Thiện lương không chỉ thể hiện ở việc không làm tổn thương người khác, có thể giúp đỡ người khác khi gặp nguy nan, mà còn ở chỗ không nhìn vào điểm xấu của người khác.

Trong kho tàng truyện cổ Phật gia có kể về một sa môn vốn xuất thân là một tên cướp khét tiếng hung tàn, sở thích của hắn là giết người chặt ngón út của tay trái nạn nhân làm vòng đeo. Hắn tổng cộng đã giết được 999 người, chỉ còn một người duy nhất nữa là hoàn thành tâm nguyện.

Một hôm, Phật Thích Ca cầm y bát vào thành Savatthi hóa duyên khất thực. Sau khi dùng bữa xong, trên đường trở về tịnh xá, Đức Phật gặp tên cướp Angulimāla. Tên cướp thấy Đức Phật đi một mình nên quyết định ra tay sát hại, hắn cầm đao nhằm về hướng đức Phật mà đuổi tới. Tuy nhiên, dù hắn có cố gắng ra sức chạy tới đâu cũng chẳng thể nào đuổi kịp Đức Phật.

Thấy quá lạ, tên cướp Angulimāla nghĩ: “Thật kỳ lạ, trước đây mình có thể đuổi kịp voi, ngựa, nai, thậm chí cả chiếc xe đang chạy, sao bây giờ không thể đuổi kịp một sa môn Cồ Đàm đi bình thường”. Nghĩ vậy nên hắn cất tiếng: “Này sa môn, hãy dừng lại! Hãy dừng lại, sa môn!” để gọi Đức Phật.

Tên cướp cố gắng ra sức chạy nhưng chẳng thể nào đuổi kịp Đức Phật. (Ảnh: youtube.com)

Đức Phật nghe vậy mới nhẹ nhàng đáp: “Ta đã dừng lại lâu rồi, chỉ có ngươi là chưa”.

Tên cướp nghe vậy, nghĩ bụng: rõ là đang đi sao lại nói dừng rồi? Hắn nghi hoặc: “Ông đi mà lại nói ‘Ta đã dừng rồi’, còn tôi đang dừng, ông lại nói tôi đang đi nghĩa là sao?”.  

Đức Phật giải thích: “Với mọi chúng sinh, ta bỏ trượng, kiếm; còn ngươi, không tự kiềm chế, gieo rắc giết chóc và hận thù, nên ta đã dừng mà ngươi chưa dừng”.

Lời nói của Đức Phật tựa như tiếng chuông chùa đổ vọng sớm hôm, như tiếng thức tỉnh nơi sâu thẳm tâm hồn của tên cướp. Bao năm nghiệp nặng chất chồng, liệu có thể hối cải quay đầu được chăng? Angulimāla nói: “Bao năm gây ác không ngừng, đâu có cách nào quay đầu hối cải?”.

Đức Phật biết cơ duyên đắc độ của Angulimāla đã đến nên đã thuyết đạo giảng Pháp cho Angulimāla nghe. Sau khi được Đức Phật cảm hoá, Angulimāla quyết định xuống tóc theo tăng đoàn cùng Đức Phật xuất gia tu đạo.

Sau khi được Đức Phật cảm hoá, Angulimāla quyết định theo tăng đoàn cùng Đức Phật xuất gia tu đạo. (Ảnh: youtube.com)

Việc Angulimāla bỏ ác làm lành đã khiến cho không ít người bất ngờ. Từ một kẻ chuyên sát sinh hại mệnh, lấy trộm làm nghề, lấy cướp mưu sinh lại có thể đột ngột thay đổi, trở thành một người nói điều chân, làm điều thiện. Đây thực sự là một việc quá sức tưởng tượng của mọi người…

***

Phật gia giảng: “Chúng sinh trên đời đều có thiện căn”, Mạnh Tử cũng từng nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người chúng ta khi sinh ra ai cũng mang trong mình sự thuần khiết, thiện lương. Nhưng năm tháng qua đi, đa phần chúng ta đều bị cái thùng thuốc nhuộm cuộc đời này nhiễm đục, để rồi tâm hồn trở nên bất thuần, bất thiện, bất chân. Nhiều người dần dần sống cuộc đời thân bất do kỷ, họ ngày một trở nên xấu xa, họ ngày một đánh mất chính mình.

Nhân vô thập toàn, đã là con người ai mà không từng sai phạm, ai mà không từng có lỗi lầm. Làm người, nếu như đối nhân xử thế chỉ nhìn vào điểm xấu của người khác thì chẳng thể nào hoà hợp với nhau, chẳng thể nào sống tốt hơn được. Kỳ thực, thiện lương không chỉ thể hiện ở việc không làm tổn thương người khác, có thể giúp đỡ người khác khi gặp nguy nan, mà còn ở chỗ không nhìn vào điểm xấu của người khác.

Có câu: “Người thiện lương không nhìn vào điểm xấu của người khác”. Kỳ thực, khi một người thường hay chú ý đến điểm xấu của người khác, điều đó cho thấy rằng bản thân người ấy cũng là người không hoàn thiện, và điểm xấu mà họ chú ý đến cũng chính là vấn đề tồn đọng của bản thân họ.

Ai trong đời cũng từng là người tốt, ai trong đời cũng từng xấu xa, vậy nên đôi khi để đánh giá một người, chúng ta không chỉ là nhìn vào bề mặt, nhìn vào hiện trạng của họ ngày nay mà còn cần phải xét từ góc độ xa hơn. Tên cướp Angulimāla cả đời đã gây ra vô số ác nghiệp, giết người vô số, chính vua Pasenadi cũng phải kinh sợ hắn. Ấy vậy mà Phật Thích Ca chỉ bằng sự từ bi lại có thể thu phục hắn, không những giúp hắn từ bỏ cái ác mà còn xuất gia tu đạo, trở thành một Tỳ kheo tôn kính.

Tên cướp Angulimāla tàn ác như vậy nhưng đức Phật vẫn cho anh ta một cơ hội để thay đổi. (Ảnh: youtube.com)

Người làm sai không xấu, cái xấu là điều làm sai, có thể trong một lúc nào đó trong quá khứ hoặc hiện tại vì lý trí bị mê mờ mà gây ra tội, nhưng sau này không như thế nữa, sửa đổi thành người tốt, điều đó hoàn toàn có thể. Còn nếu như một người lấy cái ác để trị cái ác thì vẫn cứ là ác, cái ác nối tiếp cái ác, mãi mãi chẳng thể có ngày kết.