Triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2018 là nơi tụ họp nhiều ý tưởng, cũng như những sáng chế công nghệ mới độc đáo được tổ chức tại Las Vegas hàng năm. Dưới đây là những công nghệ đáng chú ý về xe hơi.
1. Xe điện
Mẫu concept Kia Niro EV là sự kết hợp kiểu dáng hiện đại của một chiếc crossover SUV nhỏ gọn được tích hợp trong hiệu suất cao của hệ thống truyền động pin-điện tiên tiến.
Theo nhà sản xuất, Kia Niro EV sử dụng nguồn năng lượng được cung cấp bởi một pin lithium-polymer công suất 64kWh kết hợp với động cơ điện mạnh mẽ 150kW (khoảng 201 mã lực). Phạm vi hoạt động sau mỗi lần sạc đầy khoảng 238 dặm (383 km).
Như vậy, nếu được thương mại hoá thì KIA Niro EV sẽ là đối thủ nặng ký trong phân khúc xe điện cỡ nhỏ của thương hiệu khác như: Chevrolet Bolt EV, Tesla Model 3 hay người đồng hương Hyundai Ioniq Electric.
Bên cạnh concept KIA Niro EV, tại CES 2018 còn có sự xuất hiện của một mẫu xe điện khác trong phân khúc xe điện hiệu suất cao là Byton EV 2018. Theo đó, thương hiệu Byton thuộc công ty start-up về ô tô Trung Quốc Future Mobility Corporation, thành lập năm 2016.
Byton EV 2018 mang kiểu dáng một chiếc crossover thể thao, hiện đại. Theo nhà sản xuất, Byton EV 2018 có 2 tuỳ chọn thông qua công suất pin nhiên liệu. Cụ thể với công suất pin 71 kWh xe hoạt động trong phạm vi 250 dặm (402 km) sau mỗi lần sạc, tương tự với công suất pin 95 kWh cho xe chạy được 325 dặm (523 km).
2. Xe tự lái
Tại triển lãm CES 2018 lần này, lĩnh vực xe tự lái (Self-driving hay Autonomous ) nổi bật có thể kể đến: công nghệ tự lái của Aptiv ứng dụng trên chiếc BMW, mẫu xe tự lái Ford Fusion được trang bị để tự động phân phối pizza của Domino hay ý tưởng về hệ sinh thái xe tự lái mới e-Palette của Toyota.
Trong đó, hệ sinh thái xe tự lái mới e-Palette của Toyota được đánh giá cao nhất khi nó cung cấp những gói dịch vụ ứng dụng xe tự lái, hỗ trợ cho các đối tác Amazon, Pizza Hut, Uber…
Mẫu concept e-Palette là một chiếc xe điện chạy bằng pin thế hệ mới hoàn toàn tự động. Mẫu xe này được thiết kế với sự tùy chỉnh đa dạng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng dịch vụ vận tải này theo cách phù hợp.
E-Palette sẽ mở ra một phương thức vận tải mới trong tương lai; đây là sự kết hợp giữa xe hơi, tàu điện cùng với công nghệ tự lái đi kèm những gói dịch vụ kinh doanh khác nhau.
Ngoài ra, lĩnh vực xe tự lái còn có sự tham gia của rất nhiều các start-up trong lĩnh vực công nghệ khác. Bên cạnh đó, lĩnh vực này còn ghi nhận sự cạnh tranh quyết liệt của hai ông lớn ngành điện tử là Intel và Nvidia khi cả hai đang giành quyền để cung cấp năng lượng cho bộ vi xử lý trên những chiếc xe tự lái.
3. Những sự hợp tác giữa các hãng lớn tại CES 2018
Đầu tiên phải kể đến sự kiện bắt tay giữa tập đoàn điện tử Intel và hãng xe Ferrari nhằm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào giải đua Ferrari Challenge North America Series tại Bắc Mỹ. Sự hợp tác này với thời hạn 3 năm sẽ tập trung phát triển các ứng dụng công nghệ phục vụ cho giải đua và mang đến cho người hâm mộ những trải nghiệm tốt nhất khi theo dõi mùa giải.
Kế đến, Tập đoàn điện tử Nvidia cũng đã hợp tác với tập đoàn xe hơi Volkswagen, hãng taxi Uber và trang tìm kiếm thông tin Baidu (Trung Quốc) trong lĩnh vực phát triển công nghệ xe tự lái. Điều này mang lại ý nghĩa rất lớn khi cả 4 thương hiệu trên đều thuộc hạng top trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Và khi bộ tứ này kết hợp sẽ tạo nên sự lan tỏa về công nghệ rất lớn.
Bên cạnh đó, hãng xe Hyundai và tập đoàn công nghệ Cisco cũng đang hợp tác để ứng dụng kết nối mạng LAN trong các mẫu xe Hyundai vào năm 2019.
Ngoài ra, Hyundai còn phát triển hệ điều hành mới với tốc độ nhanh hơn và tính bảo mật, cho phép truy cập và xử lý các dữ liệu trên xe một cách nhanh nhất. Đây là nền tảng để phát triển khả năng kết nối giữa xe với cơ sở hạng tầng giao thông (V2X). Theo Hyundai, thương hiệu xe sang Genesis thế hệ tiếp theo của hãng sẽ được trang bị hệ điều hành mới này vào năm 2019.
4. Những xu hướng mới
Tại triển lãm lần này, ứng dụng chìa khoá kỹ thuật số thay thế chìa khoá truyền thống (smart key) trên xe hơi được một số tập đoàn công nghệ giới thiệu.
Ngoài ra, tại khuônkhổ triển lãm CES 2018, tập đoàn Bosch cũng đã giới thiệu hệ thống trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói do họ phát triển với nhiều tính năng nổi bật như: khả năng động ngay cả khi không có kết nối internet hoặc sóng di dộng, hệ thống hiểu và nói được 30 ngôn ngữ khác nhau và nói tổng cộng 44 giọng nữ và 9 giọng nam, thậm chí hiểu được cả giọng bản ngữ, tiếng địa phương.
Công nghệ thực tế ảo (AR) đang được áp dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp ôtô. Hãng Audi đã áp dụng công nghệ này trong quá trình thiết kế xe mới, dịch vụ trải nghiệm kiểu dáng nội thất xe tại các đại lý của Audi tại Châu Âu. Thương hiệu xe sang Genesis sử dụng AR để hướng dẫn khách hàng, trong khi đó, hãng xe Porsche cũng đưa công nghệ này vào ứng dụng trong quá trình sửa chửa, kiểm tra xe với tên gọi Porsche Tech Live Look.
BMW cũng đã hợp tác với hãng điện thoại HTC để tạo trải nghiệm kiểu dáng nội thất xe thông qua chiếc kính thực tế ảo HTC Vive.
Cuối cùng, công nghệ tương tác giữa “não bộ” và xe – B2V (Brain to Vehicle) của Nissan là điều mà các chuyên gia tại CES 2018 quan tâm nhất. B2V của Nissan áp dụng nhũng công nghệ khoa học tân tiến nhất về lĩnh vực giải mã tín hiệu từ não bộ. Quá trình này vận hành thông qua một thiết bị do người lái đeo trên đầu, có chức năng dự đoán những hành động mà tài xế chuẩn bị thực hiện, nhằm phát hiện và cảnh báo những tình huống nguy hiểm trong quá trình chạy xe.
Trong trường hợp né chướng ngại vật, bằng cách phân tích các tín hiệu từ não bộ, máy tính sẽ dự đoán chuyển động dự kiến mà người lái sẽ thực hiện và có thể sẽ đưa ra những xử lý hỗ trợ như: Xoay vô-lăng nhanh hoặc chậm hơn từ 0,2 đến 0,5 giây hay tự động giảm tốc độ.
Bên cạnh các công nghệ kể trên, tại triển lãm CES 2018 vừa qua còn rất nhiều những sản phẩm công nghệ, ý tưởng và giải pháp cho giao thông khác mà trong bài này chưa thể liệt kê hết. Cùng đón chờ những công nghệ, ý tưởng mới áp dụng cho xe hơi trong những bài viết sắp tới tại doctinnhanh.net
Sơn Tùng