Trong cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế Siena được diễn ra tại Ý, có một bức ảnh như muốn níu giữ chân người xem. Đó là bức ảnh có tựa đề: Ở nơi tận cùng thế giới của nhiếp ảnh gia người Nga Alessandra Meniconzi (Giải Nhất thể loại Phiêu lưu & Thám hiểm). Người ta nói đó là bức ảnh đầy uy lực, vì sao vậy? 

Bức ảnh gợi cho người xem về sự khắc nghiệt của mùa đông lạnh giá ở một nơi được gọi là “tận cùng thế giới”, có lẽ là vùng Si-bê-ri, nơi mà ánh nắng mặt trời như chịu thua trước những cơn gió tuyết thấu thịt xương.

Nếu chúng ta, ở trong những thành phố rực ánh đèn, thì đêm Giáng sinh có thể là một đêm ấm áp, lung linh, khi những bông tuyết rơi thật lãng mạn qua khung cửa sổ sáng ánh đèn, và mọi người quây quần hạnh phúc quanh bữa tiệc chào đón Giáng sinh và năm mới với ngỗng quay và vô số món ăn ngon lành..

Nhưng đâu đó, ở tít nơi tận cùng của thế giới kia, thì giá lạnh và băng tuyết có lẽ không phải điều nào đó vô cùng lãng mạn, mà trái lại là sự khắc nghiệt gia tăng thêm cho cuộc sống chống chọi với cái lạnh mùa đông, với lửa đủ sưởi ấm, với bữa ăn đủ no hàng ngày.

Tuy vậy, đôi má nẻ của em gái hồng rực, mặc dù xung quanh chỏm má trắng bệch như tuyết. Đôi má đỏ như một biểu tượng của sức mạnh, uy lực của cuộc sống, niềm tin tưởng, hi vọng vào sự sống, một niềm tin vào mùa giáng sinh an lành. Với sức vóc nhỏ bé, em gái chỉ có thể kéo lê cành thông dưới tuyết, có lẽ không phải để về trang trí, mà chỉ để nhóm lò nấu bữa ăn…

Ở một nơi tận cùng của thế giới, nơi mà tuyết rơi trắng trời, cây cối vạn vật như đang đi tìm cho mình nơi ẩn lấp chờ đợi qua mùa đông này. Ánh nắng chiếu xuống như yếu ớt chẳng đủ xua tan lớp tuyết dầy. Nơi đó vẫn có bóng dáng bé nhỏ mưu sinh, vẫn vật lộn đủ để nói lên niềm tin vào sức sống mãnh liệt. Các em khác ở nơi thành phố, có lẽ giờ này đang ngồi học trong trường, hay đang chơi trò ném tuyết nơi công viên. 

Một sắc màu ấm áp duy nhất trong không gian lạnh lẽo ảm đạm, là ánh nắng mặt trời nhạt và đôi má đỏ hồng của em, đôi chân nhỏ kéo theo niềm hi vọng.

Ở nơi tận cùng thế giới (Ảnh: boredpanda.com)

Giữa khoảng không tĩnh lặng, không tìm đâu một cánh chim bay, cây cối đứng im như chịu trận, một màu trắng của tuyết phủ kín tới tận chân trời.

Em bé với đôi má đỏ hồng như mặt trời nhỏ, đỏ rực như trái tim ấm nồng. Ông mặt trời như đang cố gắng, chiếu tia nắng yếu ớt làm ấm đôi chân em. Nhưng chẳng đặng mặt em một màu của tuyết, chỉ đôi má kia là đủ ấm rồi.

Em cặm cụi kéo một cành thông đi trong tuyết, đôi môi mím chặt, có lẽ cành thông buộc choàng qua vai để kéo đi vẫn quá nặng so với sức vóc của em gái nhỏ. Nhưng vì mưu sinh, cành thông này có thể đủ để em nấu chín bữa tối…

Đôi mắt em chỉ có thể nhìn xuống đường đi và có rất nhiều suy tư trong đôi mắt ấy, đôi mắt nhiều gợn sóng, trầm ngâm, cộng thêm đôi môi mím chặt. Có lẽ gánh nặng mưu sinh đặt lên vai em đã quá nặng rồi…

(Ảnh: boredpanda.com)

Hẳn em cũng có những mong ước, cũng mong tới ngày được viết lên điều ước gửi tới ông già Noel. 

Em bé ấy có thể như ‘cô bé bán diêm’ của nhà văn Đan Mạch Andersen, nhìn qua cửa sổ để ngắm những có gia đình đoàn tụ bên ánh lửa và bữa tiệc ấm áp với những lời cầu nguyện cho mùa Giáng sinh an lành.

Em cũng có thể sẽ đốt hết bao diêm với những lời cầu nguyện, ánh sáng ấy là tia hi vọng về một nơi ấm êm mà em đang mơ.

Cô bé bán diêm vẫn thắp lên những que diêm hy vọng cuối cùng…(Ảnh: giadinhvietnam)

Giống như cô bé trong bức ảnh, cô đơn giữa một khoảng trời lạnh giá, rộng lớn bao la, chẳng một loài muôn thú, nhưng lại mang theo một niềm tin hi vọng, vào một điều kì diệu mà cô đang nghĩ suy để gửi tới Chúa. Một niềm tin sắt đá vào một tương lai tốt đẹp đã làm em bước đi thật vững chắc, đạp lên cái lạnh giá đầy khắc nghiệt.

Em bé ấy là hình ảnh của rất nhiều những em bé khác đang ấp ôm niềm hi vọng vào một ngày mai

Có những em bé vẫn hằng ngày co ro trong cơn rét, nếu em là đứa trẻ may mắn có mẹ có cha, em sẽ có nơi để về trong đêm trú đông lạnh lẽo.

Em sẽ được ôm ấp trong vòng tay của mẹ, để em cảm thấy mình ấm hơn. Đó chính là hình ảnh những em bé vùng cao, với đôi chân trần trong giá rét, phong phanh tấm áo mỏng trên mình, nhưng miệng vẫn cười như thể trời không lạnh. Cha mẹ em nghèo lắm, nên em chẳng có gì. Đôi chân nhỏ với tấm thân gầy, em vẫn bước đi trong giá rét.

Nhưng có những em bé chẳng có gì trong cuộc sống, khi co ro trong chiếu đất chăn trời. Sẽ không khỏi làm ta dấy lên lòng thương cảm, xót xa.

Xung quanh ta vẫn còn rất nhiều những hình ảnh đó, nhưng nếu được hỏi em ao ước gì, em vẫn có những ước mơ nhỏ bé, ngỡ tưởng rằng đó sẽ sự giản đơn, nhưng với em đó mãi là điều ước, bởi vị thần kia như quên mất lời nguyện cầu.

Có thể nói rằng, bức ảnh em bé Siena của nhiếp ảnh gia người Nga là một thông điệp đầy nhân văn trong cuộc sống, nó không chỉ là một sự khắc họa chân thực nhất của nghệ thuật nhiếp ảnh, mà đó là cả một thông điệp phía sau.

Tác giả muốn chúng ta biết ơn cuộc sống, khi ta có đủ cơm ăn áo ấm. Muốn ta cảm ơn định mệnh, khi ưu ái cho ta một mái ấm gia đình, muốn ta biết cảm ơn tất cả. 

Cảm ơn cuộc sống đã cho ta sự no đủ, cảm ơn định mệnh đã cho ta có gia đình đầy đủ (Ảnh: cdnvn.com)

Nhưng cũng lại khơi lên tình người đầy xúc cảm, một cái ôm cho những mảnh đời thiếu thốn. Một sự sẻ chia cho vơi nỗi lòng, và như một lời gửi gắm: cần lắm những mảnh ghép cảm thương. Hơn hết là những nghị lực phi thường, sự chống trả vượt lên mọi khắc nghiệt để được sống như những mầm cây trong bão tuyết. Vẫn vươn lên mà chẳng thể giết chết đi niềm tin và hi vọng.

Thông điệp của bức ảnh là sâu sắc vô cùng, nhưng dẫu người xem có thể có nhiều cảm nhận, nhưng chúng tôi vẫn muốn gửi tới độc giả, những người thiếu đi may mắn trong cuộc đời, đang từng ngày chịu đựng sự khắc nghiệt của số phận, hãy vươn lên và đừng từ bỏ niềm tin, như em bé này bước đi trong lạnh giá, vẫn mang theo một niềm tin bất diệt vào một ngày mai, Chúa sẽ nghe thấy lời thỉnh cầu, và hạnh phúc sẽ mỉm cười với bé.

Em bé này bước đi trong lạnh giá, vẫn mang theo một niềm tin bất diệt vào một ngày mai. (Ảnh: tamsugiadinh.vn)

Trong gian khổ mà luôn hi vọng, luôn tin tưởng vào sự thấu hiểu của đấng linh thiêng, chính là lúc con người ta tìm được nơi dựa vững chắc trong tâm hồn họ. Đức tin sẽ mãi tỏa sáng sưởi ấm những tâm hồn đang lạnh giá, giúp họ vượt lên trên sự thống khổ của hoàn cảnh sống dẫu có đọa đầy.

Tịnh Tâm – Hà Phương