Nghệ thuật là tôn vinh cái đẹp. Các nghệ sĩ do vậy luôn cặm cụi tìm cách thể hiện cái đẹp và nắm bắt được nghĩa lý chân chính của cái đẹp. Tuy nhiên, như một nàng công chúa ngủ trong rừng, nghệ thuật không dễ để cho chàng hoàng tử tìm ra được.
Người nghệ sĩ nào tìm ra được ‘bí quyết làm đẹp’ cho những tác phẩm của mình, thì sẽ hạnh phúc như chàng hoàng tử đã tìm ra và đánh thức được nàng công chúa xinh đẹp; vì khi đó các đứa con tinh thần của họ đã thực sự trở thành các tác phẩm nghệ thuật đích thực.
Vẻ đẹp của những bông hoa đã nở quá xuân thì
Đối với nhiều người, đến với một khu vườn đầy hoa lá là cách để họ thoát khỏi hiện thực nặng nề, tìm kiếm sự bình an và trở về nguồn cội.
TM Glass, một nghệ sĩ người Canada, lại tin rằng, vẻ đẹp của mỗi khu vườn nên luôn được gắn liền với cuộc sống của mỗi chúng ta.
Glass là người đi tiên phong trong một môn nghệ thuật mới, kết hợp nhiếp ảnh với vẽ tranh sử dụng kĩ thuật số, nhưng vẫn tuân thủ các quan điểm của nghệ thuật cổ điển mà đang ngày càng xa cách khỏi xu hướng nghệ thuật đương đại.
Họa sĩ này giải thích: “Trong thế kỉ qua, nhiều kiến trúc sư và nghệ sĩ đã tin rằng cái đẹp không nhất thiết phải có mặt trong các tác phẩm nghệ thuật”.
Nhưng Glass, cũng như nhiều nghệ sĩ khác ngày nay, tin rằng đã đến lúc cần khôi phục lại cái đẹp theo tính thẩm mĩ truyền thống – là cơ sở để ông chọn ra một chủ đề hoàn hảo cho con đường nghệ thuật của mình.
“Hoa đúng là những vật thể đẹp đẽ nhất trên hành tinh này”, Glass nói. “Trong hàng ngàn năm qua, hoa đã là một biểu tượng của tình yêu và hòa bình – nhân loại từ lâu đã thừa nhận vẻ đẹp của hoa rồi. Đối với một nghệ sĩ như tôi, ghi lại vẻ đẹp của hoa cũng là điều mà tôi có thể theo đuổi để cống hiến cho thế giới hôm nay”.
Tình yêu của người nghệ sĩ này với những bông hoa đã bắt đầu từ khi ông còn rất nhỏ.
Khi đến chơi nhà bà ngoại, cậu bé Glass đã phát hiện có một sự thay đổi tuyệt vời của khung cảnh; từ một nơi chỉ có những “thân cây cằn cỗi trên bãi cỏ trước nhà của một vùng ngoại ô”, tới một khu vườn tuyệt đẹp của bà, với đầy những cây hoa hồng, hoa oải hương, hoa ly, hoa ti gôn, hoa tulip, hoa thủy tiên và nhiều loại cây ăn quả; “giống hệt như một thiên đường thu nhỏ”, người nghệ sĩ nhớ lại.
“Khu vườn của bà đã tạo cho tôi cảm hứng rằng, tới một ngày nào đó tôi cũng có cho riêng mình một khu vườn như vậy”.
Khi đã trở thành một sinh viên ngành nghệ thuật, cũng giống như một người mẹ thường ghi chép lại những đổi thay của đứa con nhỏ mới sinh của mình, Glass cũng “bắt đầu sáng tạo ra khu vườn của riêng mình bằng cách tư liệu hóa các loài hoa; với một chiếc máy ảnh đơn giản và thô sơ”, anh nói với một nụ cười dễ mến.
Đó chỉ là một chiếc máy ảnh 6 megapixel đơn giản – một chặng đường dài đến chiếc máy 100 Megapixel mới mà anh đang có hiện nay. Nhưng sở thích tưởng chừng như bình thường này đã trở thành một niềm đam mê và một môn nghệ thuật độc đáo, trong khi vẫn trung thành với quan điểm nghệ thuật của William Morris, nhà thiết kế tiên phong của phong trào nghệ thuật và nghề thủ công quốc tế ở Anh quốc vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, người đã tạo cảm hứng cho nghệ thuật trang trí trở về với nghệ thuật thủ công truyền thống và vẻ đẹp theo phong cách cổ điển.
Một số triết lý của Morris đặc biệt đồng cảm với Glass trong khi ông đi tiên phong trong việc sử dụng một phương tiện truyền tải mới là vẽ tranh kết hợp chụp ảnh kĩ thuật số.
“Khi bạn cắt rời những bông hoa ra khỏi gốc, chúng có thể rất đẹp, nhưng bạn hiểu rằng vẻ đẹp đó sẽ không thể giữ được lâu, vì vậy những bông hoa đã nở quá xuân thì có vẻ như càng cần được tôn quý, bởi lẽ hương sắc của chúng đã được chuyển vào bình cắm, thay vì lan tỏa trên mặt đất”, người nghệ sĩ nói. “Triết lý này làm tôi rất xúc động”.
Glass giải thích rằng: “Trong nhiều thế kỉ, các nghệ sĩ đã tạo ra nhiều chiếc bình để cắm hoa – hũ, lọ, và thậm chí là cả những chiếc ấm pha trà – bởi vì mọi người có sở thích tôn vinh vẻ đẹp của hoa trong phòng ở, thậm chí cả ở nơi làm việc. Vì vậy, bây giờ tôi cần tìm ra những chiếc bình đẹp nhất trên thế giới mà tôi có thể tìm thấy, để cắm những bông hoa của tôi vào đó”.
Sau khi chụp lại hình ảnh của những chiếc bình quý vô giá từ Bảo tàng Hoàng gia Ontario Toronto và Bảo tàng Gardiner, nghệ sĩ người Canada này sẽ tới Anh để chụp hình những chiếc bình từ bộ sưu tập của Hoàng gia Anh.
Trong khi Glass đi tiên phong trong việc dùng một phương tiện truyền bá, trong đó kết hợp kĩ thuật số để pha trộn vẻ đẹp hoàn hảo của các loài hoa với những chiếc bình hiếm nhất thế giới đó, cách tiếp cận này dường như vẫn có cội rễ từ tư duy và kĩ thuật cổ xưa.
Một sắc thái cổ điển
Glass nhận xét:
“Trong khoảng thời gian từ 60 đến 100 năm vừa qua của lịch sử nghệ thuật thế giới, các nghệ sĩ hiện đại có vẻ như đã không còn suy nghĩ về chiều sâu của những bức tranh của họ nữa. “Con lắc đã đi lệch ra xa, như có thể thấy trong tranh nghệ thuật đương đại, nơi mà hình ảnh đã trở nên phẳng lì hết cỡ – tới mức người ta nhận ra rằng nó chỉ còn là một lớp sơn trên vải”.
Đối với Glass, những bức tranh hai chiều thiếu sức sống – hay phương tiện nhiếp ảnh đơn lẻ – sẽ không làm cho những tín đồ của các loài hoa cảm thấy thỏa mãn.
Glass nói: “Ý định nghệ thuật của tôi là lưu giữ lại mãi mãi những ký ức và giấc mơ về các loài hoa và những chiếc bình cắm hoa. Máy ảnh dù sao cũng chỉ là một cái máy, và chỉ là một thiết bị bị giới hạn trong cách nó có thể nhìn và giữ được hình ảnh. Nhưng tâm trí con người lại ghi nhớ hình ảnh nhìn thấy theo một cách hoàn toàn khác. Đối với các hình ảnh của tôi, tôi sẽ xử lý ánh sáng theo cách của một nhà điêu khắc, trong đó định hình một vật thể thông qua ánh sáng và bóng đổ.
Trong trường lớp nghệ thuật, Glass đã may mắn được học tập với các giáo viên có kinh nghiệm về nghệ thuật, lịch sử và kĩ thuật cổ điển, những người đã nắm vững các nguyên tắc cơ bản của ánh sáng, bóng đổ và bố cục cho một bức tranh, được coi là yếu tố quan trọng nhất của vẻ đẹp cổ điển, nhưng đã bị lãng quên trong nhiều thập kỉ qua.
“Mặc dù máy ảnh chụp được những chi tiết tinh tế nhất, nó vẫn không bao giờ giống như hình ảnh đọng lại trong trí nhớ của tôi về những bông hoa này.”
Glass nói: “Khi mọi người nhìn vào một thứ gì đó đẹp đẽ, họ lập tức cảm nhận được ngay, đó chính là bản năng của con người”.
Glass nói:
“Đối với hầu hết mọi người, khi tiếp xúc với thiên nhiên, họ đều có cảm giác thanh thản và hạnh phúc, cả về thân thể lẫn tinh thần. Họ có thể nhìn ngắm một bông hoa, một chiếc lá, một con chim hay một cái cây, nhưng đều cảm thấy có một sự cộng hưởng về cảm xúc. Lý do là, thiên nhiên đã tạo ra vạn vật theo một tỉ lệ vàng. Quan điểm nghệ thuật này đã được hồi sinh trong thời kỳ Phục hưng. Các họa sĩ và kiến trúc sư trong suốt các thời đại lịch sử khác nhau – ví dụ người Ai Cập cổ đại và người Hi Lạp cổ đại – đã luôn luôn sử dụng tỉ lệ vàng của thiên nhiên này cho các tác phẩm của mình”.
Glass cũng đã để nền đen cho tất cả các bức tranh của ông, là một kĩ thuật được sử dụng bởi các nghệ sĩ bậc thầy của Hà Lan vào các thế kỷ 16, 17 và 18. Glass giải thích: “Khi vẽ hoa và những bức tranh tĩnh vật, các nghệ sĩ Hà Lan xưa đã khám phá ra rằng nếu họ sử dụng nền đen, thì các màu sắc của hoa nhìn sẽ rất giống với ngọc ngà châu báu. Đây là cách để làm cho màu hoa trở nên rất quyến rũ”.
Việc Glass tìm ra công thức để pha trộn một cách kỳ diệu công nghệ mới với lý thuyết nghệ thuật cổ điển, một khái niệm truyền thống đặc biệt xuất sắc – đã làm sáng tỏ lý do tại sao những tác phẩm nghệ thuật của ông lại đặc biệt như vậy.
Nhiều thế kỉ trôi qua đã chứng tỏ, những người nghệ sĩ và nghệ nhân, với tinh thần độc lập, quan điểm và tâm hồn độc đáo, thường tìm được lối vào các tác phẩm nghệ thuật đích thực. Glass không phải là ngoại lệ, mỗi lần vẽ, ông lại dồn hết trái tim và tâm hồn mình vào trong một bức tranh duy nhất, liền trong khoảng thời gian từ hai đến ba tháng.
Glass tổng kết: “Mặc dù máy ảnh có thể chụp được những chi tiết sắc sảo nhất, nó vẫn không bao giờ giống hệt như hình ảnh được ghi trong trí nhớ của tôi về những bông hoa này. Vì vậy, tôi đã sử dụng công nghệ kĩ thuật số mà tôi có, để đưa bức ảnh đó vào trí nhớ của tôi và tìm ra kết quả mà tôi yêu thích, và vì vậy nó đã trở nên có tính chất rất cá nhân. Tác phẩm là sự kết hợp trí nhớ của tôi với bộ nhớ của chiếc máy ảnh về những bông hoa đó”.
Theo Taste of Life
Hạo Nhiên biên dịch