Có câu: “Thương cho roi cho vọt”, nhưng nhiều khi cha mẹ trừng phạt con cái vẫn không thể khiến chúng vâng lời, hơn nữa còn làm tổn thương chúng và đau lòng chính chúng ta. Có giải pháp thay thế nào hay không?

Làm cha mẹ, chúng ta thường xuyên nhắc nhở lũ trẻ cách hành xử đúng đắn, từ việc “đơn giản” như rửa tay trước khi ăn, tắt đèn sau khi ra khỏi nhà tắm, đến việc “nghiêm trọng” hơn như làm bài tập về nhà và đi học đúng giờ. Tuy nhiên, đôi khi những lời nhắc nhở từ nhẹ nhàng đến răn đe không có tác dụng gì cả. Chúng phớt lờ, thậm chí là phản đối. Lúc này, giải pháp mà chúng ta nghĩ đến đầu tiên là: Trừng phạt!

Trừng phạt trẻ và những tác động tiêu cực

Khi một số bậc phụ huynh được hỏi về cảm giác của chính họ hồi bé khi bị trừng phạt, câu trả lời thường là tiêu cực. Họ hoặc là ghét cha mẹ, rồi cảm thấy tội lỗi vì ý nghĩ đó; hoặc là tự mạt sát bản thân; thậm chí tưởng tượng mình lâm bệnh để rồi cha mẹ sẽ hối hận vì đã đối xử tệ với mình; và có người còn nung nấu ý định tái phạm và trả thù.

Những chuyên gia và nhà giáo dục học nói về tác động tiêu cực của việc trừng phạt trẻ như sau:

Việc sử dụng hình phạt chỉ giúp trẻ phát triển khả năng tránh né và thách thức, khiêu khích lớn hơn.

(Trẻ em: Sự thách thức, Rudolf Dreikkurs, M.D., Hawthorn, 1964)

Trừng phạt là một phương pháp kỷ luật rất kém hiệu quả… bởi vì trừng phạt, thật lạ, lại thường có tác dụng dạy cho trẻ hành xử ngược lại chính xác những gì chúng ta muốn nó cư xử! Nhiều cha mẹ dùng hình phạt đơn giản vì không ai dạy cho họ biết cách tốt hơn để lập kỷ luật cho con cái họ.

(Làm cha thế nào, Dr. Fitzhugh Dotson, Sinet, 1974)

Những nhà nghiên cứu tin rằng cứ năm phụ huynh thì có một người… bạo hành con cái họ, chẳng hạn, họ có thể biểu lộ cơn giận sôi sùng sục của họ trước đứa con quậy phá tuổi vị thành niên bằng cách: lấy đồ vật táng lên đầu nó, xô đẩy, lôi kéo nó, dùng lời lẽ sỉ nhục nó… Có nhiều “bằng chứng khắc nghiệt” cho thấy bạo hành thể xác từ cha mẹ thật ra là cha mẹ đang dạy cho con cái cách bò bên dưới đầu gối mình.

(Newsday, August 15, 1978)

Theo tiến sĩ Ginott, vấn đề của trừng phạt nằm ở chỗ nó không có tác dụng, đó chỉ là một hình thức gây xao nhãng, và thay vì trẻ cảm thấy hối lỗi cho những gì nó đã làm và nghĩ đến việc chỉnh sửa, sửa chữa như thế nào đó, thì nó lại bận tâm với những ý tưởng trả đũa. Tiến sĩ cũng cho rằng trẻ em nên trải nghiệm những hậu quả của việc cư xử kém của chúng, nhưng không phải là trừng phạt. Ông cảm thấy rằng trong một mối quan hệ yêu thương chăm sóc nhau thì không có chỗ cho sự trừng phạt.

(Ảnh minh họa: lion-dent-health.or.jp)

Những giải pháp thay thế trừng phạt

Tình huống: Billy đã lấy cái cưa trong hộp dụng cụ của ba để dùng, khi cậu bé đang làm thì trời mưa, thế là cậu chạy vội vào nhà mà quên béng cái cưa. Tuần sau, ba cần dùng cưa thì mới thấy nó nằm chỏng chơ ngoài trời và rỉ sét hết cả.

Nếu cha của Billy theo thói quen “buộc tội và trừng phạt” thì lời ông thốt ra sẽ là như sau:

“Hừm, có lẽ thế này sẽ giúp con nhớ. Vì con hay nói dối như cuội, cho nên không chỉ con sẽ không bao giờ có cơ hội dùng dụng cụ của ba, mà ngày mai con còn phải ở nhà trong khi cả nhà đi xem phim!”

Không khó để hình dung phản ứng bực tức của cậu bé trước những lời này. Những giải pháp thay thế trừng phạt bao gồm:

1. Mạnh mẽ bày tỏ sự không đồng ý của bạn mà không tấn công tính cách của trẻ

“Ba bực mình vì cái cưa mới của ba bị bỏ ngoài trời mưa rỉ sét hết!”.

2. Nêu rõ niềm mong đợi của bạn

“Ba mong chờ dụng cụ của ba được trả lại sau khi con mượn chúng”.

3. Chỉ cho trẻ cách khắc phục

“Bây giờ cái cưa này cần một nhúm bùi nhùi thép và thật nhiều công đánh bóng…”

4. Đề xuất sự lựa chọn

“Con có thể mượn đồ dùng của ba và trả lại không thì con sẽ mất quyền sử dụng chúng. Con quyết định đi”.

5. Hành động (để trẻ nếm trải hậu quả do hành vi cư xử kém của nó)

Con: Sao hộp đựng dụng cụ của ba khoá rồi, ba ơi?

Cha: Con tự biết lý do tại sao.

6. Giải quyết vấn đề

Cha mẹ cùng trẻ thảo luận, thương lượng để tìm ra một giải pháp mà cả hai cùng đồng ý. Tốt nhất là viết tất cả mọi ý kiến của trẻ và cha mẹ ra mà không đánh giá, phủ định ngay lập tức, sau đó mới cùng nhau xem xét từng ý kiến một. Khi ý kiến tốt nhất được chọn dùng thì lập kế hoạch để thực hiện nó.

Ví dụ: Cha và con có thể lập ra một hệ thống thẻ, giống như thẻ thư viện, cho mỗi món dụng cụ được lấy ra và trả về, và phải được trả về trước lần mượn món tiếp theo.

Một ví dụ về giải pháp thay thế trừng phạt trong sách “Nói sao cho trẻ chịu nghe & Nghe sao cho trẻ chịu nói”.

Nhiều phụ huynh áp dụng các giải pháp này đã phản hồi lại hiệu quả tích cực lên con cái của họ.

Một bà mẹ chia sẻ câu chuyện về cô con gái 4 tuổi, Marnie, vẽ bậy lên tường. Cô đã điên tiết tét cho bé một trận đòn, rồi tịch thu hết màu sáp của bé. Marnie trả thù mẹ bằng cách lén lấy thỏi son của mẹ vẽ loằng ngoằng lên tường gạch men nhà tắm. Bà mẹ lúc ấy ‘chỉ muốn bóp chết nó thôi’, nhưng đã kìm lại, và thử áp dụng phương pháp mới. Rất bình tĩnh cô hỏi:

“Marnie, con làm như vậy có phải là vì con điên tiết với mẹ vì mẹ đã tịch thu màu sáp của con rồi không?”

Cô bé gật đầu.

Bà mẹ biểu lộ cảm xúc của mình một cách mạnh mẽ:

“Marnie, mẹ rất bực mình, khi tường bị viết lên. Mẹ sẽ phải mất rất nhiều công sức để lau sạch chúng đi và làm cho tường sạch lại như cũ”.

Thật bất ngờ, cô bé lấy giẻ lau và bắt đầu cố lau sạch vệt son đi. Bà mẹ chỉ cho bé cách dùng xà bông với nước, và Marnie đã kỳ cọ tường cả 10 phút, rồi gọi mẹ vào xem thành quả của mình. Bà mẹ cảm ơn cô bé, đưa trả màu sáp cho bé và thêm 1 xấp giấy để vẽ nữa. Kể từ đó đã hơn 1 tháng, Marnie không hề vẽ bậy lên tường.

Ngọc Hà

(Tham khảo: “Nói sao cho trẻ chịu nghe & Nghe sao cho trẻ chịu nói”, Adele Faber & Elaine Mazlish)

videoinfo__video3.dkn.tv||d9dfa8589__

Từ Khóa: