Xưa nay, ái tình và những chuyện nam nữ luôn là thứ khiến người ta phải động lòng. Nhưng những thứ văn chương chứa đầy dâm sắc ấy quả thực là gây hại cho người ta hơn cả. Bởi vậy, ngay cả số phận của những nhà văn chắp bút viết nên những chuyện ấy cũng không mấy tốt đẹp.
Hoàng Sơn Cốc là một thi nhân triều Tống, rất giỏi sáng tác văn thơ sắc tình dâm loạn. Một lần, nhân lúc nhàn tản, ông đến bái kiến thiền sư Viên Thông Tú.
Vừa mới gặp mặt, thiền sư Thông Tú liền nghiêm giọng trách mắng ông: “Đại trượng phu tài năng văn phú, sao lại can tâm dùng vào việc sáng tác những thứ dâm loạn hạ đẳng như vậy?“.
Trước đó, Thiền sư Thông Tú khuyên răn đại họa sĩ Lý Bá “đừng say mê vẽ ngựa nữa”, và đã thành công. Câu chuyện này mau chóng truyền rộng trở thành giai thoại mà mọi người đều biết.
Bấy giờ, Hoàng Sơn Cốc sau khi nghe thiền sư Thông Tú phê bình thì tỏ vẻ không thoải mái, vẫn bỏ ngoài tai. Ông cười bảo: “Bổn nhân viết văn làm thơ, chiếu theo quy luật nhân quả thì đời sau sẽ không được đầu thai làm người mà phải đọa vào trong bụng ngựa hay sao?”.
Thiền sư nói: “Lý Bá khi đó một lòng một dạ mà nghĩ tưởng đến ngựa, nghiền ngẫm ngựa, khổ sở vì ngựa, toàn bộ tinh khí thần của ông ta đều hóa thành ngựa cả. Vậy nên nếu phải đọa lạc, thì chẳng qua cũng chỉ là chuyện của cá nhân ông ấy mà thôi.
Còn ông dùng những lời dâm tà, ướt át, hoa mỹ khuấy động lòng dâm dục của độc giả trong thiên hạ, dẫn dụ người đời nghĩ tưởng vẩn vơ, khiến cho rất nhiều người ý chí yếu nhược làm ra những chuyện phi lễ, tà dâm trái với luân thường đạo lý.
Quả báo của tội ác vốn là quy luật rộng khắp xưa nay. Báo ứng của ông há chỉ dừng lại ở việc bị đọa vào bụng ngựa thôi sao? E rằng sẽ phải bị đọa vào địa ngục lưỡi cày vĩnh viễn không được siêu thoát đó”.
Hoàng Sơn Cốc nghe vậy, liền rợn cả tóc gáy, vô cùng hổ thẹn, ngại ngùng cáo biệt, từ đó về sau không bao giờ sáng tác thơ văn liên quan đến sắc tình nữa. Ngoài ra ông cũng bắt đầu tu thân dưỡng tính, sám hối hành thiện.
Thế nhưng nghiệp tội của ông cũng đã gieo nên hậu quả nhất định phải nhận. Nửa đời sau của ông, cuộc sống gia đình gập ghềnh nhiều khổ nạn. Hai người vợ yêu lần lượt qua đời, con đường công danh thì lên xuống mấy hồi. Lúc về già, bệnh tật khắp thân, thống khổ vô cùng.
Một ví dụ khác, Thi Nại Am viết “Thủy Hử truyện”, trong tác phẩm đã dùng không ít bút mực miêu tả quá trình gian dâm, trộm cướp, giết người rất tường tận cụ thể, chẳng khác gì hối thúc người ta trộm cướp tà dâm. Kết quả là con trai, cháu trai, chắt trai của Thi Nại Am sinh ra tất cả đều bị câm.
Lý Tông Ngữ, tác giả cuốn “Hậu Hắc Học”, thích nhất là phản bác ngôn luận của các bậc tiền nhân và Thánh hiền, ngụy biện thị phi, tạo thành cách nói dị thường đi ngược lại với đạo lý để đạt được uy tín danh lợi. Một đời của ông sống trong nghèo khổ, thất vọng và cô độc, cuối cùng phải chết một cách bi thảm.
“Mẫu Đơn Đình” kể chuyện một đôi trai gái yêu nhau bỏ trốn, hơn nữa văn chương dùng từ ngữ hoa lệ, ai ai cũng thích đọc, cũng vì thế mà chịu nhận ảnh hưởng, từ đó phản đối lễ giáo, truy cầu tình ái. Điều đó khiến nhiều người ngộ nhận việc dâm dật thành hành vi phong nhã.
Sau khi tác giả cuốn sách là Thang Hiển Tổ qua đời, có người từng chết đi sống lại kể rằng đã chứng kiến cảnh ông ấy bị giam tại phòng tối nơi âm phủ, chịu cảnh thiêu đốt, nóng đến mức không chịu nổi, da bị nứt đến mức lòi cả thịt, vô cùng thống khổ.
Tác giả “Tây Sương Ký” là Vương Thực Phủ, có sở trường miêu tả chuyện nam nữ tư tình vụng trộm, khiến rất nhiều người sau khi xem xong truyện này liền khởi dâm tâm tà niệm. Người ta lưu truyền rằng tác giả chỉ vì soạn cuốn sách này mà bị dưới âm khiển trách, chưa viết xong đột nhiên vô cớ ngã vật ra, tự mình cắn lưỡi mà chết.
Nguyên tác giả “Hội Chân Ký” là Nguyên Chẩn, vì muốn lấy vợ là người em họ Thôi Oanh Oanh mà không được, lấy làm căm phẫn mà sáng tác nên truyện ký này, đem em họ ra làm nhân vật chính, vừa để gièm pha em họ và những người có hành vi yêu đương vụng trộm.
Điều đó khiến nàng Thôi Oanh Oanh trong sạch không tỳ vết phải chịu nhục ngàn thu, lại cũng khiến nam nữ thanh niên đời sau bắt chước theo việc hẹn hò vụng trộm. Có người nói Nguyên Chẩn lúc chết cực kỳ đau đớn khổ sở, chết rồi lại bị sét đánh nhằm trúng thi thể để báo ứng.
Kim Thánh Thán, sống vào cuối triều Minh đầu triều Thanh, từng bình giải ca ngợi “Thủy Hử Truyện”, “Tây Sương Ký”, “Kim Bình Mai”…, vốn là những cuốn sách hối dâm xướng loạn.
Vốn dĩ ông là người tài trí nhanh nhạy, nhưng thay vì viết bài ca ngợi đạo đức, lại chuyên viết bình giải dâm thư ướt át. Do đó sau này bị triều đình giam ngục, khi chết chịu cực hình tra tấn khủng khiếp, người thân và họ hàng của ông cũng vì thế mà bị họa tru di.
D. H. Lawrence là một nhà tiểu thuyết, nhà soạn kịch nổi tiếng của nước Anh. Ông vốn là một người tài hoa xuất chúng, đã sáng tác nên rất nhiều bộ tiểu thuyết và hí kịch nổi tiếng.
Tuy nhiên, sau này khi viết bộ sách “Người tình của phu nhân Chatterley”, trong đó dùng văn từ tỉ mỉ miêu tả quá trình ngoại tình và loạn tính ngoài hôn nhân.
Sách này từng bị chính phủ các nước phê phán, liệt vào loại sách đồi trụy và cấm chỉ xuất bản, phát hành. Sau 1 năm viết xong bộ tiểu thuyết này, Lawrence đã mắc bệnh hiểm nghèo mà chết vào tháng 3/1930, lúc đó ông mới chỉ 44 tuổi.
***
Cổ nhân nói: “Vạn ác dâm vi thủ“, ý rằng vạn điều ác thì tà dâm đứng đầu. Con người ta, chỉ một niệm dâm dục, sẽ dẫn khởi nhiều ác niệm, làm ra những chuyện không còn liêm sỉ, đi ngược với luân lý, các loại ác nghiệp cũng từ đó mà sinh ra.
Sự lạc thú của tà dâm chỉ là nhất thời, nhưng hậu quả của nó lại vô cùng khủng khiếp. Người phạm tội tà dâm có thể phải chịu báo ứng ngay tại đời này hoặc có thể chịu kiếp nạn ở đời sau. Có khi bị đoạ xuống địa ngục, chịu hình phạt của núi đao biển lửa. Bởi theo giáo lý nhà Phật, con người sống là không chỉ có một kiếp này.
Truyền bá những ngôn luận tà dâm, kích động tư dục tham tâm của người khác, chính là gây tội vô cùng nghiêm trọng. Bởi vậy, với những người chuyên lấy bút hạ văn, viết về đề tài tà dâm ái tình ấy, thì quả báo cũng không hề nhẹ bớt. Những câu chuyện có thật ở trên chính là đã dẫn chứng cho điều này.
Trong xã hội ngày nay, có thể thấy rằng đâu đâu người ta cũng nói cũng viết về những chuyện về dâm loạn, tình dục… Sách báo, tác phẩm văn học nghệ thuật, phim ảnh, truyền hình đều lấy đó làm đề tài nóng bỏng thu hút độc giả. Như vậy đủ để thấy nhân loại đang đứng trước bờ vực nguy hiểm như thế nào! Hy vọng từ những bài học trong quá khứ, sẽ phần nào cảnh tỉnh mỗi chúng ta.
Vũ Dương