Vì sao hôn lễ xưa phải bái lạy quá nhiều như vậy? Chẳng phải vì phú quý sinh lễ nghĩa, mà lễ nghĩa đều có nguyên nhân sâu xa, để bảo đảm tương lai tốt đẹp cho con người.

Cổ nhân coi hôn nhân là gốc rễ của luân lý đạo đức làm người, phải tuân theo đạo Trời, vì vậy, trong hôn lễ, trước lạy Thiên Địa, sau mới “bái cao đường”. Cất lời thề trăm năm trách nhiệm với đối phương dưới sự chứng giám của thần linh, thề cả đời sẽ không bao giờ vi phạm lời thề, nếu không sẽ bị trừng phạt.

Trong quan niệm truyền thống, hôn nhân mang ý nghĩa vô cùng thần thánh, là sự kết hợp của thừa thiên hợp địa mà thành. Kinh Dịch viết rằng: “Nhất âm nhất dương chi vị đạo” (âm dương kết hợp được gọi là Đạo), “dương” tượng trưng cho Thiên và người đàn ông, “âm” tượng trưng cho Địa và người phụ nữ, lời hẹn thề trăm năm trong hôn lễ như sự hài hòa của Trời và Đất. Vì vậy, cổ nhân luôn coi hôn nhân là gốc rễ của luân lý đạo đức làm người và là Thiên đạo.

Trong cuốn “Hậu hán thư – Tào thế thúc thê truyện” có ghi chép: “Đạo làm vợ chồng, là sự kế hợp của âm dương, minh bạch lý Thiên địa, đạo nghĩa làm người cũng là nằm ở đây”. Hay trong Xuân Thu kinh giải có viết: “Độc dương không sinh, độc âm không thành. Ví có Trời nên phải sinh Đất có Nhật thì có Nguyệt, đạo lý của người nam nữ, lễ nghi hôn nhân, đạo của Đất Trời, gốc rễ của luân lý đạo đức cũng chính là ở đây”. Nho gia giảng, có Thiên Địa âm dương, mới có hôn nhân nam nữ, có hôn nhân mới có cha con, có vua tôi, tức lễ nghi luân thường, hình thức tổ chức xã hội đều nằm ở hôn nhân gia đình.

Nên vợ nên chồng là điều kiện cần để nhân loại tiếp tục tồn tại, cũng là lời thề thiêng liêng của con người với thần, với cha mẹ và giữa những người có tình với nhau. Mà trong quá trình đó, yêu cầu sự trung trinh ở cả hai người vợ và chồng, vô luận là nghèo khó, bệnh tật hay sinh tử đều không thể phản bội nhau. Không chỉ là 5 năm, 10 năm hay 15 năm mà là lời thề trăm năm dưới sự chứng giám của Thần Phật, suốt đời đều phải yêu thương, kính trọng lẫn nhau “tương kính như tân”. Xã hội truyền thống đều coi hôn nhân là đại sự cả đời, thuận theo đạo lý “thiện ác đều có báo”, người tin rằng phản bội lời thề đều sẽ gặp báo ứng thì mới ước thúc bản thân không làm tổn hại người khác.

Một phần bức tranh Cô tô phồn hoa đồ, mô tả cảnh “Nhất bái Thiên Địa, nhị bái cao đường, phu thê giao bái” (ảnh: Wikipedia).

Người vợ tình nghĩa thuở bần hàn là không thể bỏ

“Người vợ tào khang” nguyên được lấy từ câu truyện về Tống Hoằng, vị hiền quan dưới thời Hán Quang Vũ Đế thời Hậu Hán. Trong cuốn Hậu hán thư, có viết: “Tri kỷ thuở nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tình nghĩa thuở bần hàn là không thể bỏ” (Bần tiện chi tri bất khả vong, tào khang chi thê bất hạ đường).

Tống Hoằng, tự Trọng Tử, là bậc danh thần thời kỳ đầu nhà Đông Hán, ông không chỉ nổi tiếng là người tài đức song toàn, mà còn bởi tình nghĩa chung thủy dành cho thê tử mình.

Sau khi thống nhất quốc gia, mở ra thời kỳ thịnh trị và yên bình của nhà Hán sau nhiều năm biến động, Hán Quang Vũ Đế lên ngôi, Tống Hoằng được coi là tâm phúc của hoàng đế, bởi ông là vị quan thanh liêm, chính trực, nên rất được coi trọng và tin dùng, sau được phong làm Tuyên Bình hầu.   

Năm đó, phu quân của công chúa Hồ Dương, chị gái Hán Quang Vũ đế, qua đời. Sau khi ở góa, bà có thiện cảm với Tống Hoằng. Bà nói với đệ đệ: “Trong triều, không một ai có vẻ ngoài anh tuấn, phẩm đức tuyệt vời và tài trí có thể so bì với Tống Hoằng”. Hiểu ý chị gái, nhưng vì Tống Hoằng là người đã thành gia lập thất, vua bèn cho gọi Tống Hoằng đến nói chuyện, và để công chúa ngồi sau bức màn. 

Ngài hỏi Tống Hoằng: “Xưa nay vốn có câu, địa vị cao rồi sẽ đổi bằng hữu, có tiền rồi thì dễ dàng đổi vợ, âu cũng là chuyện thường tình đúng chứ?” Tống Hoằng bình tĩnh trả lời: “Thần lại nghe nói, bần tiện chi tri bất khả vong, tào khang chi thê bất hạ đường”. Quang Vũ Đế nghe vậy, hiểu ý mà Tống Hoằng muốn nói.

“Tào” là chất cặn bã còn sót lại sau khi đã làm ra rượu, “khang” là vỏ của các loại hạt ngũ cốc, hai từ này ghép lại để chỉ thực phẩm thô, là thức ăn để người ta giằng bụng chống lại cái đói.

“Người vợ tào khang” không phải ám chỉ xem thường người vợ vô giá trị bình thường như tào khang, mà nó có ý nói người vợ đã cùng mình đi qua gian khó. Người chồng không thể quên ơn nghĩa vợ chồng, biết tôn trọng người vợ cùng trải qua khó khăn với mình, trong tình cảm luôn chung thủy, về trách nhiệm thì sẽ không ruồng bỏ đi người vợ của mình.

Ảnh minh họa: Facebook Tĩnh Dạ Tư.

Yến Anh phú quý cũng quyết không ruồng bỏ thê tử

Yến Anh, tự Bình Trọng, là một nhân vật lịch sử sống và làm quan hai triều vua Tề Trang công và Tề Cảnh công thời Xuân Thu. Ông có dáng thấp nhỏ nhưng là vị quan nổi tiếng thanh liêm, tài ba của nước Tề, vốn rất được Tề Cảnh Công trọng dụng và tin dùng.

Một hôm, tề Cảnh Công hạ giá đến phủ Yến Anh làm khách. Sau khi trò chuyện một lúc, đúng lúc này, Cảnh Công nhìn thấy thê tử của Yến Anh, liền quay sang hỏi: “Vừa mới nãy, chính là thê tử của tiên sinh phải không?”

Yến Anh dạ bẩm: “Dạ vâng, thê tử của thần ạ”.

Cảnh Công vừa cười vừa nói: “Ai da, vừa già lại còn xấu! Quả nhân có một cô con gái, dung mạo đẹp đẽ, tuổi lại nhỏ, rất thích hợp, không bằng đem gả cho tiên sinh nhé?”.

Yến Anh nghe vậy, liền kính cẩn đứng dậy, bẩm nói: “Hồi quân thượng, thê tử của thần ngày hôm nay quả thật vừa không đẹp, lại lớn tuổi, nhưng thần và nàng đã cùng nhau chung sống rất lâu rồi, cũng đã trải qua rất nhiều chuyện với nhau, thuận theo đó, thời điểm nàng trẻ tuổi, dung mạo mỹ miều đã quyết tâm phó thác cả đời mình cho thần, mà thần cũng đã đem sính lễ đến xin được rước nàng về nhà, cùng nhau đã nhiều năm như vậy. Nay hạ thần vinh dự nhận ân điển của người, nhưng dù vậy, Yến Anh há có thể phản bội lại sự phó thác của nàng?”.

Sau đó, ông liền quỳ xuống, dập hai lạy cảm tạ Tề Cảnh Công. Cảnh Công thấy tình cảm phu thê hai người nặng nghĩa thâm tình, cũng không nhắc lại chuyện này nữa.

Lại có một lần, Điền Vô Vũ, một thế gia nhà Tề, khuyên Yến Anh hãy bỏ vợ, ông liền đáp lại: “Yến Anh nghe nói, ruồng bỏ thê tử nhiều năm là loạn, nạp người mỹ mạo làm thiếp là dâm, thấy sắc vong nghĩa, phú quý liền quên mất luân thường chính là đi ngược lại đạo trời. Yến Anh may mắn được đọc sách thánh hiền, há có thể làm ra hành vi dâm loạn, không quản luân lý mà đi ngược lại đạo lý?”.

Ảnh minh họa: Facebook Ỷ Vân Hiên.

Làm nhục thê tử, gặp ác báo

Có câu: “Nhất nhật phu thê, bách nhật ân”, một ngày làm vợ chồng, ân nghĩa trăm năm. Cổ nhân tin rằng ai “hưu thê” (bỏ vợ) có thể gặp báo ứng.

Thái thượng cảm ứng thiên thời Tống có ghi chép về Sử Đường, người này lấy vợ từ sớm, sau công thành danh toại, cảm thấy người vợ hiện giờ không xứng với bản thân, cho rằng nếu mình chưa lấy vợ, thì sẽ lấy được một người vợ “môn đăng hộ đối” hơn, sau đó dần dần đối xử lạnh nhạt với thê tử, không còn tiếp tục cùng vợ “đồng sàng cộng chẩm”.

Người vợ chịu không nổi, uất ức ngã bệnh, nằm giường mấy năm liền, từ đầu đến cuối, Sử Đường cũng không một lần đến thăm nàng. Trước khi lâm chung, vợ ở cách vách la lên: “Kể cả khi ta sắp chết, ngươi cũng nhẫn tâm không qua nhìn ta dù chỉ một cái thôi sao?”. Sử Đường dù nghe thấy vẫn không quan tâm.

Sau khi vợ chết, Sử Đường nghe thuyết bậy bạ, đem đất bao trùm lấy mặt vợ, lại dùng gông xiềng buộc chặt lấy thi thể.

Buổi tối ngày hôm đó, người vợ bất hạnh quá cố xuất hiện trong giấc mơ của cha mình, nói với ông: “Con gái gả sai người rồi, lúc sống bị đối xử nhục nhã, chết đi bị yểm (Sử Đường nghe lời thầy pháp nguyền rủa nàng). Nhưng cũng vì vậy, thọ, lộc kiếp này của hắn đều đã bị hắn tự tay hủy bỏ mất rồi”.

Chỉ năm sau, Sử Đường quả nhiên qua đời.

Ruồng bỏ vợ, phá hủy tiền đồ

Khoa danh khuyết giới lục có viết về Bùi Chương, người Hà Đông, cha ở Kinh Châu làm chủ soái, có một vị tăng gọi là Đàm Chiếu tiên đoán sau này Bùi Chương sẽ có địa vị và danh vọng to lớn, thậm chí còn vượt qua cả cha hắn.

Khi Bùi Chương còn nhỏ, đã lấy Lý thị làm vợ, sau khi đi nơi khác nhậm chức, liền đem người vợ cực khổ cùng mình bao năm vứt bỏ, còn bản thân ung dung tìm tân hoan. Lý thị thấy bản thân bạc mệnh, mỗi ngày áo vải cơm rau đạm bạc, không ngừng niệm Phật đọc kinh.

Mười năm sau, Bùi Chương vô tình gặp lại vị thần tăng năm nào đã từng xem cho hắn, thấy hắn liền kinh ngạc không thôi: “Ta mười năm trước đã từng xem cho ngài, thấy rằng ngài sau này sẽ công thành danh toại, ngày sau tất phú quý, ngày hôm nay gặp lại, tất cả đều đã biến mất, này là cớ vì sao?”. Bùi Chương không giấu giếm, kể hết mọi chuyện cho thần tăng nghe. Sau khi nghe hết mọi chuyện, Đàm Chiếu nói: “Phu nhân đã qua đời, linh hồn người đã lên trên trời. Mà ngài, không lâu nữa, e rằng sẽ có đại họa giáng xuống”.

Không đến mười ngày sau, Bùi Chương bị thuộc hạ của mình ra tay giết hại, nội tạng đều bị lấy hết, không ai biết lý do đằng sau của chuyện này là gì?

Khi kết hôn phu thê đã thề trước Thiên Địa, vậy hãy giữ lời thề đó đến trọn đời (ảnh: Chụp ảnh cưới đẹp Hải Phòng).

Giúp người viết thư bỏ vợ, tự hủy công danh cả đời

Bắc đông viên bút lục sơ biên thời Thanh có ghi lại, tại vùng đất Ninh Ba có một người họ Cát, tên Trạng Nguyên. Thời điểm còn đi học, mỗi ngày trên đường đến trường đều sẽ đi qua ngôi miếu, hắn đều ghé vào, chắp tay lạy một cái. Một lần, thần linh trong miếu báo mộng cho người coi miếu: “Người họ Cát này mỗi ngày đều đi qua chắp tay lạy, ta chỉ là một vị thần nhỏ, chịu không được mỗi lần hắn lạy, mỗi lần như vậy đều chỉ còn cách đứng dậy tránh đi. Ngươi hãy nghĩ cách thay ta chắn”. Đúng lúc người coi miếu đang bôn ba tìm cách thì vị thần lại báo mộng lại cho ông: “Không cần nữa rồi, vị thư sinh họ Cát này vì giúp người viết hưu thư, trời cao đã đoạt lại công danh khoa cử của hắn rồi”.

Nguyên lai, vị thư sinh này có một người đồng hương, người này muốn vứt bỏ thê tử mình, nên đã bỏ ra 1 lượng bạc, nhờ họ Cát viết hưu thư (thư bỏ vợ) hộ. Họ Cát nghĩ, mình không viết thì sẽ có người khác viết, dù thế này cũng cứu không được người vợ, hơn nữa lại còn làm sứt mẻ tình cảm đồng hương. Thôi thì thuận nước đẩy thuyền, vừa kiếm được một lượng bạc, vừa ban một ân huệ cho người này.

Cứ thế, hắn ta liền hồ đồ viết hưu thư, cho đến khi nghe người coi miếu kể lại, mới giật mình đổ mồ hôi, cảm thấy hối hận khôn nguôi, vì thế đã đi tìm người đồng hương kia, hết lòng khuyên răn, mong cứu vãn được cuộc hôn nhân hai người. Về sau thi cử, hắn trúng Cử nhân, nhưng không bao giờ có thể đậu Tiến sĩ, con đường làm quan cũng không quá rộng mở.

Xã hội hiện đại, quan niệm truyền thống ngày càng phai nhạt, đối với hôn nhân cũng qua quýt, tùy tiện, coi nhẹ. Kỳ thực, một hồi tình cảm mãnh liệt xúc động nhất thời, không thể so với các giá trị luân lý và lý trí con người, vì thế, chính con người hiện đại cũng thường nói: “Hôn nhân không hạnh phúc, không phải thiếu tình yêu mà là thiếu tình bạn”, tình yêu nồng nhiệt lúc đầu không thể kéo dài suốt 10 năm, 20 năm hay 30 năm, thứ giúp “giữ lửa” hôn nhân chính là sự cảm thông và sự chung thủy.

Nhưng đạo đức ngày một biến dị, con người trong dòng chảy xiết ấy cũng dần dần quên mất các giá trị truyền thống ngàn đời. Không tin “thiện ác hữu báo”, làm điều xấu chính là tự tay bỏ đi đức của mình, nên cũng không tin mọi sự đau khổ của bản thân chính là kết quả báo ứng mà nên.

Trâm Anh
Theo Aboluowang

Video: Vợ chồng yêu thương nhau, xin cứ giả khờ mà bao dung hết thảy

videoinfo__video3.dkn.tv||934c91518__