí cả hoàng đế cũng từ bỏ ngai vàng, ngôi vị cao quý để bước trên con đường tu luyện!

Vì vậy ta cũng có thể hy vọng rằng nhân vật trữ tình trong bản nhạc Hán cung thu nguyệt cuối cùng cũng có thể thoát khỏi những trầm luân của cuộc đời mà bước trên con đường tu luyện và giải thoát.

Mời độc giả lắng nghe nhạc khúc Hán cung thu nguyệt được chơi trên tiếng đàn cổ tranh, một kiệt tác nghệ thuật khiến người nghe rơi lệ. Xứng tầm lọt vào sự bình chọn của người đời qua các thế hệ, một trong 10 đại danh khúc nổi tiếng nhất qua từng thời đại.

Hán Cung Thu Nguyệt Cổ tranh

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Tịnh Tâm / Hy vọng

Xem thêm: