Những giai thoại nổi tiếng liên quan đến lời tiên tri về chuyện Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, lập nên triều Lý hùng cường với quốc gia Đại Việt vững mạnh ở thế kỷ XI – XIII khiến hậu thế không khỏi sửng sốt.
1. Tiên tri của các nhà sư
Người được cho là có dự cảm sớm nhất đối với sự ra đời của nhà Lý trong lịch sử nước Việt là thiền sư Định Không – đệ tử đời thứ 7 của thiền phái Diệt Hỷ. Được biết, thiền sư Định Không là người họ Nguyễn, ở làng Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (hiện nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Ông nổi tiếng là người am hiểu thế số. Trong sách “Thiền Uyển tập anh” cho rằng, ngay từ thời điểm những năm 785 – 804, tức hơn 200 năm trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, vị thiền sư này đã dự cảm được việc triều nhà Lý xuất hiện trong lịch sử. Câu chuyện này lại gắn liền với ngôi chùa Quỳnh Lâm (tức chùa Đài hay còn gọi là chùa Lục Tổ, ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) nổi tiếng đất Kinh Bắc.
Tương truyền, khi tiến hành xây chùa Quỳnh Lâm, lúc mới đào đất đắp nền đã phát hiện 1 cái ly hương và 10 cái khánh. Sau đó, sư sai người đem xuống sông rửa sạch. Một cái khánh bị rơi xuống tận đáy sông. Thiền sư Định Không cho rằng đây là điềm báo tốt, liền nói với mọi người: Chữ thập, chữ khẩu hợp thành chữ cổ. Chữ thuỷ, chữ khứ hợp thành chữ pháp. Chữ thổ chỉ làng ta ở nên sư quyết định đặt tên làng mình từ Diên Uẩn thành Cổ Pháp.
Sau đó, sư tụng rằng:
Hiện ra pháp khí
Mười hai chuông đồng
Họ Lý làm vua
Ba phẩm thành công.
Bản thân vị thiền sư đã có dự cảm về sự xuất hiện của triều Lý.
2. Sách Đại Việt sử kí toàn thư
Sách Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 2, có đoạn chép như sau: “Thái Tổ hoàng đế họ Lý, húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang (nay là đất Tiên Sơn, Bắc Ninh), mẹ người họ Phạm, đi chơi chùa Tiên Sơn (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), cảm ứng với thần rồi về có mang sinh ra Ngài vào năm 974, cuối thời Đinh”.
Trước đó mấy tháng, ở viện Cảm Tuyền thuộc chùa Ứng Thiên Tâm trong châu Cổ Pháp, có con chó mẹ đẻ chó con màu trắng nhưng lại có những đốm lông màu đen xếp thành hình hai chữ “Thiên tử”. Do vậy mà từ miệng các nhà trí thức địa phương, rồi sau đó là dân chúng trong vùng, đã lan truyền câu chuyện rằng: “Đến năm Tuất sẽ sinh ra một người làm Thiên tử”. Quả nhiên, Lý Công Uẩn sinh ra ở vùng này vào đúng năm Giáp Tuất (974) ấy. Tuy vậy, vì có nhiều người cũng sinh vào năm này, nên sự kiện ấy lúc bấy giờ chẳng có ý nghĩa gì, ngoại trừ việc người mẹ không chồng mà chửa gây nên sự dị nghị của mọi người.
Cũng tại ngôi chùa tọa lạc trên sườn núi Tiêu ở huyện Tiêu Sơn (Bắc Ninh) này, cuối thế kỷ XX, các nhà sử học đã phát hiện ra một sự thật lịch sử. Đó là những thông tin quý giá, hé mở sự thật về người đàn bà đã sinh ra Lý Công Uẩn. Những dòng chữ của tiền nhân còn lưu lại trên bia “Lý gia linh thạch” rằng, người phụ nữ sinh ra Lý Công Uẩn tên thật là Phạm Thị Ngà. Bà là người làng Hoa Lâm, làm thủ hộ của nhà chùa, chuyên quét sân, làm vườn, và lo nhang đèn…
Sự đầu thai đã nhuốm mầu thần bí, rồi sự chào đời của Lý Công Uẩn, cũng vậy: “… một đêm, trời trong sáng lạ thường, có mây ngũ sắc xuất hiện, vị sư trụ trì ở chùa Ứng Thiên Tâm đã được báo mộng là ngày mai phải đón vua. Nhưng sáng sớm hôm sau chỉ thấy người đàn bà Phạm Thị Ngà đang xin tạm ở chùa sinh được một người con trai khôi ngô, trong lòng bàn tay lại có bốn chữ “sơn – hà – xã – tắc” đỏ như son”.
Việc này, càng nói thêm việc Lý Công Uẩn lên ngôi là đã có sự báo trước.
3. Bài thơ sấm trên cây gạo làng Diên Uẩn
Theo sách “Thiền Uyển tập anh“, cây gạo làng Diên Uẩn do thiền sư Đinh La Quý trồng ở chùa Châu Minh, thuộc hương Cổ Pháp vào năm 936 thời Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ.
Năm 1009, sau 73 năm tồn tại, cây gạo làng Diên Uẩn bị sét đánh nhưng không chết. Theo ghi chép của các bộ sử như: Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tại chỗ sét đánh trên thân cây có bài thơ sấm mà sau này có ý kiến của các nhà nghiên cứu cho rằng tác giả chính là sư Vạn Hạnh.
Việt sử lược, bộ sử cổ nhất Việt Nam, chép nội dung bài thơ có 8 câu như sau:
Thụ căn diểu diểu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành
Chấn cung kiến nhật
Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình
Dịch thơ:
Gốc cây thăm thẳm
Ngọn cây xanh xanh
Cây hòa đao rụng
Mười tám hạt thành
Cành đông xuống đất
Cây khác lại sinh
Đông mặt trời mọc
Tây sao náu hình
Khoảng sáu bảy năm
Thiên hạ thái bình
Các sách sử đời sau như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép thêm 2 câu nữa (Đông A nhập địa/ Mộc dị tái sinh) vào trước câu Chấn cung kiến nhật, thành bài thơ gồm 10 câu. Bài thơ được người đời sau cắt nghĩa:
Câu 3: chữ Hòa (禾) + chữ đao (刀) + chữ mộc (木) ghép lại thành chữ lê (黎); lạc (落) nghĩa là rụng, mất. Câu 3 tiên đoán nghĩa cây đổ, nhà Tiền Lê mất.
Câu 4: chữ thập (十) + chữ bát (八) + chữ tử (子) ghép lại thành chữ lý (李); thành (成) nghĩa là nên. Câu 4 tiên đoán nhà Lý thay nhà Lê.
Câu 5: chữ Đông (東) ghép với chữ A (阿) thành chữ Trần (陳). Câu 5 tiên đoán họ Trần làm vua.
Tổng quát, bài thơ được giải mã mang nội dung tiên đoán việc nhà Lý nối nghiệp nhà Tiền Lê, cũng như tên các triều đại kế tục tiếp theo trong lịch sử Việt Nam suốt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX.
Lời bàn:
Sách sử xưa đều ghi chép lại về sự xuất hiện của các vua chúa hay bậc thánh nhân chuyển sinh đều có những điềm báo trước. Những người giỏi kinh dịch, bói quẻ, hay những người tu luyện khai mở công năng đều có thể tính và thấy được. Điều đó chứng tỏ cuộc đời mỗi người đều có an bài, lại càng minh chứng cho câu nói “trên đầu 3 thước có thần linh”. Triều đại nhà Lý là thời kỳ hưng thịnh phát triển của Phật giáo ở nước ta, người dân kính ngưỡng Thần Phật, tu thiện tích đức. Có lẽ chính bởi vậy nhà Lý mới hưng thịnh phát triển, nhân dân ấm no hạnh phúc, mở đầu một vương triều thịnh vượng lâu dài, thời kỳ phục hưng toàn diện của đất nước.
Vô Tư (tổng hợp)
Xem thêm: