Theo tục xưa, trong khoảng ba năm thủ tang cha mẹ, con cái không thể lên kinh ứng thí, thậm chí còn không được ở trong nhà mà phải làm lều cỏ bên mộ phần cha mẹ để trông nom, chăm sóc. Đối với chúng ta ngày này, đây là việc ngoài sức tưởng tượng…
Cổ ngữ có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”, đối với cổ nhân mà nói thì trăm cái đức, ngàn cái hạnh cũng không có cái nào có thể sánh bì với việc thủ hiếu giữ đạo làm con. Ngay cả các bậc vua chúa cũng luôn thủ đạo hiếu con, lấy thân làm mẫu cho vạn dân noi theo. Ở đây có thể kể đến những bậc hiền nhân xưa như vua Trần Anh Tông. Vua Trần Anh Tông vốn dĩ ham mê uống rượu, nhưng vì một lần say rượu làm lỡ mất dự chầu, khi đó bị thái thượng hoàng Trần Nhân Tông trách phạt. Vua Trần Anh Tông phải quỳ gối và dâng biểu tạ tội kiểm điểm bản thân mới được tha lỗi. Và cũng kể từ đó, vua Trần Anh Tông quyết tâm không uống rượu nữa. Mặc dù ở ngôi cao, vua Trần Anh Tông vẫn tôn trọng đạo hiếu, tuân theo lời dạy bảo của cha.
Hay như vua Tự Đức, đây có lẽ là ông vua duy nhất bị mẹ đánh đòn trong lịch sử nước ta. Năm đó, vua Tự Đức đi săn, chẳng may gặp phải trận lụt bất ngờ, không thể về kịp lo liệu ngày kỵ của tiên hoàng Thiệu Trị. Sau khi về đến cung điện, nhà vua vội vàng đội mưa đến quỳ tạ tội với mẹ là thái hậu Từ Dũ. Ông còn chủ động dâng roi mây, nằm xuống chịu đòn.
Nói đến chữ hiếu, chúng ta cũng không thể không nhắc tới Nguyễn Trãi, ông là tấm gương trung hiếu vẹn toàn trong lịch sử. Khi cha là Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt, Nguyễn Trãi đi theo cha đến ải Nam Quan, muốn cùng cha sang tận Trung Quốc hầu hạ nhưng cha ông khuyên ông trở về lo mưu nghiệp lớn chống Minh. Nghe lời cha dặn, Nguyễn Trãi nếm mật nằm gai 16 năm ròng, sau này ông đã bày mưu tính kế, góp phần quan trọng giúp nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi.
Đối với người xưa, việc bất hiếu là một đại tội không thể dung thứ, việc hiếu kính cha mẹ không chỉ là việc chăm sóc cha mẹ chu đáo về tinh thần và vật chất khi còn sống mà bao gồm cả việc lo tang hậu sự cho cha mẹ khi đã mất.
Trong cuộc sống phong kiến xưa kia khi cha mẹ qua đời con cái phải thủ hiếu 3 năm, trong khoảng thời gian này tuyệt đối không được kết hôn. Các quan viên cũng phải từ quan về nhà thủ hiếu cha mẹ ba năm, gọi là “Đinh hiếu”.
Theo tục xưa, trong khoảng ba năm này con cái không thể lên kinh ứng thí, thậm chí còn không được ở trong nhà mà phải làm lều cỏ bên mộ phần cha mẹ để trông nom, chăm sóc. Có thể đối với ngày này việc này là việc ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, tuy nhiên ngày xưa nó thậm chí còn được nghi vào pháp chế. Khi xưa, vua Chu Nguyên Chương khi đăng cơ đã quy định: “Trong ba năm tang chế, con cái không được ra ngoài gặp gỡ bằng hữu, phải mặc áo vải bố, mép vải thừa không được cắt tỉa, không được cắt tóc”.
Vậy ý nghĩa sâu xa của việc thủ tang này ra sao?
Việc thủ hiếu ba năm của cổ nhân chủ yếu là mang hàm nghĩa hoàn ơn cha mẹ nuôi nấng sinh thành. Khi con cái sinh ra ba năm đầu, cha mẹ mới yên tâm để con cái rời xa vòng tay của mình mà chạy nhảy, đặc biệt thời xưa không có sữa để ăn ngoài, người mẹ phải nuôi con bằng sữa mẹ trong suốt ba năm. Vậy nên trong khoảng thời gian này cha mẹ phải vất vả bội phần, thức khuya dậy sớm chăm bẵm, cho con ăn, cho con ngủ, đêm hôm chăm sóc tã quần, thậm chí khi con tè dầm, đái dắt cha mẹ đã phải nhường con chỗ khô, mình nằm chỗ ướt.
Vì ơn sinh dưỡng của cha mẹ là không gì sánh nổi, thế nên sau khi cha mẹ mất, con cái phải thủ tang ba năm, đây cũng là ba năm hoàn nghĩa sinh thành chăm sóc khi xưa. Nếu như không thủ được lễ ba năm này thì sao có thể gọi là hiếu tử? Tuy nhiên theo sự thay đổi của xã hội, con người cũng ngày càng trở thành khác biệt, chữ hiếu ngày nay nó đã phần nào trở thành hình thức.
Kỳ thực, ba năm thủ hiếu này không chỉ là việc hoàn ân trả nghĩa cho cha mẹ mà còn là thời gian để con người cảnh tỉnh chính mình, có thời gian tĩnh tâm suy nghĩ về đường đời. Nó cũng như một lời nhắc nhở chúng ta rằng: Nhân sinh tại thế, sinh tử vô thường, đến đi vô định.
Khi một người có thể hiểu ra đời người sống tại thế gian, mọi thứ thật vô thường ngắn ngủi, họ sẽ suy nghĩ nghiêm túc hơn nữa về đường đời của mình, suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, suy nghĩ về những bon chen được mất hơn thua trong cuộc đời, và từ đó thay đổi bản thân. Đua tranh danh lợi dẫu có được thì cũng lợi bất cập hại, khi nhắm mắt xuôi tay, tiền vàng danh vọng chẳng thể mang theo. Tuy nhiên việc làm ác, gây nghiệp thì phải hoàn trả, đó là điều không thể tránh, dẫu đời này không trả thì đời sau vẫn phải đền.
Tăng Quốc Phiên là một danh thần nổi tiếng nhà Thanh, cả cuộc đời ông đã có vô số thành tựu, ông cũng đã viết rất nhiều sách gia huấn khuyên dạy thế nhân. Ông xứng đáng là bậc thánh nhân thời kỳ cận đại. Trước lúc cha ông mất, ông vốn dĩ cũng là bậc nho gia từ nhỏ đọc sách thánh hiền, hiểu được đạo lý nhân sinh. Tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày có nhiều lúc vẫn có hình bóng của một người mang đầy kiêu khí, dẫn tới ông đã đắc tội với không ít người.
Sau khi cha ông mất, ông từ quan về quê thủ hiếu ba năm, trong khoảng thời gian này ông đã thay đổi quan niệm sống của mình một cách nhanh chóng. Đối với việc đối nhân xử thế, ông luôn lấy nhẫn làm đầu, bao dung độ lượng cho người, trước khi ra quyết định một vấn đề nào đó ông luôn biết đứng từ góc độ của người khác mà quyết định. Không chỉ đối với người trên mà ngay cả kẻ dưới ông cũng hết mực tôn kính. Có thể nói ba năm thủ hiếu cha đã giúp ông thành tựu cuộc đời, trở thành bậc thánh nhân được tôn kính thiên cổ.
Việc thủ hiếu ân cha, nghĩa mẹ, đây không chỉ là việc đền ơn đáp nghĩa hai đấng sinh thành, mà còn là việc dạy bảo con cháu đời sau, giúp cho con cái hiểu được sâu sắc chữ hiếu là thế nào. Khi một người có thể thấm nhuần đạo hiếu thì đường đời ắt cũng sẽ thành công. Người có đạo hiếu chắc chắn sẽ là một người lương thiện, mà người lương thiện ắt sẽ ở hiền gặp lành, được trời đất chiếu cố, sẽ đường đường chính chính có chỗ đứng trong nhật nguyệt bao la này.
Tây Phong