Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang ở tại tinh xá Kỳ Viên, có một câu chuyện thú vị liên quan tới Tôn giả Nhất Cú, tức A-la-hán Ekuddàna. Tôn giả Nhất Cú sống một mình trong rừng và chỉ biết độc nhất một câu kệ.

Câu kệ đó là:

“Vị Sa-môn tư tưởng thanh cao,

Tinh tấn, tu tập trong im lặng.

Sa-môn ấy tâm hằng an tịnh,

Luôn chánh niệm, không còn phiền não”.

Vào mỗi ngày tụng giới, Tôn giả chỉ đọc lên một câu kệ ấy, và chư thiên vỗ tay vang rền.

Ngày nọ, cũng vào dịp Bố-tát [1], có hai vị Tỳ-kheo làu thông Tam tạng, dẫn theo một ngàn đồ chúng đến nơi ấy. Tôn giả Nhất Cú thấy các thầy, rất vui mừng, nói:

– Các vị đến thật may mắn, hôm nay chúng ta sẽ nghe Pháp.

– Nhưng thưa Ngài, ở đây đâu có người nào để nghe.

– Có chứ, vào ngày nói Giới, cả khu rừng đều vang động tiếng vỗ tay của chư thiên.

Như thế, một vị bèn đọc Luật và vị kia giảng rộng nghĩa ấy, nhưng chẳng có một thiên nhân nào vỗ tay cả. Các vị hỏi:

– Này huynh, ngài bảo chúng tôi là khi Luật được tuyên đọc, chư thiên vỗ tay vang rền. Như vầy là sao?

– Những ngày khác đều có, tôi không hiểu hôm nay có chuyện gì?

– Thế thì Ngài đọc Luật đi.

Tôn giả Nhất Cú bèn cầm quạt, lên tòa ngồi và đọc câu kệ thường nhật, chư thiên lại vỗ tay vang rền. Khi ấy, các Tỳ-kheo đồ chúng của hai bậc thầy kia đều bất bình chư thiên, nói:

– Chư thiên ở rừng này bày tỏ sự kính trọng bằng cách vỗ tay. Dù cho Tỳ-kheo thông Tam tạng giảng nhiều Giới Pháp, họ không nói một lời ca ngợi. Vậy mà khi Trưởng lão già chỉ đọc một câu, họ lại vỗ tay ồn cả lên.

Khi trở về tinh xá, họ đem câu chuyện trình bày với Đức Phật. Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo, ta không gọi người nào là thông suốt giáo pháp chỉ vì họ biết hoặc đọc nhiều kinh. Nhưng người nào chỉ biết đọc một câu, hiểu thấu sự thật, người ấy thật là người thông suốt Tam tạng.

Ngài nói Pháp cú:

“Không phải vì nói nhiều,

Mới xứng danh trì Pháp,

Những ai tuy nghe ít,

Nhưng thân hành đúng Pháp,

Không phóng túng chánh Pháp,

Mới xứng danh trì Pháp”.

Các Tỳ-kheo lặng nghe Đức Phật dạy. (Ảnh minh họa: fjpzs.com)

***

Câu chuyện về Tôn giả Nhất Cú thực ra không phải là độc nhất vô nhị. Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không trong suốt hành trình sang Tây Thiên hầu như không thấy tụng kinh bao giờ nhưng cuối cùng vẫn tu thành chính quả, được phong là “Đấu Chiến Thắng Phật”. Tôn Ngộ Không mang hình tướng khỉ, còn gọi là “tâm viên”, qua đó nói lên rằng, cốt yếu của tu hành chính là tu cái Tâm này.

Ngày nay, một số người nhầm lẫn cho rằng tụng niệm nhiều kinh sách đồng nghĩa với tu hành, tốt nghiệp học viện Phật giáo là coi như thông suốt giáo lý nhà Phật rồi…. Kỳ thực, những thứ ấy chỉ là kiến thức, lý thuyết bề mặt, còn tầng thứ tu luyện của một người lại phụ thuộc vào trình độ tâm tính của người ấy. Tâm tính bao gồm nhiều phương diện, như khả năng nhẫn nhục, chịu khổ, xả bỏ, tâm từ bi, tinh tấn, dũng cảm… cũng như ngộ tính. Người tu luyện phải trải qua quá trình thực tu, đề cao tâm tính từ trong những khổ nạn thì mới có thể lĩnh ngộ được hàm nghĩa chân chính của kinh sách, đạt được trí huệ siêu việt hết thảy tri thức của người thường.

Có câu “Đại Đạo vô hình”, “Chân nhân bất lộ tướng”; lại cũng nói “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Phật Pháp chân chính và những bậc chân tu khó có thể nhận biết được qua hình tướng bên ngoài. Có lẽ chỉ có thể bằng ngộ tính mà xét xem Pháp ấy có khiến con người ta hướng Thiện chăng, người tu ấy tâm tính có cao thượng chăng?

Thanh Ngọc

(Tham khảo: Buddhist Legends, Eugène Watson Burlingame)

Chú thích:

[1] “Bố-tát” là dịch âm từ tiếng Phạn là ‘Posatha’, nghĩa là nuôi lớn và duy trì (thiện pháp). Bố Tát là ngày định kỳ thuyết giới trong Phật giáo, cùng nhắc nhở nhau về giới pháp của hành giả tu hành.