Xin đừng vội nghĩ đây là một câu chuyện ca ngợi bà tôi hay một câu chuyện cảm động về tình bà cháu! Đây chỉ là những dòng giản dị và chân thật nhất mà tôi muốn lưu giữ lại về người bà của mình.
Năm nay bà đã ngoài tám mươi tuổi, bà vẫn đi làm đồng, vẫn đi mò cua bắt cá. Quê tôi trồng ớt xuất khẩu nên những lúc rảnh rỗi bà còn đi vặt ớt thuê. Mỗi cân ớt sẽ được trả một nghìn đồng. Một buổi chiều bà tôi vặt được sáu cân. “Thế mà mấy hôm cũng được vài chục đấy!” Bà bảo vậy và tôi đọc được niềm vui trong mắt bà.
Bà sống cùng với gia đình bác cả tôi, các dì tôi lấy chồng cũng gần ngay đấy nhưng chưa bao giờ bà có ý nghĩ sẽ dựa dẫm vào con cháu. Bà ở trong một gian nhà nhỏ, đun nấu trong một gian bếp riêng chứ không ăn chung với bác cả. Bà tự cấy, gặt lấy một mảnh ruộng. Và tôi chưa từng thấy bà kêu mệt hay than vất vả. Mùa đông, ngồi trong nhà còn thấy buốt chân buốt tay, bà cũng chỉ bảo “Rét lắm! Bà nấu cơm ăn sớm rồi tranh thủ cấy thông tầm qua trưa”. Nếu có ai bảo: “ Cụ già rồi! Ở nhà thôi! Đừng tham đi làm đồng nữa!”, thì bà cười phân bua: “Ngồi ở nhà không làm gì buồn lắm! Đi làm cho khỏe chân, khỏe tay!”.
Bà cười phân bua: “Ngồi ở nhà không làm gì buồn lắm! Đi làm cho khỏe chân, khỏe tay!”.
Mà bà khỏe thật – khỏe theo lối nói về người già! Tuy người hơi gầy và nhỏ nhưng bà trông nhanh nhẹn, hoạt bát. Đôi mắt của bà cũng vẫn còn tinh. Những lúc không đi làm đồng, bà thường ngồi ở cửa đọc Truyện Kiều, đọc Lục Vân Tiên mà không cần đeo kính. Bà đọc chăm chú, say mê. Những lúc ấy, nếu tôi đến gần xem bà đang đọc gì, bà thường bảo “Hay lắm!”, rồi kể lại một đoạn truyện hoặc nhận xét một vài câu về các nhân vật. Đọc hết Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, bà lấy sách văn học của anh chị tôi để đọc khiến anh chị tôi nhiều khi không biết lại cuống lên đi tìm.
Nhưng nhớ về bà của tôi, có lẽ tôi không thể quên nhất là những bữa cơm đạm bạc của bà. Một nắm rau khoai lang nấu canh suông, một bát cá vụn kho mặn với cà. Rau và cà bà trồng được, còn cá bà cũng tự mò lấy. Nhìn bữa cơm của bà, tôi chợt hình dung đến bữa cơm của những người nông dân Việt Nam ngày trước – thời chiến tranh, cực khổ và đói kém.
Bác, các dì, các em tôi vẫn biếu bà tiền nhưng số tiền ấy bà chỉ để dành không tiêu đến. Còn biếu thức ăn thì bà cũng ăn rất dè xẻn. Khoai trồng được, củ to bà để bán, củ nhỏ bà mới ăn. Thịt bà cũng chỉ mua miếng mỡ. Mua cho bà thứ gì đắt tiền bà kêu hoang phí. Sao cả đời bà cứ mãi phải chắt chiu, dành dụm, cứ mãi phải tằn tiện như thế?
Tôi không thể quên nhất là những bữa cơm đạm bạc của bà.
Có phải vì bà muốn tự lo cho mình, không muốn con cháu phải vướng bận về sau? Tôi nhớ có lần bà bảo bà đã tiết kiệm được bốn triệu gửi ngân hàng. Số tiền ấy sau này sẽ để lo hậu sự cho bà.
Hay còn vì bà đã trải qua những tháng ngày dài đói khổ và thiếu thốn như bao người Việt Nam ngày trước, những ngày tháng không thể nào quên được, những tháng ngày mà con người ta chỉ ao ước có một bữa ăn no?
Tôi nhớ đến những quả cam bà cất trong hũ để dành cho đứa cháu nhỏ nhất nhà. Tôi nhớ đến miếng giò bà giấu vội cho đứa em con dì tôi. Tôi nhớ đến những đồng tiền bà cho tôi phòng khi hết gạo mà chưa kịp về nhà. Và tôi nhớ đến một bữa tiệc bup – phê tôi đã từng tham dự. Cả đời này có lẽ bà của tôi mới chỉ nghĩ tới ăn no mà chưa bao giờ dám nghĩ đến ăn ngon!
Băng Lee