Mỗi dân tộc trên thế giới đều có những đặc điểm trong tính cách con người rất đặc trưng, như người Pháp lãng mạn bay bổng, người Ý tự do phóng khoáng, người Mỹ cởi mở, người Nga chân thành chất phác, người Đức kỷ luật nghiêm túc, người Anh chế ngự cảm xúc bình thản trước mọi sự việc…

Với người Phần Lan, một bản sắc dân tộc có thể coi là có sự tương đồng, mặc dù nó đã được phát triển trong một môi trường hoàn toàn khác so với người Anh, được gọi là: “Sisu”.

Sisu tương đồng với khái niệm người quân tử của phương Đông

Theo như từ điển định nghĩa, thì Sisu được cho rằng nó liên quan tới sự “can trường”, “bền chí”. Là một phẩm chất của con người thể hiện sự can đảm, biểu hiện trong một thời gian kéo dài và thầm lặng đối mặt với mọi trở ngại có thể xảy ra và vượt qua những thất bại lặp đi lặp lại.

“Sisu” được cho rằng nó liên quan tới sự “can trường”, “bền chí”của người Phần Lan, một bản sắc dân tộc.  Ảnh dẫn theo drrichswier.com

Người có phẩm chất Sisu không chỉ bao hàm đức tính của một người hùng trong nguy nan cấp bách mà còn là sự thể hiện bình thản, tự tại không phô trương, hưng phấn trong đám đông tại những buổi tiệc tùng, vui vẻ.

Như 2 câu thơ nổi tiếng của Rudyard Kipling:

“If you can meet with Triumph and Disaster

And treat those two impostors just the same…”

Dù khi ca khúc khải hoàn hay đối mặt với nguy nan ta đều bình thản với chúng

Sisu cũng biểu thị sự chấp nhận về một thực tế khắc nghiệt mà không phàn nàn, nhưng không có nghĩa là khuất phục nó. Trái lại, một người có tinh thần Sisu sẽ bình tĩnh mà vững vàng vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống của mình. Nếu họ vượt qua được nó, họ sẽ đạt được chiến thắng nhưng họ không khoe khoang mà vẫn trầm tĩnh. Còn nếu họ bị thất bại, họ vẫn bình thản để tiếp tục. Trong một vài trường hợp hiếm hoi, Sisu cũng có thể được hiểu là thái độ cao quý và quân tử.

Sisu vì thế như một giá trị của quốc gia Bắc Âu nhỏ bé, nơi con người luôn phải trống chọi với khí hậu khắc nghiệp và láng giềng thù địch.

Con đường hình thành Sisu

Sisu đại diện cho những phẩm chất rất tích cực tuy nhiên trong lịch sử hình thành của từ vốn được cho là đi mượn này, không phải lúc nào nó cũng mang ý nghĩa tốt đẹp. Từ thế kỷ 16, từ Sisu lần đầu tiên đươc nhắc đến như một dạng tâm tính nào đó, nhưng dưới sự dẫn dắt của giới tăng lữ Lutheran thì từ Susi nhanh chóng đã biến thành từ mang ý nghĩa xấu. Từ này được bắt nguồn từ một bộ phận bên trong cơ thể con người, phần ruột (Sisucunda), nơi khởi đầu những vận động mạnh mẽ của hệ thống tiêu hóa. Nó đại biểu cho sự ương ngạch, chống đối một cách quyết liệt.

Sisu đã được cách tân trong những năm 1920 và 1930. Lúc này, Quốc gia mới độc lập đã tổ chức vinh danh chủ quyền bằng cách tìm kiếm và tự đổi mới tận gốc rễ. Những nỗ lực xây dựng một quốc gia lãng mạn đã bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 với việc “phát minh” những loại trang phục dân tộc và lịch sử anh hùng vang dội trong việc thiết lập Sisu như một điều gì đó độc đáo mang tính Phần Lan. Các môn thể thao được gắn với Sisu để chứng thực về sự bền bỉ và quyết tâm trong đấu trường quốc tế.

Các môn thể thao được gắn với Sisu để chứng thực về sự bền bỉ và quyết tâm trong đấu trường quốc tế. Ảnh dẫn theo cntraveller.com

Sisu đã đổi hướng thành một tính cách mang tính quốc gia, nó không còn là từ thể hiện một loại tâm tính nào đó. Ý nghĩa cổ xưa của Sisu về ương ngạch, cứng đầu đã trở thành một từ mang ý nghĩa đức hạnh, quân tử. Sự kiên quyết không phục tùng những cản trở bên ngoài trở thành một hy vọng về giá trị của cá nhân và toàn thể đất nước. Đây là giai đoạn khi mà quan điểm hiện đại của Sisu bắt nguồn.

Trong Thế chiến II, Sisu trải qua một sự nâng cao giá trị tới một trạng thái tột bậc thiêng liêng. Một trong những mô tả đầu tiên về Sisu trong tiếng Anh là về Chiến tranh Mùa Đông (1939 – 1940). Báo chí quốc tế đã miêu tả sinh động cuộc chiến của Phần Lan chống lại sự hung bạo của kẻ thù bằng cách thể hiện sự bền gan khác thường.

Theo trích đoạn của Thời báo Time ra ngày 8 tháng 1 năm 1940:

“Người Phần Lan có một điều gì đó gọi là Sisu. Đó là một tổ hợp của sự gan dạ, dũng cảm, của sự dữ tợn và sự bền bỉ, của khả năng tiếp tục chiến đấu sau khi đa phần những người khác sẽ rút lui, và chiến đấu hăng say để giành chiến thắng. Người Phần Lan gọi Sisu là “Tinh thần Phần Lan” nhưng đó là một cái gì đó hơn cả từ can đảm. Tuần trước người Phàn Lan đã cho thế giới một ví dụ điển hình về Sisu bằng cách tiến hành chiến tranh vào lãnh thổ Nga trong khi tại một mặt trận khác họ đã chịu được cuộc tấn công tàn nhẫn khác bởi cuộc tấn công tăng cường của quân đội Nga.”

Tiếp đó, Reader’s Digest (một tờ báo của Mỹ – thành lập năm 1920 và vẫn còn hoạt động tới ngày này) đã giật tít trong một bài báo của mình về chiến tranh tháng 3 năm 1940 là: “Sisu – Chỉ một từ nói lên Phần Lan”.

Quân đội Phần Lan di chuyển chiến đấu bằng ngựa, tuần lộc và ván trượt tuyết trong cuộc chiến mùa đông với Liên Xô cuối năm 1939, đầu năm 1940. Ảnh dẫn theo historynet.com

Ngày 30 tháng 11 năm 1939, ba tháng sau khi Thế chiến II bắt đầu, Liên Xô dưới sự cầm quyền của Stalin đã tuyên chiến với Phần Lan vì muốn đẩy lùi biên giới của mình sâu vào đất Phần Lan. Cuộc xung đột giữa hai nước trở thành một trong những trận đánh đáng ngưỡng mộ nhất trong lịch sử. Cuộc chiến ngắn nhưng tàn khốc này diễn ra vào một trong những mùa đông khắc nghiệt nhất thế kỷ 20. Số quân lính yếu ớt của Phần Lan chỉ bằng 1/5 so với quân Liên Xô phải đối mặt với 2,5 triệu lính dũng cảm sẵn sàng hi sinh vì Hồng quân cùng với những vũ khí tối tân nhất. Theo lịch sử, nhiều lính Xô Viết bị lạc đường do mùa đông ở Phần Lan có phần khắc nghiệt và rừng cây rậm rạp khó định hướng. Một phần do thời tiết và địa hình hiểm trở nhưng theo nghiên cứu của các nhà sử học, những người lính và người dân Phần Lan chia thành từng nhóm tấn công nhỏ gây ra những cơn hoảng loạn khủng khiếp cho quân đội Liên Xô. Chính vì vậy, cuộc xung đột này còn có tên là “tinh thần mùa đông Phần Lan” hay “Sisu”.

Người Phần Lan dường như rất thích thú với khái niệm được gắn với bản sắc dân tộc Sisu này. Đài phát thanh được nhà nước bảo trợ tại Thụy Điển phục vụ phần lớn các cư dân Phần Lan tại đất nước này được gọi là Đài phát thanh Sisu và cũng có các phương tiện truyền thông Sisu ở nhiều nơi khác nữa.

Hai thương hiệu đã được khởi nguồn trong thời kỳ hoàng kim của Sisu và chủ nghĩa quốc gia trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh, là viên ngậm Sisu (ra đời năm 1928) và xe tải Sisu (năm 1931). Hai thương hiệu sản phẩm này của người Phần Lan vẫn đang tiếp tục có mặt trên thị trường ngày nay.

Xe tải Sisu (năm 1931) sản phẩm này của người Phần Lan vẫn đang tiếp tục có mặt trên thị trường ngày nay. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Những yếu tố làm nên tinh thần Sisu

Trong cuộc sống, không ai có thể tự tin nói rằng mình sẽ không bao giờ gặp phải khó khăn, trở ngại nào. Những lúc như vậy, thì tinh thần Sisu chắc chắn sẽ giúp bạn vượt qua và đứng dậy một cách nhanh chóng và mạnh mẽ nhất. Đối diện với những khó khăn, hãy ghi nhớ những phẩm chất Sisu sau đây và can trường bước tiếp, bởi cuộc sống sẽ vẫn tiếp diễn và vấp ngã là điều khách quan không nằm trong kiểm soát của bạn.

  • Tập trung tinh thần, không nản trí

Mỗi giây phút khó khăn lại đòi hỏi chúng ta phải biết lắng nghe và tiếp thu tất cả các thông tin xung quanh. Muốn sử dụng tất cả nguồn lực cá nhân để đối mặt với khó khăn thách thức, chúng ta phải biết kiểm soát căng thẳng, đừng để bản thân trở nên hoảng loạn, hoang mang, oán trách và tức giận. Chẳng phải căng thẳng là cơ chế giúp chúng ta tập trung mọi nỗ lực vào một tình huống khó khăn hay sao. Vậy thì trước hết chính bản thân ta phải kiểm soát và hành động đúng đắn để tập trung tinh lực hồi phục và giải quyết vấn đề nhanh nhất. Những cảm xúc tiêu cực chỉ làm chúng ta phân tán hơn mà không giải quyết được vấn đề. Những người thật sự kiên trì và bền chí sẽ tập trung được hết năng lượng và trí óc vào những gì quan trọng nhất và mang lại nhiều lợi ích nhất.

 

Có câu rằng:

Mỹ hảo là thuộc về người tự tin, cơ hội là thuộc về người khai thác, kỳ tích là thuộc về người không bao giờ từ bỏ

  • Bình thản, tự tại, không tự mãn

Sisu không chỉ là khả năng đối đầu và vượt qua thất bại, ý nghĩa cao quý hơn nữa của Sisu là trong tột đỉnh vinh quang hay niềm hân hoan say đắm, khi con người dễ buông lơi bản thân theo những thỏa mãn và tự hài lòng, thì việc tiết chế và bình thản càng thêm khẳng định phẩm chất anh hùng, tự tại.

Ở vào mọi thời khắc, vẻ bề ngoài của người quân tử luôn phải toát lên phong thái kính cẩn, trang nghiêm, bình thản, thái độ nói chuyện yên ổn, kiềm chế, nhượng bộ trong sự lễ độ của bản thân, nói những lời hợp lý lẽ không khoa trương, kích động.

Sisu không chỉ là khả năng đối đầu và vượt qua thất bại, ý nghĩa cao quý hơn nữa của Sisu là trong tột đỉnh vinh quang hay niềm hân hoan say đắm thì vẫn tiết chế và bình thản.Ảnh dẫn theo youtube.com

Ngay cả khi đối diện với nỗi mất mát và tổn thương tột bậc, cả nội tâm và hành động đều phải không có oán hận, trách cứ. Cư xử có nhân nghĩa đạo đức mà không biểu hiện khoe khoang, suy xét vấn đề thông minh sáng suốt mà lời nói uyển chuyển khiêm nhường. Đó mới là phong thái của người hùng, người quân tử trượng nghĩa.

  • Biết sửa lại lý tưởng và mục tiêu

Ai cũng có một vài lý tưởng sống hay những mục tiêu đặt ra chưa hợp lý, đôi khi khiến ta lầm đường lạc lối. Vì vậy, trong những khoảnh khắc khó khăn và thất bại, sẽ chẳng có gì là nhục nhã nếu ta chỉnh sửa lại kim chỉ nang của mình, dựa vào nhân nghĩa và chính trực để đi thẳng tới nơi thực sự có sức mạnh, giá trị và bản sắc của bản thân ta.

  • Trung thực

Tại sao sự trung thực lại liên quan tới can trường? Nếu bạn không trung thực với bản thân mình, biết làm như thế là sai mà vẫn làm, rồi tự huyễn hoặc bản thân rằng đó là sự bền chí, kiên định thì chắc chắn con đường của bạn sẽ lệch dần và dẫn tới thất bại. Bởi mọi sự thành công trước hết đều phải là đem lại lợi ích cho những người khác mà không tổn hại, trà đạp lên ai.

An Tịnh – Thu Hiền

Xem thêm: