Có người nói rằng cuộc đời chỉ thực sự bắt đầu sau 30 tuổi. Bởi đó là khi ta phải chịu trách nhiệm với đời mình và có thể là cả cuộc đời người khác nữa.

Tuổi 30, sẽ luôn có những tự hào lẫn tiếc nuối, và có cả những điều khiến ta hoàn toàn đổi thay. Cuộc đời rộng mở hay bi đát không phải ở việc có hay chưa một vài mảnh tình vắt vai, mà là ở những điều giúp bạn tự chủ, tự tại. Sẽ là đáng thương hơn nhiều nếu ta vẫn còn tồn tại những điểm sau ở tuổi 30 của mình:

Chưa biết nghĩ

Ai trong một ngày mà chẳng nghĩ hàng trăm, hàng nghìn thứ việc? Nhưng “biết nghĩ” hay không lại là một chuyện khác. Khi tôi không giục chồng cùng về thăm bố mẹ thường xuyên, hay khi tôi vô ý mặc đồ hơi sáng màu tới đám tang người quen… thì đều được mẹ chồng góp ý: “Con chẳng biết nghĩ gì cả!”. Biết nghĩ chính là phân biệt được đúng sai, lời gì nên nói lời nào không, điều gì nên làm hay không nên làm. Biết nghĩ chính là thể hiện một bộ nguyên tắc sống của bản thân dựa trên nền tảng đạo đức làm người tử tế. Biết nghĩ ở đây cũng chính là biết nghĩ cho người khác, đặt mình vào vị trí người khác để cảm thông.

Chưa biết yêu

30 cái xuân xanh, chắc hẳn bạn cũng đã từng say đắm trong tình yêu. Nhưng có tình yêu đến tan lòng, nát ruột. Yêu mà sinh ra mê man, quỵ lụy, yêu mà không thể chấp nhận được việc không thể yêu tiếp được nữa thì liệu có phải là đã biết yêu? Yêu cũng đi đôi với ghét, có yêu say đắm thì cũng có ghét cay đắng khi bị phụ tình. Có yêu thương người tốt hay giúp mình, thì cũng có ghét những người hãm hại, nói xấu mình.

Nhưng yêu ghét có điều kiện như vậy liệu có phải là đã biết yêu, biết ghét? Đôi khi ta phải yêu cả kẻ thù thì mọi ân oán mới được hóa giải, ghét những điều ô trọc, thị phi thì mới thanh thản và không thẹn với lòng, với đời.

(Ảnh: twitter.com)

Chưa phân biệt được nhu cầu và mong muốn

Chúng ta thường mong muốn quá nhiều, có rồi lại muốn có nữa, mong muốn cứ liên tục gia tăng. Nhưng nhu cầu thật sự của con người đâu có nhiều đến vậy? Nếu nhu cầu không được đáp ứng, ta có thể sống khổ sở hoặc thậm chí là dẫn đến cái chết. Nhưng mong muốn không được đáp ứng thì có thể thay thế bằng mong muốn khác, hoặc chẳng cần có nó mà ta vẫn sống được bình thường.

Cũng là tấm áo, miếng ăn, thì hãy mua đủ, ăn đủ để không phải vứt đi một lúc nào đó. Như vậy vừa không lãng phí, lại làm sáng rõ được cái đức khiêm cung trân trọng của cải mình làm ra, cũng sáng rõ được đức nhân ái khi bao người còn đang sống đời thiếu thốn, khổ sở.

Chưa hiểu rằng thay đổi người khác là điều không thể

Đến 30 tuổi rồi, nên hiểu rằng thay đổi người khác là một việc khó như lên Trời vậy. Con người chỉ có thể thay đổi khi họ được truyền cảm hứng và giáo hóa bằng sự bao dung, từ bi. Áp đặt, thúc ép mà thay đổi được người chỉ là một ảo tưởng mà nhiều người trong chúng ta vẫn tin vào cho tới tận lúc nhắm mắt xuôi tay.

Người chồng hay người vợ mà ta lấy, lúc đến với ta có những tính cách và phẩm chất gì, thì có khi sau 10 năm chung sống cũng vẫn còn giữ nguyên như vậy. Con cái dù chung dòng máu và hưởng sự giáo dục của chúng ta, nhưng lại chẳng theo mong mỏi của ta trong cuộc sống sau này. Bạn bè sau bao năm xa cách bỗng trở thành người hoàn toàn khác, ta cũng chẳng thể bắt người bạn năm nào quay trở lại như xưa.

Người cố chấp chẳng thay đổi, hay thay đổi đến mức chẳng thể nhận ra, ta đều không quản được. Chỉ có thể bằng cảm thông, yêu thương và kiên nhẫn mới có thể giúp hoàn thiện người khác. Nỗ lực biến người khác thành người mình muốn là điều không nên, không hợp lý và cũng chẳng hợp tình.

(Ảnh minh họa: ivsky.com)

Chưa thể dừng so sánh bản thân với người khác

Luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân là việc làm cả đời của mỗi con người. Nhưng nếu cứ so sánh mình với người khác, ta sẽ dễ tự tạo ra áp lực vượt lên bằng mọi giá, hoặc bi lụy yếm thế mà sinh oán hận. Hoàn thiện mình là năng lực tự đánh giá bản thân, nhìn vào bên trong mà sửa đổi những điều chưa tốt hàng ngày. Thấy cái hay thì học, cái dở thì tránh, nhưng không tật đố, ganh đua.

Có người cả đời chỉ muốn đứng trên người khác mà việc gì cũng làm, lâu dần đánh mất bản thân. Đến khi mình thật sự muốn gì, cần gì, nên làm gì và không làm gì cũng chẳng tự biết. Miệt mài chạy đua, so kè, đến khi tâm trí héo mòn, mệt mỏi lại không biết vì đâu và làm sao để an nhiên, tự tại.

Còn rất nhiều cái “chưa” khác mà bạn có thể tự liệt kê ra. Tất cả đều dựa trên việc bạn có thể tự lập được hay chưa. Trong thứ ngôn ngữ tượng hình đầy nội hàm, chữ “Lập” (立) vốn là hình người dang rộng chân tay, đứng giữa Trời và Đất. Người xưa cũng nói: “Tam thập nhi lập”, 30 tuổi thì phải biết lập nhân cách và tu dưỡng bản thân, phải biết rõ đúng sai để ngẩng cao đầu sống trên đời. Hành sự, suy nghĩ đều không phải thẹn với ai, với mình và với Thiên Địa.

Người có thể tự cường phải biết được mình. Người có thể tự tại, thì ngoài biết mình còn phải biết người. Người có thể tự do, thì ngoài biết mình, biết người, còn phải biết lúc nào coi mình là người, lúc nào coi người là mình mà đối đãi. Nếu đã biết đến như thế, chẳng phải cuộc sống quá đơn giản và luôn tươi đẹp hay sao?

Ngày xưa người ta coi 30 tuổi là đã đi được nửa cuộc đời, còn gì chưa biết để có thể tự lập, tự cường, tự tại, tự do trên đời thì chẳng phải là đáng tiếc lắm sao? Đời người như giấc mộng, nhân sinh vô thường, nếu cứ để trôi đi mà ta không thấu triệt chẳng phải phí hoài lắm thay?

Bạn đang đọc bài viết: “5 cái ‘chưa’ khủng khiếp hơn cả chưa có người yêu ở tuổi 30” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||365c58271__