Người đời thường biết đến Nhạc Phi như một danh tướng trung quân ái quốc, nhưng ít người biết rằng ông cũng là một tay bút xuất chúng, một hồn thơ thanh khiết. Ông để lại bài từ “Mãn giang hồng” đầy hùng tâm, bi tráng, khiến người đời sau không ngớt thán phục, ngậm ngùi. 

Nhạc Phi (1103 – 1141), tự Bằng Cử, người Dương Âm, Tương Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay), tổ tiên làm nông. Từ nhỏ vốn có khí tiết, thích đọc binh thư. Lớn lên trúng tuyển nhập ngũ, anh dũng thiện chiến, lập nhiều kỳ công, làm quan đến Khu mật phó sứ.

Do chủ trương chống quân Kim, không bàn giảng hòa, nên năm 39 tuổi, Nhạc Phi bị Tần Cối hãm hại. Năm Thiệu Hưng thứ 32 (năm 1162) đời Tống Cao Tông, triều đình minh oan cho Nhạc Phi. Năm Gia Định thứ 4 (năm 1211) đời Ninh Tông, Nhạc Phi được truy phong là Ngạc Vương.

Nhạc Phi là anh hùng nổi tiếng lịch sử cổ kim, vốn thông hiểu quân sự, lại giỏi thơ từ. Tác phẩm của ông giờ chỉ còn lưu lại 3 bài (lác đác phát hiện một vài tác phẩm mới), đều biểu lộ lòng cảm khái sâu nặng, hùng tâm tráng chí muốn thu phục non sông quốc thổ chưa thành. Giọng thơ ông hào hùng, chính khí ngùn ngụt. Bài từ nổi tiếng lưu danh thiên cổ “Mãn giang hồng” là tác phẩm tiêu biểu nhất.

Hình tượng Nhạc Phi trong tác phẩm điện ảnh.

Mãn giang hồng 

Nộ phát xung quan, bằng lan xứ, tiêu tiêu vũ yết
Đài vọng nhãn, ngưỡng thiên trường khiếu, tráng hoài khích liệt
Tam thập công danh trần dữ thổ
Bát thiên lý lộ vân hòa nguyệt
Mạc đẳng nhàn, bạch liễu thiếu niên đầu, không bi thiết
Tĩnh Khang sỉ, do vị tuyết
Thần tử hận, hà thời diệt?
Giá trường xa
Đạp phá Hạ Lan sơn khuyết
Tráng chí cơ xan Hồ lỗ nhục
Tiếu đàm khát ẩm Hung Nô huyết
Đãi tòng đầu, thu thập cựu sơn hà, triều thiên khuyết! 

Tạm dịch thơ: 

Dòng sông cuộn đỏ
Nộ tóc bung xòa, tựa lan can, lao xao mưa dứt
Nhìn ngút mắt, ngửa mặt kêu trời, chí hùng rúng động
Ba chục công danh hòa cát bụi
Tám ngàn dặm trường mây với trăng
Chẳng tầm thường, bạc trắng thiếu niên đầu, ôi bi thiết!
Tĩnh Khang nhục, còn chưa rửa
Lòng uất hận, lúc nào nguôi?
Cưỡi binh xa
Đạp nát Hạ Lan lầu các
Chí lớn nuốt tươi lũ giặc Hồ
Nói cười thỏa khát máu Hung Nô
Lại từ đầu, thu lại cựu sơn hà, chầu cửa khuyết!

Ba câu mở đầu, đột phá không gian hiện đến, thể hiện những cơn sóng lòng ra đầu bút, khí thế hùng tráng. Các từ “Nộ phát xung quan” và “Tiêu tiêu” lấy từ tích truyện Kinh Kha thời Chiến Quốc. Theo “Chiến Quốc sách – Yên sách” có ghi: Năm 227 TCN, Yên Thái tử Đan mời Kinh Kha giúp hành thích Tần vương Doanh Chính và tiễn biệt bên sông Dịch Thủy (Huyện Dịch tỉnh Hà Bắc ngày nay). Khi chia tay, Kinh Kha cất tiếng hát bi tráng:

Phong tiêu tiêu hề, Dịch Thủy hàn
Tráng sỹ nhất khứ hề, bất phục hoàn!

Tạm dịch:

Gió hiu hiu kìa, Dịch Thủy lạnh
Tráng sỹ ra đi kìa, chẳng trở về!

Lúc đó, nghe câu ca này, ai nấy đều cảm khái, trợn trừng mắt, tóc dựng ngược. Kinh Kha là tráng sỹ yêu nước, dám một mình vào cung điện vua Tần, đủ thấy hào khí ngút trời. Nhạc Phi mở đầu bằng câu chuyện Kinh Kha chính là đã trực tiếp biểu thị rõ lòng ngưỡng mộ đối với tráng sỹ yêu nước thời xưa. 

Với tâm trạng này leo lên cao, dựa lan can, gió mưa hiu hiu lao xao, càng tăng thêm tình xúc động dâng trào, không gì ngăn nổi. Tác giả đặc tả trạng thái ấy bằng rất nhiều động từ: “đài” (ngước lên), “ngưỡng” (ngửa mặt), “trường khiếu” (thét dài một tiếng), tương xứng với những cơn sóng lòng, rất cụ thể, hiện thực, làm cho chúng ta cảm nhận được tấm lòng son sắt một lòng báo quốc, và chính khí hào hùng tràn đầy. 

Ba chục công danh hòa cát bụi
Tám ngàn dặm trường mây với trăng 

Người xưa nói: “Tam thập nhi lập”, lập công nổi danh, nhưng ông chỉ xem như là cát bụi, không đáng để ý. Cái mà ông theo đuổi là đêm ngày rong ruổi, bạn với mây trăng, xông pha chiến trường giết giặc. Hai vế của câu này chính là so sánh điều ông xem thường và điều ông theo đuổi. Nhạc Phi trong lịch sử chính là một người như thế, khinh công danh, chỉ một lòng tận trung báo quốc.

Anh hùng Nhạc Phi không màng công danh chỉ tận trung báo quốc. (Ảnh dẫn theo kites.vn)

Tám ngàn dặm trường mây với trăng”, không gian hiện lên bao la vô cùng chính như tấm lòng khí khái, rộng lớn, bao dung, khoáng đạt của vị tướng quân, không khó nạn nào làm nhụt chí. 

Chẳng tầm thường, bạc trắng thiếu niên đầu, ôi bi thiết”. Đó chính là cái tâm trạng nóng lòng mong được báo quốc, diệt giặc, thu phục non sông đã vụt ra trên mặt giấy rồi vậy!  

Đó cũng là lời lẽ của một đấng nam nhi đại trượng phu, dám nói dám làm, tuyệt nhiên không phải kẻ khua môi múa mép. Câu này viết rõ tấm lòng ông, nhưng cũng ngầm tả cảnh ngộ của quốc gia, chế giễu lũ nịnh thần tiểu nhân chỉ biết khom lưng, uốn gối trước giặc Kim. 

Đoạn tiếp là tả thực, cũng là tả lòng. “Nhục Tĩnh Khang” là nói năm Tĩnh Khang thứ 2 (năm 1127) triều Tống Khâm Tông, quân Kim vây hãm Biện kinh, hai vua Huy, Khâm và hoàng tộc lục cung bị bắt đưa về phương Bắc (nước Kim). Nỗi sỉ nhục to lớn này vẫn chưa rửa được, mối hận quân Kim của kẻ bề tôi Đại Tống vẫn canh cánh trong lòng.

Lòng trung trinh ấy làm sao báo đây, nợ nước làm sao đền đây, những lời đanh thép, những câu phản vấn đầy nghĩa khí xung thiên và chí lớn muốn khuông phò báo quốc như những cơn sóng trào dâng khó ngăn cản nổi. Câu: “Cưỡi binh xa, Đạp nát Hạ Lan lầu các” đã biểu đạt chính xác dũng khí to lớn ấy, thực là khiến “kinh thiên địa, khấp quỷ thần” (trời kinh đất sợ, quỷ khóc thần sầu).

Theo đuổi cả cuộc đời của Nhạc Phi là quét sạch quân Kim, thu phục giang sơn, phục hưng cố quốc, do đó khi viết ra quyết tâm này, tác giả đã không nén nổi tình cảm, hào khí dâng trào, coi thường tất cả các gian nan hiểm trở.

Cưỡi binh xa” là tả cái khí thế và uy danh quân Nhạc gia. “Đạp nát Hạ Lan lầu các” là mơ về chiến công hiển hách. Hai vế đối chiếu lẫn nhau, động tác liên tục, có nhân có quả, hiển thị quyết tâm kiên định, thế mạnh không thể cản nổi, tin tưởng tất thắng. Đọc lên nghe khoan khoái tâm can. 

Chí lớn nuốt tươi lũ giặc Hồ
Nói cười thỏa khát máu Hung Nô 

Thật là khí phách biết bao, lại trấn định, ung dung biết nhường nào. Dùng hai động tác “nuốt”, “thỏa” mà bày tỏ thật rõ ràng nỗi căm thù, khí phách hào sảng. Hận giặc Kim giày xéo quê hương, đó là tự nhiên, thật dễ lý giải. Nhưng tại sao lại có “nói cười”? Đó chính là thể hiện tinh thần lạc quan, sự ngạo nghễ, khí phách ung dung của bậc quân tử trước quân giặc, trước phái đầu hàng là những kẻ làm quan triều Tống mà sợ quân Kim như sợ cọp, chỉ mong cầu an bán nước.

Theo đuổi cả cuộc đời của Nhạc Phi là quét sạch quân Kim, thu phục giang sơn, phục hưng cố quốc. (Ảnh dẫn theo Zing.vn)

Câu kết bài từ: “Lại từ đầu, thu lại cựu sơn hà, chầu cửa khuyết” là biểu thị niềm tin thắng lợi hoàn toàn, cất cao khúc khải hoàn, khí thế hào hùng, khích lệ lòng người. Ý nói sau khi quét sạch giặc Kim sẽ thu lại những vùng đất bị mất, để quốc thổ lại trọn vẹn như xưa. Lúc đó, sẽ ca khúc khải hoàn rút quân trở về, báo công lên triều đình.

Ở đây, từ “thu lại” nói thật nhẹ nhàng, thoải mái, niềm vui khi thắng lợi hoàn toàn tràn trề trong từng lời, mà từ “Chầu cửa khuyết” thật trang trọng nghiêm túc, nói lên thành thái, chân thành lúc báo công. Dù là hai loại ngữ điệu nhưng đều không rời chí báo quốc, khóa chặt với ý chỉ của bài từ, càng thấy rõ “chí hùng rúng động” không phải tự nhiên sinh ra, mà là tình ý chân thực của Nhạc Phi vậy.

Nói tóm lại, bài từ “Mãn giang hồng” đoạn đầu tả hồng nguyện giết giặc báo quốc, đoạn sau tả quyết tâm thắng lợi, bổ sung lẫn nhau, cùng làm nổi bật lên, hiện thị ra khí phách trung dũng yêu nước của tác giả. Cái ung dung mà son sắt, quyết liệt mà lý trí, khiêm nhường và hào hùng, khẳng khái, đọc lên làm cho người ta lòng nổi sóng trào vậy. 

Trần Đình Trác đời Thanh khi đọc bài từ này đã có lời bình rằng: “Trung can nghĩa đảm! Tráng chí ngút trời! Khí khái làm sao! Chí hướng biết bao! Ngàn năm đọc lại, vẫn lẫm liệt đầy sinh lực vậy!”.

Nam Phương biên dịch

Xem thêm: