Bạn đọc thân mến, đây chỉ là một câu chuyện vui, câu chuyện vui thôi. Nhưng phải chăng nó dễ khiến cho chúng ta liên tưởng rằng: Dù có là bậc Đế vương Thiên tử đi chăng nữa thì hẳn người ta cũng sẽ có lúc cảm thấy không được hài lòng. Vậy phải đối đãi sao đây?…
Chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, có vị hoàng đế cai trị cả một vương quốc rất đỗi giàu mạnh, thanh bình. Một ngày kia, nhà vua có nhã hứng đi tản bộ ngao du sơn thủy. Chuyến đi kéo dài mấy mùa trăng lên rồi mấy mùa trăng lặn…
Khi quay trở lại hoàng cung, quốc vương không được hài lòng cho lắm. Ông phàn nàn rằng đôi bàn chân của mình rất đau và giá buốt bởi vì đây là lần đầu tiên nhà vua phải trải qua một cuộc hành trình dài như thế: một chặng đường quá lạnh lẽo, gồ ghề, đất đá lởm chởm.
Để thay đổi sự tình đó và tìm kiếm động lực cho những chuyến du ngoạn về sau, nhà vua bèn hạ lệnh:
– Nay trẫm truyền chỉ: cho trải lót tất cả các con đường đi lại trong vương quốc bằng thảm da bò. Giao cho quan lại đứng đầu các thành, phủ, huyện tại địa phương và thần dân đảm trách. Nội trong nửa năm công việc phải hoàn thành. Khâm thử!
Tất nhiên là chiếu chỉ trên của nhà vua đã khiến hết thảy quần thần và lê dân bách tính trong vương quốc nọ gặp phải một phen điêu đứng.
Chẳng cần phải bàn cãi thì ai ai cũng hình dung được sẽ hao tiền tốn của, lao tâm khổ tứ tới cỡ nào nếu cho trải thảm hết thảy các con đường bằng nệm da bò! Đó là chưa kể sẽ có không biết bao nhiêu là bao nhiêu những chú bò vô tội phải chết. Rồi thì sức kéo ở đâu, nông vụ thế nào, đời sống của thần dân trong vương quốc sẽ ra sao khi mà giống bò tuyệt chủng? Nhưng than ôi: ngôi trên khó cãi, quân lệnh như sơn, biết làm sao được!
Thật may, đang trong cơn nước sôi lửa bỏng ấy thì sự tình có cơ thay đổi. Đúng như dân gian vẫn thường ví von: ‘Người cha có lú thì vẫn còn người chú nó khôn’. Khi cả vương quốc đang lao đao vì chỉ lệnh kỳ quặc của nhà vua thì có viên Tể tướng đương triều đứng lên can gián rằng:
– Khải tấu Bệ hạ, để đáp đền công đức cao dày của đấng quân vương thì có cho trải vàng lát bạc khắp các con đường thần dân bách tính cũng không từ, huống chi là chuyện trải thảm da bò. Tuy nhiên hạ thần trộm nghĩ, tại sao chúng ta không thử dùng một miếng da bò tuyệt đẹp để bọc lót đôi chân quý giá của ngài lại? Như thế Bệ hạ sẽ luôn luôn cảm nhận được sự ấm áp, êm ái và dễ chịu… cho dù ngài có đi chu du đến khắp nẻo xa gần. Nỗi ưu tư của Bệ hạ cũng sẽ được giải khai vô cùng nhanh chóng. Chẳng cần phải mất tới nửa năm, chỉ cần Bệ hạ đồng ý thì hạ thần dám mang tính mệnh của mình ra mà đảm bảo rằng: nội trong ba ngày việc này chắc chắn được hoàn tất.
Đức vua ngạc nhiên lắm, nhưng rồi ông cũng đồng ý với lời đề tấu của Tể tướng.
Vậy là vị Tể tướng đương triều lập tức truyền gọi những người thợ da nổi tiếng và những thợ kim hoàn lành nghề nhất trong vương quốc của mình tới. Đám thợ làm việc miệt mài từ sáng sớm đến tối khuya. Cuối cùng thì chưa đến hai ngày sau, sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng da bò nạm ngọc tuyệt đẹp đã được hoàn thiện. Họ tạm gọi nó bằng một cái tên khá mỹ miều và phức tạp: ‘Miếng da bò bọc lót đôi bàn chân của đế vương’.
Buổi thiết triều sớm hôm ấy, khỏi phải nói rằng nhà vua đã háo hức tới mức nào khi ngài được ướm thử đôi bàn chân trắng mềm, cao quý của mình vào ‘món quà’ mà vị Tể tướng đương triều dâng tặng. Ôi chao! ‘Miếng da bò bọc lót đôi bàn chân của đế vương’ mới vừa vặn, và êm ái làm sao! Thật là dễ chịu. Thật là sung sướng. Thật là ấm áp!
Món quà được chế tác quá ư là công phu tỉ mẩn và vô cùng tinh mỹ: Những đường chỉ khâu bằng vàng viền kim tuyến óng ánh nổi bật trên nền da thuộc màu nâu. Điểm xuyết cho chất liệu da bò thượng hạng là chín trăm chín mươi chín hạt cườm bằng châu ngọc với đủ màu sắc sáng lấp lánh, được đính rất chắc chắn kết thành hình hoa văn rồng phụng càng khiến cho bước chân của nhà vua thêm phần uy nghi thanh thoát!
Khắp thảy quần thần đều vỗ tay tán thưởng. Họ đồng thanh tung hô: Vạn tuế! Vạn tuế!… Vạn… vạn tuế!
Đấng quân vương hài lòng lắm, ngài truyền lệnh ban thưởng cho quan Tể tướng rất hậu hĩnh. Và để minh chứng cho cái sự hài lòng của mình với ‘Miếng da bò bọc lót đôi bàn chân của đế vương’, ngài bèn đặt tên cho nó là: ‘Đôi hài’.
***
Bạn đọc thân mến, đây chỉ là một câu chuyện vui, câu chuyện vui thôi. Nhưng phải chăng nó dễ khiến cho chúng ta liên tưởng rằng: Dù có là bậc Đế vương Thiên tử đi chăng nữa thì hẳn người ta cũng sẽ có lúc cảm thấy không được hài lòng. Và cũng thật là khó khăn, nhiêu khê, thậm chí là hoang đường nếu ta đi tìm kiếm sự hài lòng bằng cách muốn động đến, hoặc muốn thay đổi cả bàn dân thiên hạ! Vậy thì tại sao chúng ta không thử chủ động thay đổi từ chính bản thân mình? Làm như thế có lẽ sẽ nhanh hơn, sớm được hài lòng hơn, cũng thiết thực và… đỡ ‘tốn kém’ hơn nhiều lắm đó!
Đường Phong